Nhịp sống số

Vấn nạn hàng “lậu” bên trong điện thoại “xịn”

Vấn nạn hàng “lậu” bên trong điện thoại “xịn”

<>(CafeF1.com) Công nghệ hack, bẻ khóa... ngày càng phát triển mạnh mẽ và tinh vi khiến cho vấn nạn người người, nhà nhà xài phần mềm lậu trở nên... quá đỗi bình thường.

Đầu năm 2012, sau sự kiện SOPA và PIPA tại Mỹ, Megaupload bị đóng cửa, kéo theo hàng loạt các đường link tải phần mềm và crack (mở khoá) đã bị gỡ đi trên một loạt trang chia sẻ dữ liệu khác. Đó là tín hiệu cảnh báo khá rõ ràng tới những tổ chức hoặc cá nhân đang cố gắng trục lợi trên trí tuệ của người khác.

Trước đó, khoảng cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bị "thổi còi" (đơn cử như Siêu thị điện máy Chợ Lớn) vì đã sử dụng phần mềm lậu với tổng giá trị gian lận lên đến 500.000 USD. Điều này cũng đã thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan chức năng trong vấn đề sử dụng ứng dụng, phần mềm trong xã hội. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này chỉ đến 500 triệu đồng. Mức xử phạt chưa tương xứng khiến cho tình trạng sử dụng phần mềm không bản quyền tại Việt Nam trở nên quá đỗi... bình thường và người tiêu dùng chấp nhận nó như là một sự thật hiển nhiên!

Rất nhiều người dùng iPhone cài phần mềm lậu cho điện thoại của mình

Không chỉ khác nhau ở mức giá (tất nhiên - một bên miễn phí và một bên phải trả phí), phần mềm lậu ở Việt Nam rất dễ tiếp cận. Không khó để tìm ra một cửa hàng bán điện thoại di động chịu chép nhạc số, phim, phần mềm, game cho người dùng. Theo một khảo sát gần đây, 80% smartphone bán ra tại các cửa hàng di động ở nước ta đều được cài đặt phần mềm không bản quyền. Những phần mềm này được người dùng tự cài theo hướng dẫn trên mạng hoặc khách hàng có thể yêu cầu nhân viên bán máy cài đặt cho mình. Vì thế, hầu hết các iPhone 4S ở Việt Nam mang trong mình kho nội dung có giá trị hơn chục triệu, nhưng người dùng lại có được nó hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, trước đây, những bản "hack" xuất hiện khá lâu sau khi phần mềm chính ra đời, thì giờ đây, người dùng có thể sở hữu bản lậu chỉ sau bản chính... vài giờ. Rất nhiều đơn vị, công ty về lập trình dồn công sức, tâm huyết để sản xuất phần mềm thuần Việt cho di động để bán trên các kho ứng dụng với giá hợp lý. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau là đã thấy phần mềm của mình bị bẻ khóa và "share" (chia sẻ) hàng loạt trên các diễn đàn Việt. Chất xám dễ dàng bị xâm hại khiến cho rất nhiều nhà phát triển ứng dụng trong nước nản lòng và người tiêu dùng gián tiếp trở thành kẻ tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Người dân cần có ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm

Tâm lý "xài hàng không phải trả phí mới thích" của người Việt Nam đang biến chúng ta thành những người tiêu dùng xấu xí. Nước ta cần phải có những chế tài, luật định cần thiết để xử phạt, quản lý cũng như cần nâng cao nhận thức về tôn trọng bản quyền. Những điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành phần mềm ở Việt Nam nói riêng và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Người tiêu dùng Việt Nam đừng nên biến những chiếc điện thoại đắt tiền thành những "hung khí" gây án bất đắc dĩ.

./.



Xem các bài viết của Bella»
Tạo bởi Bella
Tags: bản quyền phần mềm, bản quyền phần mềm trên điện thoại smartphone, cài phần mềm bản quyền cho điện thoại