Nhịp sống số

Vì sao IE lại bị "căm ghét" đến vậy?

Vì sao IE lại bị

Có một thực tế rằng hầu hết trong chúng ta đều có ác cảm với trình duyệt IE của Microsoft. Với nhiều người, đó gần như là 1 ác cảm xuất phát từ tiềm thức. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao IE bị ghét? Vì sao một công ty phần mềm hàng đầu như Microsoft lại phát triển ra 1 sản phẩm dở tệ đến vậy và vẫn giữ nó trong nhiều năm mà không có nhiều cải tiến, trong khi đó, những tên tuổi ít nổi tiếng hơn rất nhiều như Mozilla hay Google lại làm tốt hơn rất nhiều.

Thuở sơ khai của IE

Ngày nay, hay ít nhất là trong những năm gần đây, khi nghĩ tới IE người ta thường tưởng tượng ra đây là trình duyệt web có tốc độ rùa bò, tồn tại nhiều bug. Thế nhưng, không phải IE sinh ra đã là như vậy. Trên thực tế thì trong lịch sử, những phiên bản IE đầu tiên là kẻ tiên phong trong nhiều cách tân, đổi mới, và nó là yếu tố góp phần tạo nên diện mạo web của ngày hôm nay. Khi Internet Explorer 3 được Microsoft tung ra vào 1997, đây là trình duyệt đầu tiên hỗ trợ CSS (Cascading Style Sheets), một tính năng giúp cho người lập trình web bổ sung kiểu font chữ, màu sắc, khoảng cách...vào tài liệu web, giúp tạo nên những website với nhiều màu sắc, kiểu font chữ đẹp mắt. Năm 1997, Internet Explorer 4 chính thức trình làng với engine giúp render web siêu nhanh. Đây cũng là trình duyệt đầu tiên hỗ trợ đa nền tảng cho phép người dùng cài đặt lên nhiều HĐH như Mac OS, Solaris... Cho tới thời điểm bị IE 5 thay thế, IE 4 đạt thị phần tới 60%. Sang năm 1999, Microsoft giới thiệu IE 5 và đây là phiên bản IE đầu tiên được tích hợp tính năng XMLHttpRequest trong JavaScript, một trong những tính năng tạo nên công nghệ cơ bản bên trong các ứng dụng web mà chúng ta sử dụng ngày nay mà Gmail là một ví dụ.

Điều đó cho thấy rằng IE tiền thân là một trong những trình duyệt tiên phong và đó là một sản phẩm tốt của gã khổng lồ phần mềm Microsoft. Từ IE 3 đến IE 6, Microsoft đã áp dụng nhiều công nghệ mới (vào thời điểm đó) để tạo nên một trình duyệt tốt, đánh bại đối thủ Netscape. Tuy nhiên, khi mà IE đã chiếm được hầu hết thị phần thì đó cũng là thời điểm Microsoft bắt đầu bộc lộ những sai lầm tai hại.

Những sai lầm của Microsoft

Nguyên nhân sâu xa cho sự kém cỏi của IE chính là bởi vì Microsoft đã ngủ quên trên chiến thắng. Kể từ thời điểm tung ra IE 6 vào năm 2001 với nhiều tính năng mới cho lập trình viên web, do không còn một đối thủ cạnh tranh nào khác (IE lúc đó chiếm 99% thị phần trình duyệt), Microsoft đã không còn chú trọng gì cho việc phát triển IE nữa. Họ không có bất kì ý tưởng nào để cải tiến IE trong suốt 5 năm ngay cả khi Firefox được phát hành với nhiều ưu điểm nổi bật và người dùng bắt đầu quay sang với "Cáo lửa". Hệ quả là IE 6 gặp rất nhiều lỗi liên quan tới bảo mật và thường xuyên bị crash do những chuẩn web mới mà lập trình viên sử dụng cho website không được IE hỗ trợ. Cũng từ đây mà nỗi căm ghét IE lây sang luôn cả người dùng cuối. Cảm giác với bất kì ai sử dụng 1 trình duyệt như IE đó là tốc độ rùa bò, thường xuyên crash, ngốn bộ nhớ trong cái thời mà bộ nhớ RAM là cực kì "quý giá".

 


Crash - nỗi ám ảnh của người dùng IE.

 

 

