Nối tiếp phần 1, trong phần 2 này chúng ta sẽ đi vào các card đồ họa tầm trung cấp, với giá từ 2.500.000 đến 4.500.000 VNĐ.
Một số lưu ý:
- Các card đồ họa được chọn theo tiêu chí phục vụ game offline đòi hỏi cấu hình cao như Batman, BattleField… Nếu chỉ có nhu cầu game online hoặc giải trí thông thường, bạn có thể không cần những chiếc card đắt tiền đến thế.
- Các thông tin dưới đây (đặc biệt là giá cả) chỉ đúng nhất ở thị trường Việt Nam. Đối với bạn đọc ở nước ngoài có thể không chính xác.
- Giá cả đưa ra chỉ mang tính tham khảo, có thể thay đổi theo thời gian và tùy nơi bán.
- Chỉ số p/p (performance/price – hiệu năng/giá thành) của các card đồ họa tăng dần từ phổ thông tới trung cấp, sau đó lại giảm khi tiến lên cao cấp. Vì vậy đối với người dùng ở các phân khúc phía dưới, “cố thêm một chút” là điều nên làm.
- Phân biệt giữa thiết lập “cao” và “cao nhất”. Ngoài ra đánh giá của tôi về khả năng chơi game của các VGA dựa trên đa số các game hiện nay, không dành riêng cho game nào và chỉ mang tính tương đối. Độc giả không nên lấy các “sát thủ phần cứng” ra để áp đặt so sánh.
Sau đây là một vài tóm tắt về sự ra mắt của dòng HD 7000.
Giữa tháng 2 - HD 7750 & HD 7770: Hiệu năng không ấn tượng nhưng tiết kiệm điện hơn
Nếu so về giá khởi điểm do AMD đề nghị, 2 chiếc card này không đạt đột biến nào về hiệu năng và p/p – điều mà người dùng mong đợi nhất về các sản phẩm mới. HD 7770 có giá và hiệu năng đều xêm xêm HD 6850. Điều tương tự cũng xảy ra với HD 7750 và HD 6770.
Điểm ăn tiền nhất của 2 card đồ họa này là điện năng tiêu thụ thấp hơn hẳn, đồng thời nhiệt độ cũng mát hơn 2 người tiền nhiệm. HD 7770 chỉ tiêu thụ định là 80W và yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin (HD 6850 cũng yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin nhưng tiêu thụ nhiều hơn 47W). HD 7750 chỉ cần 55W, kế thừa HD 6670 trở thành card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất (HD 6770 tiêu thụ 108W và cần 1 nguồn phụ 6-pin).
Nếu như các hãng sản xuất VGA tung ra thêm bản low-power cho HD 7770, 2 sản phẩm mới của AMD sẽ là một lựa chọn nâng cấp sáng giá cho các cấu hình sở hữu bộ nguồn kém. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là giá của chúng khi về Việt Nam sẽ không tốt như mong đợi, bởi 2 yếu tố “tiết kiệm điện” và “không nguồn phụ” rất có thể sẽ bị các đại lý phân phối lợi dụng để đẩy giá lên cao hơn.
Đầu tháng 3 - HD 7850 & HD 7870: thay thế HD 6950 & HD 6970
Giống như trường hợp của 2 chiếc card trên, HD 7850 & HD 7870 cũng có giá khởi điểm ngang với 2 người tiền nhiệm HD 6950 & HD 6970, tuy nhiên hiệu năng thì hơn 1 chút. Chúng ta vẫn biết hiệu năng các card đồ họa AMD chưa đạt được hiệu năng tốt nhất khi mới ra mắt mà tối ưu dần qua các bản driver về sau.
HD 7850 có giá ngang HD 6950, hiệu năng hiện hơn khoảng 8%, công suất tiêu thụ 130W, yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin (so với HD 6950 là 200W và yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin).
HD 7870 có giá ngang HD 6970, hiệu năng hiện hơn khoảng 11%, công suất tiêu thụ 175W, yêu cầu 2 nguồn phụ 6-pin (so với HD 6970 là 250W và yêu cầu 1 nguồn phụ 8-pin + 1 nguồn phụ 6-pin).
