Scorpius

Chọn Trung Nguyên hoặc G7: Tính toán đầy sắc sảo của bà Thảo nhưng làm công ty suy yếu trước đối thủ?

Cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực của 2 cổ đông chủ chốt của Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể sẽ sớm đi đến hồi kết. Sau nhiều lần hòa giải, việc phân chia tài sản sẽ được quyết định trong phiên tòa dự kiến tổ chức vào ngày 30/1 tới đây.

Thông tin đáng chú ý trước phiên tòa là bà Thảo đề nghị tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng hiện nay sẽ chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7.

Quyền lựa chọn đầu tiên thuộc về ông Vũ, nghĩa là nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại. Hơn nữa, sau khi đã chọn rồi, ông Vũ vẫn có thêm 1 tháng để suy nghĩ và thay đổi quyết định, theo đó, bà Thảo sẽ tiếp tục tôn trọng và chấp nhận lựa chọn cuối cùng của ông Vũ.

Việc chia tách Trung Nguyên - nếu được thực hiện - có thể coi là giải pháp tốt để sớm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn dai dẳng giữa hai bên. Nó có nhiều điểm thuận lợi hơn việc chia đôi số cổ phần chung của 2 người với tài sản quan trọng nhất là cổ phần tại công ty mẹ tối cao của hệ thống Trung Nguyên là CTCP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment).

Xem thêm: Xuất hiện 1 công ty nắm quyền kiểm soát mọi tài sản chung, hé lộ tỷ lệ sở hữu thực sự của ông Vũ bà Thảo tại Trung Nguyên

Trung Nguyên Investment có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, nắm giữ quyền kiểm soát đối với CTCP Tập đoàn Trung Nguyên cùng 2 pháp nhân khác là Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông.

Chọn Trung Nguyên hoặc G7: Tính toán đầy sắc sảo của bà Thảo nhưng làm công ty suy yếu trước đối thủ? - Ảnh 1.

Không chỉ sở hữu về mặt cổ phần, Trung Nguyên Investment còn là chủ sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu thuộc nhóm cà phê Trung Nguyên như: nhãn hiệu công ty, chuỗi quán cà phê, cà phê bột, cà phê hạt, cà phê tươi Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7… theo như thông tin tra cứu từ Thư viện số về sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Đến cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và bà Ước nắm 6,68%.

Giả sử khối tài sản chung của ông Vũ bà Thảo sẽ được chia đôi thì khi đó mỗi người sẽ nắm giữ 45,83% cổ phần khi đó cục diện sở hữu có lợi cho ông Vũ hơn khi mà người thân của ông Vũ vẫn nắm giữ 8,34% cổ phần còn lại.

Tuy không nắm được cổ phần đa số nhưng với gần 46% cổ phần, bà Thảo vẫn có thể phủ quyết được nhiều quyết sách quan trọng của Trung Nguyên. Nhưng việc tiếp tục nắm giữ cổ phần thiểu số sẽ không có mấy ý nghĩa và cục diện không khác gì hiện nay.

Bà Thảo cũng từng đề xuất ông Vũ phải cấp dưỡng cho 4 người con 20% số cổ phần của mình nhưng phía ông Vũ cũng chỉ chấp nhận cấp dưỡng bằng cổ tức.

Chọn Trung Nguyên hoặc G7: Tính toán đầy sắc sảo của bà Thảo nhưng làm công ty suy yếu trước đối thủ? - Ảnh 2.

CTCP Đầu tư Trung Nguyên là pháp nhân nắm giữ các bản quyền thương hiệu

Do đó, đề xuất mới nhất với việc chia tách tập đoàn Trung Nguyên hiện hữu thành 2 nhóm "Trung Nguyên" và "G7" có thể coi là một nước đi đã được tính toán kỹ. Chi tiết của việc chia tách gồm phân chia những gì không được công bố nhưng có thể thấy trọng tâm của phương án này nằm ở tài sản vô hình là thương hiệu TRUNG NGUYÊN và thương hiệu G7- đây có thể coi như là tài sản giá trị nhất của tập đoàn chứ không phải là các tài sản hữu hình đang có. Cả 2 thương hiệu này hiện đều do Trung Nguyên Investment sở hữu.

Hiện tại, G7 là thương hiệu chủ yếu cho các sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên. Còn Trung Nguyên chủ yếu gắn với các sản phẩm rang xay, hệ thống cửa hàng cũng như một số sản phẩm cà phê hòa tan.

Nhận về thương hiệu kết hợp với hệ thống sản xuất và phân phối đã có sẵn, cả ông Vũ - bà Thảo có thể ngay lập tức tiếp tục kinh doanh với những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước thay vì phải mất công xây dựng từ đầu như bà Thảo đang làm với thương hiệu riêng King Coffee của mình.

Theo ý kiến chủ quan của người viết, đó rõ ràng là phương án phân chia tài sản tối ưu và nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng ý của phía ông Vũ.

Nhưng nó sẽ đi kèm một hệ quả không thể tránh khỏi: làm suy yếu Trung Nguyên so với các đối thủ. Trung Nguyên hiện tại cùng với Vinacafe Biên Hòa của Masan và Nescafe của Nestle tạo thành "thế chân vạc" trên thị trường cà phê Việt Nam với quy mô tương đương nhau. Thậm chí nếu nhìn vào kết quả kinh doanh thì Trung Nguyên thậm chí vượt trội hơn hẳn so với Vinacafe Biên Hòa.

Nhưng khi tách đôi thì không những tạo thành 2 doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn hẳn 2 đối thủ truyền thống mà Trung Nguyên & G7 từ chỗ là người trong nhà lại trở thành đối thủ trực tiếp của nhau. Dù vậy, cạnh tranh có thể sẽ giúp thị trường cà phê trở nên sôi động hấp dẫn hơn.

Chọn Trung Nguyên hoặc G7: Tính toán đầy sắc sảo của bà Thảo nhưng làm công ty suy yếu trước đối thủ? - Ảnh 3.

Chọn Trung Nguyên hoặc G7: Tính toán đầy sắc sảo của bà Thảo nhưng làm công ty suy yếu trước đối thủ? - Ảnh 4.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Trung Nguyên khánh thành bảo tàng Thế giới cà phê tại Buôn Mê Thuột

(Techz.vn) Công trình này nằm trong khuôn viên Dự án Thành phố Cà phê rộng hơn 45ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu – phường Tân Lợi – Tp Buôn Ma Thuột, với mục đích tạo ra cộng đồng sinh thái bền vững đặc trưng về cà phê của Việt Nam.