Apple đã có Kế hoạch B khi iPhone bão hòa, nhưng các đối tác cung cấp của họ lại chẳng có lựa chọn nào
Trong khi thị trường smartphone đã bão hòa, nhu cầu iPhone đang có xu hướng chững lại, Apple đã có kế hoạch B cho mình: không chỉ làm khách hàng phải chờ đợi lâu hơn giữa mỗi lần nâng cấp, Apple còn đặt giá cao hơn cho mỗi thiết bị và thu nhiều tiền hơn từ các dịch vụ như stream nhạc, video kỹ thuật số và lưu trữ dữ liệu.
Nhưng đối với các công ty đang cung cấp linh kiện cho iPhone, họ lại chẳng có kế hoạch dự phòng nào như vậy.
Bằng chứng cho điều bất hạnh mà những nhà cung cấp này có thể gặp phải, đang đến từ cả hai lục địa chỉ trong vòng vài ngày qua. Japan Display Inc., công ty có hơn nửa doanh thu đến từ iPhone, cắt giảm dự báo. Sau đó là Lumentum Holdings Inc., nhà cung cấp hàng đầu cho cảm biến nhận diện gương mặt iPhone, hạ thấp triển vọng quý hai. Vào thứ Ba vừa qua, Foxconn, nhà lắp ráp hàng đầu cho Apple, cũng có kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple lao đao khi Apple mới chỉ "hắt hơi".
Vào thứ Hai vừa qua, trong khi cổ phiếu Apple giảm 5%, cổ phiếu Lumentum bay hơi hơn 30% và đối thủ của họ, II-VI Inc. cũng chịu cảnh sụt giảm 13%. Japan Display giảm 9,5% trong khi Foxconn cũng sụt giảm xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Ở châu Âu, công ty bán dẫn Dialog Semiconductor Plc, với phần lớn doanh thu là từ Apple, cũng đã giảm 3,6% trong đầu phiên giao dịch trên sàn Frankfurt. Hãng ams AG của Áo, một nhà cung cấp khác cũng trượt giảm 3,2% sau khi cắm đầu đi xuống 22% vào ngày thứ Hai vừa qua.
Kế hoạch B của Apple: tăng giá thiết bị và gia tăng dịch vụ
Đối mặt với thị trường smartphone đang ngày càng bão hòa, chiến lược của Apple là lôi kéo khách hàng trả nhiều tiền hơn cho điện thoại bằng các tính năng mới như nhận diện gương mặt và màn hình sống động hơn.
Các thành phần cảm biến 3D do các công ty như Lumentum cung cấp được sử dụng trong những chiếc iPhone có giá hơn 1.000 USD. Không nhiều người đủ tiền trả cho một thiết bị như vậy. Ngay cả khi có người mua thiết bị đó, nhà cung cấp cũng chỉ được trả tiền một lần cho linh kiện đó, còn Apple có thể kiếm được thêm hàng trăm USD từ thiết bị lắp ráp hoàn chỉnh.
Không chỉ vậy, Apple còn đang muốn hướng đến một mảng kinh doanh quan trọng khác: dịch vụ. Apple giờ đây đang nói nhiều hơn đến con số 1,3 tỷ thiết bị được cài đặt, thay vì số lượng iPhone họ bán mỗi quý. Và công ty đang thực hiện thay đổi để giữ chân khách hàng hiện tại vui vẻ mua thêm dịch vụ của mình.
"Apple không còn là một công ty kinh doanh phần cứng truyền thống nữa." Gene Munster, nhà phân tích Apple kỳ cựu tại Loup Ventures cho biết. "Mô hình đầu tư của Apple đang dịch chuyển ra khỏi trọng tâm của việc bán thiết bị để hướng tới mảng kinh doanh dịch vụ dễ dự đoán hơn."
Năm nay, Apple đang thực hiện nhiều bước đi để kéo dài tuổi thọ hoạt động của chiếc iPhone. Điều đó dường như sẽ không khuyến khích người dùng nâng cấp thiết bị mới nữa – một dấu hiệu chẳng lành khác cho các nhà cung cấp.
