WebOS từng rất được kỳ vọng rất nhiều khi HP tiếp quản nhưng rồi chính phần mềm cũng như những thiết bị chạy trên nó như TouchPad, Pre... cũng đều thất bại thê thảm đến độ HP phải cung cấp mã nguồn mở của WebOS cho các đối tác nếu họ thấy hứng thú. Nếu những ai biết quá khứ hào hùng của Palm trước kia ắt hẳn họ sẽ rất thất vọng và băn khoăn về sự đi xuống của công ty cũng như nền tảng mà họ tạo ra. Vậy đâu là căn nguyên của thất bại này? Không ai hiểu rõ hơn những người trong cuộc. Chính họ sẽ cho chúng ta biết vì sao mà Palm và WebOS đi xuống, sự việc bắt đầu khi WebOS được lên kế hoạch phát triển...
Hệ điều hành WebOS (hoặc webOS đều được) được Palm trình làng vào đầu năm 2009, là phiên bản nối tiếp sự thành công của Palm OS trước đó, nền tảng vốn ra đời từ năm 1996 dành cho các thiết bị hỗ trợ cá nhân (PDA). WebOS là nền tảng sử dụng kernel Linux và được xây dựng dựa trên công nghệ được sử dụng hầu hết bởi các trình duyệt web phổ biến. Palm kỳ vọng rất nhiều vào cái tên này, một phần là vì tính "mở" của nó cao hơn so với nền tảng iOS khép kín của Apple và đẹp hơn so với Android của Google - hai nền tảng vốn đứng ở những vị trí đầu trong vài năm trở lại đây. Sau đó một năm thì Palm cùng với WebOS được HP mua lại với giá trị 1,2 tỷ USD, một chương mới cho Palm và WebOS mở ra.
Sự thất bại của các sản phẩm WebOS gần đây không phải là sai lầm ở vỏ ngoài, mà đến từ lõi của hệ thống. Một số người trong dự án phát triển tablet TouchPad đã cho biết rằng sản phẩm sẽ không có khả năng cạnh tranh cao vì phần mềm mà nó sử dụng, cụ thể hơn là WebOS không thật sự tốt. Trong khi đó, những nhân viên từng làm việc cho Palm và HP thì cho biết có rất ít hy vọng từ thời điểm ban đầu về sự thành công của nền tảng, bởi vì cách mà nó được xây dựng có sai lầm và thiếu sót.
Paul Mercer, người từng giữ chức giám đốc cấp cao phụ trách phần mềm của Palm tiết lộ với NYTimes rằng "Palm đã cố gắng tạo nên nền tảng di động của họ dựa trên công nghệ Web và chúng tôi không thể tạo nên một thiết kế với nhiều hoài bão và đột phá". Mercer là một người khá nổi tiếng trong ngành thiết kế, ông từng làm việc tại Apple và tham gia thiết kế nhiều sản phẩm quan trọng, trước khi được Palm tuyển mộ. "Có lẽ họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích vì công nghệ mà họ sử dụng vẫn chưa sẵn sàng". Palm cũng có cái lý của họ khi cho rằng việc xây dựng WebOS dựa trên công nghệ Web sẽ giúp các nhà phát triển viết ứng dụng dễ dàng hơn, từ đó thu hút các lập trình viên. Thế nhưng họ đâu biết rằng WebOS có vấn đề từ thời điểm ban đầu.
Sau một số cuộc tranh luận nội bộ, những người chịu trách nhiệm đã quyết định WebOS phải dựa trên WebKit, khung phần mềm nguồn mở được sử dụng bởi các trình duyệt web để hiển thị trang. Paul Mercer cho rằng đây là một sai lầm cơ bản vì nó ngăn cản các ứng dụng có thể chạy mượt mà như trên một chiếc iPhone. Nhưng một nhân viên khác của Palm lại nhận định cốt lõi vấn đề của WebOS đó là việc Palm không thể biến nó thành một nền tảng hấp dẫn để có thể đổi lấy sự nhiệt huyến và tận tâm của các lập trình viên. Hoặc là Palm không có một người lãnh đạo đúng đắn hoặc họ thiếu một kỹ sư tài ba để làm việc này.
