Thực trạng
Theo thống kê của Bộ phận kỹ thuật công ty VDC thì phần lớn sự cố rắc rối không mong muốn xảy ra với các thuê bao Internet là thuê bao hộ gia đình. Trong đó chủ yếu là không nắm vững những thao tác cơ bản về mạng cũng như những hiểu biết đơn giản về sự nguy hiểm của môi trường mạng.
Ví dụ như có khá nhiều dạng thắc mắc như sau: “Trong tháng 6 vừa qua, tiền cước MegaVNN thuê bao của tôi tăng bất thường so với các tháng khác. Việc truy cập Internet của tôi hàng ngày chủ yếu là đọc tin tức vào buổi tối, nên mức phí hàng tháng cũng dao động không đáng kể. Xin kiểm tra giúp”.
Sau khi được kiểm tra cho thấy số liệu gốc, các cuộc truy nhập đều ghi rõ account truy nhập là của khách hàng, lưu lượng phù hợp với thời gian cuộc gọi, kiểm tra tính logic của thông tin chi tiết cước không thấy có sự bất hợp lý nào, số liệu chi tiết khớp với số liệu tổng hợp, không có bản ghi nào bất thường. Thuê bao của khách được gắn cứng với một cổng và cổng đó gắn cứng với số điện thoại truy cập, do đó không ai có thể dùng tài khoản của khách để truy cập vào mạng từ một số điện thoại khác được, đồng thời nếu câu trộm đường điện thoại mà không có account và mật khẩu thì cũng không vào được mạng.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, người sử dụng có thể kiểm tra tình trạng máy tính có bị kiểm soát hay không bằng các biện pháp kỹ thuật. Nếu có sự thâm nhập vào PC và xuất hiện phần mềm kiểm soát để tiếp tục tấn công, đánh cắp dữ liệu trong những lần sau thì có thể dùng phần mềm diệt virut phát hiện. Ngoài ra, nếu máy tính có những biểu hiện lạ thì cũng có thể đặt nghi ngờ và nên tìm sự trợ giúp của cơ quan điều tra để kiểm tra.
Để quản lý tốt nhất
Để quản lý tốt nhất việc sử dụng dịch vụ MegaVNN tránh phát sinh cước ngoài ý muốn, một số vấn đề sau luôn được chú ý và tiến hành cẩn thận:
+ Tắt modem khi không có nhu cầu sử dụng để tránh các cuộc truy cập kéo dài
+ Không nên để chế độ lưu mật khẩu trong modem.
+ Nếu khách hàng sử dụng Wifi cần chú ý đặt mật khẩu để tránh truy nhập trái phép.
+ Hiện nay rất nhiều website tin tức có thông tin quảng cáo dạng flash, video tự động chạy khi khách hàng truy cập website đó, làm tăng dung lượng tải về của khách hàng (cột lưu lượng OUT), gây thắc mắc cho khách hàng về việc sử dụng Internet ít, chỉ đọc tin tức mà sao dung lượng lại lớn.
+ Kiểm tra xem máy tính có các phần mềm đặt chế độ tự động cập nhật các phiên bản mới hay không. Trên thực tế đã xảy ra các tình huống: Các chương trình để chế độ tự động cập nhật dữ liệu (auto update) do đó các chương trình này tự động download các phiên bản mới, các bản cập nhật phần mềm về máy (như windows, các phần mềm diệt virus).
Các chương trình gián điệp tự động download các phần mềm không mong muốn về máy tính hoặc tự động mở các trang web hoặc các phiên làm việc mà người chủ máy tính không biết. VDC khuyến cáo khách hàng thường xuyên quét virus và spyware để hạn chế các nguy cơ nêu trên.
Ngoài ra, thao tác đơn giản nhất mà mỗi người dùng nên làm đó là thỉnh thoảng thao tác đổi mật khẩu. Thường thì khi lắp đặt cho khách hàng đăng ký dịch vụ, nhân viên kỹ thuật luôn hướng dẫn khách hàng trực tiếp và đề nghị thay đổi hai loại mật khẩu ngay sau khi thực hiện cài đặt là password truy cập mạng (được cung cấp bởi ISP) và password quản trị modem ADSL.
Kết luận
Một vấn đề lớn là “tai nạn” chỉ xuất hiện người dùng không chăm chút cho máy tính của mình, để lộ sơ hở tạo điều kiện cho bên ngoài thâm nhập. Nếu máy tính có đầy đủ phần mềm tường lửa cá nhân, antivirus, thường xuyên cập nhật bản vá an ninh thì sẽ không có cơ hội cho xâm nhập.. Ngoài ra, nắm vững những quy tắc cơ bản của việc dùng mạng thì cũng sẽ không có chuyện phát sinh cước phiền phức nào.