Sau kết quả kinh doanh có phần ảm đạm vài năm gần đây, có tin đồn rằng Bill Gate sẽ quay trở lại chiếc ghế nóng của tập đoàn này.
- Microsoft giảm giá mạnh Surface RT, chỉ còn 7,4 triệu đồng
- Google thắng lớn, Nokia lỗ nhẹ, Microsoft thua đau
- Microsoft “đại phẫu”, học tập Apple
Từ sau khi Bill Gates rời khỏi vị trí của mình và trao quyền lại cho Steve Ballmer vào năm 2008, tình hình kinh doanh của Microsoft liên tục xấu đi với sự sụt giảm về doanh thu thấy rõ. Các báo cáo tình chính tồi tệ đã đẩy tập đoàn này rơi vào tình cảnh giá cổ phiếu tụt dốc không phanh trên thị trường. Những điều này xảy đến kể từ thời điểm Bill Gate ra đi khiến sức ép lên người kế nhiệm Steve Ballmer ngày càng dữ dội hơn. Và điều này cũng khiến người ta đặt câu hỏi rằng, nếu Bill Gates vẫn còn ngồi ở vị trí của mình, liệu kết quả kinh doanh của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này có trở nên tồi tệ như vậy.
Có lẽ không thể đổ tất cả tội lỗi cho Steve Ballmer, bởi vào thời điểm này, tình hình công nghệ thế giới đã bước sang một trang mới kể từ khi xuất hiện của hệ điều hành iOS, Android và các thiết bị di động thông minh hoạt động trên nền tảng của chúng. Những chiếc máy tính bảng sành điệu, những chiếc điện thoại thông minh sử dụng màn hình cảm ứng với ưu điểm tiện lợi và thân thiện với người dùng đã dần thay thế những chiếc PC, laptop cồng kềnh, nặng nề và khó sử dụng. Và kẻ bị thiệt hại nhiều nhất trong việc này, không ai khác là Microsoft của Steve Ballmer, tập đoàn chuyên sản xuất và thiết kế các hệ điều hành dành cho PC và laptop.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sự kém nhạy bén và sáng tạo trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của Steve Ballmer cũng là một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới sự thất bại này của gã khổng lồ về công nghệ như Microsoft. Đáng lẽ, với truyền thống, kinh nghiệm cũng như đội ngũ nhân sự hùng hậu mà tập đoàn này đang sở hữu vào thời điểm đó, Steve Ballmer cùng các cộng sự của mình phải làm tốt hơn những gì mà họ đã làm.
Dự án Windows Phone của Steve Ballmer chưa đem lại cho Microsoft những kết quả tích cực
Không thể phủ nhận rằng sự ra đời cùng lúc của hai hệ điều hành trẻ iOS và Android đã tạo ra sức ép không nhỏ với Microsoft, nhưng việc phải chờ đến tận hơn 2 năm sau, tức là vào thời điểm cuối năm 2010, Microsoft mới cho ra mắt một hệ điều hành do hãng này tự phát triển để cạnh tranh với hai nền tảng kia là quá muộn mằn. Rõ ràng, chưa nói đến sự khác biệt giữa các tính năng hay sự thân thiện của hai hệ điều hành trên, việc đi sau đối thủ với khoảng thời gian 2 năm là quá dài so với vòng đời của một sản phẩm công nghệ. Và kết quả là sự thua kém của nền tảng Windows Phone so với hai nền tảng ra đời trước đó là Android và iOS xảy đến như một điều tất yếu.
Thêm nữa, với độ lùi về thời gian như vậy, lẽ ra Microsoft dưới quyền lãnh đạo của Steve Ballmer phải rút ra được những kinh nghiệm từ phía các đối thủ của mình và cho ra đời một hệ điều hành mới tốt hơn Windows Phone của họ hiện nay mới đúng. Bởi với Windows Phone hiện nay, dù rằng với hai quan điểm phát triển khác nhau từ phía các công ty chủ quản của chúng, nhưng sự chênh lệch và thua kém về các tính năng cũng như hiệu năng hoạt động giữa những nền tảng này là khá rõ ràng.
Máy tính bảng Surface, một trong những sản phẩm chủ lực của Microsoft dưới thời Steve Ballmer
Windows Phone rõ ràng là kém hơn quá nhiều so với iOS hay Android về phần quản lý các tác vụ đa nhiệm. Nó thiếu quá nhiều tính năng để có thể gọi là một hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh, từ việc gây khó khăn cho người dùng ngay cả trong những tác vụ cơ bản nhất là chụp ảnh màn hình, cài đặt nhạc chuông, gửi dữ liệu qua Bluetooth hay đơn giản hơn nữa bật tắt chế độ xoay màn hình ở phiên bản Windows Phone 7, cho đến việc thiếu một trung tâm thông báo và một bảng điều khiển nhanh các cài đặt về điện thoại như 3G hay WiFi ở phiên bản Windows Phone 8. Hơn nữa, đành rằng là để đảm bảo độ an toàn cũng như bảo mật cho hệ điều hành này, nhưng với việc quá cứng rắn trong việc cho phép can thiệp vào hệ thống của máy, Microsoft đang tự làm khó cho chính mình và người sử dụng sản phẩm của họ khi những người dùng hay các nhà phát triển bên thứ 3 không thể tự cung cấp các tính năng còn thiếu cho chiếc điện thoại của hãng này. Và về kho ứng dụng, tất nhiên, với sự chậm trễ về thời gian cùng với sự cứng rắn trong vấn đề can thiệp vào hệ thống như thế, kho ứng dụng của Microsoft thua kém hoàn toàn so với hai hệ điều hành kể trên cũng là điều dễ hiểu.
