Thay đổi cách viết tiếng Việt: Không ủng hộ nhưng cần trân trọng ý tưởng, đừng chửi bới vô văn hóa
Những ngày gần đây, đề xuất cách viết tiếng Việt cải tiến của PGS. TS Bùi Hiền đang trở thành tâm điểm của dư luận, các ý kiến trái chiều liên tục được đưa ra, hầu hết mọi người đều phản đối đề xuất này.
Cụ thể, PGS.TS Bùi Hiền đề nghị cắt giảm số lượng trong bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 xuống còn 31 chữ. Bên cạnh đó, nhiều thay đổi về quy tắc ký hiệu các âm vị cũng đã được tác giả này đề xuất. Chữ Đ sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, bảng chữ cái sẽ xuất hiện thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Các âm vị trong bảng chữ cái sẽ được chuyển đổi theo quy tắc : C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.
Trong cuốn sách xuất bản gần đây mang tên Ngôn ngữ ở Việt Nam hội nhập và phát triển, PGS. TS Bùi Hiền đã đề xuất cách viết tiếng Việt cải tiến. Theo tác giả cuốn sách, việc cải tiến chữ viết sẽ thống nhất cách viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các bất cập, thiếu sót, không nhất quán trước đây, gây khó khăn cho người dùng, giảm tiện được bộ chữ cái 38 chữ chỉ còn 31 chữ; tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư khi tạo lập văn bản trên giấy...
Trước những phản ứng tiêu cực của dư luận, PGS. TS Bùi Hiền vẫn cho rằng bộ chữ cái cũ phức tạp và vô lý, đồng thời khẳng định việc làm của ông có chủ định, mục tiêu và bước đi rõ ràng.
"Tôi đã soạn thảo phần thay đổi toàn bộ hệ thống phụ âm, còn phần nguyên âm, tôi vẫn chưa làm xong. Khi báo chí đưa một nửa công trình dang dở lên, tất nhiên dư luận sẽ không tán thành" - ông Bùi Hiền cho biết.
Trao đổi thêm về đề xuất của mình trên cơ sở nhiều ý kiến trái chiều, ông Bùi Hiền khẳng định mặc dù việc cải tiến có những sự phức tạp, cần nhiều thời gian vì nếu thay đổi sẽ phải thay đổi từ nhận thức, cách học, cách dạy, thay đổi sách giáo khoa, các văn bản, sách báo, cả lập trình chữ viết trên máy tính… nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể làm được, chỉ khoảng 1-2 năm sẽ quen dần.
Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, thì thực tại đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền vẫn chưa có sức thuyết phục với người Việt.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều nhưng không thể thay đổi được vì chữ viết liên quan tới văn hóa, lịch sử và nhiều vấn đề khác.
GS-TS Bùi Khánh Thế - chuyên ngành ngôn ngữ học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - cho rằng cải tiến tiếng Việt như đề xuất của ông Bùi Hiền sẽ làm mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc, phát âm tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra những nhận xét, những đề xuất cải tiến bộ chữ Việt hiện hành, của ông Bùi Hiền và cả nhiều người đề xuất trước ông, thật ra đều ở những tầm mức thấp nhỏ hơn hẳn. Nó khó được cộng đồng chấp nhận chính vì tầm mức nhỏ hẹp, lại hứa hẹn gây những xáo trộn không đáng có.
TS khoa học Đoàn Hương cho rằng, "Trước khi phê bình, ném đá hội đồng, chúng ta nên trân trọng ý tưởng mới".
Trong khi đó, nói về vấn đề này, TS khoa học Đoàn Hương cho rằng, "Trước khi phê bình, ném đá hội đồng, chúng ta nên trân trọng ý tưởng mới. Chúng ta nên nhìn nhận, suy ngẫm nó dưới góc nhìn khoa học".
TS. Hương nhận định thêm, công trình này có ý nghĩa quan trọng đối với ngôn ngữ tiếng Việt và có ý tưởng mới. Những ý tưởng mới cần có sự tiếp nhận và thẩm định.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam bày tỏ, nếu để đọc tên rõ sáng kiến, đề xuất của PGS Hiền thì ông sẽ gọi đây là "tối kiến".
"Bởi sáng kiến thì phải mang lại lợi ích nhưng đây chưa thấy lợi ích đâu mà chỉ nhìn thấy nhiều hại ích. Do đó, tôi gọi đây là tối kiến của nhà khoa học", ông nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh: "Dù không khả thi thì đây cũng là sự nghiên cứu, tấm lòng của nhà khoa học nên chúng ta có thể tranh luận, không đồng ý nhưng đừng nên ném đá, xúc phạm, mắng chửi. Bởi những điều đó là phản khoa học, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác".
Theo: Đời sống pháp luật