Từ ý tưởng cho tới khi hoàn chỉnh, WebOS được Palm phát triển trong vòng 9 tháng, người này cho biết, và công ty đã đi đường tắt trong một số trường hợp. Với những dự án như thế này, lập trình viên thường bắt đầu bằng việc tạo ra những khung chương trình rồi sau đó có thể sử dụng lại hoặc kết hợp với nhau để tạo ra những ứng dụng khác nhưng với WebOS thì lại khác. Họ sẽ phải tạo ứng dụng từ những bản nháp sau đó làm ra những khung chương trình. Palm và HP sau đó sẽ xem xét kỹ lưỡng và nếu chưa đạt, họ phải làm lại từ đầu. Khó khăn trong việc tạo ứng dụng là thế nhưng Palm còn gặp phải một vấn đề khác trong năm 2009 đó là khó khăn trong việc tìm kiếm lập trình viên tài giỏi và am hiểu WebKit, bởi vì Apple và Google đã đi trước họ một bước, Paul Mercer tiết lộ.
Thất bại này của WebOS sau đó được đổ lên đầu Jon Rubinstein, CEO khi đó của Palm. Một số nhân viên cho rằng Rubinstein chỉ am hiểu về phần cứng và ông không giỏi về khả năng tạo ra một nền tảng di động. Jon Rubinstein phải chịu trách nhiệm cho quyết định dựa trên WebKit. WebOS được Palm ra mắt vào đầu năm 2009 và 5 tháng sau đó, smartphone đầu tiên chạy trên nền tảng này là Pre đã được tung ra thị trường. Ban đầu thiết bị nhận được nhiều khen ngợi từ các chuyên gia như nó là một thiết bị đẹp với thiết kế cách tân... Sprint thì công bố nó là smartphone bán ra nhanh nhất của họ. Thế nhưng khách hàng ngay lập tức nhận ra rằng tốc độ của smartphone này quá chậm và chính điều này đã làm tăng số máy trả lại từ phía người dùng. Không thể bỏ qua những phàn nàn về việc smartphone hay khởi động lại hoặc treo máy. Để rồi 6 tháng sau khi bán ra, đơn vị phân tích Northeast Securities cho biết doanh số của Pre giảm thê thảm.
Tới tháng 4/2010 thì Palm rao bán mình cho HP với giá 1,2 tỷ USD. Dưới sự điều hành của HP thì đã có những sản phẩm mới ra mắt, quan trọng nhất là sự xuất hiện của chiếc tablet TouchPad với màn hình 9"7. Ý định của HP sẽ là triển khai WebOS sang các thiết bị khác như máy tính hay máy in, những gì mà Palm thiếu - như nguồn lực, kỹ sư hay marketing - HP sẽ cung cấp. Chính CEO khi đó là Leo Apotheker đã hứa hẹn như vậy. Tuy nhiên, không lâu sau khi ra mắt thì TouchPad và những thiết bị chạy WebOS khác đã bị ngưng phát triển, HP tuyên bố sẽ xem xét số phận của WebOS. Quyết định cuối cùng mà HP đưa ra cuối năm ngoái đó là cung cấp WebOS như là một nền tảng mã nguồn mở, các đối tác có thể chung tay phát triển.
Dù khó khăn và thất bại là vậy song những nhân viên tâm huyết vẫn cho biết sẽ tiếp tục ở lại HP để phát triển WebOS. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Sam Greenblatt, giám đốc công nghệ của HP cho biết phiên bản đầu tiên của WebOS có thể chậm nhưng sự cải thiện về tốc độ của WebKit trong thời gian gần đây sẽ giúp WebOS hoạt động nhanh và ổn định hơn. Ông này còn chia sẻ HP vẫn có tham vọng với WebOS và mục tiêu số 1 đó là đưa nó lên một cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, chốt lại thì Mercer vẫn nhận định WebOS sẽ chẳng thế ở cấp độ cùng với iOS nếu vẫn phụ thuộc vào WebKit. WebOS cần một sự thay đổi từ cốt lõi.