Gột rửa…
Ngay cả khi FPT, trong năm 2013, công bố khoản đầu tư 5 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), song tập đoàn này vẫn chưa thể thuyết phục được công chúng rằng FPT thực sự muốn thoát "kiếp con buôn". Phàm đã là doanh nghiệp, thì cũng luôn tồn tại một tư cách "con buôn" (hiểu là kinh doanh, thương mại) bên trong. FPT bị người ta đặt chết biệt danh này, cũng chỉ vì lãnh đạo tập đoàn thường luôn tự hào FPT là "tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam" nhưng chẳng thấy có chất công nghệ mấy.
Đó là câu chuyện đã cũ. Câu chuyện mới là, từ năm 2013 đến nay, FPT đã xếp hạng được tổng cộng 81 chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn, trong đó số vừa được xếp hạng trong năm nay là 27 người. 81 trên khoảng 17.000 lao động, kể ra cũng chọn lọc gắt gao lắm đây!
Chương trình xếp hạng chuyên gia công nghệ được FPT thực hiện từ 2013
27 chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn trên được tuyển chọn từ 144 đề cử. Những chuyên gia này được xếp vào các chức danh như chuyên gia phát triển phần mềm, kiến trúc sư hệ thống, chuyên gia ứng dụng, tư vấn nghiệp vụ và tư vấn kỹ thuật. Theo FPT, họ được hưởng mức thu nhập tối thiểu 500 triệu đồng/năm và sẽ được tăng dần hàng năm theo cấp họ được xếp hạng. Họ "sẽ có nhà, xe mà không cần phải làm lãnh đạo", như lời một lãnh đạo của FPT.
Chúng ta luôn mong rằng, một doanh nghiệp năng động và cũng lắm điều tiếng như FPT thực sự lao vào sáng tạo công nghệ như một lĩnh vực cốt lõi để tạo ra giá trị kết tinh nhiều hơn là bán chiếc điện thoại hay máy tính. Tuy nhiên chúng ta cũng chưa thể biết rõ còn có khoảng cách hay không giữa những lời tuyên bố và sự thực tâm. Không biết trong năm 2013, sau khi công bố chi 5 triệu USD cho R&D, thì đến cuối năm đó FPT đã thực sự giải ngân được bao nhiêu. Xem ra để tiêu 5 triệu USD cho công tác R&D quả là không dễ bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan. Song với FPT, việc tiêu tiền vào nghiên cứu khoa học có lẽ còn khó hơn nhiều doanh nghiệp khác, bởi đơn giản FPT lâu nay giỏi làm tiền nhưng… chưa có thói quen tiêu tiền cho khoa học.
Trước việc FPT thực hiện xếp hạng chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn với chế độ đãi ngộ riêng, dư luận đang cố gắng kiên nhẫn chờ đợi bước đi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ tiếp theo của FPT là gì. Làm kinh doanh thương mại hay nghiên cứu khoa học thì cũng bắt đầu từ con người và hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Sự hứa hẹn đầu tư vào một dự án nghiên cứu khoa học, nhưng sau đó bẻ lái thì cũng khó ai biết được. Sự đầu tư vào con người, là yếu tố tiền đề mang tính tiên quyết. Lâu nay FPT vẫn bị xem là "con buôn" cộm cán cũng chỉ vì thế: Nói suông, chứ chưa thực sự đầu tư vào đội ngũ làm khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Thành Nam – cựu CEO của FPT - từng có hai ý nói ra. Thứ nhất ông đánh giá thực tế: FPT chưa có nhiều sản phẩm công nghệ. Thứ hai ông đưa ra quan điểm: Giá trị cốt lõi nhất chính là con người, chính con người mới có thể khơi dậy, đánh thức tiềm năng. Những gì ông Nam nói theo tôi không phải là hay hoặc mới vì người ta đã nói hết cả rồi. Nhưng ông nói đúng, từ bản chất cho đến hiện tượng đối với trường hợp FPT.
