Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây cho biết, đơn vị này chưa ghi nhận các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả theo một số tiêu chí của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Các tiêu chí gồm: tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với được phê duyệt trước đó, doanh thu và lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đầu tư đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành…
Tuy nhiên, VNPT đang vận hành dự án Phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2009. Từ khi vận hành đến cuối năm 2016, dự án này đang lỗ 1.209 tỷ đồng.
Vệ tinh Vinasat-2 được phóng lên quỹ đạo từ năm 2012 nhưng tỷ lệ lấp đầy tính đến tháng 8 năm nay mới đạt 30%. VNPT dự kiến nếu khai thác hiệu quả thì thời gian thu hồi vốn là 10 năm nhưng do doanh thu những năm đầu không đạt dự kiến nên nhiều khả năng phải kéo dài.
Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 5.462 tỷ đồng, nhằm phục vụ chiến lược dài hạn phát triển dịch vụ kinh doanh vệ tinh, bảo vệ nguồn tài nguyên vị trí quỹ đạo Việt Nam. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, 80% còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại.
Theo thiết kế, Vinasat-2 có tuổi thọ 15 năm. Chủ đầu tư đã ký với Lockheed Martin (Mỹ) gói thầu tư vấn giám sát sản xuất, cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh và mua gói bảo hiểm trị giá 4.700 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện và Tập đoàn Bảo Việt.
Trước đó, vệ tinh Vinasat-1 cũng được mua gói bảo hiểm 3.000 tỷ đồng khi phóng lên quỹ đạo vào năm 2008. Chi phí đầu tư dự án vệ tinh đầu tiên của Việt Nam ước tính khoảng 300 triệu USD.
Trong kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại VNPT được công bố năm 2013, Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến việc hai dự án Vinasat-1, 2 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt khi lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng.
Theo Autoxe.net