Nhịp sống số

Trò chơi hai mặt, Google không miễn phí

Trò chơi hai mặt, Google không miễn phí

Nhắc đến Google, mọi người thường nghĩ đến một “hệ sinh thái” từ Google search, Gmail, Google Latitude, Google Earth, Android, Google Chrome,… hoàn toàn miễn phí cho mọi người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có thật sự là Google hoàn toàn miễn phí các dịch vụ của mình hay không? Nếu miễn phí thì doanh thu hàng chục tỷ USD hàng năm của hãng này đến từ đâu? Liệu có phải Google đang chơi trò chơi hai mặt?


Ảnh minh họa

 

 

Những đường link 40 USD

“Hãy click vào đường link này, bạn sẽ mang đến cho Google 40 USD cho mỗi lần click như thế và bạn sẽ được chiết khấu một phần từ số 40 USD ấy”. Cộng đồng sử dụng mạng Internet tại Việt Nam đang trao đổi với nhau về những món quảng cáo hời có thể mang lại giá trị rất lớn cho người chơi Google Adsense. Theo đó, khi tham gia Google Adsense, bạn sẽ được Google trao cho một số code quảng cáo để dán vào bên trong website của mình và bạn có nhiệm vụ yêu cầu người khác click vào đó. Mỗi lần có người click vào link quảng cáo trong đó, bạn sẽ thu được 1 phần tiền thưởng từ Google và đồng thời, Google lại nhận được toàn bộ phần tiền theo hợp đồng từ công ty có quảng cáo mà vừa bị… click. “Cách thức rất đơn giản và Google Adsense hiện đang trở thành công cụ quảng cáo phổ biến nhất thế giới, gần như đi tới đâu người ta cũng thấy có sự tồn tại của những quảng cáo này, từ các website nổi tiếng – đông người truy cập cho tới các website cá nhân ít tiếng tăm.

Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường thì Google thu phí theo nhiều mức giá khác nhau, tùy theo đối tượng muốn quảng cáo, các công ty trong nhóm ngành kinh doanh – tài chính – ngân hàng thường bị “chém” rất nặng trong khi những công ty liên quan đến công nghệ xanh hoặc tái chế thì lại được ưu ái nhiều hơn (và lẽ dĩ nhiên, chiếm tỷ trọng không nhiều). Cũng giống như Facebook kiếm tiền trên 750 triệu tài khoản người sử dụng của mình, Google thu lợi tốt hơn rất nhiều nhờ hàng tỷ người sử dụng trên toàn thế giới. Vì vậy, để có doanh thu cao điều quan trọng là phải mở rộng thị phần, trong các biện pháp này, “miễn phí” là cách tốt nhất. Google đã áp dụng một cách rất hiệu quả, từ Google search, Gmail, Google Latitude, Google Earth,… cho tới Android, Google Chrome,…

Thu lợi từ sự miễn phí

Nhiều người đặt câu hỏi, Google sẽ miễn phí Google search, Gmail, Google Latitude, Google Earth, Android, Google Chrome,… cho đến khi nào? Theo nhiều chuyên gia, cái thế của những dịch vụ do Google cung cấp khi mới xuất hiện (nhất là Android, Google Chromium,…) là cái thế của kẻ đến sau nên bắt buộc phải làm gì đó để có thị trường. “Thị trường là một thuật ngữ vừa ảo và vừa thật nhưng một khi nắm được thị trường, cá nhân, công ty, tổ chức ấy sẽ thu được những giá trị lợi nhuận THẬT khổng lồ tương ứng với kích thước của thị trường”, một nhà kinh tế cho biết. Khi mới ra đời, thị phần của Android bằng không và nó không giành được sự tin tưởng của bất kỳ hãng công nghệ nào. Nhưng, chính do việc Android được cung cấp miễn phí nên đã có những hãng sản xuất thiết bị thử ứng dụng và sau đó người dùng trên toàn thế giới đã bị thuyết phục. Cho tới giờ, Android vẫn miễn phí nhưng nó không hoàn toàn đúng 100% theo nghĩa đen nữa.

Các dịch vụ của Google (nhất là Android) thu tiền theo cách khác, Fox News cho biết. “Họ không thu tiền bản quyền hệ điều hành nhưng bù lại, họ lấy tiền thông qua các kho ứng dụng  khổng lồ của mình. Tương tự như cách Apple lấy 25% tiền cho mỗi phiên bản phần mềm bán trên iTunes thì Google cũng làm như thế, cách này mang lại lợi nhuận khá lớn cho Google và nó sẽ lớn hơn nữa nếu Android mở rộng hơn nữa”. Và đó chính là cách làm hay nói cách khác, chính là phương châm kinh doanh của Google, mở rộng miễn phí cho tất cả mọi người dùng phổ thông nhưng bù lại, sẽ lấy tiền từ các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên các sản phẩm mà mình cung cấp. “Như thế, nếu nói theo một cách nào đó, Google đã lấy được tiền từ những người sử dụng phổ thông bởi chính họ là người mua sản phẩm của các nhà cung cấp dịch vụ”, Fox News kết luận.

Điều này cũng tương tự như với Google Search, Google Earth,… Chẳng hạn, công ty A bán quảng cáo trên Google search hoặc phần mềm trên Android, họ sẽ bán với mức giá 10 đồng, khi quảng cáo trên Google search hoặc bán được hàng trên Android thì hãng Google sẽ thu phí 3 đồng, như thế, bắt buộc công ty A sẽ phải tăng giá bán lên thành 13 đồng. Và khi bạn mua hàng của công ty A, bạn sẽ phải trả 13 đồng chứ không phải 10 đồng. “Người sử dụng có liên quan sẽ chịu hết phần tiền quảng cáo mà Google thu được từ các công ty  đăng quảng cáo”, TechCrunch cho biết.

 Như vậy, điều hiển nhiên là chẳng bao giờ ngừng việc cung cấp miễn phí các dịch vụ của mình, mà thậm chí, sẽ còn tiếp tục tung ra nhiều dịch vụ miễn phí khác trong tương lai. “Với trò hai mặt trên, họ sẽ thu được những khoản tiền khổng lồ từ sự miễn phí ấy”, một nhà quan sát kết luận.