Khoa học & Đời sống

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời

Không chỉ là nhà quân sự đầy mưu lược, nhà tiên tri tài ba, Gia Cát Khổng Minh còn là một bậc danh sĩ thông kim bác cổ với những lời khuyên giá trị cho hậu thế nghìn năm. Dưới đây là 9 lời khuyên thông tuệ, minh triết của ông, nếu thọ lĩnh được bạn sẽ hưởng lợi ích cả đời. 

1. Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ

(Nguyên văn: Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị)

Chúng ta biết câu cổ ngữ "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng chính xác thì phải là câu "Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị" của Gia Cát Lượng.

Những việc nhỏ hầu như không phải chuẩn bị nhiều, mà làm liền đạt, dễ như trở bàn tay. Những việc lớn thì trái lại, sẽ gặp muôn vàn trắc trở.

Khi chúng ta gặp khó khăn chồng chất, điều đó có nghĩa việc chúng ta đang làm ắt không phải việc nhỏ, nên cần hun đúc ý chí, kiên định bền lòng, đạp bằng khó khăn, vững bước tiến lên, mới có thể thành đại nghiệp. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ không sợ khó khăn, coi khó khăn là cơ hội Trời cho để rèn ý chí, để thành tựu sự nghiệp  mai sau.

2. Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính

(Nguyên văn: Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính).

Ai cũng có tài năng sở trường cá nhân, nhưng lại rất ít người phát triển tài năng sở trường của mình để trở nên xuất chúng, tất cả cũng bởi Lười nhác. 

Khi tự mình bỏ qua cơ hội rèn rũa, tự mình thỏa mãn, tự cho phép tạm nghỉ ngơi, hoặc ưu tiên thời gian cho các hoạt động giải trí, đánh bóng tên tuổi, xã giao… thì đó chính là đang bước trên con đường thất bại.Người nóng nảy, mạo hiểm không giữ được lý tính, sẽ không đủ tỉnh táo đánh giá tình huống và đưa ra quyết định đúng, nên thường sẽ mắc các sai lầm chí mạng dẫn đến thất bại, thậm chí mất đi cả sự nghiệp cất công gầy dựng. 

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời - Ảnh 1.

3. Trẻ khỏe không gắng sức, già cả chỉ đau thương

(Nguyên văn: Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi)

Khi trẻ khỏe, không gắng sức tự cường, đến khi tuổi cao, chỉ có thể tự mình đau buồn hối hận mà thôi.

Biết bao người khi trẻ tuổi lòng ôm chí lớn, thân chứa tài cao, bụng bồ kinh luân, người người khen ngợi, đều cho rằng sau này ắt là bậc hiền tài, công danh rạng rỡ. Nhưng có tài không biết quý tiếc tài năng và thời gian, tuổi trẻ nhiều đam mê, nhiều vui thú, mải mê chìm đắm trong yến tiệc, chén thù chén tạc với bằng hữu, thâu đêm cùng cuộc đỏ đen, lao mình vào chốn hoa thiên tửu địa. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ, bao tài năng hoài bão kia như nước chảy về đông. Ngoảnh lại bỗng thấy đã bạc mái đầu, sức tàn lực kiệt, bệnh tật đầy thân, mà công danh sự nghiệp, một việc cũng không thành. Than ôi, giờ đây ôm hận, muốn lại từ đầu thì đã quá muộn.

4. Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi

(Nguyên văn: Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn)

Con người cần phải điềm tĩnh vô vi, không chạy theo danh lợi mới có thể tỏ rõ chí hướng. Phải thanh tĩnh bình hòa mới có thể đạt đến cảnh giới thâm sâu, xa rộng.

Câu nói này trích từ "Giới tử thư" (Thư răn dạy con) của Gia Cát Lượng. Khi 54 tuổi, ông viết cho con trai là Gia Cát Chiêm lúc đó 7 tuổi, lời lẽ dặn dò ân cần thiết tha. Câu này có thể coi là danh ngôn kinh điển nhất của "Giới tử thư". Chúng ta nên cẩn thận học theo, đừng có quên.

Cuộc đời Gia Cát Lượng diễn dịch câu danh ngôn này. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nhờ nhà chú. Khi lớn một chút, ông đến Long Trung dựng nhà lá, tự cày cấy trồng trọt nuôi mình, sống đạm bạc lập chí nghiên cứu các kinh điển Nho Đạo và Binh gia. Gia Cát Lượng sống nơi tịch mịnh không người biết đến, chuyên tâm nghiên cứu thiên văn địa lí, thao lược, trở thành bậc kỳ tài trong thiên hạ.

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời - Ảnh 2.

5. Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi

(Nguyên văn: Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ)

Cần mẫn cặm cụi, vắt kiệt tâm can sức lực, cho đến tận khi chết mới thôi.

Trong "Luận ngữ", Tăng Tử nói: "Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?" (Mỗi ngày ta tự hỏi bản thân 3 lần: Mưu việc cho người ta có tận trung không? Kết giao bằng hữu có giữ chữ tín không? Được truyền thụ có luyện tập không?).

Mưu sự cho người phải tận trung, hết lòng dốc sức, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi là tiêu chuẩn nền tảng làm người quân tử. Điều này trái ngược với phong thái xã hội hiện nay, khi nhiều người mượn công lợi tư, làm việc gì cho ai cũng nghĩ đến mình sẽ được cái gì, đặt cái lợi ích cá nhân lên bàn cân đong đo đếm.