Có 2 khả năng khi 2 chiếc card này về đến Việt Nam: giá thay thế HD 6950 & HD 6970 hiện nay, 2 sản phẩm cũ giảm giá; hoặc HD 6950 & HD 6970 vẫn giữ nguyên, còn HD 7850 & HD 7870 bị đội giá.
Cần phải nói thêm: hiệu năng CrossFireX đa card đồ họa của thế hệ HD 7000 cực kì tốt, gần như tăng gấp đôi so với 1 card, thừa sức vượt mặt các sản phẩm ở phân khúc trên về hiệu năng lẫn p/p. Đánh giá chi tiết sẽ được GenK thực hiện ngay khi chúng có hàng tại Việt Nam.
Tầm giá từ 2.500.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ
Đề cử: Nvidia GTX 550 Ti và AMD HD 6750, HD 6770
HIS HD 6770 Fan 1 GB GDDR5 (xung nhịp 850/1200 MHz) – 2.950.000 VNĐ.
Lại một trường hợp đổi tên khác của AMD: từ HD 5770 thành HD 6770. (HD 5770 cũng nằm trong danh sách card đồ họa tốt bài viết trước)
Giống GTS 250 bên Nvidia, HD 5770 là một tướng lĩnh lâu đời của AMD. Cùng với HD 5750, 2 quân bài chiến lược của AMD gần như làm chủ phân khúc tầm trung. Suốt một thời gian dài, Nvidia không cạnh tranh lại nổi HD 5770 ở tầm giá này.
Chiếc card yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin và bộ nguồn công suất thực 400W trở lên. HD 6770 mạnh hơn HD 6750 và GTS 450 khoảng 15%, chơi game tốt ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập “cao”.
Sparkle GTX 550 Ti 1GB GDDR5 (xung nhịp 900/1025 MHz)– 2.900.000 VNĐ.
Thực sự thì tôi không rõ làm thế nào một chiếc GTX 550 Ti lại có giá tốt đến vậy. Ra đời nhằm thế chỗ cho GTS 450, GTX 550 Ti có nhiệm vụ đối chọi lại HD 6770 của AMD. Tuy nhiên giá của chiếc card này tỏ ra không cạnh tranh lắm trong khi hiệu năng cũng chỉ nhỉnh hơn tí chút. Duy nhất có Sparkle là tỏ ra khá hợp lý. Tất nhiên đổi lại tản nhiệt của Sparkle GTX 550 Ti toàn nhôm khá “cùi bắp” nếu đem so với MSI, Asus hay Gigabyte (đương nhiên là rẻ hơn nhiều). Rất có thể ngoài tản nhiệt ra bo mạch của chiếc card cũng bị cắt gọt bớt đi, khiến khả năng ép xung của chiếc card này không cao. Dù sao “tiền nào của nấy”, người viết chỉ đưa ra gợi ý còn lựa chọn phụ thuộc hoàn toàn ở bạn.
Chiếc card yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin và bộ nguồn công suất thực 400W trở lên. GTX 550 Ti mạnh hơn HD 6770 khoảng 5%, chơi game tốt ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập “cao”.
Gigabyte HD 6750 1GB GDDR5 OC – 2.990.000 VNĐ.
HD 6750 yếu hơn HD 6770 tầm 15%. Với cùng giá thành, tôi thiên về lựa chọn HIS HD 6770 Fan 1 GB hơn. Ngoài phiên bản HD 6750 đến từ Gigabyte này, các chiếc HD 6750 của Asus và MSI đều có giá trên 3.000.000 VNĐ, chỉ rẻ hơn HD 6770 của chính họ từ 200.000 -> 300.000 VNĐ.
Tầm giá từ 3.000.000 đến 3.500.000 VNĐ
Đề cử: AMD HD 6770
Trong tầm này nên tránh HD 6750, GTS 450.
Trong tầm này nên tránh HD 6750, GTS 450.
