Tại sao chọn laptop chơi game mà không phải là laptop đa phương tiện?
Mình thấy thị trường có khá nhiều dòng laptop được gọi là đa phương tiện chẳng hạn như ASUS N-Series, Acer Nitro, HP Envy hay Dell XPS. Những dòng máy này có đặc điểm chung là được thiết kế đẹp, lịch sự, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng, được trang bị cấu hình ở mức khá và giá cũng rất cao.
Ảnh: Laptopmag.
Chẳng hạn như Dell XPS 15 - phiên bản cao cấp nhất hiện tại có giá khoảng $1750 (~40 triệu đồng) trên trang của Dell. Thế nhưng những gì chúng ta có cũng chỉ là CPU Core i7-7700HQ, GPU rời Nvidia GeForce GTX 1050 4 GB GDDR5, màn hình FHD thiết kế viền mỏng, RAM 16 GB DDR4, 512 GB SSD PCIe NVMe. Như vậy nếu mua chiếc máy này với cấu hình này tại Việt Nam thì chúng ta sẽ phải bỏ ra trên 40 triệu. Cấu hình của Dell XPS 15 chơi game được nhưng nó không sinh ra để phục vụ cho việc chơi game hay cày cuốc, GPU GTX 1050 trên XPS 15 chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xử lý đồ họa và XPS 15 cũng không được trang bị hệ thống tản nhiệt hiệu năng cao như những chiếc máy chơi game.
Mình không phủ nhận rằng những chiếc máy như Dell XPS 15 luôn có những đối tượng khách hàng riêng nhưng nếu anh em cần hiệu năng cao, cần chơi game, cần mát mẻ thì hẳn với 40 triệu đó chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn khác đến từ các hãng chuyên làm laptop chơi game. Nhưng đổi lại, chúng ta sẽ không có được một thiết kế mỏng sexy như kiểu Dell XPS 15 hay ASUS ZenBook Pro, màn hình có thể sẽ không cao cấp bằng và một số tính năng cao cấp sẽ không có.
Mua laptop chơi game khi nào?
Razer Project Valerie - anh em có muốn một chiếc laptop chơi game như vầy không?
Đơn giản là khi anh em thích chơi game nhiều nhưng không muốn bị trói buộc vào chiếc máy tính bàn. Ngoài ra anh em có thể cân nhắc về nhu cầu sử dụng các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp để khai thác tối đa hiệu năng mà một chiếc laptop chơi game mang lại. Chính vì điều này mà mình thường chọn laptop chơi game bởi suy cho cùng, laptop chơi game vẫn là một chiếc máy đa năng bởi nó có thể đáp ứng rất nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau trong khi mức giá bỏ ra cho một chiếc máy như vậy vẫn dễ chấp nhận hơn so với laptop đa phương tiện.
Kích thước rất quan trọng!
Acer Predator 21X quái vật nặng gần 10 kg tính cả sạc.
Laptop chơi game cũng có rất nhiều kích cỡ khác nhau, từ 13,3", 14", 15,6", 17,3" cho đến những kích thước ngoại cỡ như 18", 21" như chiếc Predator 21X trên. Phổ biến nhất vẫn là 2 kích thước tiêu chuẩn 15,6" và 17,3", vậy khi nào chọn 15,6" và khi nào chọn 17,3".
Đối với laptop chơi game thì kích thước của máy thường ảnh hưởng đến cấu hình và hiệu quả tản nhiệt. Chẳng hạn nhiều mẫu máy 15,6" chỉ hỗ trợ cấu hình tối đa GTX 1060 trong khi những mẫu máy to hơn có thể trang bị GTX 1070, GTX 1080 hay thậm chí là 2 GPU chạy SLI. Vấn đề là kích thước lớn sẽ mang lại nhiều không gian để nhà sản xuất có thể tích hợp phần cứng cũng như thiết kế hệ thống tản nhiệt đủ hiệu quả cho phần cứng. Vì vậy việc chọn 15,6" hay 17,3" một phần theo nhu cầu di động của anh em, một phần theo nhu cầu cấu hình.
Khi nào chọn 15,6" và khi nào chọn 17,3"?
ASUS RoG Strix GL553VD 15,6" bình dân.