FPT thành lập từ năm 1988, đến năm thứ 25 (năm 2013), "tập đoàn công nghệ hàng đầu" này mới bắt đầu làm cái việc có tính trân trọng người làm khoa học công nghệ là xếp hạng chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn. Bằng việc làm này có thể khẳng định FPT muốn thực sự thoát "kiếp con buôn" hay chưa còn cần có thời gian đánh giá. Nhưng theo tôi, chí ít khi đầu tư bài bản vào con người làm công tác khoa học công nghệ, thì mới thực sự giúp cho FPT gột rửa bớt được chất "con buôn".
…và "buôn người"
Một thời vụ án Năm Cam bị bủa lưới có liên quan đến một nhân vật với đầu óc đầy mưu chước có biệt danh là Thuyết "buôn vua" - vì biết tận dụng các mối quan hệ với giới quyền chức để làm ăn. Trong lịch sử Trung Quốc cũng có nhân vật Lã Bất Vi đạt tới đỉnh cao của kinh doanh là đi "buôn vua" để thao túng quyền bính chính sự nhằm thu lợi.
Nói xa chỉ để kéo lại gần cho một nhận định rằng: Buôn bán kiểu gì thì gì, thì việc "buôn người" vẫn là trí tuệ, bền vững và cốt lõi nhất. "Buôn người" ở đây hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, là biết đầu tư vào con người, tuyển chọn, vun đắp, chăm sóc và đãi ngộ để họ cống hiến trở lại. Trong một doanh nghiệp, sức người là một thứ hàng hóa có thể mua (tuyển dụng) và bán (kinh doanh những gì họ đóng góp sức lực, trí tuệ để làm ra). Kinh doanh sức người, đặc biệt trong các doanh nghiệp sâu về công nghệ, chính là chìa khóa để phát triển và thành công. Apple một thời sa thải Steve Jobs nhưng rồi phải thu nhận ông ấy trở lại, nhờ đó mới có một tập đoàn "táo khuyết" có giá trị lớn nhất toàn cầu hiện nay.
Nói một cách vui, nếu FPT biết "buôn người" từ sớm trong lĩnh vực công nghệ, thì đã có "cơ ngơi" về những sáng chế, sản phẩm công nghệ ngon lành chứ không phải như hiện nay đang cố loay hoay với con đường mua bán và sáp nhập (M&A). Cần nhớ rằng, sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ có tác dụng bổ sung sức mạnh chứ không thể thay thế các giá trị sáng tạo cốt lõi mà doanh nghiệp cần có.
Doanh thu từ phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của FPT
Tôi vẫn giữ quan điểm rằng, cho dù doanh thu của FPT những năm tới có tăng lên 2, 3 tỉ USD đi nữa và các nhánh tích hợp hệ thống (FIS), phần mềm (Fsoft) và viễn thông (FPT Telecom) có chiếm đến 90% lợi nhuận đi nữa, thì FPT cũng chưa thể tạo dựng được một diện mạo "tập đoàn công nghệ hàng đầu". Bởi đơn giản, phần mềm thì hầu hết làm gia công, viễn thông thì hoàn toàn là bán dịch vụ đường truyền internet, tích hợp thì bản thân là dịch vụ triển khai trên phần mềm của đối tác nước ngoài... Nếu FPT chỉ cần làm được một số sản phẩm nổi bật, đột phá, thực sự do nghiên cứu khoa học công nghệ, đầu tư chất xám, con người để tự hào gắn thương hiệu FPT lên đó, thì hẳn người ta đã tôn xưng FPT là doanh nghiệp công nghệ mà không cần phải ngó tới doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm để đánh giá có phải là "tập đoàn công nghệ hàng đầu" hay không.
Việc xếp hạng chuyên gia và đãi ngộ là cần thiết nhưng sau đó có chịu đầu tư vào các dự án công nghệ để họ nghiên cứu và sáng tạo hay không mới là vấn đề quan trọng. Đừng để thêm hơn một lần, chất "con buôn" chẳng những không bị gột rửa bớt mà còn quay lại bóp chết triết lí đầu tư, vun đắp con người.
Đọc thêm: Sau "cấm ngủ trưa" nhân viên FPT chỉ được dùng tiếng Anh trong giờ làm việc
Thẩm Hồng Thụy (Theo VnReview)