Doanh nghiệp

Vingroup quyết định chuyển Vinschool từ mô hình "Phi lợi nhuận" sang "Không lợi nhuận"

Hệ thống giáo dục Vinschool vừa ra thông báo về định hướng phát triển, chuyển hẳn từ mô hình Phi lợi nhuậnsang mô hình Không lợi nhuận, bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2017-2018. Sự việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều học sinh phụ huynh phản ứng về việc VinSchool tăng học phí trong bản định hướng phát triển trong khi công bố phi lợi nhuận.

Công bố về mô hình mới của Vinschool giải đáp được một phần những thắc mắc của phụ huynh học sinh về những công bố liên quan đến định hướng hoạt động của chuỗi trường học này.

Sự giống nhau của 2 mô hình "phi lợi nhuận" và "không lợi nhuận" khá dễ hiểu, ngay từ tên gọi của nó đã cho thấy Vingroup không thu lợi nhuận từ Hệ thống giáo dục Vinschool còn sự khác biệt nằm ở chỗ:

Mô hình phi lợi nhuận: Đơn vị phi lợi nhuận là đơn vị hoạt động vẫn có lợi nhuận, nhưng phần lợi nhuận đó không được chia cho các cổ đông sở hữu công ty mà dùng để tái đầu tư, phục vụ cộng đồng. Theo luật hiện hành, công ty phi lợi nhuận (hay còn gọi là doanh nghiệp xã hội) chỉ cần dành ra trên 51% lợi nhuận để tái đầu tư nhưng Vingroup đã cam kết sẽ dành toàn bộ 100% lợi nhuận thu được của Vinschool cho các hoạt động tái đầu tư để phát triển và phục vụ cộng đồng.

Mô hình không lợi nhuận: Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, Vinschool sẽ chuyển sang hoạt động không có lợi nhuận. Mức học phí chuẩn (áp dụng cho học sinh mới) từ năm 2018-2019 được xây dựng trên cơ sở lấy tổng chi phí dự kiến chia cho tổng số học sinh dự kiến cho từng năm học, tức là không có lợi nhuận. Trường hợp số lượng học sinh không đạt mức tối đa theo dự kiến thì Tập đoàn Vingroup cam kết bù lỗ phần chi phí không có doanh thu bù đắp. Đồng thời, Vingroup sẽ phải đầu tư tối thiểu 300 tỷ đồng để bù đắp khoản chi phí hỗ trợ giãn lộ trình tăng học phí cho toàn bộ học sinh cũ trong 3 năm tới và sẽ tiếp tục hỗ trợ bù lỗ để giữ nguyên học phí trong 2 năm tiếp theo tới năm 2023. Ngoài ra, Vingroup sẽ tài trợ chi phí để nâng cấp cơ sở vật chất tại các trường như xây dựng hồ bơi trong nhà, sân bóng tại Trường tiểu học Times City, Nhà hát tại Vinschool The Harmony.

Mô hình phi lợi nhuận còn khá mới mẻ nên nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu cách thức vận hành dẫn đến nhiều phụ huynh phản ứng khá gay gắt với định hướng phát triển được Vingroup phát đi ngày 22/9. Theo đó, học phí hệ chuẩn của Vinschool tăng bình quân 5 năm là 12,5-20% và hệ nâng cao tăng 6,67-8,24%. Việc tăng học phí nhằm đáp ứng việc cải cách và nâng cao chất lượng dạy học, bù đắp cho khoản chi phí dự kiến tăng tới 80% so với thời điểm hiện tại.

Theo các số liệu đã được công bố, năm 2014 là năm Vinschool bắt đầu mang về doanh thu 230 tỷ đồng. Con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 514 tỷ đồng vào năm 2015. Sang năm 2016, doanh thu của Vinschool tiếp tục tăng gần 40% lên 717 tỷ đồng còn lợi nhuận đạt 111 tỷ đồng, bao gồm 44 tỷ lợi nhuận của riêng hệ thống Vinschool, 23 tỷ đồng từ cho thuê hệ thống Trường quốc tế Anh Quốc BVIS. Phần còn lại là 44 tỷ là các điều chỉnh lợi nhuận theo qui định của chuẩn mực kế toán cho báo cáo hợp nhất. 

Năm học đầu tiên đi vào hoạt động 2013-2014, quy mô Vinschool có 6.700 học sinh. Chỉ sau 3 năm, con số này đã nhân đôi lên 13.000 học sinh trong năm học 2016-2017. Dự định trong tương lai, tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục rót thêm tiền mở rộng quy mô Vinschool, đầu tư thêm khoảng 5.000 tỷ đồng xây dựng 2 trường đại học là trường Đại học Y Vinmec và Đại học Quốc tế Vin University. Nếu điều này xảy ra, Vinschool là điểm trường đầu tiên sở hữu hệ thống giáo dục xuyên suốt từ bậc mầm non lên tới Đại học tại Việt Nam.

Đi kèm với hệ thống cơ sở vật chất và chương trình học thì mức học phí và các chi phí đi kèm tại Vinschool không hề nhỏ. Tính bình quân, học phí với mỗi học sinh xấp xỉ 56 triệu đồng/năm đối với trường mẫu giáo, 33 triệu đồng/năm với trường tiểu học và 36 triệu đồng/năm đối với trường trung học chưa kể phụ phí như đồ ăn thức uống, đưa đón, đồng phục, sách vở, hoạt động ngoại khóa…

Theo: Nhịp sống kinh tế