Nếu anh em cần đem máy đi nhiều thì nên chọn 15,6". Đây vẫn là kích thước tiêu chuẩn nhất của laptop, những chiếc laptop chơi game thường dày và nặng nên 15,6" sẽ gọn gàng hơn ít nhiều, dễ đem theo hơn với những chiếc balo bình thường. Không gian sử dụng 15,6" vẫn đủ rộng để chúng ta có thể dùng đa nhiệm và đảm bảo trải nghiệm chơi game.
Acer Predator 17 xôi thịt 17,3" chạy rất mát.
Nếu anh em không ngại nặng cũng như đã quen sử dụng màn hình lớn thì có thể cân nhắc chọn 17,3". Như đã nói ở trên, những chiếc máy 17,3" thường có lợi thế là có nhiều tùy chọn cấu hình hơn, tản nhiệt tốt hơn và không gian sử dụng cũng lớn hơn. Ngoài ra màn hình 17,3" thường được các hãng sản xuất ưu ái với nhiều tùy chọn như tốc độ làm tươi cao, hỗ trợ G-Sync hay độ phân giải đến 4K. Độ phân giải 4K cũng là một trong những lý do để chọn mua 17,3".
Những kích thước nhỏ hơn, có nên mua hay không?
MSI GS40 Phantom 14" mỏng nhẹ mạnh.
Thực ra mình từng dùng nhiều dòng laptop chơi game có kích thước chỉ 13,3" hay 14", điển hình như MSI GS40 Phantom. Khi sử dụng dòng máy này thì mình nhận ra cái hay nhất là tính cơ động, máy rất nhẹ, rất tiện đem đi công tác. Cấu hình của những chiếc máy chơi game cỡ nhỏ thường vừa phải, cao lắm cũng là GTX 1060 nên có thể đáp ứng tốt nhu cầu chơi game thông thường, game trực tuyến eSport hay game AAA với thiết lập đồ họa trung bình. Tuy nhiên, những chiếc máy nhỏ thường thiếu nhiều tính năng, chẳng hạn như bàn phím không thể full-size mà thường cắt bỏ cụm phím số, hệ thống tản nhiệt cũng nhỏ hơn. Thêm vào đó là mức giá thường cao hơn so với những chiếc máy 15,6".
Chất lượng màn hình là điều thứ 2 cần quan tâm:
Acer Aspire VX5 giá rẻ với màn hình TN.
Sau khi nói đến kích thước thì chúng ta cần quan tâm đến độ phân giải và chất lượng màn hình. Tối thiểu phải là độ phân giải FHD và tấm nền có thể là TN hoặc IPS tùy giá. Vì sao phải FHD (1920 x 1080 px)? Hiện tại hầu hết các nhà sản xuất laptop chơi game đều trang bị màn hình FHD cho các mẫu máy của mình nên chúng ta cũng không cần phải lăn tăn cho lắm nhưng nếu có tùy chọn độ phân giải thì anh em nhất định phải chọn FHD trở lên. Đây là độ phân giải tiêu chuẩn để chúng ta có được trải nghiệm game tốt, nhiều tựa game hỗ trợ.
Tấm nền TN và IPS chọn cái nào?
Tấm nền TN thường thấy trên những chiếc laptop chơi game phổ thông với mức giá vừa phải. Lý do là tấm nền này thường rẻ hơn IPS kha khá. Tuy nhiên cũng có những dòng laptop chơi game cao cấp có tùy chọn tấm nền TN và thường là TN cao cấp với tốc độ làm tươi đến 120 Hz. Trong khi đó tấm nền IPS cũng có muôn loại giá, phân khúc giá rẻ thì IPS bình thường với độ bao phủ các dải màu không cao.
Razer Blade Pro 2016 với trang bị màn hình IGZO 4K cảm ứng rất cao cấp.
Đối với những dòng laptop phổ thông thì chúng ta không có nhiều lựa chọn về màn hình nhưng với những dòng máy cao cấp thì tùy theo nhu cầu, loại game chúng ta thường chơi thì có thể chọn tấm nền phù hợp. Chẳng hạn anh em thích game FPS thì nên chọn màn hình có tốc độ làm tươi 120 Hz để cảm nhận được độ mượt mà trong thao tác nhanh, tình trạng ghosting cũng ít hơn. Trong khi anh em chơi game bình thường, có nhu cầu đồ họa, cần độ chính xác về màu sắc và góc nhìn thì có thể chọn các loại tấm nền IPS độ phân giải cao với tốc độ làm tươi thường là 60 - 75 Hz. Ngoài ra còn có một số dòng máy như Alienware có tùy chọn tấm nền OLED trên Alienware 13 hay Razer Blade với tấm nền IGZO cao cấp. Những tấm nền này có những lợi thế riêng như màu sắc, độ tương phản cao, tiết kiệm điện …
Có nên chọn màn hình cảm ứng?
