“Hệ thống lập kế hoạch xạ trị ung thư quản lý thông tin bệnh nhân trên web - LYNX khi được ứng dụng thì sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải, bất cập hiện nay ở bệnh viện, còn bệnh nhân khi cần có thể chủ động xem xét thông tin của mình”.
Tiến sỹ Nguyễn Thái Bình - Trưởng nhóm LYNX đã có cuộc trao đổi với Dân trí sau khi được vinh danh Nhân Tài Đất Việt 2011 (NTĐV 2011) với giải 3 về tiềm năng ứng dụng.
Nhóm LYXN đã thành công với nghiên cứu của mình và đoạt được thưởng NTĐV 2011 mà nhiều người mơ ước. Anh muốn chia sẻ điều gì?
Chúng tôi đã rất nỗ lực và đạt được kết quả tốt đẹp. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi nhận được giải thưởng này.
Tiến sỹ Nguyễn Thái Bình (bên phải) - nhóm trưởng LYXN trả lời phỏng vấn Dân trí (ảnh: Lê Trường)
Qúa trình nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm CNTT có chuyên môn cao về hệ thống lập kế hoạch xạ trị ung thư quản lý thông tin bệnh nhân trên web - LYNX đã được thực như thế nào thưa anh?
Chúng tôi làm việc trong ngành xạ trị ung thư của Việt Nam và chúng tôi thấy bất cập của những hệ thống đang sử dụng trong bệnh viện; cùng với những nhu cầu làm việc mọi lúc mọi nơi, nhu cầu lưu trữ thông tin, nhu cầu trao đổi thông tin giữa y bác sỹ với bệnh nhân… Vì vậy chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sáng tạo ra phần mềm này.
Phần mềm LYNX hoàn toàn mới ở Việt Nam, là hệ thống lập kế hoạch và quản lý thông tin của bệnh nhân ung thư qua Internet (LYNX) dựa vào nền tảng Silverlight của Microsoft và kiến thức chuyên ngành Vật lý y học.
LYNX giúp ích cho các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư vật lý, bệnh nhân và mọi thành viên trong việc quản lý và theo dõi hệ thống xạ trị ung thư một cách tổng thể. LYNX có thể được sử dụng thông qua các thiết bị như máy tính cá nhân, máy tính bảng… và các trình duyệt Internet Explorer, Firefox, Chrome…
Nhóm LYNX có gặp khó khăn gì trong việc sáng tạo sản phẩm này không?
Anh đã từng tới Bệnh viện K Trung ương chưa?
Tôi đã từng tới đó từ năm 2004.
Anh đã có những khảo sát gì tại tuyến bệnh viện cấp cao về điều trị ung thư tại đây?
Tôi nghiên cứu về xạ trị ung thư vì vậy tôi rất hiểu về hệ thống bệnh viện điều trị bệnh này. Nếu so sánh với các bệnh viện của nước ngoài như Anh, Pháp, Mỹ thì quả thật có nhiều bất cập.
Vậy anh tin tưởng LYXN sẽ là giải pháp có thể cải thiện được những bất cập đó?
Tôi tin tưởng và rất chắc chắn về điều này.
Hiện nay, tại Việt Nam không chỉ hệ thống bệnh viện điều trị ung thư mới quá tải mà hầu hết các hệ thống bệnh viện điều trị các loại bệnh khác đều có rất nhiều những bất cập. Tại sao nhóm không nghiên cứu rộng rãi hơn về những ứng dụng này?
Điều đầu tiên vì đây là nghiên cứu nằm trong chuyên ngành chuyên môn hóa của chúng tôi. Trong thực tế, những sản phẩm ứng dụng CNTT trong những ngành chuyên môn cao là không khó, nếu làm rộng rãi thì chắc ai cũng làm được, nhưng khi đã đi vào chuyên môn cao thì nó có những yêu cầu đặc biệt mà mình phải hiểu rõ ngành đó, lĩnh vực đó thì mới có thể làm được. Đối với sản phẩm ứng dụng này yêu cầu 2 kỹ năng về lập trình và trình độ chuyên môn hóa về xạ trị ung thư.
Ứng dụng này đã có ở nước ngoài chưa thưa anh?
Thực ra ứng dụng này được chúng tôi nghiên cứu tại nước ngoài, vì ở nước ngoài thì có những điều kiện và nhu cầu để thực hiện.
Anh kỳ vọng gì về sản phẩm LYXN khi ứng dụng vào thực tế xạ trị ung thư tại Việt Nam?
Nhóm mình khi tham gia giải thưởng NTĐV 2011 với mong muốn thúc đẩy sự phát triển hơn nữa ngành Vật lý Y học ở Việt Nam để từ đó các trung tâm xạ trị ung thư sẽ có điều kiện để tiếp cận với những phần mềm công nghệ mới. Tôi cũng hi vọng sản phẩm LYXN sẽ từng bước giúp các trung tâm Vật lý Y học quản lý thông tin bệnh nhân tốt hơn cũng như nâng cao hiểu quả điều trị.
Xin trân trọng cảm ơn anh!