Khoa học & Đời sống

Đi làm ai cũng muốn thành "tâm phúc" của sếp và đây là 5 cách đơn giản giúp bạn nổi bật giữa các đồng nghiệp và gây ấn tượng với cấp trên

Tác giả Nicole Rollender đã dựa trên 10 năm kinh nghiệm của mình với tư cách là nhà quản lý cho các nhà xuất bản để đưa ra danh sách 5 cách hữu dụng nhất để giúp bản thân nổi bật giữa các đồng nghiệp xung quanh và gây ấn tượng với sếp.

Ngay từ những ngày đầu phát triển sự nghiệp trong ngành xuất bản, khi còn là một trợ lý biên tập, biên tập viên, tham gia các dự án đặc biệt, sau đó được đề bạt lên vị trí quản lý, Nicole luôn cố gắng "đọc vị" các sếp của mình. Bà tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: "Làm thế nào để gây ấn tượng với họ?", "Làm sao để biết chắc rằng mình sẽ được đánh giá cao?".

Từ một nhân viên bình thường, sau mười năm cống hiến, giờ đây Nicole đã và đang đảm nhận vai trò giám đốc điều hành, quản lý hàng trăm người dưới trướng, bà đúc kết được năm điều mà bản thân học được rằng có thể thực sự gây ấn tượng với cấp trên.

1. Luôn sát sao và ghi chép lại mọi thứ bạn đang làm

Nicole chia sẻ: "Điều này nghe có vẻ hơi ‘buồn cười’ nhưng quả thực tôi đã từng không thể đếm nổi bao nhiêu lần mình giao việc cho nhân viên và sau một tuần, cái tôi nhận lại được là câu nói: "Tôi hoàn toàn quên mất điều đó, tôi đã không ghi nó lại". Là một giám đốc điều hành, quản lý nhiều phòng ban và nhân viên, đó là điều tôi không muốn nghe chút nào".

Bất cứ khi nào trao đổi công việc với cấp trên hay được giao một công việc nào đó, đặc biệt đối với nhiệm vụ phức tạp, hãy luôn ghi chú vào sổ tay hoặc thiết bị di động, để đến khi cấp trên yêu cầu bạn cập nhật tiến độ làm việc, bạn luôn sẵn sàng báo cáo.

Một cách tốt hơn là hãy báo cáo về tiến trình làm việc với sếp trước khi được yêu cầu để thể hiện sự chủ động, cầu tiến. Hầu hết những người quản lý đều có ấn tượng tốt với một nhân viên như vậy.

2. Tích cực phản hồi

Không có điều gì tệ đối với một người quản lý hơn là việc gửi cho nhân viên của mình một email hoặc để lại thư thoại và nhận lại sự im lặng của họ.

Nicole nói: "Tôi không thể mô tả được mức độ thường xuyên mà một nhân viên không phản hồi lại bất cứ câu nào trong hàng giờ đồng hồ. Là một giám đốc điều hành và chủ doanh nghiệp, tôi luôn có gắng đáp ứng mọi cuộc giao tiếp mà mình nhận được, chỉ cần một lời nhắn đơn giản như ‘Tôi đã nhận được tin nhắn của bạn. Tôi sẽ làm ngay sau bữa trưa’. Trở thành nhân viên biết phản hồi một cách tích cực có thể giúp bạn trở nên đáng tin cậy trong mắt cấp trên".

3. Thay vì làm việc chăm chỉ hơn, hãy làm việc thông minh hơn

Có thể bạn đã từng nghe về điều này trước đây, và nó là sự thật. Sếp của bạn không thực sự quan tâm bạn đã làm việc bao nhiều giờ đồng hồ, cái họ quan tâm là sự thông minh, sáng suốt của bạn khi thực hiện một dự án.

Theo Nicole: "Một trong những người quản lý đầu tiên đã cho tôi những lời khuyên tuyệt vời. Ông ấy nói: ‘Bạn vội vàng bắt tay làm mọi thứ vì nghĩ rằng nếu giải quyết chúng càng nhanh càng tốt sẽ làm tôi ấn tượng. Tuy nhiên, tôi sẽ còn ấn tượng hơn nếu bạn ngồi xuống, suy nghĩ kỹ về các khả năng sẽ xảy ra trong dự án này, và sau đó đưa ra một kế hoạch đã được xem xét cẩn thận'. Hãy xây dựng thời gian để phân tích về việc bạn đang làm, nó sẽ tiết kiệm kha khá thời gian làm việc sau đó".

Số giờ ngồi ở bàn làm việc không giúp bạn thăng chức, tăng lương, mà là thành quả cuối cùng bạn có được.

4. Đừng chia sẻ tất cả mọi thứ với cấp trên

Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc lên Facebook và đăng ngay một dòng trạng thái kiểu như: "Trời ơi, hôm nay là ngày tồi tệ nhất đời tôi", hoặc chia sẻ về thông tin cá nhân và cuộc sống của mình. Không may là nhiều người lại làm điều đó quá mức với quản lý và đồng nghiệp.

Việc đăng tải những cảm xúc hay sở thích cá nhân lên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người, tuy nhiên, nếu bạn đang trong trạng thái hung hăng, tức giận, đặc biệt là có liên quan đến công việc, hãy suy nghĩ lại việc chia sẻ chúng lên mạng xã hội. 

Mọi người ai cũng có cuộc sống riêng với nhiều diễn biến, nhưng hãy chọn lọc những gì nên để cấp trên biết, những gì nên giấu đi. Nếu bạn sắp đi làm muộn, hãy giữ lời giải thích càng đơn giản và súc tích càng tốt, như là: "Tôi gặp rắc rối với vấn đề xe cộ", thay vì kể lể rằng bạn hết xăng và quên tiền ở nhà.

5. Đưa ra nhiều sáng kiến

Người nhân viên có thể làm cấp trên của mình ấn tượng luôn biết cách xem xét các dự án và đưa ra hướng đi mới để mở rộng chúng.

Nicole nói: "Đây là cách tốt nhất giúp bạn thăng quan tiến chức. Tôi thường lưu tâm những nhân viên nói với mình rằng: ‘Tôi có vài ý tưởng mới hay ho, có thể giúp ích cho sản phẩm và công ty của chúng ta’.

Trong đánh giá hàng năm, tôi sẽ đặt ra các câu hỏi như ‘Bạn muốn ở đâu trong một năm tới?’, ‘Bạn có thể hoàn thành 5 điều sau trong sáu tháng tới để cho thấy mình đã sẵn sàng chuyển đến một vị trí cao hơn không?’

Mỗi một nhân viên đáp ứng được các mục tiêu này, họ sẽ được thăng chức và tăng lương".

Nhà quản lý giỏi sẽ xem xét điểm mạnh của bạn, từ đó giúp bạn phát triển và tận dụng chúng để phục vụ cho sự nghiệp và công ty.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Quy trình đăng ký xe mới ở Việt Nam có gì phức tạp mà Minh "nhựa" đi làm 3 lần không được?

(Techz.vn) Thủ tục đăng ký, ra biển số cho xe mới khá phức tạp nên đa số chủ xe ở Việt Nam thuê nhân viên bán hàng làm thủ tục đăng ký xe thay mình.