Điện thoại

Vì sao Apple luôn giữ bí mật sản phẩm đến phút chót?

Vì sao Apple luôn giữ bí mật sản phẩm đến phút chót?

Các sản phẩm chưa của Apple luôn là một ẩn số kích thích sự tò mò và tạo "công ăn việc làm" cho các trang tin công nghệ. Nhưng thực ra, Apple giữ bí mật để làm gì? Marketing chỉ là 1 phần của câu trả lời.

<> 
Apple luôn giữ bí mật về các sản phẩm trong giai đoạn phát triển của mình. Và tất cả những sản phẩm gần đây của Apple đều có chung 1 cách thức "chào sân": Xuất hiện trên tay của Steve Jobs vào buổi ra mắt, khiến cả thế giới trầm trồ và sau đó "tháo chạy" khỏi kho hàng với tốc độ chóng mặt.
Điều kỳ diệu là, trong dăm bảy năm trở lại đây, hầu như bất kỳ sản phẩm nào của Apple ra đời đều khiến giới mộ đạo "phát cuồng" và có doanh số cao thuộc hàng kỷ lục. iPod rồi iPhone, iPad, Macbook... Tất cả đều là những sản phẩm làm người ta giật mình ngay trong buổi ra mắt đầu tiên. Bởi 1 lẽ đơn giản: Trước buổi ra mắt ấy, chưa từng có 1 ai được "sờ tận tay, day tận mặt" các iDevices còn đang trong công đoạn sản xuất.
Chính vì phương thức giữ bí mật và giới thiệu sản phẩm theo kiểu "úp sọt" như thế, giới công nghệ càng ngày càng cảm thấy sốt ruột và mong chờ những sản phẩm mới của Apple ra mắt. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi trước lễ ra mắt các sản phẩm của Apple, người ta luôn phải trải qua 1 giai đoạn đồn đoán rất rất dài. Hãy thử điểm lại từ khi iPhone 4 ra mắt cho tới bây giờ là hơn 1 năm, bạn đã thấy bao nhiêu concept, mẫu thiết kết bị "rò rỉ" của iPhone 5, hoặc hình ảnh về 1 linh kiện hay vỏ case được cho là thuộc về chiếc smartphone này?
Cá nhân tôi là người thường phải làm việc với những tin đồn kiểu như thế này cũng không thể đếm nổi trong 1 năm qua tôi đã đọc bao nhiêu tin đồn liên quan đến iPhone 5. Hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn mẩu tin như thế được người ta tung lên Internet, và mỗi tin đồn sau đó lại được đăng tải lại ở hàng chục ngàn trang web khác nhau. Có lẽ chẳng chiếc smartphone nào trước thời điểm ra mắt hàng tháng trời lại có thể sở hữu tới 113 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến nó trên Google. Khi phải nghe đến quá nhiều về 1 thứ, người ta sẽ coi nó là vật rất quan trọng.
Sự háo hức của người sử dụng khiến các sản phẩm của Apple được "hưởng xái" 1 bộ máy tuyên truyền miễn phí và hiệu quả chưa từng thấy. Có lẽ nếu phải chi tiền cho 1 công ty quảng cáo để chữ iPhone 5 khắc sâu đến thế vào tâm trí của người sử dụng, Apple sẽ phải tốn hàng tỉ USD. Nhưng vì khả năng bảo mật thông tin siêu hạng của mình, Táo Khuyết có thể mượn chính người sử dụng và báo chí để quảng cáo cho mình miễn phí. Điều này đã dẫn người ta tới kết luận rằng, việc Apple giữ bí mật về sản phẩm sắp ra mắt chỉ là 1 chiêu tiếp thị, quảng cáo sản phẩm.
Sự thực thì phong cách làm việc đầy bí mật của Apple lại ẩn chứa nhiều tư duy sâu xa hơn thế.
1. Không dẫm chân sản phẩm đi trước
Đầu tiên có thể khẳng định, về mặt kinh doanh, bất kỳ hãng sản xuất nào cũng muốn giữ bí mật về sản phẩm mà mình đang phát triển. Lấy 1 ví dụ thế này: Nếu bạn đang có ý định mua smartphone, như iPhone 4 chẳng hạn, và bạn biết rằng iPhone 5 sẽ ra mắt vào tháng sau, với giá đúng bằng giá iPhone 4 và có thiết kế mới đẹp hơn, cấu hình cao hơn, nhiều tính năng hiện đại hơn. Bạn sẽ làm gì? Có lẽ đến 99% trong số chúng ta sẽ nhịn... thèm thắt chặt hầu bao đợi ngày iPhone 5 ra mắt. 
