Nguồn tin của ICTnews cho hay, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) trong đề án tái cấu trúc đã đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone và xin hợp nhất VinaPhone với MobiFone thành VNPT Mobile.
Hiện MobiFone đóng góp trên 60% tổng lợi nhuận của VNPT nhưng chỉ chiếm khoảng 4% lao động. Do vậy, VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới. Doanh nghiệp sau sáp nhập MobiFone và VinaPhone dự kiến có tên là VNPT Mobile và hạch toán phụ thuộc vào công ty mẹ VNPT. Ngoài ra, VNPT sẽ sáp nhập Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) và Công ty Viễn thông Quốc tế.
Lãnh đạo một mạng di động ngoài VNPT cho rằng, đứng dưới góc độ của VNPT hiện nay thì việc không cổ phần hóa MobiFone là điều dễ hiểu bởi MobiFone chiếm giữ lợi nhuận quá lớn của tập đoàn này. "Nếu các đơn vị của VNPT mạnh thì việc tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ về cổ phần hóa MobiFone quá dễ dàng. Tuy nhiên, ở thời điểm này VNPT cần nguồn lợi nhuận để bù đắp vào những khoảng trống của các đơn vị thành viên khác", vị lãnh đạo này phân tích.
Mới đây, Cục Quản lí Cạnh tranh của Bộ Công thương, Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính và tổ chức Jica của Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo Chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp. Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Cạnh tranh cho biết, Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa nhận được phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp của VNPT. Tuy nhiên, việc VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Cụ thể, Điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên vi phạm điều luật này. Vì vậy, ông Vũ Bá Phú nhận định, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này. Điều 19 của Luật Cạnh tranh đưa ra 2 trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Thứ hai là việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kĩ thuật, công nghệ.
"Như vậy, VNPT phải làm hồ sơ đề nghị được miễn trừ và trình Cục Quản lí Cạnh tranh của Bộ Công thương. Bộ TT&TT và Bộ Công thương sẽ xem xét trường hợp sáp nhập của VNPT có thuộc loại được miễn trừ hay không. Sau đó Bộ Công thương trình Thủ tướng quyết định", ông Vũ Bá Phú nói.
Năm 2009, VNPT đã thuê Tập đoàn tài chính, ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) định giá MobiFone để chuẩn bị cổ phần hóa. Chi phí cho việc định giá không được các bên tiết lộ. Năm 2011, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định việc cổ phần hóa MobiFone cần làm càng sớm càng tốt vì quyền lợi đất nước. "Doanh nghiệp nghĩ cho thế đứng của mình là đúng, nhưng cũng phải vì lợi ích quốc gia. Sau khi cổ phần hóa MobiFone, sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khác tiến hành cổ phần hóa", ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh. Nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT Mai Liêm Trực cũng cho rằng, 10 năm trước thị trường viễn thông còn màu mỡ nên các doanh nghiệp Nhà nước vẫn phát triển tốt. Nhưng nay thị trường cạnh tranh quá khốc liệt, nếu các doanh nghiệp Nhà nước không sớm chuyển sang hình thức cổ phần thì chỉ còn tồn tại một hoặc hai doanh nghiệp Nhà nước.
Trong kết luận cuộc họp góp ý cho dự thảo Đề án tách Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) hoạt động độc lập ra khỏi VNPT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, lấy thời điểm ngày 1/1/2013 làm thời điểm chia tách. "Trong quý này, Bộ TT&TT cũng chỉ đạo để VNPT tái cơ cấu. Việc chia tách bưu chính độc lập hoàn toàn với viễn thông coi như đã cơ bản được bàn bạc trong tập thể lãnh đạo Bộ, do đó khi tái cơ cấu VNPT sẽ không bàn đến vấn đề tách VietnamPost ra khỏi VNPT, coi như việc này đã được giải quyết", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo ICTNews