Điện thoại

[Tựu trường] Những ứng dụng giúp ích cho việc học trên Android

Mùa tựu trường đã đến, các bạn học sinh, sinh viên cũng bắt đầu đến trường, khởi đầu cho một năm học mới. Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại Android thì hãy cùng Tinh Tế học tập hiệu quả hơn bàng các ứng dụng sau đây.

 

 

1. Ứng dụng ghi chú: Evernote (miễn phí)


Không phải lúc nào chúng ta cũng mang giấy bút theo người, tuy nhiên điện thoại thì luôn thường trực trong túi quần của chúng ta. Khi cần ghi chú gì đó gấp, dùng chiếc smartphone của bạn là nhanh và tiện nhất. Trên Android có một ứng dụng ghi chú rất tiện lợi, đó là Evernote. Ứng dụng này không chỉ cho phép ghi chú đa định dạng (gồm có chữ, hình ảnh, âm thanh, tập tin đính kèm) mà còn cho phép đồng bộ tất cả ghi chú của bạn lên máy chủ. Từ đó, bạn có thể truy cập các ghi chú của mình bằng máy tính, máy tính bảng bằng ứng dụng hoặc thông qua trình duyệt web. Các ghi chú có thể xếp thành từng notebook để bạn dễ dàng quản lí chủ đề của các ghi chú. Thậm chí bạn có thể dùng Evernote để ghi lại một bài giảng nào đó rồi chỉnh sửa chữ in đậm, in nghiêng, gạch dưới, đánh chỉ mục… Kiểu ghi chú với dấu kiểm đầu dòng có thể giúp bạn tạo một danh sách những việc cần làm khi đi học, xong việc nào ta chỉ việc đánh dấu chọn vào đó. Ngoài ra, Widget của Evernote cho phép bạn theo dõi ghi chú của mình ngay tại HomeScreen, đồng thời có những nút chức năng giúp tạo nhanh các loại ghi chú.


2. Ứng dụng tạo thời gian biểu: A+ Timetable (miễn phí)


Bạn thường hay quên lịch học của mình? Không muốn mang theo kè kè bên mình tờ giấy thời khóa biểu? Hãy sử dụng ứng dụng A+ Timetable để quản lí quỹ thời gian cho việc học của mình một cách hiệu quả. Ứng dụng này có thể giúp bạn tạo một thời khóa biểu hoàn chỉnh dựa theo giờ bắt đầu và kết thức của lớp/môn học. Với mỗi môn như vậy, bạn có thể thùy chỉnh màu sắc chữ và màu nền để dễ dàng phân biệt các môn với nhau. Giao diện xem kiểu tuần cho bạn cái nhìn trực quan về lịch học của mình. Ngoài ra, Widget của A+ Timetable có thể xuất hiện thường trực trên Homescreen để nhắc nhở bạn về những lớp học sắp tới. Bạn có thể lưu thời khóa biểu của mình ra thẻ nhớ để tiện sao lưu hoặc dùng khi phải đổi máy. Một tùy chọn chia sẻ thời khóa biểu cũng xuất hiện trong ứng dụng này.

3. Từ điển đa ngôn ngữ: Wordmate (miễn phí và có phí)




Ứng dụng này có thể khai thác rất nhiều từ điển được cung cấp bởi trang web StarDict, và tất nhiên trong đó có từ điển dịch thuật giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác. Trước hết, bạn cần tải ứng dụng Wordmate từ Android Market. Sau đó, truy cập vào trang web http://sourceforge.net/projects/ovdp/files/Stardict/ để tải bộ từ điển mà bạn thích. Nếu trang web trên không có đủ từ điển bạn mong muốn thì hãy tìm kiếm trên Internet nhé, miễn từ điển đó dùng được cho ứng dụng StarDict là ổn. Hãy giải nén và chép dữ liệu từ điển vào một thư mục "Wordmate" ở thư mục gốc của thẻ nhớ. Wordmate có thể tìm kiếm từ rất nhanh và hiện kết quả theo từng chữ mà chúng ta nhập vào ô tìm kiếm. 


