Thiết bị âm thanh

Những sơ lược về Amplifier

Tại sao lại phải cần tới Amply ?

Câu trả lời đơn giản là nếu không có Amply thì loa (hoặc tai nghe) của bạn không kêu được! Có người sẽ lại nói: “không cần Amply loa của mình vẫn kêu được cơ mà”. Thực tế là có rất nhiều thiết bị được tích hợp sẵn Amply bên trong mà các bạn không để ý hoặc chưa biết thôi, ví dụ như tivi, laptop chẳng hạn, chúng đều được tích hợp sẵn Amply bên trong.

Một hệ thống âm thanh được trình diễn tại AV Show 2013

Vậy Amplifier hay Amply là gì?

Amplifier hay Amply  có thể hiểu đơn giản là thiết bị khuếch đại tín hiệu điện, tức là bạn đưa vào nó 1 tín hiệu điện vào, nó sẽ khuếch đại tín hiệu đó lên và đưa ra thiết bị phát (loa, tai nghe). Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng nó là cái đèn pin thần kỳ của Doreamon vậy. Khi chiếu vào một vật thì nó bỗng dưng trở nên to lớn. Amply cũng có chức năng tương tự.

Có bao nhiêu loại Amply?

Amply có nhiều loại, tùy theo chức năng của từng loại mà người ta đặt tên theo đó cho dễ nhớ. Hiện tại có 5 dạng phổ biến:

Pre-amply – Amply tiền khuyếch đại: Amply tiền khuếch đại có nhiệm vụ khuyếch đại tín hiệu nhỏ từ nguồn phát (đầu CD, đầu đĩa than, DAC…) lên mức tín hiệu cao hơn vào Amply công suất.

Pre-Amp hay còn được gọi là Amply tiền khuếch đại

Power Amply – Amly khuếch đại công suất: Amply khuếch đại công suất có nhiệm vụ khuyếch đại tín hiệu ở mức vừa từ Amply tiền khuếch đại nói trên lên mức tín hiệu lớn ra và xuất ra loa.

Integrated Amply: Amply tích hợp có kết cấu khối tiền khuyếch đại và khối khuyếch đại công suất chung trong một máy mà không tách biệt thành hai bộ phận nói trên.

Dual mono Amply – amly độc lập song song: Đây là một dạng Amply tích hợp, có thiết kế có kết cấu đối xứng và độc lập cho hai kênh trái và phải. Mỗi kênh đều có riêng một hệ thống Amply, và hệ thống của 2 kênh hoàn toàn giống nhau. Chúng ta có thể tượng tượng chúng giống như đường ray xe lửa, chúng có 2 ray chạy song song và dĩ nhiên 2 ray này đều đồng nhất về vật liệu cũng như thiết kế.

Dual Mono Amply - Amly độc lập song song

Monoblock Amply: Thiết kế này có 2 khối Amply tách biệt cho mỗi kênh trái – phải. Nếu như Dual mono Amly nói trên được thiết kế chung một vỏ máy thì Monoblock Amly là 2 máy tách biệt, chạy riêng cho từng kênh. Nhìn chung thì thiết kế Monoblock Amly khá cồng kềnh, thiếu tính năng động hơn là Dual Mono Amly, nhưng chúng ta lại có một thiết kế độc đáo cho hệ thống nghe của mình.

Hai chiếc Amp được bố trí trên 2 kênh riêng biệt tạo thành Monoblock Amply

Class A, AB , B, D … là gì?

Đây là một trong những cái bạn hay nghe thấy khi nhắc đến Amply. Đó là cách gọi cho các chế độ hoạt động của Amply tùy theo nguyên lý thiết kế mạch khuếch đại của Amply. Ngoài các chế độ trên thì còn nhiều chế độ khác nữa nhưng  trong khuôn khổ bài viết này khó có thể đi sâu vào chi tiết. Để đơn giản thì các bạn có thể hình dung về các chế độ như sau:

1 kg gạo nấu 0.8 lít rượu bình thường là class D (100W điện vào cho ra khoảng 80W ra loa)

1 kg gạo nấu 0.7 lít rượu ngon hơn một chút là class B (100 W điện vào cho ra khoảng 70 W ra loa)

1 kg gạo nấu 0.5 lít rượu, nghĩa là nặng hơn tỷ lệ 1/0,7 ở trên, là class AB (100W điện vào cho ra khoảng 50W ra loa).

1 kg gạo nấu được 0.2 lít rượu ngon đặc biệt là class A (100W điện vào cho ra khoảng 20W ra loa)

Như vậy có thể nói, Class thể hiện tỷ lệ công suất đầu vào và đầu ra của một chiếc Amly. Trên cùng một công suất đầu vào, nếu như công suất đầu ra càng lớn thì Amply đó hao tốn ít điện năng và cho một công suất lớn, tuy nhiên hiện tượng méo âm sẽ xảy ra với biên độ lớn hơn. Ngược lại, khi sử dụng class A sẽ tái tạo một chất âm trung thực hơn và giảm dần từ xuống Class D.

Khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc đang ngày càng trở nên thịnh hành, yêu cầu của người chơi âm thành ngày càng cao thì chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp vô số mẫu Amply và hơn thế nữa, chúng càng trở nên đa dạng với vô vàn tính năng cũng như thiết kế. Tuy nhiên để lựa chọn một chiếc Amply phù hợp với chiếc loa hay chiếc tai nghe của mình thì không phải là điều đơn giản. Để rõ hơn về thông số và cách lựa chọn một chiếc Amply, mới các bạn đón đọc ở những phần sau

*Cảm ơn Blog âm thanh headphonelover.com đã hợp tác cùng Techz hoàn thành bài viết này!

 

Nhạc lossless và những điều cần phải biết với người chơi âm thanh

(Techz.vn) Nhạc lossless là cách gọi về một phương pháp nén dữ liệu dùng trong âm thanh kỹ thuật số, cho phép nén nhỏ dung lượng của một file âm thanh mà không làm mất đi lượng tín hiệu có trong đó.