Nhịp sống số

Vài góc nhìn khác về cuộc chiến bằng sáng chế

Apple dùng nó để "diệt" Android, Google mua nó để... phòng thân, Microsoft đầu tư vào nó để kiếm lời. Dường như tất cả các đại gia công nghệ đều đang phát cuồng lên vì vấn đề bằng sáng chế.

<> 
Mỗi ngày, chúng ta vẫn thấy những tin tức về việc Apple kiện cáo Samsung, HTC hoặc Microsoft "thu thuế" các smartphone Android do Samsung sản xuất rồi chuyện Google bỏ ra 12,5 tỉ USD ra để mua về Motorola để đối mặt với cuộc chiến pháp lý mà Apple, Microsoft phát động. Tất cả dường như xoay quanh 1 vấn đề duy nhất: Quyền sáng chế.
 
Bằng sáng chế: Thiên thần hay ác quỷ?
Sau cú ngã trước Apple và Microsoft trong cuộc chạy đua để mua về 6000 bằng sáng chế của Nortel với cái giá khủng khiếp: 4,5 tỉ USD, Google cay đắng kết luận: "Microsoft và Apple đang sử dụng các bằng sáng chế của mình như 1 công cụ để thủ tiêu sự cạnh tranh, "vùi dập" các đối thủ và theo đó làm cản trở sự phát triển của công nghệ". Khi nhìn lại những vụ kiện chống Android gần đây của Apple và Microsoft, chúng ta phần nào thấy đây là sự thực. 
Apple cố tìm cách "thủ tiêu" Samsung, HTC bằng những đơn kiện yêu cầu cấm tiêu thụ sản phẩm của 2 hãng này trong khi Microsoft thì liên tục đạt được những thỏa thuận nhằm "bòn rút" các NSX thiết bị chạy Android. Những áp lực do Apple và Microsoft đặt lên Android sẽ làm chậm lại bước tiến của HĐH này, tạo điều kiện cho Microsoft và Apple bắt kịp. Nhìn ở góc độ này, bằng sáng chế đã trở thành một công cụ hỗ trợ cho sự cạnh tranh của Microsoft và Apple. 
Chưa hết, những vụ mua bán với cái giá "trên trời" như việc chi ra 4,5 tỉ USD để mua về 6000 bằng sáng chế rồi đem chúng... cất vào kho quả thực là 1 sự lãng phí khiến nhiều người phải giật mình. Rõ ràng Apple và Microsoft không cần tới 6000 bằng sáng chế mua lại của Nortel và cũng sẽ chẳng ứng dụng chúng vào 1 sản phẩm nào cụ thể mà chỉ đơn giản là mua để những bằng sáng chế ấy không... rơi vào tay Google. Chỉ vì sự phòng ngừa lẫn nhau có liên quan tới bằng sáng chế, 4,5 tỉ USD đã không cánh mà bay. 
Số tiền này nếu được đem đầu tư vào quá trình phát triển sản phẩm có thể sẽ giúp Apple ra được thế hệ iPhone thứ 6, 7 hoặc Microsoft có thể cho ra Windows Phone 8 hoặc thậm chí là Windows Phone 9 thay vì cứ để Windows Phone 7 mãi "dậm chân tại chỗ" như hiện nay.
Như vậy, vô hình chung, cuộc chiến quyền sáng chế đã khiến tất cả các hãng phải chạy đua vũ trang và thiệt hại không chỉ xảy tới cho bên bị tấn công là Android, mà ngay cả những kẻ gây chiến như Apple, Microsoft cũng phải ăn "quả đắng" do chính mình gieo trồng. Cuối cùng người chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là khách hàng, những người sẽ phải mua smartphone Android với giá cao hơn, có ít sự lựa chọn hơn và nhiều khả năng sẽ phải chịu chế độ "độc tài" của 1 nhà sản xuất áp đặt do không còn đối thủ cạnh tranh.
Vậy câu hỏi ở đây là, liệu có phải luật sở hữu trí tuệ chính là "công cụ tội ác" được tạo ra nhằm kìm hãm sự phát triển của công nghệ?
Mục đích tốt...
Sự thực hoàn toàn ngược lại, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sáng chế nói riêng được tạo ra với mục đích khuyến khích các nhà phát minh, sáng chế tập trung nhiều hơn cho công việc của mình. Và đến tận bây giờ, ý nghĩa ấy của quyền sáng chế vẫn còn vẹn nguyên: Mỗi năm hàng chục ngàn bằng sáng chế được cấp trên toàn thế giới như 1 sự ghi nhận những nỗ lực của nhà phát minh và đảm bảo quyền lợi của họ trên sản phẩm mà phải đổ ra rất nhiều chất xám mới làm ra được. 
