Nhịp sống số

Qualcomm đang xem xét việc 'bán mình' cho Broadcom

Các nguồn thạo tin cho biết, Broadcom đã đề nghị trả 70 USD bằng tiền mặt và cổ phiếu cho mỗi cổ phần của Qualcomm. Mức giá này cao hơn 28% so với giá cổ phiếu Qualcomm khi khép lại phiên giao dịch cuối ngày 2/11, trước khi hãng thông tấn Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về thương vụ này.

Tổng trị giá hợp đồng được đề xuất là 130 tỉ USD, bao gồm cả khoản nợ 25 tỉ USD của Qualcomm hiện nay.

Việc mua lại Qualcomm sẽ khiến Broadcom trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ ba thế giới sau Intel và Samsung. Doanh nghiệp sáp nhập cũng ngay lập tức trở thành nhà cung cấp hàng loạt linh kiện, bộ phận thiết bị cho hơn 1 tỉ smartphone được bán ra thị trường thế giới mỗi năm. Thương vụ cũng sẽ giúp Broadcom xóa bỏ những lỗ hổng trong các dòng sản phẩm của hãng liên quan đến chip cho các hệ thống 4G và 5G.

Nếu các cổ đông và các cơ quan quản lý của Mỹ phê chuẩn thỏa thuận, đây sẽ là thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử làng công nghệ. Kỷ lục trước đó được thiết lập năm 2015, khi Dell chi 67 tỉ USD để mua lại EMC.

"Việc sáp nhập hai công ty có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như cho ra đời một doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới và thống trị lĩnh vực không dây toàn cầu", chuyên gia phân tích Mike Walkley của Canaccord Genuity nhận định.

Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, Qualcomm đang chuẩn bị bác đề xuất "bán mình" nói trên với lí do nó đánh giá thấp giá trị của công ty. Lập luận của Qualcomm là, đề xuất của Broadcom là động thái trục lợi nhằm mua lại công ty sản xuất chip với giá rẻ. Các cổ đông của Qualcomm được tin nhiều khả năng sẽ không chấp nhận thương vụ này.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 6/11, Qualcomm cho hay đang "xem xét đề xuất để có hành động thích hợp, tối ưu các quyền lợi của các cổ đông của công ty".

Theo: Vietnamnet.vn