Alienware 13 với màn hình OLED cảm ứng.
Mình nghĩ là không. Một số dòng máy tính chơi game cao cấp như Alienware hay Razer Blade có các tùy chọn màn hình cảm ứng nhưng thực sự trải nghiệm cảm ứng trên một chiếc máy không mang thiết kế convertible hay detachable (2 trong 1) không thích tí nào. Màn hình cảm ứng chỉ tỏ ra tiện dụng khi bạn có thể chọn nhanh một thành phần nào đó trên màn hình còn nếu chơi game, đơn cử như chém trái cây thì với thiết kế vỏ sò truyền thống, chúng ta khó có thể chơi tốt được, chưa kể là màn hình sẽ bám rất nhiều dấu vân tay và liên tục rung lắc do tác động của ngón tay. Màn hình cảm ứng cũng khiến giá thành chiếc máy đội lên, mau hết pin, lỡ có rơi vỡ thì thay thế cũng rất đắt.
Phân loại laptop chơi game:
Hiện tại trong danh mục laptop chơi game, chúng ta có thể tạm chia ra làm 3 loại máy.
1: Laptop chơi game phổ thông, cấu hình trung bình, thiết kế ổn, không quá dày cũng không mỏng, giá thường từ 20 đến 30 triệu;
2: Laptop chơi game mỏng, cao cấp với cấu hình từ trung bình đến cao, thiết kế cao cấp, mỏng và hoàn thiện rất tốt, giá thường đắt từ 30 triệu đổ lên;
3: Laptop chơi game hardcore, rất cao cấp với cấu hình cao đến siêu cao, thiết kế hầm hố, to dày nặng, nhiều tính năng râu ria, phần cứng toàn đồ xịn, giá thường trên 40 triệu đến cả trăm triệu
Lenovo Legion Y520 là một lựa chọn tốt trong phân khúc phổ thông.
Mình thấy đa phần anh em chọn mua máy ở phân khúc số 1 bởi mức giá có thể chấp nhận được. Với những chiếc máy dưới 30 triệu thì chúng ta sẽ bỏ tiền mua hiệu năng nhiều hơn là các tính năng hay thiết kế. Một số cái tên đáng chú ý trong phân khúc này là Acer Aspire VX5, ASUS ROG GL553, MSI GV62, Lenovo Legion Y520, Dell Inspiron 7567, HP Omen 15.
Điểm chung của những chiếc máy ở phân khúc 1 là có thiết kế khá tốt, chất liệu chế tạo có thể toàn là nhựa, chỉ một phần nhôm. Cấu hình thường là Core i5 hoặc i7 4 nhân, đi kèm với GPU GTX 1050 hoặc GTX 1050 Ti, RAM từ 8 GB, ổ lưu trữ có thể là 128 SSD + 1 TB HDD. Với cấu hình này thì chúng ta có thể chơi được đa số các tựa game eSport và một số tựa game AAA ở độ phân giải FHD, thiết lập cấu hình trung bình.
Siêu mẫu MSI GS73VR Stealth Pro với độ mỏng chưa đến 19 mm.
Ở phân khúc 2, phân khúc máy mỏng khá kén người dùng. Mình thích máy mỏng và đó giờ thường dùng laptop chơi game mỏng vì lý do duy nhất là hay di chuyển. Tại thị trường Việt Nam thì tầm từ 30 triệu đến 50 triệu đồng trở lên + mỏng thì chúng ta không có nhiều lựa chọn, phổ biến nhất là dòng máy MSI GS series với các phiên bản như GS63VR Stealth Pro, GS73VR Stealth Pro với cấu hình Core i7 4 nhân, vi đồ họa GTX 1050 Ti hoặc GTX 1060.
Giới hạn về độ mỏng khiến các hãng sản xuất thường trang bị tối đa GTX 1060 cho những mẫu máy này. Hiện tại đã có một số dòng máy mỏng được trang bị cả GTX 1070 hay GTX 1080 với thiết kế Max-Q nhưng vẫn chưa phổ biến và mức giá cao. Đơn cử như chiếc ASUS Zephyrus chạy GTX 1080 Max-Q và giá bán trên 70 triệu.