Hoặc cũng có người làm cho người ta nhưng chẳng chịu dốc sức, chỉ chăm chăm đến chấm vân tay, ngồi nghịch máy tính, đếm ngược đợi hết giờ. Chính cái suy nghĩ này khiến họ tự đánh mất phẩm chất, đánh mất lòng tin của mọi người, khiến trong mắt mọi người, họ chẳng có giá trị gì. 

6. Kết giao quyền thế, lợi ích, khó mà lâu bền

(Nguyên văn: Thế lợi chi giao, nan dĩ kinh viễn)

Xây dựng kết giao dựa trên quyền thế và tài lợi, khó mà lâu dài được.

Câu nói này cũng giống câu châm ngôn của người xưa ‘Tửu nhục bằng hữu’ (bạn rượu thịt), đúng như câu thơ trong bài ‘Thói đời’ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Còn bạc, còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết ông tôi"

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời - Ảnh 3.

7. Bậc tướng giỏi, ắt có người học rộng tài trí làm tâm phúc, có người trầm tĩnh thận trọng cẩn mật làm tai mắt, có người dũng mãnh thiện chiến làm móng vuốt

(Nguyên văn: Thiện tướng giả, tất hữu bác văn đa trí giả vi phúc tâm, do trầm thẩm cẩn mật giả vi nhĩ mục, dũng hãn thiện địch giả vi trảo nha).

Bậc tướng giỏi, cho dù tài giỏi, mưu lược đến đâu cũng không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của mưu sỹ học rộng tài cao, suy xét cẩn trọng tỉ mỉ, và những tỳ tướng dũng mãnh thiện chiến xông pha sa trường.

Thời Tam Quốc, chỉ có Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền có đủ yếu tố này nên mới có thể tam phân thiên hạ. Đến như Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán vẫn phải có các mưu sỹ, tham quân như Mã Tốc, Khương Duy… mưu bàn trong trướng, các dũng tướng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung tung hoành ngang dọc chốn sa trường.

8. Chớ cậy tài mà kiêu ngạo với người, chớ vì được sủng ái mà tác oai tác quái, hống hách ngang ngược

(Nguyên văn: Bất ngạo tài dĩ ngạo nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy)

Không được cậy vào tài hoa của mình mà biểu hiện thái độ kiêu ngạo với người khác, không được vì mình được ân sủng mà ép người chế phục người để thể hiện uy phong, ra oai.

Mỗi lời nói, hành động của Gia Cát Lượng đều tinh luyện chắt lọc ra từ chính cuộc đời của ông. Ông một tay gây dựng cơ đồ, đem lại giang sơn cho nhà Thục Hán, thân làm thừa tướng, dưới một người, trên vạn người. Vậy mà vợ con ông vẫn ở vùng núi Long Trung, sống bằng nghề cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải.

Theo lẽ thường tình, chúng ta khi thấy mình có tài năng vượt trội mọi người thì không còn coi ai ra gì, từ hành vi nói năng đi lại nghênh ngang, như đứng trên tất cả, muốn nhất hô bá ứng, muốn mỗi lời nói của mình phải được tung hô, cao ngạo lấn át người khác.

Những người như thế tuy có tài cũng chỉ là kẻ tầm thường, và sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí diệt vong mà mất cả sự nghiệp.

Sử ký có chép rằng: Trụ Vương thông minh trí tuệ hơn người, kiến thức uyên bác vượt xa người thường, sức mạnh siêu phàm, tay không có thể đánh lại mãnh thú, biện luận sắc bén vượt quần thần… Thế nhưng ông lại cậy tài mà kiêu ngạo với quần thần, không nghe can gián, tác oai tác quái để rồi kết cục phải lên Lộc Đài tự sát khi Triều Ca thất thủ.

Còn những người được sủng ái cũng dễ sinh ra lộng hành tác oai tác quái. Những chuyện này có thể thấy rất nhiều ở cuộc sống quanh ta. Khi được sủng ái, được nâng đỡ, họ dễ cửa quyền, lạm dụng quyền hành làm trái nguyên tắc, pháp luật, trái ý trời. Nhưng thời thay vận đổi, khi người đỡ đầu của họ không còn thì chính những người bị họ đè đầu cưỡi cổ kia sẽ đứng lên đạp họ xuống.

9 lời khuyên quý của Gia Cát Lượng về làm người cần phải lập chí hướng cao xa: Hãy khắc cốt để thọ ích cả đời - Ảnh 4.

9. Chí hướng nên cao xa

(Nguyên văn: Chí đương tồn cao viễn)

Làm người, cần xác lập chí hướng to lớn cao xa.

Câu nói này của Gia Cát Lượng là câu mà cổ nhân đặc biệt coi trọng, vì làm người cần phải xác lập được chí hướng. Chỉ có xác lập được chí hướng to lớn cao xa mới có đủ sức mạnh và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và kiếp nạn, khắc phục các nhược điểm bản thân, đốc thúc mình không ngừng tiến bước hướng tới mục tiêu.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

11 câu nói nổi tiếng để đời của Tào Tháo có giá trị đến tận ngày nay

(Techz.vn) Trải qua hàng nghìn năm, nhưng những câu nói của Tào Tháo vẫn còn giá trị lớn đối với hậu thế cho đến ngày nay.