Sau khi quay về thế giới thực một cách thần kì, họ nhanh chóng nhận ra những hậu quả khủng khiếp phải gánh chịu bởi những ám ảnh về lỗi lầm trong quá khứ đang dần giết chết họ. Đó là sơ lược về nội dung bộ phim Flatliners từng được đề cử Oscar vào năm 1990. Tuy nhiên, trải nghiệm khoảnh khắc "cận tử" không phải là điều chỉ có trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Một nghiên cứu đang được thực hiện nhằm tìm hiểu những gì xảy ra sau khi chết gần đây tiết lộ một thông tin gây tranh cãi cho rằng có thể ý thức còn người không hoàn toàn biến mất ngay khi tim ngừng đập. Vậy điều gì đã thực sự xảy ra bên trong cơ thể và não bộ trong giây phút tim không còn hoạt động nữa?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA), hai khái niệm "ngừng tim" và "đau tim" thường được sử dụng lẫn lộn với nhau, tuy nhiên, những gì mà bệnh nhân trải qua ở 2 tình trạng này hoàn toàn không giống. Trong một cơn đau tim, một động mạch bị tắc nghẽn sẽ ngăn không cho máu đến được một phần nào đó của tim, khiến cho phần đó chết đi dù tim lúc bấy giờ vẫn tiếp tục đập. Trong khi đó nếu bị ngừng tim, các tín hiệu điện chịu trách nhiệm cho vận động của tim bị gián đoạn, khiến cho tim ngừng đập và tử vong ngay sau đó, AHA giải thích. Trong hầu hết các trường hợp ở giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân tử vong khi nhịp tim không còn, theo tiến sĩ Sam Parnia, giám đốc khoa nghiên cứu hồi sức tại Trường Y NYU Langone (New York, Mỹ).
"Về mặt lý thuyết, đó là cách mà bạn trải qua cái chết, mọi thứ bắt đầu từ khoảnh khắc trái tim ngừng đập", ông nói thêm. Khi điều đó xảy ra, máu không còn lưu thông tới não, chức năng não lúc này sẽ ngay lập tức ngừng lại và bạn không còn bất kỳ khả năng phản xạ nào nữa. Vỏ não - "thành phần suy nghĩ" của não bộ cũng ngừng hoạt động gần như ngay lập tức, trên màn hình điện não đồ lúc này, không còn sóng não, những gì còn lại là một đường thẳng chạy dài vô tận, mọi thứ diễn ra trong 2 - 20 giây. Như một phản ứng dây chuyền, các tế bào nào dần dần chết đi, nhưng quá trình này có thể phải mất vài tiếng kể từ khi tim ngừng đập, theo Parnia. Hồi sức tim phổi (CPR) sẽ đưa một lượng máu nhất định lên não - chiếm khoảng 15% nhu cầu cần thiết để cơ thể có thể vận động bình thường.
Ảnh: Religionnews.com
Sự can thiệp này đủ để làm chậm quá trình chết của tế nào não nhưng việc kích hoạt não hoạt động lại một lần nữa là không thể. "Nếu bạn muốn hồi sinh lại tim, đó là lúc mà CPR được dùng đến và não sẽ hoạt động lại một cách từ từ. Tuy nhiên, quá trình tế bào não chết vẫn diễn ra, có chăng là mọi thứ chỉ diễn ra ở tốc độ chậm hơn", ông cho biết. Các nghiên cứu gần đây ở động vật cho thấy có sự gia tăng của hoạt động não ở thời điểm vài phút sau khi chết. Ngoài ra, ý thức được cho là vẫn tồn tại ở một hình thức nào đó đối với những người bước vào giai đoạn đầu của cái chết. Nhiều bằng chứng cho thấy những người bị ngưng tim sau khi được cứu sống cho biết họ có thể mô tả chính xác mọi thứ đang diễn ra xung quanh trong khoảnh khắc đó.
"Họ biết được các bác sĩ và y tá đang làm gì, về nội dung các cuộc trò chuyện và những gì đã diễn ra", Parnia giải thích. Những thông tin này sau đó đã được xác nhận bởi ê-kíp thực hiện ca cấp cứu đó và bản thân các nhân viên y tế này cũng cảm thấy kinh ngạc bởi lời kể của bệnh nhên, bởi về mặt kỹ thuật, họ đã chết và không thể nhớ gì nữa. Hiện tại, Parnia và các cộng sự của ông đang tiếp tục điều tra về ý thức sau cái chết ở phạm vi lớn hơn. Đối tượng của các chuyên gia chính là một lượng lớn người từng bị ngừng tim ở khu vực châu Âu và Mỹ, khiến cho nghiên cứu sắp tới trở thành một nghiên cứu quy mô chưa từng có vền lĩnh vực này. Mọi dữ liệu chi tiết về não trong giai đoạn ngừng tim, tử vong và sống lại cũng sẽ được ghi nhận lại một cách đầy đủ nhất để xác định lượng oxy đến não và ảnh hưởng của nó đến hoạt động của não.
Mục đích cuối cùng của các nhà khoa học chính là giúp cho quá trình hồi sức cấp cứu trở nên hiệu quả hơn và hạn chế các tổn thương đến não ở mức thấp nhất có thể. Ngoài ra, việc khám phá xem ý thức còn tồn tại như thế nào và tồn tại bao lâu sau khi chết chắc chắn sẽ là điều mà chúng ta háo hức được biết hơn bao giờ hết.
Theo: Tinhte.vn