ASUS RoG GX700 với "mai rùa" tản nhiệt nước.
Phân khúc thứ 3 cũng là phân khúc rất truyền thống mặc dù đối tượng người dùng không nhiều. Với những anh em ghiền laptop chơi game thì không lạ gì những chiếc máy hạng nặng kiểu Alienware 17, ASUS RoG G752/GX700/GX800 tản nhiệt nước, MSI GT72VR/GT73VR/GT83VR với bàn phím cơ hay siêu khủng kiểu Acer Predator 21X màn hình cong 21".
Thường thì những chiếc máy này có thiết kế rất dày với màn hình 17,3" hay lớn hơn. Chúng đóng vai trò thay thế desktop nên trải nghiệm chơi game trên những chiếc máy này rất tốt với màn hình rộng hỗ trợ nhiều công nghệ như G-Sync, rộng, độ phân giải cao, hỗ trợ nhiều công nghệ như G-Sync hay tốc độ làm tươi 120 Hz, cấu hình cũng rất mạnh mẽ thường là dùng CPU dòng HK hỗ trợ OC, GPU từ GeForce GTX 1070 trở lên đến GTX 1080 SLI, phù hợp để chơi các tựa game AAA ở độ phân giải 4K.
Cảm biến theo dõi chuyển động mắt Tobii Eye trên MSI GT72 Dominator Tobii.
Thêm vào đó với lợi thế về kích thước, những chiếc máy ở phân khúc này thường hay được các hãng trang bị nhiều công nghệ mới phục vụ cho mục đích chơi game như cảm biến theo dõi mắt Tobii Eye, bàn phím cơ với đèn nền RGB, hệ thống âm thanh 5.1 với DAC tích hợp, hàng tá cổng kết nối và đặc biệt là hệ thống tản nhiệt hầm hố nhằm đảm bảo có thể làm mát cho các phần cứng mạnh mẽ, phát sinh nhiều nhiệt để duy trì hiệu năng.
Tất cả những gì chúng ta muốn đều có trên những chiếc máy ở phân khúc hardcore nhưng đổi lại chúng ta phải chi không ít tiền, chưa kể là trọng lượng của máy rất nặng + kích thước cồng kềnh nên hạn chế mang theo.
Những lưu ý khi chọn cấu hình:
1. Ưu tiên CPU 4 nhân:
Điểm Cinebench R15 giữa một số mẫu máy chơi game.
Mặc dù tiền là yếu tố ảnh hưởng đến sự sung sướng như nếu có thể, anh em nên chọn Core i7 dòng HQ như 6700HQ, 7700HQ để đạt hiệu năng xử lý tốt nhất. Nếu không đủ hầu bao thì Core i5 4 nhân như 7300HQ là sự lựa chọn thấp nhất. Không nên chọn những con CPU dòng U với 2 nhân dù không nhiều hãng trang bị tùy chọn này nhưng vẫn có trên những chiếc laptop chơi game "nửa nạc nửa mỡ". Hiện tại với thế hệ CPU Core I thứ 8 của Intel thì dòng U đã có 4 nhân 8 luồng nhưng hiệu năng như thế nào thì khi có máy mình sẽ test ngay cho anh em biết, không nên mua sớm vào lúc này.
2. Dung lượng RAM tối thiểu 8 GB:
Hầu hết các mẫu máy chơi game phổ thông đều được trang bị RAM 8 GB 1 thanh SO-DIMM chạy single-channel. Đây cũng là mức dung lượng đủ để chúng ta chơi game tốt.
3. Chọn GPU theo túi tiền, độ phân giải màn hình và tựa game muốn chơi:
Tùy theo nhu cầu chơi game, chúng ta sẽ chọn độ phân giải phù hợp với cấu hình. Theo kinh nghiệm của mình thì để chơi game AAA ở độ phân giải FHD thì GeForce GTX 1060 là đủ để trải nghiệm với các thiết lập cấu hình Med, High hay thậm chí Ultra tùy tựa game. GTX 1050 cho phép chúng ta chơi tốt các tựa game eSport ở thiết lập đồ họa cao, phân giải FHD và một số tựa game AAA ở thiết lập Low đến Med. Riêng GTX 1050 Ti thì mạnh hơn kha khá.
*Lưu ý nếu GTX 1050 thì anh em nên chọn phiên bản 4 GB GDDR5 bộ nhớ VRAM!
