DN kinh doanh trong môi trường nhiều rủi ro
“Từ năm 1991, Luật Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nhưng cho đến giờ này Việt Nam mới xuất hiện 4 tỷ phú đô la, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới”.
Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại tọa đàm về vai trò của kinh tế tư nhân ngày 5/10 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.
Việt Nam mới có 4 tỷ phú đô la được thế giới ghi nhận.
Lý do dẫn đến thực trạng trên, theo ông Cung, là bởi ở Việt Nam hiện nay có thể tự do kinh doanh, nhưng chưa có an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả... Trước việc áp dụng tùy ý, tùy tiện (về mặt pháp luật), thì với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức.
Mặt khác, theo chuyên gia này, với những doanh nghiệp muốn lớn, họ không lớn được. Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nhưng họ chỉ có thể vay anh em, họ hàng. Trong khi đó, các nguồn lực đủ lớn khác thì phân bố nguồn lực theo kiểu xin - cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng, ai làm tốt thì được cấp vốn. Rõ nhất là việc phân bổ nguồn lực đất đai.
Ông Cung cũng tỏ ra nghi ngờ số liệu cho rằng DN tư nhân chỉ đóng góp 10% vào GDP, bởi nếu tính đúng con số này phải đạt khoảng 30% GDP.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng: Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối DN tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản”, ông Kiên quan sát.
Bổ sung cho nhận định này, ông Nguyên Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) phát biểu với tư cách cá nhân: 1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.
“Câu chuyện phân phối thu nhập của nền kinh tế rõ ràng đang có sự lệch lạc. Đáng lẽ nên dồn cho sản xuất, nhưng hiện lại chủ yếu dành cho các ngành dịch vụ như ngân hàng, du lịch,... ”, ông Phụng nói.
Doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, yếu ớt.
“Lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bản thân các DN, nhiều lãnh đạo cũng có những trăn trở riêng. Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả không giấu được bức xúc khi nói về cách BOT bị đối xử.
Ông Thế chia sẻ: Các nhà đầu tư tư nhân làm BOT như Đèo Cả đều cảm thấy chưa được đối xử bình đẳng trong quá trình đàm phán và làm việc với cơ quan nhà nước. Cùng với đó, văn bản pháp lý cũng có sự xung đột nhất định, lấy ví dụ như Luật Doanh nghiệp cho phép chuyển nhượng cổ phần, cho phép quyền góp vốn, tuy vậy Luật Đầu tư lại đặt ra nhiều quy định phức tạp đối với việc chuyển nhượng dự án.
“Nhiều văn bản hành chính nhà nước thiếu tính thực tiễn. Lấy ví dụ điển hình như chính sách lãi vay với dự án BOT trong hơn 1 năm qua, 1 thông tư ban hành được sửa tới 4 lần về cùng một vấn đề. Và điều kỳ lạ là dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó. “Chúng tôi nhận thấy các thông tư này thể hiện sự thụt lùi của công tác chính sách”, ông Thế dẫn chứng.
Đặc biệt, cơ quan nhà nước thẩm quyền thể hiện sự thờ ơ khi quá trình đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này có thể khiến phía doanh nghiệp bị gây áp lực khi cam kết hợp đồng không được đối tác bên A đáp ứng theo quy định.
Ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc TH Herbals, kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn đủ nguồn lực tham gia thì mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
“Nhà nước và Chính phủ phải xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm, để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp chân chính hướng tới tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm tốt và hiệu quả. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể phát triển và kéo theo kinh tế Việt Nam phát triển”, ông Trung chia sẻ.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản.
Theo: Vietnamnet
Trong vòng 3 ngày, sự kiện VinFast đã đem về cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng 300 triệu USD
(Techz.vn) Thứ hạng của ông Phạm Nhật Vượng tăng 263 bậc so với danh sách công bố hồi tháng 3 vừa qua của Forbes.