4. Sơ đồ tư duy: Thinking Space (miễn phí và có phí)



Ứng dụng này sẽ giúp bạn tạo những ý tưởng trong đầu mình dưới dạng sơ đồ tư duy. Với sơ đồ tư duy, bạn sẽ dễ dàng sắp xếp những việc mình cần làm, đồng thời phổ biến cho bạn bè hoặc thầy cô. Giao diện của ứng dụng đơn giản, cho phép tạo nhiều nhánh trong sơ đồ, đồng thời đổi màu các đối tượng để quan sát dễ hơn. Thinking Space còn hỗ trợ người dùng điều khiển các thao tác nhanh chóng bằng cách vẽ những đường nét xác định. Những sơ đồ tư duy bạn đã tạo sẽ được lưu trữ trên thẻ nhớ để có thể dùng lại trong những lần sau. Việc xuất sơ đồ ra ảnh, chữ cũng giúp cho việc chia sẻ dễ dàng hơn.

5. Máy tính khoa học cao cấp: handyCalc, Andie Graph (miễn phí)



handyCalc là ứng dụng máy tính khoa học cao cấp và rất mạnh mẽ, với handyCalc, bạn có thể vẽ đồ thị từ hàm số nhập vào, giải hệ phương trình 2 ân, 3 ẩn, giải phương trình bậc 2 và 3… Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép chúng ta gán giá trị cho biến chữ bất kì, thu gọn biểu thức theo chữ, tính giá trị hàm. Ngoài ra ứng dụng còn tích hợp sẵn khả năng chuyển đổi đơn vị trong mình. Tất nhiên những hàm toán học thông thường, phép toán siêu cấp, toán thống kê,… đều được hỗ trợ. Khả năng hiện kết quả tính toán ở dạng căn và phân số cũng được đánh giá cao ở handyCalc. Hãy tham khảo phần hướng dẫn khi chạy ứng dụng lần đầu tiên để tận dụng được hết sức mạnh của ứng dụng nhé.


Một ứng dụng khác đó là Andie Graph. Ứng dụng này mô phỏng lại những dùng máy tính nổi tiếng của hãng Texas Instrusment, tuy nhiên cần phải có bản BIOS của dòng máy tương ứng, bạn có thể tìm kiếm rất nhiều trên mạng. Khi đã biết cách dùng những máy TI là bạn có thể làm được rất nhiều vấn đề trong môn toán khi đi học.

6. Tạo danh sách những việc cần làm: Taskos (miễn phí)



Taskos có thể tạo một todo list rất hay, nhanh gọn và lẹ. Những việc bạn tạo có thể được đồng bộ trực tuyến với Google Task nên bạn có thể truy cập nó ở bất kì đầu. Với Taskos, bạn có thể tạo ghi chú âm thanh, tạo ghi chú thông minh (ví dụ gõ email + tên thì khi nhấn vào, ứng dụng tự động hiện nút để ta làm), đặt thứ tự ưu tiên đồng thời đặt lịch nhắc nhở để thực hiện việc đó. Khi xong việc có thể đánh dấu chọn hoặc kéo tay ngang qua tên của công việc là xong.

7. Các ứng dụng miễn phí cần thiết khác:
  • Đọc tập tin văn phòng: Document To Go Viewer.
  • Đọc sách, tài liệu bằng file PDF: Adobe Reader.
  • Lưu trang web để đọc offline: ReadItLater.
  • Lưu trữ và truy cập tập tin trực tuyến: Dropbox.
  • Tham khảo công thức toán: Math Formulary, Trigonometry App.
  • Tham khảo công thức lý, hóa: Formulae

Chúc các bạn đạt được kết quả cao trong học tập với thiết bị Android của mình.