Khoa học & Đời sống

20 tuổi, cho rằng ai cũng nghĩ đến mình; 40 tuổi, bớt quan tâm những gì người ta nghĩ về bạn; 60 tuổi, nhận ra sự thật: Chẳng bao giờ có ai nghĩ đến bạn!

Ảnh: Jasu Hu

Trong phim Bố già, nhân vật Michael Corleone đã nói: "Hãy ở gần bạn bè, nhưng ở gần kẻ thù hơn." Ai cũng từng bị người khác làm tổn thương, chê bai và phá hỏng công việc, sức khỏe lẫn mối quan hệ. Nhưng nếu nói đến việc tự phá hoại lợi ích của mình thì không ai có khả năng "vượt mặt" chính bạn. Chắc hẳn cũng có lúc bạn trở thành kẻ thù không đội trời chung của mình mà bạn chẳng hề nhận ra. Bạn có thể chính là một kẻ "hai mặt", người luôn mong muốn bản thân nhận được điều tốt đẹp nhất nhưng lại dễ dàng trở mặt. Dưới đây là vài cách giúp bạn nhận diện "kẻ thù":

1. Kẻ không biết khoan dung

Về bản chất, kẻ thù luôn muốn chiến thắng hoặc hủy hoại bạn bởi họ căm ghét phần nào đó trong con người bạn. Kẻ thù có thể ghét cay ghét đắng cách nhìn, cách nói chuyện, cách suy nghĩ của bạn hoặc chẳng ưa được điểm nào trong số đó. Hãy thử thực hiện bài tập nhanh sau: Nghĩ về một điều làm bạn khó chịu ở chính mình. Có phải chưa đến 10 giây là bạn đã nghĩ ra không? Nếu thế, hãy nhìn vào bề mặt phản chiếu gần nhất. Kẻ thù tồi tệ nhất của bạn đang nhìn bạn chằm chằm đấy.

Sống chung với kẻ thù không phải là thượng sách. Vì bạn không thể rút lui trong cuộc chiến với chính mình nên có lẽ đã đến lúc thỏa thuận đình chiến. Cách bắt đầu tốt nhất là tập chấp nhận, chứ không nhất thiết phải yêu thương hay thậm chí thích những điều khiến bạn chán ghét bản thân. Cái bụng mỡ, chứng ám ảnh xã hội hay não cá vàng chuyên bỏ quên chìa khóa. Hãy hiểu rằng bạn không thể thay đổi được mọi thứ chỉ trong tích tắc. Có lẽ bạn sẽ bớt căng thẳng hơn nếu chỉ đơn giản là cho phép khuyết điểm đó tồn tại. Và khi học được cách bao dung với khuyết điểm của mình, bạn sẽ dễ dàng khắc phục nó hơn. Những điều chúng ta cố gắng chống đối sẽ vẫn tồn tại; những điều ta chấp nhận thì có thể thay đổi.

2. Kẻ lan truyền lời lẽ tiêu cực

Bạn thường tự nói với mình những từ ngữ tàn nhẫn nào? Khi mặc không vừa chiếc quần jean, bạn có nghĩ "Mình mập như heo" không? Nếu quên thanh toán hóa đơn điện thoại, bạn có tự mắng "Mình đúng là ngu ngốc" không? Bạn có thể hướng đến hòa bình bằng cách cố gắng giảm bớt lời lẽ cay nghiệt trên, dù cho đó là lời độc thoại hay cuộc nói chuyện với người khác. Hãy sử dụng từ ngữ tử tế như thể bạn đang nói với đồng đội.

20 tuổi, cho rằng ai cũng nghĩ đến mình; 40 tuổi, bớt quan tâm những gì người ta nghĩ về bạn; 60 tuổi, nhận ra sự thật: Chẳng bao giờ có ai nghĩ đến bạn! - Ảnh 1.

