Nhịp sống số

Nhiều người Việt kiếm bội tiền nhờ facebook

Q.Đ có trong tay hệ thống cửa hàng mỹ phẩm và nước hoa cùng hơn 200 nhân viên. Bí quyết thành công của chàng trai này ư? Chính nhờ vào Facebook.

Tương tự như nhiều người Việt Nam khác, Q.Đ tận dụng Facebook như một kênh bán hàng thay vì đầu tư vào xây dựng cửa hàng vốn tốn nhiều chi phí. Với 223 USD, Q.Đ bắt đầu dấn thân vào con đường Kinh doanh trên mạng xã hội.

Phần lớn trong số 95 triệu dân Việt Nam sử dụng Facebook nhằm chia sẻ thông tin cá nhân, giao lưu, kết nối và giờ đây còn là làm giàu.

Facebook đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống giới trẻ Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.

Q.Đ giờ đây quản lý 4 cửa hàng mỹ phẩm và một Spa tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh sử dụng tài khoản Facebook với hơn 200.000 lượt follow nhằm quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình. "Mạng Xã hội là nguyên nhân cốt lõi cho thành công của tôi. Miễn là Facebook còn tồn tại, công việc kinh doanh của tôi sẽ tiếp tục phát triển", Q.Đ nói.

Facebook không cung cấp dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, do đó khách hàng thường liên lạc với Q.Đ thông qua page và thanh toán tiền mặt cho người vận chuyển hàng. Mô hình này được sử dụng bởi hầu hết doanh nghiệp kinh doanh qua Facebook.

Sự thuận tiện của hình thức kinh doanh qua Facebook còn nằm ở việc, khi so sánh với các mô hình khác như đăng ký trang web, mở cửa hàng, chủ doanh nghiệp có thể phải đợi giấy cho phép hàng tháng trời, chịu nhiều mức phí hoặc bị phạt bởi các quy tắc mơ hồ.

Theo Giám đốc chiến lược cao cấp Monica Peart của Emarketer, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với gần 60% số người dưới 35 tuổi. Nhóm người này đặc biệt yêu thích các trang xã hội như Facebook, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về độ phổ biến của mạng xã hội.

Dự kiến sẽ có hơn 56 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Phó chủ tịch chi nhánh của ComScore tại Châu Á Thái Bình Dương, ông Joe Nguyễn, cũng cho rằng người Việt dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn bất kỳ một quốc gia Đông Nam Á nào, và họ luôn sẵn sàng sử dụng nó làm nền tảng kinh doanh. "Chúng tôi chưa từng thấy quy mô lớn như thế ở bất kỳ nơi nào khác. Người Việt rất thích kinh doanh. Ai cũng muốn thử bán một cái gì đó", ông Joe Nguyễn cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 10% nền kinh tế Việt Nam. Còn theo dữ liệu từ chính phủ, những hoạt động kinh doanh trên Facebook đã tuyển dụng được 2,3% tổng lao động, tương đương 1,1 triệu người Việt trong quý I năm nay.

Facebook cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm hỗ trợ các các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Theo yêu cầu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mạng xã hội này cũng đồng ý giúp đỡ chính phủ bằng cách xoá bỏ hàng trăm tài khoản chuyên đăng tải tin giả, xuyên tạc. Chủ tịch của Creative Strategies ông Tim Bajarin chia sẻ: "Nếu không tìm ra cách để hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia sở tại, các công ty có nguy cơ phải đóng cửa".

Mạng xã hội ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt nam. Việc đóng cửa Facebook, dù tạm thời, cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế kỹ thuật số. “Facebook hiện đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam, đây đồng thời cũng trở thành mỏ vàng cho các doanh nghiệp”, Cam Vu, chủ một doanh nghiệp kinh doanh qua Facebook nhận định.

 Theo: Zing.vn