Vào đầu năm nay, công ty xác nhận họ đã chủ định giảm tốc độ một số iPhone cũ để tránh các vấn đề về pin. Sau khi bị phản đối kịch liệt, công ty đã đưa ra chương trình thay pin giá rẻ, giúp kéo dài hơn tuổi thọ của nhiều thiết bị.
Gần đây hơn, Apple đã ra mắt phiên bản hệ điều hành mới iOS 12, có thể hỗ trợ đến 28 thiết bị của công ty, bao gồm cả các thiết bị đã được bán ra từ 2013. Các phiên bản iOS trước chỉ hỗ trợ cho các thiết bị mới ra mắt vài năm trở lại, và đây là lần đầu tiên Apple ưu tiên cải thiện tốc độ cho các iPhone đời cũ. Phần mềm mới làm lại cho phép mở camera trên các iPhone đời cũ nhanh hơn 70% và gọi bàn phím lên nhanh hơn 50% so với iOS 11 của năm ngoái.
Theo Toni Sacconaghi, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co, cho biết trong ghi chú vào thứ Hai vừa qua. "Các sản phẩm có tuổi thọ dài hơn có thể dẫn tới độ hài lòng của khách hàng cao hơn, cho phép Apple tính giá cao hơn cho thiết bị của mình, và sẽ giúp hoàn thành các mục tiêu môi trường của công ty."
Ông ước tính, điều đó có thể kéo dài chu kỳ thay thế iPhone từ 6 tháng tới 3,2 năm và làm doanh số hàng năm giảm 6% trong vòng 3 năm. Với iPhone tuổi thọ dài hơn, người dùng có xu hướng sẽ đăng ký nhiều dịch vụ mới hơn, làm các thiết bị sẽ sinh lợi nhiều cho Apple hơn chỉ là giá bán ban đầu. Nhưng các dịch vụ này lại không gia tăng thêm doanh thu cho các nhà cung cấp.
Các nhà cung cấp không có nhiều lựa chọn
Mỗi bộ camera 3D trên iPhone X cần đến hàng loạt nhà cung cấp.
Nếu nhu cầu cho những chiếc iPhone đắt tiền mới chững lại, Apple có thể cắt giảm đơn hàng, hoặc trì hoãn xuất xưởng, làm các nhà cung cấp phải chịu cảnh tồn kho. Điều đó có thể khiến họ buộc phải giảm giá khi Apple quay lại đàm phán đặt hàng.
Theo CEO Alan Lowe cho biết trong một hội nghị ở San Francisco vào thứ Hai vừa qua, dự báo doanh số yếu kém của Lumentum là hậu quả từ việc khách hàng lớn nhất của họ giảm lượng xuất xưởng chỉ một vài ngày trước. Lumentum không cho biết danh tính của khách hàng này và phát ngôn viên của công ty từ chối bình luận, nhưng theo dữ liệu của Bloomberg, Apple hiện là khách hàng lớn nhất của họ.
Trong khi các nhà cung cấp có ít sự lựa chọn hơn, họ cũng đang lên kế hoạch đối phó với thị trường smartphone tăng trưởng chậm lại. Cũng như phần lớn những nhà sản xuất thiết bị, Apple thường có ít nhất 2 nhà cung cấp cho mỗi linh kiện. Thương vụ sáp nhập trị giá 3,2 tỷ USD mới đây giữa hai nhà sản xuất linh kiện quang học, II-VI và Finisar Corp, sẽ tạo ra một công ty lớn hơn và có khả năng đàm phán giá tốt hơn.
Theo: Genk, Trí Thức Trẻ
Rò rỉ ảnh thiết bị được cho là tai nghe Airpods 2 của Apple
(Techz.vn) Rất nhiều người đang mong đợi mẫu tai nghe Airpods thế hệ thứ 2 của Apple được ra mắt.