Và kết quả là, cùng với sự phát triển và trên đà đi lên của ngành sản xuất các sản phẩm phần cứng và phần mềm dành cho các thiết bị di động, việc suy giảm doanh thu của Microsoft là điều có thể dự đoán từ trước. Và hơn ai hết, Steve Ballmer với cương vị CEO hay Tổng giám đốc điều hành sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về điều này.
Sự kém nhạy bén trong kinh doanh của Steve Ballmer đã đẩy Microsoft rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất kể từ khi hãng này ra đời. Khi mà vào hôm thứ 6 vừa qua, hàng loạt các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của Microsoft, khiến cho giá cổ phiếu của Microsoft tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 cho đến nay, xuống còn 31,4 USD/cổ phiếu, đồng thời “gã khổng lồ phần mềm” đã mất đến 32 tỉ USD chỉ trong một ngày. Có lẽ cách đây tầm chục năm, ít ai có thể ngờ rằng, tình hình kinh doanh của một gã khổng lồ như Microsoft lại có thể lâm vào tình cảnh bi đát đến như thế.
Nhiều người vẫn chưa quên được Bill Gates với đế chế Microsoft do ông tạo nên
Sự rút lui ồ ạt của các nhà đầu tư cho thấy sự thiếu tin tưởng vào tương lai của Microsoft. Khi mà các sản phẩm do hãng này tạo ra không nhận được sự hứng thú mấy từ phía người sử dụng. Hệ điều hành Windows Phone với nhiều kì vọng đã thực hiện cải tiến đến lần thứ hai mà vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản chứ chưa nói đến nâng cao của người dùng. Và hệ điều hành Windows 8, Windows 8 RT cùng với dòng máy tính bảng Surface cũng chưa cho thấy những cải tiến rõ rệt để trở thành dấu hiệu cho sự khởi sắc.
Tất cả những điều này đều này xảy đến cùng một lúc khiến người ta ngày càng đặt ra những dấu hỏi lớn hơn cho Steve Ballmer và bộ máy lãnh đạo của Microsoft thời điểm hiện tại. Và rằng, liệu tình hình kinh doanh của Microsoft có đến mức ảm đạm như vậy nếu một người khác tài năng hơn ngồi vào vị trí của ông này. Và tất nhiên, nếu phải ngay lập tức tìm ra một người như thế để thế chỗ cho Steve Ballmer, mọi ánh mắt sẽ đều nhìn về phía Bill Gates.
Ít người biết rằng, tuy rời khỏi vị trí CEO của Microsoft từ năm 2008, nhưng trên danh nghĩa Bill Gates vẫn nắm giữ chiếc ghế chủ tịch tại công ty và đóng vai trò cố vấn. Và dù không phải là người đưa ra những quyết định tại Microsoft, tuy nhiên Bill Gates vẫn là người có uy tín tại công ty này. Thế nên, mọi ý kiến của Gates cũng phần nào có ảnh hưởng đến những quyết định tại Microsoft.
Ít người biết rằng, Bill Gates chứ không phải Steve Jobs mới là người đầu tiên bắt tay vào phát triển một chiếc máy tính bảng
Theo một nguồn tin riêng tiết lộ với hãng tin IBT, nhiều khả năng Microsoft sẽ một lần nữa nhờ đến Bill Gates, nhà đồng sáng lập của công ty, để ngồi vào vị trí CEO của Microsoft dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, và trên hết nhằm lấy lại sự tin tưởng của các nhà đầu tư cũng như cả từ phía người dùng.
Tài năng và bản lĩnh của Bill Gates ở mức độ nào thì cả thế giới đều đã rõ. Vậy nên, chắc hẳn với kinh nghiệm phong phú cùng sự sáng tạo không biên giới của mình, Bill Gates sẽ là người phù hợp nhất để dẫn dắt Microsoft thoát ra khỏi con tàu đắm. Tuy nhiên, liệu Gates có muốn như vậy hay không thì lại là một chuyện khác.
Cần phải nói rằng, kể từ khi rời khỏi chiếc ghế nóng của Microsoft cách đây 6 năm, người ta biết đến Bill Gates nhiều hơn với vai trò của một nhà từ thiện, của một diễn giả hay của một người truyền cảm hứng nhiều hơn là vai trò của một giám đốc điều hành, và dường như ngay chính cả bản thân Gates cũng đã quen dần với công việc đó.
Hiện Bill Gates đanh dành hết thời gian của mình để duy trì hoạt động của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, đồng thời đầu tư vào những dự án mà theo Gates là giúp cho thế giới tốt hơn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bill Gates thừa nhận mình cảm thấy thoải mái với công việc hiện tại và cảm thấy đã làm tốt công việc lãnh đạo Microsoft và đây là thời điểm để dành cho những người khác.
Tuy không thể nói trước được điều gì nhưng với câu nói này, có thể suy ra được rằng, dù Microsoft vẫn còn đang gặp phải vô vàn những tình cảnh khó khăn, nhưng ngày về của Gates thì vẫn còn xa lắm. Và với những người đang trông đợi sự xuất hiện trở lại của Bill Gates, có lẽ họ nên củng cố niềm tin vào Steve Ballmer hoặc nên tìm cho mình một hướng đầu tư sáng giá hơn, để không phải tiếp tục thấp thỏm với những kế hoạch không mấy khả quan mà ông này đem lại.
Đọc thêm: Chuyện quái quỉ gì đang xảy ra với thị trường smartphone