Blog công nghệ

Vì sao Thế giới di động chuyển từ bán điện thoại sang bán rau?

Vì sao Thế giới di động chuyển từ bán điện thoại sang bán rau?

Thời gian gần đây, rất nhiều thông tin rộ lên về việc Thế giới di động sẽ tham gia mạnh mẽ vào thị phần bán lẻ trong nước. Điều bất ngờ nằm ở chỗ, với vai trò là một ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm điện tử và viễn thông, mục tiêu mà Thế giới di động hướng đến trong thời gian tới lại là thị trường bán lẻ tiêu dùng, với các mặt hàng chiến lược là rau củ quả và các ngành hàng thực phẩm.

Quyết định chuyển hướng bất ngờ của Thế giới di động đã khiến không ít người cảm thấy băn khoăn, không biết doanh nghiệp này sẽ làm gì để vật lộn với các ông lớn bán lẻ khi mà kinh nghiệm trong ngành hàng này gần như không có. Và hơn hết, đâu là lý do khiến Thế giới di động lao đầu vào một ngành hàng tưởng như chẳng có gì liên quan đến sở trường của doanh nghiệp này?

Nếu theo dõi thường xuyên các tin tức về doanh nghiệp và tài chính, có thể thấy cùng với Vinamilk, Masan và VinGroup, Thế giới di động đang nổi lên như điển hình của mô hình doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang dẫn đầu về thị phần bán lẻ điện thoại di động tại Việt Nam, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước. Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động còn sở hữu hệ thống Điện máy Xanh với 37 siêu thị điện máy, dẫn đầu về số lượng so với các đối thủ và chiếm 5% thị phần điện máy chỉ sau có Điện máy Chợ Lớn và Nguyễn Kim.

Biểu đồ về mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thế giới di động trong khoảng thời gian từ 2010 - 2013.

Trên thị trường chứng khoán, kể từ sau khi thực hiện niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) đã liên tiếp tăng kịch trần ở các phiên giao dịch sau đó và cho tới nay vẫn là một cổ phiếu mạnh và được quan tâm lớn trên sàn chứng khoán.

Thành công còn đến với doanh nghiệp này khi Thế giới di động lọt vào top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2014. Thậm chí, Thế giới di động còn soán cả ngôi vị quán quân của Công ty Cổ phần CNG Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam với loại hình kinh doanh chính là năng lượng và các sản phẩm nhiên liệu sạch.

Thế giới di động là doanh nghiệp đứng đầu trong top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2014 dựa trên kết quả đánh giá của Tạp chí Nhịp cầu đầu tư.

Với những thành công quá lớn như vậy, điều mà Thế giới di động đang hướng tới là việc tìm ra một hướng đi mới để tránh rơi vào cảnh thoái trào. Điều đó chỉ có thể thực hiện bằng biện pháp tái đầu tư, tạo nên các sản phẩm tiềm năng để tìm kiếm những cú hích cho tương lai. Và cách mà hội đồng quản trị công ty này lựa chọn chính là việc dấn thân hơn nữa vào môi trường bán lẻ.

Thế giới di động dự kiến mở chuỗi bán lẻ thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh trong quý 4 năm nay. Bước đầu sẽ tiến hành thử nghiệm với quy mô từ 30 – 50 cửa hàng với ngân sách từ 20 – 50 tỷ đồng.

Ở một góc nhìn khác, khi mà tỷ lệ thuê bao điện thoại tính trên đầu người tại Việt Nam đã đạt đến con số 1,6; rõ ràng mảnh đất dành cho việc kinh doanh bán lẻ các mặt hàng thiết bị viễn thông đã không còn màu mỡ như ban đầu.

Lượng khách hàng mới bị thu hẹp, nguồn khách hàng chính đến từ những người dùng có nhu cầu thay thế và nâng cấp, điều đó đã đẩy thị trường di động rơi vào trạng thái bão hòa, nhiều doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ một miếng bánh thị phần có phần chật hẹp.

Trong khi đó, với ngành hàng bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng, dù đã có sự xuất hiện của rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ như Coop Mart, Satra, Vissan, hay các đơn vị có yếu tố nước ngoài như BigC, Lotte Mart, Aeon, tiềm năng của ngành hàng này vẫn còn rất khủng khiếp.

Theo những con số thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại. Còn với kết quả thống kê của Nielsen, ở vào thời điểm năm 2014, số lượng các cửa hàng trong chuỗi siêu thị mini là 1.452, trong khi đó lượng cửa hàng tiện lợi chỉ là 348.

Đây có lẽ là những con số khiến nhiều người giật mình khi nhìn vào quy mô của nền kinh tế với gần 90 triệu dân như Việt Nam. Bởi thế, ngành bán lẻ các thiết bị thực phẩm và đồ gia dùng vẫn sẽ là những mảnh đất vô cùng màu mỡ đang đợi chờ người khai phá.

Như vậy, có thể thấy ngược lại với những nhận định về quyết định có phần khó hiểu của ban lãnh đạo Thế giới di động, cơ hội của doanh nghiệp này trong ngành hàng bán lẻ mới là tương đối rõ ràng. Tất nhiên, để thực sự có được một chỗ đứng vững chắc, chỉ cơ hội và quyết tâm thôi rõ ràng là chưa đủ. Bài toán về vốn, cách thức tổ chức quản lý và vận hành chính là thước đo cho khả năng thành công của doanh nghiệp này trong tương lai. 

 

Xung quanh vụ việc khiếu nại bảo hành ở Thế giới di động

(Techz.vn) Do những mâu thuẫn liên quan đến thời hạn bảo hành và tình trạng của sản phẩm sau khi đổi trả, khách hàng có khá nhiều bức xúc trước cách xử lý của đơn vị bán hàng là Thế giới di động.