Microsoft sau đó không phải không nhận ra những vấn đề của IE. Bằng chứng là họ đã có những cải tiến cho các phiên bản về sau, IE 7 và IE 8. Sau 5 năm ra mắt IE6, Microsoft cuối cùng cũng tung ra IE 7, phiên bản IE đầu tiên cho phép lướt web theo thẻ (lúc này đang có mốt trình duyệt nhiều thẻ để load thẻ này đọc thẻ kia vốn do Firefox phát động). Thế nhưng IE 7 vẫn dường như chỉ làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm. Với các nhà thiết kế web, IE vẫn là một thảm họa bởi với sự xuất hiện của IE7, giờ đây họ lại phải mất công render làm sao cho website hiển thị chính xác trên cả IE 6 và trình duyệt này. 
Gã khổng lồ phần mềm lại mất thêm tiếp 2,5 năm nữa để ra mắt IE 8 với nhiều cải tiến, đặc biệt là khả năng hỗ trợ CSS cho lập trình viên, cho phép duyệt web ở chế độ Private (duyệt web ở chế độ riêng tư, không lưu lại bất kì thông tin nào của người dùng như lịch sử các website đã truy cập, mật khẩu các tài khoản đăng nhập...). Thế nhưng, vào lúc đó, một lượng lớn người dùng IE đã quá quen thuộc với Firefox và cả Chrome. Kể cả với IE 9 mặc dù đã cải thiện rất tốt về tốc đọ thì như đã nói, một bộ phận người dùng đã quen với Firefox, Chrome, và họ không còn quan tâm tới IE nữa.

 

 

IE tệ là một nguyên nhân. Nhưng để nói vì sao các lập trình viên ghét IE thì đó chưa phải là tất cả. Giới lập trình "căm thù" IE bởi mặc dù nó rất dở, họ vẫn bắt buộc phải dùng nó. IE liên quan tới rất nhiều ứng dụng cho doanh nghiệp và làm việc với IE là một phần không thể không có trong công việc của họ. Hãy tưởng tượng các web developer phải đau đầu như thế nào với IE bằng một ví dụ dễ hiểu như sau: họ mất hàng giờ để thiết kế nên 1 website đẹp mắt, sau đó đem website để test trên Chrome và Firefox, Safari. Tất cả đều ổn. Nhưng khi họ thử nghiệm trên IE và tất cả công sức của họ dường như bị phủ nhận, trang web trở nên lộn xộn, rối tinh rối mù. Họ phải mất thêm hàng đống thời gian nữa để sửa lỗi.

 

 

Firefox và các đối thủ quá tốt

 

Như đã nói trên, thời điểm Microsoft tung ra IE 8, nhiều người đã quay sang lựa chọn Firefox với Chrome và các đối thủ này đã làm quá tốt khiến cho những người đã dùng qua đều không muốn tìm hiểu về IE nữa. Chrome, Firefox hỗ trợ tốt các chuẩn web mới, giúp cho lập trình viên dễ dàng hơn trong công việc. Firefox là trình duyệt được phát triển dưới dạng mã nguồn mở và được cộng đồng lập trình viên cùng tham gia phát triển. Bên cạnh tốc độ và khả năng bảo mật ngày càng được cải thiện, cộng đồng lập trình viên đã giúp Firefox trở nên nổi bật với kho tiện ích mở rộng (add-on), giúp trình duyệt web tăng thêm các tính năng. Kết quả là người dùng cuối rất được lợi. Các add-on  hay giúp người dùng có một trải nghiệm tuyệt vời hơn bao giờ hết. Tính đến ngày 26/7/2012, tổng số lượt tải các add-on của Firefox vượt qua mốc 3 tỷ lượt. Hiện tại Firefox có hơn 17 nghìn lập trình viên cùng tham gia xây dựng các add-on này. 

 

Firefox và các trình duyệt đối thủ của IE đã làm rất tốt và chiếm được cảm tình người dùng.

 

Chrome mặc dù ra đời sau nhưng Google cũng làm rất tốt. Với phương pháp quản lý tốt (mỗi thẻ trên Chrome có 1 tiến trình riêng thay vì gộp chung toàn bộ các thẻ vào 1 tiến trình như Firefox) nên Chrome không bị lỗi ngốn bộ nhớ hệ thống. Kho Extension của Chrome cũng bắt đầu phong phú không thua kém "cáo lửa". Trong khi đó, những cải tiến của Microsoft với IE mặc dù là có nhưng Microsoft không chú trọng phát triển các tiện ích mở rộng này, khiến cho IE ngày càng trở nên lỗi thời.  

 

Tương lai

Microsoft bắt đầu thức tỉnh khi IE liên tục đánh mất thị phần về tay đối thủ. IE hiện chỉ còn chiếm khoảng 50% trong thị trường trình duyệt web. Thị phần này phần lớn là nhờ IE vẫn được tích hợp sẵn trong Windows và nhiều người dùng máy tính không có kinh nghiệm để lựa chọn cho mình 1 trình duyệt tốt hơn. IE 9 là phiên bản có nhiều cải tiến và có giao diện mới giống như Chrome của Google. Ngoài khả năng tăng tốc bằng phần cứng thì IE 9 cũng hỗ trợ HTML 5 tốt hơn. IE 10 đã ra mắt cho Windows 8 và nhận được nhiều đánh giá tích cực về tốc độ. Tuy nhiên, thành công của IE 10 còn tùy thuộc vào việc liệu Windows 8 có thể chen chân vào thị trường các thiết bị di động như tablet hay không? Chưa thể nói trước điều gì nhưng rõ ràng những sai lầm khó sửa chữa của Microsoft đã khiến cho IE không còn giữ được ngôi vị bá chủ như thuở ban đầu.

 

Theo Genk.vn