'Bọc ung thư' 10 năm chưa vỡ
Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng nghiên cứu thị trường châu Á tại Công ty dịch vụ tài chính và chứng khoán Daiwa Capital Markets (Nhật Bản) mới đây cho biết, Trung Quốc đang đau đầu với khối nợ nước ngoài bằng USD ngày càng gia tăng. Khối nợ này chưa được đánh giá đúng mức và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc.
Theo đó, khoản nợ 3.000 tỷ USD của các công ty Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương giữa lúc tính thanh khoản của đồng đô la bị siết chặt, đồng nhân dân tệ suy yếu và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn.
Chia sẻ với nhận định của vị chuyên gia kinh tế quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thừa nhận, gánh nặng nợ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, nhưng từ thực trạng của nền kinh tế nước này, ông vẫn lạc quan về khả năng trả nợ của nước này.
Phân tích cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, tổng nợ/GDP của Trung Quốc quá lớn. Theo một báo cáo của J.P.Morgan vào năm 2017, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 289%, tức khoảng 30.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, nợ công, nợ nước ngoài của Trung Quốc cũng là vấn đề lớn và bị coi như một bọc ung thư có thể vỡ ra bất cứ lúc nào.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu không giải quyết được khối nợ khổng lồ nói trên, Trung Quốc có thể phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới cũng vì thế mà gặp nhiều trắc trở bởi rất nhiều quốc gia dựa vào Trung Quốc để bán hàng, nguyên liệu cũng như có được nguồn vốn vay.
Cũng theo ông Thịnh, những cảnh báo trên đã được đưa ra cách đây cả chục năm và cho đến nay "bọc ung thư" của Trung Quốc vẫn chưa vỡ và nền kinh tế nước này vẫn rất tốt.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra chắc chắn có tác động nhất định đến sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Nhiều nhà kinh tế nhìn nhận hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc cũng như vấn đề nợ vay của nước này dưới góc độ xấu hơn.
Theo đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải chịu thiệt hại, trong đó nền kinh tế Trung Quốc với độ bền chưa cao, mới tăng trưởng và GDP bình quân đầu người đang tương đối thấp sẽ chịu tác động nhiều hơn và rơi vào tình trạng xấu trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể gặp nguy hơn nếu Mỹ có thể coi hoạt động đầu tư của Trung Quốc hoặc hoạt động quản lý tiền tệ của nước này như hành động thao túng tiền tệ. Trong trường hợp ấy, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ dừng lại ở chiến tranh thương mại mà có nguy cơ cao dẫn đến chiến tranh tiền tệ và chiến tranh kinh tế nói chung. Khi ấy, kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nguy trong điều kiện khối nợ rất lớn mà không tiếp cận được thị trường vay để đảo nợ.
Trung Quốc đang nặng gánh nợ đô la
"Khi kinh tế Trung Quốc đương đầu với núi nợ, đối tượng chịu tác động lớn nhất là hệ thống ngân hàng. Có thời điểm kinh tế Trung Quốc khó khăn thực sự nhưng cần lưu ý rằng hoạt động điều hành của nền kinh tế Trung Quốc so với các nền kinh tế khác có sự khác biệt.
Vai trò và vị thế của nhà nước Trung Quốc trong việc quản trị, điều hành kinh tế có ý nghĩa rất lớn để giảm thiểu các rủi ro trong vay nợ và các yếu tố khác. Dù có thể xảy ra khủng hoảng trầm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc nhưng nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ nước này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
Xuất khẩu nợ để xử lý núi nợ
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nnhấn mạnh rằng, đối với một quốc gia lớn như Trung Quốc để vượt qua được những cú sốc trong cuộc chiến tranh thương mại là điều tốn kém và không dễ dàng, nhất là khi các khoản nợ/GDP cao hoặc nợ nước ngoài cao so với thu nhập của quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn một cách thông thường, theo vị chuyên gia, khả năng trả nợ của Trung Quốc tương đối tốt. Minh chứng rõ nhất cho khả năng này là dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc rất lớn, ở thời điểm kinh tế nước này sáng sủa nhất, con số này lên tới khoảng 4.000 tỷ USD và hiện nay vẫn hơn 3.000 tỷ USD.
Một trong những biện pháp để Trung Quốc xử lý khối nợ của mình đó là xuất khẩu nợ. Trung Quốc tìm cách đẩy nợ cho các quốc gia khác với những điều kiện, khoản tiền, mức độ vay khác nhau thông qua việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường thuyết phục các quốc gia vay vốn đầu tư của nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng...
"Khi Trung Quốc có vấn đề gì với khối nợ của mình thì việc nước này chủ động cho các quốc gia trên thế giới vay nợ sẽ là một nhân tố để giảm sốc cho khối nợ của họ. Nó được coi như khoản dự phòng để trả nợ, đồng thời giúp Trung Quốc có thể giãn nợ, hoãn nợ với các đối tác.
Cách làm của Trung Quốc là có chủ đích và có cơ hội để giảm sốc cho nền kinh tế trong tương lai. Nói thẳng ra rằng, Trung Quốc đang tăng trưởng và phát triển sản xuất bằng cách cho vay nợ ra thị trường quốc tế.
Theo: baodatviet.vn
BAIC Changhe Q7: Thêm xe Trung Quốc nhái Land Rover về Việt Nam
(Techz.vn) Mẫu SUV cỡ lớn BAIC Changhe Q7 bị bắt gặp khi đang lưu thông trên đường phố Việt Nam, mẫu xe mới này vừa ra mắt tại Trung Quốc cách đây không lâu.