Về cơ bản, nguyên tắc của bằng sáng chế rất đơn giản: khi 1 người sáng chế, phát minh ra 1 công nghệ hoàn toàn mới thì anh ta được quyền khai thác công nghệ ấy trong 1 thời gian nhất định, những ai sử dụng, sao chép lại công nghệ này phải được sự đồng ý của người phát minh ra nó. 
Phát minh về đèn điện sợi đốt của Edison đã thay đổi cả thế giới vì được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ.
Người chủ của bằng sáng chế có quyền yêu cầu 1 khoản phí để cấp phép bằng sáng chế ấy (Microsoft) hoặc yêu cầu các cơ quan công quyền cưỡng chế sản phẩm vi phạm (Apple). Và chỉ khi các nhà phát minh biết rằng những gì họ làm ra được pháp luật bảo vệ và họ có thể kiếm lợi từ nó thì họ mới có thêm động lực để phát minh ra những cái mới. Ý nghĩa khuyến khích sự sáng tạo của luật sở hữu trí tuệ chính là ở điểm này.
Tuy nhiên những ngày đầu tiên khi luật sở hữu trí tuệ ra đời, nguyên tắc đầu tiên và số 1 của nó là: Không cấp bằng sáng chế cho các ý tưởng. Lấy 1 ví dụ như thế này, tôi có thể có ý tưởng về việc "truyền tiếng nói qua sóng điện trên dây dẫn (gọi điện thoại)". Tuy nhiên để có thể trở thành chủ sở hữu của công nghệ trên, tôi sẽ phải phát minh ra 1 hệ thống ngoài đời thật có thể thực hiện được ý tưởng ấy. Nếu tôi không thể phát minh ra được chiếc điện thoại đầu tiên thì ý tưởng ấy sẽ mãi mãi chỉ nằm trên giấy mà không bao giờ trở thành sở hữu của tôi. Nguyên tắc này để ngăn chặn việc có người đi đăng ký hàng loạt ý tưởng để "giăng bẫy" các nhà sáng chế thực thụ.
Ý tưởng thôi chưa đủ, phải có 1 thiết bị thực sự hoạt động được để xem xét cấp bằng sáng chế.
Và trong suốt nhiều chục năm trời, dựa vào nguyên tắc đó, các bằng sáng chế đã trở thành 1 công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà phát minh. Những thiết bị cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của chúng ta như bóng đèn sợi đốt, xe đạp, máy bay... đều là những sản phẩm ra đời và được đăng ký bằng sáng chế.
... Nhưng lại đi chệch hướng.
Tuy nhiên khi bước vào kỷ nguyên công nghệ thông tin, lại nảy sinh 1 câu hỏi rất hóc búa: Liệu phần mềm và các thuật toán có nên được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ hay không? Khác với các phát minh của kỷ nguyên cơ khí, phần mềm trong kỷ nguyên số mơ hồ và khó nắm bắt hơn rất nhiều. Nếu như ở kỷ nguyên cơ khí, từ 1 ý tưởng "tạo ra ánh sáng từ nguồn điện" có thể có nhiều cơ chế thực thi khác nhau như bóng đèn sợi đốt, bóng huỳnh quang... và mỗi cơ chế này đều có thể được cấp 1 bằng sáng chế riêng. Với phần mềm, 1 ý tưởng như "phóng to thu nhỏ hình ảnh bằng cách nhúm 2 ngón tay" dưới bàn tay của 1 lập trình viên giàu kinh nghiệm có thể được hiện thực hóa bằng hàng chục phương thức khác nhau mà không tốn nhiều công sức. 
Nếu như cấp bằng sáng chế theo cách truyền thống thì mỗi phương án thực thi này sẽ đòi hỏi 1 bằng sáng chế. Điều này là không tưởng và cũng không thể đảm bảo sẽ bịt kín mọi kẽ hở không để người khác sao chép được phát minh của anh ta. Điểm này đã dẫn tới sự mâu thuẫn trong việc cấp phát bằng sáng chế cho phần mềm: thay vì đăng ký bằng sáng chế cho 1 cơ chế thực thi thì bằng sáng chế phần mềm được cấp cho các ý tưởng về công dụng của phần mềm đó. Và 1 bằng sáng chế phần mềm về "giao diện cảm ứng đa điểm" mà Apple mới nhận được hồi đầu năm có thể được ví như việc Apple được sở hữu quyền phát minh "chiếu sáng bằng năng lượng điện" hoặc "bay trên trời bằng sự hỗ trợ của máy móc". 