Ảnh: Newegg.
Nếu muốn chơi các game AAA ở độ phân giải từ 2K đến 4K ở tỉ lệ khung hình cao thì anh em cần phải chọn GeForce GTX 1070 trở lên. GTX 1060 thực ra vẫn cho phép chúng ta chơi tốt nhiều tựa game ở độ phân giải 2K nhưng bù lại phải giảm đồ họa, giảm khử răng cưa để giữ khung hình ổn định.
*Anh em có ý định chơi game VR sau này thì lưu ý phải GTX 1060 trở lên nhé!
4. Nên chọn SSD + HDD thay vì chỉ đơn lẻ:
Combo ổ SSD M.2 SATA + HDD 1 TB trên Acer VX5.
Cài Windows và phần mềm thông thường lên SSD, cài game lên HDD - đó là cách mình vẫn dùng và nhận thấy hiệu quả nhất. Những chiếc máy chơi game phổ thông thường chỉ được trang bị ổ HDD dung lượng 1 TB, đây là trang bị cơ bản và chúng ta nên đầu tư thêm một ổ SSD (thường là chuẩn M.2) ngay sau khi mua máy để đảm bảo đạt được hiệu năng và trải nghiệm tốt nhất. Với những chiếc máy cao cấp sở hữu hệ thống ổ lưu trữ đa dạng thì chúng ta cũng nên chọn combo SSD + HDD thay vì chỉ SSD không trừ khi nhà sản xuất không cung cấp tùy chọn HDD.
Những thứ khác cần bàn đến với laptop chơi game:
Sau kích thước, màn hình và cấu hình thì còn nhiều yếu tố khác anh em cần lưu ý khi chọn mua laptop chơi game.
1. Bàn phím!
Bàn phím cơ Cherry MX Speed trên MSI GT83VR Titan.
Nhiều anh em thường bỏ quên yếu tố này, chúng ta có thể tạm bỏ qua bàn rê vì chơi game cần phải dùng chuột nhưng bàn phím là thứ trực tiếp mang lại trải nghiệm chơi game. Thành ra không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất luôn cố gắng cải tiến bàn phím trên laptop chơi game qua thời gian. Hành trình phím trên laptop chơi game dài hơn từ 1,5 đến trên 2 mm để mang lại cảm giác nhấn tốt hơn, layout phím rộng rãi để bàn tay có thể thoải mái duỗi ra khi chơi game lâu không mỏi, các nút tính năng riêng cho game cũng được thêm vào, đèn backlit ngoài màu đỏ còn có loại RGB cho phép tùy biến theo sở thích và thậm chí là bàn phím cơ dùng switch cơ học của Cherry hay các loại switch tự phát triển của từng hãng nhằm mang lại cảm giác nhấn tốt nhất và độ bền cao qua thời gian.
Hành trình và cảm giác gõ cực tốt trên bàn phím cơ MechTag của ASUS RoG GX800.
Theo kinh nghiệm của mình thì anh em nên trực tiếp ra cửa hàng gõ thử trên bàn phím của máy để xác định mình hợp với máy nào. Nếu như cấu hình và màn hình không khác nhau nhiều thì mình luôn ưu tiên chọn chiếc máy có bàn phím gõ đã hơn. Trong một số dòng máy chơi game phổ biến hiện nay thì MSI được đánh giá cao về trải nghiệm gõ phím với công nghệ phím của SteelSeries - một hãng nổi tiếng chuyên làm gaming gear. Ngoài ra những dòng laptop ASUS mới cũng đã cải tiến bàn phím với hành trình dài hơn. Dell Alienware thì vẫn trung thành với bàn phím thiết kế kiểu cũ còn HP, Acer hay Lenovo thì tùy model.
Đèn RGB trên bàn phím có quan trọng không?
Razer đem Chroma RGB lên dòng Blade Pro từ lâu, màu mè khắp nơi.
Cá nhân mình không nghĩ trang bị đèn RGB quan trọng nhưng có thì rất tốt. Vấn đề là những chiếc laptop được trang bị bàn phím RGB thường có giá cao, hệ thống đèn này có thể tùy biến và chúng ta sẽ có nhiều trò vui với nó nhưng nếu anh em muốn tiết kiệm thì có thể bỏ qua. Thêm vào đó nhiều người cho rằng đèn RGB chỉ khiến họ bị phân tâm khi chơi game, điều này có thể đúng.