(Ảnh: Jasu Hu)

3. Kẻ lợi dụng điểm yếu của bạn

Khi chuẩn bị bữa tiệc tối, bài thuyết trình cho công việc hay trước bất kỳ sự kiện quan trọng nào khác, bạn có đổ mồ hôi như tắm không? Sau đó, bạn có diễn đi diễn lại từng việc nhỏ nhặt mà mình thực hiện không được hoàn hảo với cảm xúc hổ thẹn không? Đó là lúc kẻ thù này tung hoành, tìm kiếm những điểm dễ tổn thương nhất của bạn để lao vào tấn công. Lần tới, nếu bị công kích, hãy phản đòn bằng cách tự nhủ: "Tuy nó không hoàn hảo, nhưng vẫn ổn mà" hay "Mình đã cố gắng hết sức. Chẳng thể làm gì hơn nữa đâu" hoặc "Ừ, nhưng đã sao nào?"

Khi nói những điều này, bạn đang bày tỏ quan điểm của số đông. Các nhà tâm lý học nhận thấy hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng tính cách và hành động của mình được chú ý nhiều hơn của người khác - hiện tượng này được gọi là hiệu ứng spotlight. Đây là một cách làm tê liệt ý thức.

Muốn thoát khỏi hiệu ứng spotlight, bạn nên học theo nguyên tắc 20-40-60. Có một câu châm ngôn thế này: Lúc 20 tuổi, bạn chắc mẩm mọi người đều nghĩ đến mình. Đến năm 40, bạn bắt đầu bớt quan tâm những gì người ta nghĩ về bạn. Và khi đến tuổi 60, bạn nhận ra sự thật: Chẳng có ai nghĩ đến bạn bao giờ. Nhìn chung, mọi người đều quá bận làm kẻ thù lớn nhất của chính mình đến mức không nhận ra khuyết điểm của bạn đâu.

4. Kẻ không bao giờ biết tha thứ

Hãy nhớ lại bữa tiệc tất niên năm ngoái ở công ty, có phải bạn hơi quá chén và nhảy nhót tưng bừng không? Chắc chắn là có. Tuy nhiên, dù bạn có thể thấy xấu hổ, nhưng đảm bảo chẳng có ai nhắc đi nhắc lại sự việc đó. Ai có thời gian làm việc này? Chỉ có kẻ thù không đội trời chung với bạn, chính bạn. Lần tới, khi sự cố tất niên xuất hiện trong tâm trí, hãy thử: Ngưng việc đang làm, lấy một cây bút và tờ giấy, ghi lại từng chi tiết. Khi viết xong câu chuyện tội lỗi đó, hãy đổi sang một cái ghế khác rồi lấy một tờ giấy mới và viết: "Tôi đã nghe lời thú nhận và tôi bỏ qua cho bạn."

Tự tha thứ là cốt lõi giúp bạn chấp nhận những việc đã xảy ra trong quá khứ và thay đổi những việc ở hiện tại nằm trong khả năng của mình (chẳng hạn như thói quen tự dằn vặt).

Cuộc chiến chống lại bản thân không bao giờ đưa đến chiến thắng; chiến thắng chân chính duy nhất xảy ra khi bạn hạ vũ khí xuống và đối xử tốt với "kẻ thù". Nếu có thể làm lành với chính mình, bạn sẽ thấy cả thế giới này trở thành một nơi tử tế và nhẹ nhàng hơn.

Theo: Nhịp sống kinh tế 

 

Đời người 60 tuổi dành 20 năm để ngủ, vậy chỉ có 8 năm để làm việc: Thời gian quá ngắn ngủi, không biết trân trọng thì sẽ trắng tay!

(Techz.vn) Nếu như một người sống đến 60 tuổi, trừ bỏ những khoảng thời gian khác ra thì anh ta chỉ còn lại 8 năm 285 ngày để làm việc, không biết sử dụng thời gian đúng cách là một điều rất đáng sợ.