Giao diện cảm ứng đa điểm thường được cho là có độ phủ quá rộng.
Độ phủ quá rộng của 1 bằng sáng chế về phần mềm và sự đơn giản trong việc xin cấp chúng đã trở thành lỗ hổng tạo điều kiện cho các "địa chủ" như Apple, Microsoft tha hồ bóp nặn những hãng sở hữu ít bằng sáng chế hơn như HTC và Google. Rất khó để nói phần mềm mà bạn vừa viết ra liệu có "sa chân" vào 1 bằng sáng chế nào trong số hàng chục ngàn chiếc mà đối thủ của bạn đang sở hữu hay không.
Chính vì nhược điểm này của bằng sáng chế về phần mềm mà nhiều quốc gia không chấp nhận cấp chúng cho các lập trình viên. Các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, Australia là một trong những nước như thế. Nhưng bên cạnh đó Mỹ lại là nước ủng hộ việc cấp phát bằng sáng chế về phần mềm. Vì thế bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng khi Apple lôi Samsung ra tòa ở Đức, yếu tố chính mà Táo Khuyết cáo buộc là liên quan tới kiểu dáng của thiết bị trong khi đó các đơn kiện ở Mỹ lại chủ yếu liên quan tới giao diện cảm ứng hoặc công nghệ xử lý, truyền dẫn dữ liệu.
Nhìn thế nào về cuộc "chạy đua vũ trang" giữa các "đại gia"?
Trước hết xin khẳng định rằng tôi hoàn toàn ủng hộ việc các nhà phát minh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua bằng sáng chế. Công sức, trí tuệ bỏ ra để phát minh ra 1 sản phẩm, công nghệ mới cần được trân trọng và tưởng thưởng xứng đáng. Những sự copy trắng trợn như việc Samsung nhái đồ Apple hoặc "đồ Tàu" chất lượng thấp ăn theo các sản phẩm bom tấn cần phải được loại bỏ. Nhưng đồng thời, những sự cạnh tranh không lành mạnh núp bóng bằng sáng chế cũng cần phải bị lên án và ngăn chặn ngay từ bây giờ. Có 1 thống kê không chính thức cho rằng từ năm 1990 tới nay, riêng ở Mỹ đã có tới 500 tỉ USD bị lãng phí vào các cuộc chiến pháp lý liên quan tới vấn đề quyền sáng chế. Nếu số tiền ấy không bị "bốc hơi" sau những vụ kiện cáo vô bổ thì có thể chúng ta sẽ được thấy một bộ mặt rất khác của thế giới công nghệ.
Làm gì để các "patent troll" không còn đất sống?
Về phần những phát biểu của Google, đừng quá ngây thơ khi cho rằng Google thực sự quan tâm tới sự tiến bộ của thế giới công nghệ mà đơn thuần chỉ là việc Google cảm thấy mình đang bị cuốn vào 1 cuộc chiến không thể giành thắng lợi với Microsoft, Apple. Những tuyên bố gần đây của gã khổng lồ tìm kiếm chỉ là nỗ lực nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng. Google sẵn sàng bảo vệ Android tới hơi thở cuối cùng, 12,5 tỉ USD mà hãng bỏ ra để mua lại Motorola chính là minh chứng rất hùng hồn cho điều ấy. Và mặc dù động cơ của Google xuất phát từ những toan tính rất cá nhân như thế, tôi vẫn cho rằng việc Google có thể duy trì được 1 Android để làm đối trọng với iOS là 1 điều cần phải có và sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng.
Riêng với Apple, những vụ kiện theo kiểu "hòn bấc ném đi hòn chì quăng lại" với HTC, Samsung đã khiến Táo Khuyết lún vào 1 vòng xoay rất khó thoát ra. Và Apple chỉ còn cách "đâm lao theo lao". Chắc chắn trong thời gian tới chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều vụ kiện cáo qua lại giữa các "đại gia" này và tất cả sẽ chỉ kết thúc khi các bên chịu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mọi khúc mắc trong hòa bình sau khi cuộc chiến pháp lý đã ngã ngũ.
Và như người ta thường nói, bằng sáng chế không sai, cũng không xấu chỉ có cách mà người ta sử dụng nó là sai, là xấu mà thôi.