Nói như vậy để hiểu rằng khi 1 sản phẩm sau với những tính năng mới, nổi trội hơn người tiền nhiệm đi trước, việc sản phẩm sau gây ảnh hưởng xấu tới doanh số của sản phẩm thế hệ trước là điều không thể tránh khỏi. Tất nhiên nếu như trong ví dụ trên, iPhone 5 ra mắt đúng hạn, sẽ không có chuyện gì xảy ra, tuy nhiên việc sản xuất thiết bị phụ thuộc nhiều yếu tố và chịu rất nhiều rủi ro. 
Ngay cả Apple cũng không thể nói 100% rằng sản phẩm của mình sẽ ra mắt vào thời điểm nào, sự trễ hẹn của iPhone 5 là 1 ví dụ điển hình cho điều này. Một vụ sóng thần ở Nhật Bản, sau đó là lục đục với bên cung cấp linh kiện Samsung đã khiến iPhone 5 phải liên tục hoãn ngày ra mắt, hoặc trước đó là iPhone 4 màu trắng cũng trễ hẹn vài lần. Khi 1 công ty hứa hẹn và sau đó thất hứa, nó sẽ để lỗ hổng cho các công ty khác chiếm mất những khách hàng tiềm năng. Trong lịch sử, những trường hợp như thế này không phải là hiếm. Năm 2001, khi dòng Palm m500 sắp ra mắt, Palm cũng làm 1 chiến dịch quảng cáo rầm rộ, hứa hẹn nhiều tính năng mới. 
Palm m500 từng "ngộ sát" người anh em Palm V chỉ vì thất hứa.
Người sử dụng mong đợi M500 và sau đó không thèm mua sản phẩm tiền nhiệm Palm V. 1 tháng rồi 2 tháng Palm cứ lần lữa trễ hẹn trong việc ra mắt series m500, hậu quả là rất nhiều người có ý định mua m500 đã cảm thấy thất vọng, bực bội và chuyển hướng sang các PDA chạy WinCe. Đó là những khách hàng mà Palm không bao giờ còn giành giật lại được nữa.
Như vậy, Apple không phải là công ty duy nhất muốn giữ kín sản phẩm của mình trước khi ra mắt mà đó là mong ước chung của tất cả các hãng sản xuất. Có điều đến thời điểm hiện tại, dường như chỉ có Apple thành công mà thôi.
2. Sét đánh không kịp bưng tai
Năm 2007, khi iPhone lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng với giao diện cảm ứng đa điểm thân thiện với thao tác bằng ngón tay, màn hình điện dung, 1 HĐH trực quan , đơn giản thì các smartphone chạy WinMo hay Symbian vẫn còn đang mải mê với màn hình cảm ứng điện trở và giao diện bắt buộc dùng bút.
Sau khi iPhone trở thành một hiện tượng công nghệ, chúng ta lập tức thấy các điện thoại mới xuất hiện với dáng dấp của chiếc smartphone này. Màn hình cảm ứng choán hết mặt trước của máy với số nút bấm được tối giản, cảm ứng điện dung.... dần dà trở thành một xu hướng chung của smartphone đương đại. Thậm chí các hãng sản xuất như HTC, Samsung còn cố nhồi nhét vào WinMo cũ kỹ 1 giao diện mang phong cách iPhone với khả năng thao tác thuận tiện bằng ngón tay, cảm ứng đa điểm...
Nhưng tất cả đều đã là quá muộn. Những tính năng của iPhone đã khắc sâu vào trong tiềm thức của người sử dụng đến nỗi tất cả các sản phẩm về sau dường như đều ăn cắp ý tưởng từ chiếc smartphone của Apple. Rồi từ đó, thuật ngữ iPhone killer ra đời để chỉ những sản phẩm "bom tấn" với hi vọng có thể soán ngôi iPhone. Đến thời điểm hiện tại, chưa 1 iPhone killer nào thành công.