Chống gối phím anti-ghosting!
Nhiều anh em có thể không để ý nhưng hầu như hãng nào cũng nhắc đến tính năng này trong mục mô tả về bàn phím của laptop chơi game. Những chiếc laptop chơi game dùng bàn phím thông thường sẽ cho phép chúng ta nhấn cùng lúc trên 10 phím mà không lạc mất phím nào. Trong khi đó đối với những chiếc có bàn phím cơ thì bạn có thể nhấn cả chục phím cùng lúc hay không giới hạn số phím mà tất cả các ký tự vẫn hiển thị đồng thời. Tính năng này nhằm đảo bảo rằng khi thao tác nhanh với các combo gồm nhiều phím cùng lúc thì thao tác vẫn được hệ thống nhận và xử lý, từ đó bạn sẽ không bị hụt chiêu thức, không bị lỗi thao tác, hiệu quả chơi game dĩ nhiên được tăng cường.
2. Âm thanh và mic:
Laptop nói chung ít khi được trang bị loa hay trừ khi là dòng cao cấp, laptop chơi game cũng vậy. Với các dòng máy phổ thông thì thường chỉ có 2 loa stereo, anh em nên trực tiếp ra cửa hàng thử âm thanh của máy. Cá nhân mình thì cần độ lớn âm thanh đầu ra, có bass càng tốt, nếu yếu bass và chúng ta không thể đầu tư cho dòng máy cao hơn thì nên chú trọng vào dải mid. Việc kiểm tra dải mid cũng không khó, chỉ việc bật đoạn hội thoại hay bài nhạc để nghe xem lời người nói hay ca sĩ có rõ ràng không. Tại sao lại cần mid rõ?
Khi chơi game, chúng ta có thể sẽ không chơi 1 mình nhất là với những tựa game online như LoL hay Dota 2, CS:GO. Việc dải mid rõ cùng với một hệ thống microphone chất lượng sẽ giúp chúng ta liên lạc tốt hơn với đồng đội cũng như nghe được đồng đội nói gì trong điều kiện combat căng thẳng.
Với những dòng máy cao cấp thì chúng thường được trang bị hệ thống âm thanh 5.1 với nhiều loa, có Subwoofer nhằm tạo hiệu ứng âm thanh vòm. Chúng ta có thể nghe được footstep hay các hiệu ứng khác trong game tuyệt vời hơn.
3. Tản nhiệt:
Hệ thống tản nhiệt cho GPU trên MSI GT73VR Titan.
Những chiếc laptop chơi game thường sở hữu hệ thống tản nhiệt được thiết kế tốt hơn laptop thông thường nhằm đảo bảo khả năng làm mát cho CPU, GPU và nhiều thành phần phần cứng khác để duy trì hiệu năng hệ thống. Tuy nhiên, cũng có không ít những chiếc máy dù sở hữu cấu hình mạnh nhưng lại có thiết kế tản nhiệt không tương xứng. Thành thử ra qua thời gian sử dụng, CPU hay GPU sẽ mau nóng hơn khi chơi game và trên ngưỡng nhiệt độ lý tưởng, từ đó dẫn đến tình trạng throttle và rớt khung hình. Vậy làm sao để biết chiếc máy định mua tản nhiệt tốt hay không?
Anh em có thể tìm đọc những bài đánh giá trên Tinh Tế vì bọn mình luôn có phần đo nhiệt CPU, GPU và nhiệt độ vỏ máy trong các điều kiện sử dụng từ bình thường đến chơi game đồ họa nặng. Ngoài ra, anh em có thể tìm hiểu trên các trang đánh giá laptop uy tín như notebookcheck.com, laptopmag.com, trustedreview …
2 quạt, 2 ống đồng trên HP Omen 15.
Theo kinh nghiệm của mình thì hệ thống tản nhiệt cho laptop chơi game phải có ít nhất là 2 quạt, hệ thống ống đồng ít nhất là đi riêng 1 ống cho CPU và 1 ống cho GPU ra 2 heatsink nối với 2 quạt. Một số hãng thường thiết kế 2 ống đi cắt từ CPU sang GPU rồi mới ra đến heatsink, thiết kế này cũng có thể chấp nhận được với điều kiện tại heatsink nhiệt phải được giải phóng với 2 quạt, 1 quạt sẽ không đủ công suất. Mặc dù một phần nhiệt từ CPU sẽ gối sang GPU nhưng tốc độ giải phóng nhiệt nhanh hơn sẽ bù trừ cho thiết kế.
