Bức thư gửi bố nghiện smartphone của cậu bé 9 tuổi gây sốt MXH: Con sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình, chỉ cần bố rời xa màn hình điện thoại!
Làm sao để cai nghiện smartphone đang là một câu hỏi cần lời giải đáp. Sự xâm nhập của smartphone nhiều khi khiến cho con người ta chìm đắm trong thế giới ảo mà quên mất đi cuộc sống hiện tại của chính mình. Bạn bè 1 năm gặp mặt nhau 1 lần đứa nào đứa nấy ngồi xuống là lại cầm điện thoại vào Facebook, gia đình kết thúc bữa ăn lại bố một điện thoại mẹ một điện thoại con cái mỗi đứa một Ipad… Cuộc sống thật tẻ nhạt bao nhiêu!
Mới đây, vào ngày 17/1, một bức thư gửi ông bố nghiện smartphone của một cậu bé 9 tuổi đã gây sốt mạng xã hội. Tiểu Trí đang học tại trường quốc tế Lạc Dương, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Bài văn: "Bố ơi, con muốn nói với bố điều này" của cậu được cô giáo đăng lên mạng xã hội Weibo và đã chạm vào trái tim nhiều người khi cậu đã thẳng thắn nói rằng không nhận được sự quan tâm từ người bố.
Trong thư, cậu bé đã miêu tả bố mình là một người thực sự nghiện smartphone, lúc nào cũng dán chặt mắt vào màn hình điện thoại dù là ngày hay đêm, dù là ở công ty hay ở nhà hay đi nghỉ dưỡng. Dường như nếu không có nó, ông sẽ không thể sống thiếu được.
Tiểu Trí viết: "Bố à, mỗi lần con nhờ bố kiểm tra giúp con kết quả bài tập về nhà, bố chỉ liếc vội qua rồi nói ''không tồi, con có thể đi chơi được rồi''. Cũng có khi, bố lại đưa cho con một chiếc điện thoại khác để con có thể lặng im ngồi chơi như bố''.
Bài văn của Tiểu Trí. Ảnh: Straits Times.
Cậu học sinh 9 tuổi đã ví bố mình như ''một con sói hung dữ đã phải chịu nhịn đói trong 3 ngày 3 đêm để rồi chỉ chú ý nhắm đến một miếng thịt to béo (chiếc điện thoại)'' hay cậu giả dụ ''có một chiếc máy hút bên trong điện thoại đã cuốn mọi ánh nhìn của người bố về phía màn hình, không thể rời ra được’’.
"Bố à, điều con mong mỏi không phải là một ngôi nhà đầy đồ ăn ngon, có điện thoại đắt tiền hay đồ chơi công nghệ cao. Điều con muốn chỉ là bố có thể đặt chiếc điện thoại xuống và chơi với con. Đó hẳn sẽ là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời con.
Bố à, chỉ cần bố rời xa màn hình điện thoại, con sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình. Con rất yêu bố, bố của con’’.
Chính cô giáo của Tiểu Trí cũng rất xúc động khi đọc bài viết này và đã quyết định chia sẻ nó lên mạng xã hội để mọi người cùng đọc. Cô giáo đã chấm điểm tối đa cho bài thi cuối năm này.
Cũng nhờ chính bài viết này, bố của Tiểu Trí đã cảm thấy rất có lỗi khi không quan tâm nhiều đến con trai mình. Người bố đã hứa với hai mẹ con sẽ dành thời gian vào mỗi cuối tuần hoàn toàn cho gia đình mà thôi.
Đến chính mẹ của cậu bé sau khi đọc bài văn của con mình cũng không nghĩ sử dụng điện thoại cả ngày lại là một vấn đề lớn, ''chúng tôi không nhận ra rằng con của mình lại nhạy cảm đến vậy”. Bà cũng khẳng định chồng mình là một người nghiện smartphone. Khi đi làm, anh thường xuyên phải sử dụng điện thoại để làm việc với khách hàng, check email, đọc thông tin; khi về nhà, anh cũng tranh thủ làm nốt công việc còn lại và sau công việc, tiếp tục tìm những trò chơi giải trí, game online để khuây khỏa.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng bố Tiểu Trí mà còn là câu chuyện của rất nhiều ông bố bà mẹ khác ở trên thế giới. Điện thoại thông minh dường như đã tách sự quan tâm của bố mẹ với thế giới cô đơn của những đứa trẻ.
Những đứa trẻ còn nhỏ, đừng nên cho chúng biết thế nào là mùi vị của cô đơn, các bố mẹ ạ. Công việc là chuyện của công ty nên khi đã về đến nhà, hãy chỉ dành thời gian cho những đứa trẻ vì chúng cũng đã đi học cả ngày ở trường rồi. Cả gia đình chắc chỉ có thể ở bên nhau trong vòng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng khi mẹ đốc thúc phải thức dậy, ăn nhanh, mặc nhanh còn đến trường và khoảng 4 tiếng đồng hồ buổi tối khi bố đón về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu mà thôi.
Xin các bố mẹ, đừng đánh đổi tuổi thơ của con bằng một chiếc điện thoại vô tri vô giác, dù nó có thông minh thế nào thì cũng không đem lại cảm giác ấm áp mà một đứa trẻ mang lại cho bạn!
Theo: ictnews.vn
Biên tập viên New York Times chia sẻ: bố tôi vừa bán iPhone để mua smartphone Huawei
(Techz.vn) "Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Apple trở thành một hãng 'giá rẻ'. Mới đây, tôi có một người bạn mua iPhone mới nhất để 'tặng quà' cho sếp, nhưng đến giờ vẫn chẳng ai thèm dùng smartphone Huawei để đi biếu cả"