Có thể nói, thất bại của các sản phẩm đi sau iPhone là do Apple đã giành mất "tiên cơ". Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Apple công bố các tính năng của iPhone ngay trong khâu sản xuất, trước khi sản phẩm ra đời hàng năm trời như các hãng khác vẫn làm? Với tính cẩn thận, chi chú của Steve Jobs, việc phát triển iPhone mất tới hơn 2 năm trời. Còn với HTC hay Samsung, trong 2 năm từ 2009 đến 2011, bạn hãy thử đếm xem 2 hãng này đã cho ra đời bao nhiêu mẫu smartphone chạy Android? Nếu Apple để rò rỉ thiết kế của mình, tạo điều kiện cho các hãng khác học theo, thì khi iPhone ra mắt, những sản phẩm "từa tựa" nó đã tràn ngập thị trường từ lâu.
Vì thế việc giữ kín thiết kế sản phẩm của Apple còn có ý nghĩa giúp hãng này bảo vệ những phát minh và sáng chế của mình. Và khi phương án bảo vệ này thất bại, Apple sẽ cầu viện đến pháp luật.
3. Không cho khách hàng thời gian suy nghĩ
Rất nhiều người mua iPad về và sau đó không biết làm gì với nó. Đọc web đã có laptop, nghe nhạc đã có MP3 Player, chụp ảnh, xem phim đã có smartphone... Steve Jobs nói rằng iPad "làm mọi việc của smartphone và laptop, chỉ có điều tốt hơn". Sự thực thì không phải vậy. Nhiều người mua iPad khi cảm thấy choáng ngợp trước vẻ hấp dẫn và những tính năng mới mẻ của nó như khả năng điều khiển bằng cảm ứng trên màn hình lớn, duyệt ảnh, duyệt web thoải mái hơn và chơi game khá thú vị. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Sau 1 vài tháng sử dụng, người ta cảm thấy tablet là thứ có thì thừa mà không có thì cũng không đến nỗi... thiếu.
Vậy thì tại sao họ lại bỏ cả đống tiền ra để mua về 1 thiết bị mà chính họ cũng không biết sẽ dùng nó vào việc gì? Câu trả lời rất đơn giản: Vì họ không có sự lựa chọn. Tâm lý của người tiêu dùng là như thế này: Khi bạn nói cho trước vài tháng cho người tiêu dùng biết rằng iPad sẽ ra mắt vào thời điểm cụ thể như thế này, với tính năng và thiết kế ra sao, người ta sẽ có khoảng thời gian vài tháng ấy để cân nhắc và suy nghĩ. Họ sẽ lên mạng tìm các bài review, đánh giá, ý kiến của chuyên gia để tìm hiểu và đưa ra quyết định cuối cùng có mua iPad hay không. Và qua quá trình tư duy logic như thế, rất có thể sẽ nhiều người cảm thấy nhụt chí khi phải bỏ ra quá nhiều tiền để sở hữu 1 chiếc tablet không thể thay thế được laptop.
Nhưng nếu bất thình lình bạn tung ra chiếc iPad đó mà không hề có thông tin hay bình luận gì trước đó để người tiêu dùng tham khảo thì đại đa số người tiêu dùng sẽ lựa chọn bằng cảm tính: Thiết kế có đẹp hay không, thương hiệu có "sang" hay không. Nếu họ thích thiết kế và thương hiệu của Apple thì chuyện gì tới cũng sẽ phải tới.
Kết
Công việc của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với các tin đồn về các sản phẩm chưa ra mắt. Trong đó của Apple có lẽ là nhiều nhất, nếu bạn kể đến việc Apple 1 năm chỉ ra mắt vài ba sản phẩm mới trong khi các hãng khác xuất xưởng hàng trăm đầu thiết bị. Và đôi khi, công việc xử lý, biên tập những tin đồn kiểu như thế này khiến chúng tôi, những người đưa tin về công nghệ cảm thấy mệt mỏi. Thật không dễ chịu gì khi trong 1 tuần bạn phải "nhai" đến 10 "thiết kế bị lộ" của iPhone 5.
Ngày ra mắt iPhone 5 đã cận kề, thực sự hi vọng sau chiếc smartphone này chúng ta sẽ có 1 thời gian "sóng yên bể lặng" trước khi lại phải bắt đầu bàn tán về... iPhone 6.