Hệ thống tản nhiệt 3 quạt Cooler Boost Trinity được MSI trang bị cho các dòng máy mỏng GS series.
Nếu tò mò về hệ thống tản nhiệt của máy, anh em có thể lên Google và tìm theo các từ khóa kiểu như "MSI GT83VR Titan teardown/heatsink/disassembly" và bấm sang mục hình ảnh. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều hình ảnh "mổ bụng" chiếc máy muốn tìm, từ đó sẽ biết được máy có bao nhiêu quạt, bao nhiêu ống đồng, cách bố trí và hiệu quả tản nhiệt ước lượng.
4. Phần mềm, rất quan trọng!
Windows bản quyền! Biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng không bao giờ thừa bởi một khi anh em dùng Windows bản quyền thì hệ thống sẽ ổn định hơn rất nhiều nhờ được cập nhật bảo mật, vá lỗi thường xuyên. Anh em nên dùng Windows 10 bởi Windows 7 cũng sắp sửa bị khai tử, Windows 10 liên tục được Microsoft nâng cấp và với bản cập nhật Fall Creators mới thì nhiều anh em nói với mình rằng chơi game sướng hơn bản cũ nhiều.
Điều khó khăn là hầu như các mẫu laptop chơi game phổ thông đều không được cài sẵn Windows bản quyền, chúng ta buộc phải bỏ thêm khoảng 2 triệu ra mua bản quyền cho bản Windows 10 Home nên giải pháp mình thường dùng là cứ cài Windows 10 dùng thử, không nên ..... bằng Loader mà để dành tiền mua bản quyền đăng ký sau.
Driver - cần phải cài driver từ hãng sản xuất chiếc laptop của bạn! Thật vậy mình thường xuyên nhận được những câu hỏi của anh em về việc có nên để Windows tự cài đặt driver không và có nên sử dụng các phần mềm hỗ trợ cài driver không? Mình nghĩ là không nên!
Vấn đề cốt lõi ở đây là những driver được Windows 10 chẳng hạn tự động cập nhật cho phần cứng trên máy đến từ một nguồn thứ 3, thường là driver generic - dạng driver dùng chung cho nhiều phần cứng tương tự nhau nên yếu tố ổn định sẽ không cao bằng driver được thiết kế riêng. Việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ tải driver cũng đã được nhiều trang khuyến cáo không nên dùng từ lâu bởi chúng ta hoàn toàn không biết được nguồn gốc của driver, tính tương thích và nguy cơ bảo mật.
Thêm vào đó mỗi hãng làm máy có những tinh chỉnh riêng cho hệ thống và driver được họ phát hành sẽ giúp tối ưu những tinh chỉnh này đồng thời giúp các phần cứng hoạt động với nhau tốt hơn. Như trang hỗ trợ driver của MSI, anh em có thể biết được thứ tự cài đặt các driver để tránh lỗi xung đột (khung đỏ) cũng như chọn phiên bản và từng loại driver cho máy.
Video giới thiệu về chức năng của Predator Sense trên Predator 21X của Acer.
Ngoài ra anh em cũng nên cần cài những phần mềm tiện tích, chẳng hạn như laptop của MSI thường hỗ trợ Dragon Center, ASUS thì có ROG Gaming Center, Acer dòng Predator thì có Predator Sense hay Lenovo Legion có Nerve Sense. Những phần mềm này không chỉ giúp chúng ta theo dõi hiệu năng hệ thống, nhiệt độ, xung nhịp CPU, GPU, RAM … mà còn cung cấp các chức năng để tối ưu hệ thống như kích tốc độ quạt lên cao hơn nhằm làm mát tốt hơn, điều chỉnh xung nhịp với các hệ thống hỗ trợ OC, chuyển qua lại giữa các profile sử dụng máy như làm việc, chơi game hay tiết kiệm pin, hỗ trợ các tính năng cho game như âm thanh vòm, định hướng âm thanh (như Nahimic trên MSI), tùy chỉnh bàn phím, macro …
Trên đây là những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm mua và sử dụng laptop chơi game lâu nay của mình, hy vọng anh em sẽ có được định hướng ban đầu và tìm mua được chiếc laptop chơi game ưng ý. Cảm ơn anh em đã đọc bài rất dài này .
Theo: Tinhte.vn