Đây là nhận định được TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đưa ra tại hội thảo “Quản lý nợ công ở Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách” do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức sáng nay, 18-10.
Nợ công tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế
Theo thông tin TS Vũ Sỹ Cường đưa ra, từ 2001 đến nay, nợ công tăng rất nhanh. Năm 2016 dư nợ công ước tính đạt 64,73% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ là 53,62% (sát ngưỡng trần 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54%). Mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép.
Quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính là: Ngân hàng thế giới (tăng 11,5 lần); Ngân hàng Phát triển châu Á (tăng 20,3 lần); Nhật Bản (tăng 6,8 lần).
Điều này dẫn đến hàng loạt rủi ro như: Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ công/thu ngân sách đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến an toàn nợ công. Việc cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách Nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng (vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ, năm 2015 là 130.000 tỷ)...
Trong khi ấy, theo ông, vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.
“Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần, gây áp lực nợ công tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Điều này dẫn đến nguy cơ chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều... Khi chúng ta còn trẻ, nhu cầu vay ít thì chúng ta đã vay nhiều, sau này chúng ta già làm được ít, nhu cầu vay càng nhiều hơn thì rất nguy hiểm” – TS Vũ Sỹ Cường nói.
Gánh nặng nợ công đang ngày càng gia tăng
Vay tiền rồi... cất trong kho
Đặt câu hỏi nợ công ở Việt Nam an toàn hay không, TS Vũ Sỹ Cường cho rằng hiện tại chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay mức trần 65% GDP với Việt Nam dựa trên cơ sở nào.
Nợ công của Việt Nam tính theo GDP thì có thể chưa cao nhưng theo thu ngân sách thì đã là cao. Ông dẫn xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá trị nợ công Việt Nam năm 2015 đã lên tới 206% thu ngân sách Nhà nước. Nếu so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, ông cho rằng, Việt Nam đã thuộc nhóm nước có “chính sách trung bình” thay vì nhóm “chính sách tốt” như trước đó.
Vấn đề đáng cảnh báo là bội chi ngân sách thậm chí còn lớn hơn chi đầu tư phát triển. Điều này theo ông nghĩa là “ta đi vay về để chi thường xuyên”. Đây là vấn đề cực kỳ rủi ro và vi phạm quy tắc cân đối.
“Bộ Tài chính vay rất nhiều tiền về đưa cho Kho bạc Nhà nước, nhưng Bộ Kế hoạch đầu tư không giải ngân kịp, nên Kho bạc phải đem tiền đi gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn rất thấp (vì không biết giải ngân lúc nào), trong khi lãi suất vay cao. Như vậy, tức là ta mang tiền vay đi cất vào kho” – TS Vũ Sỹ Cường nói.
Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng đây là hậu quả của việc lúng túng trong đầu tư công, do một số điểm trong Luật Đầu tư công còn bó chặt, “có tiền không giải ngân được”.
Theo: anninhthudo.vn