Mới đây, trao đổi với giới báo chí về tiến độ xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, tại phiên họp báo Chính phủ ngày 30/8, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh đây là Nghị định được các doanh nghiệp, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Cần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, kinh doanh ô tô khi Nghị Định được ban hành.
Theo đó, Nghị định này điều chỉnh các quy định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lắp ráp; các doanh nghiệp nhập khẩu; các trung tâm bảo hành bảo dưỡng ô tô. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT để triển khai xây dựng.
Luật Đầu tư quy định các nội dung liên quan đến Nghị định này có hiệu lực từ 1/7/2017. Đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện dự thảo trình phê duyệt. Trước đó cũng đã thành lập các tổ công tác đến từng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn trên cả nước, các doanh nghiệp FDI, các nhà nhập khẩu ô tô, các doanh nghiệp kinh doanh… Bộ cũng đã có báo cáo tổng hợp kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp này trình Chính phủ đúng thời hạn.
Tuy nhiên, Nghị định này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của rất nhiều đối tượng doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu (gồm các doanh nghiệp chính hãng, các doanh nghiệp nhập nhỏ lẻ), các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
"Chúng tôi cũng đã làm theo hướng trước hết là bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả sản xuất lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu, kinh doanh ô tô; bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Rõ ràng là nếu ưu tiên vào một đối tượng doanh nghiệp nào đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng", ông Đỗ Thắng Hải nói.
Cùng đó, vẫn phải bảo vệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây có thể là doanh nghiệp của Việt Nam, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo quy định pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, đến nay Nghị định đã qua nhiều bước giải trình, sửa đổi, hoàn thiện bảo đảm văn bản đạt chất lượng cao nhất, sớm đi vào cuộc sống sau khi được ban hành.
Hiện tại, dự thảo Nghị định đã được xin ý kiến của các thành viên Chính phủ và hy vọng trong thời gian rất sớm, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định.
Theo quan điểm của Bộ Công thương đưa ra trước đó, ô tô là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi. Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ này. Do vậy, Nghị định được xây dựng dựa trên những mục đích: đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Ngoài ra, thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh. |
Nghị định số 46, tăng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm luật giao thông, có hiệu lực từ 1/8
(Techz.vn) Bắt đầu từ hôm nay (ngày 1/8) Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều lỗi vi phạm luật giao thông tăng mức phạt so với quy định trước đây.