Trong khoảng giá này có HD 6750, HD 6770 và GTS 450 của các hãng HIS, MSI, Asus và Gigabyte. Theo quan điểm của tôi, không lý gì lại phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho HD 6750 và GTS 450 - 2 chiếc card yếu hơn HIS HD 6770 Fan 1GB một khoảng đáng kể. Vả lại, trong cùng một thương hiệu, giá của HD 6770 chỉ cao hơn HD 6750 và GTS 450 khoảng 200.000 -> 300.000 VNĐ, rất đáng để “cố thêm”.
HIS HD 6770 IceQ X 1GB GDDR5 (xung nhịp 850/1200 MHz) – 3.250.000 VNĐ.
HIS có 2 phiên bản HD 6770: bản Fan 1GB ở trên và bản IceQ X 1GB này. 2 phiên bản này có cùng mức xung nhưng IceQ X được trang bị tản nhiệt tốt hơn, hứa hẹn khả năng ép xung tốt hơn.
Asus HD 6770 DC 1GB GDDR5 (xung nhịp 850/1200 MHz) – 3.620.000 VNĐ.
Gigabye và MSI cũng có sản phẩm HD 6770 giá thấp hơn Asus, gần gần ngang với HIS IceQ X nhưng lại có tản nhiệt rõ ràng là không bằng 2 chiếc card của Asus và HIS, xung nhịp cũng kém hơn nữa. Tôi không tư vấn 2 chiếc card này nhưng xin đưa hình ảnh, thông số và giá để bạn đọc kiểm chứng, đối chiếu
:
Gigabyte HD 6770 1GB GDDR5 (xung nhịp 775/1000 MHz) – 3.350.000 VNĐ.
MSI HD 6770 1GB GDDR5 (xung nhịp 775/1000 MHz) – 3.100.000 VNĐ.
Các card đồ họa HD 6770 này đều yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin, bộ nguồn công suất thực 400W, chơi tốt các game mới với thiết lập “cao” ở độ phân giải 1600 x 900.
Tầm giá từ 3.500.000 đến 4.000.000 VNĐ
Đề cử: AMD HD 6790, HD 6850.
Trong tầm này nên tránh GTX 550 Ti.
Trong tầm này nên tránh GTX 550 Ti.
Tuy được liệt vào “danh sách nên tránh” nhưng tôi vẫn giới thiệu qua các card đồ họa GTX 550 Ti trong tầm giá này bởi dẫu sao vẫn có nhiều người không thích card đồ họa AMD, còn Nvidia thì đã vắng mặt hoàn toàn trong suốt từ 2.500.000 VNĐ đến nay rồi. Trong trường hợp đó GTX 550 Ti là sự lựa chọn tạm hợp lý cho bạn, đổi lại bạn sẽ mất khá nhiều hiệu năng.
Asus GTX 550 Ti DC 1GB GDDR5 (xung nhịp 1015/1050 MHz) – 3.600.000 VNĐ.
MSI GTX 550 Ti Cyclone II OC 1GB GDDR5 (xung nhịp 950/1075 MHz) – 3.650.000 VNĐ.
Gigabyte GTX 550 Ti WF2 1GB GDDR5 (xung nhịp 970/1050 MHz) – 3.850.000 VNĐ.
Có giá hơn chiếc GTX 550 Ti của Sparkle tới gần triệu đồng, 3 chiếc card của MSI, Gigabyte và Asus rõ ràng được trang bị tản nhiệt và thiết kế bo mạch tốt hơn nhiều, đem lại khả năng ép xung ổn định và nhiệt độ mát hơn. Có điều cá nhân tôi cho rằng chừng đó là chưa đủ. GTX 550 Ti không phải là một sản phẩm thuyết phục khi hiệu năng chỉ hơn HD 6770 tí chút mà giá lại cao hơn rõ rệt. Với từng ấy tiền bạn hoàn toàn có lựa chọn khác “ngon nghẻ” hơn nhiều từ AMD. Nhưng dù sao vẫn có những người không thích card đồ họa AMD, trong trường hợp đó GTX 550 Ti là sự lựa chọn tạm hợp lý cho bạn.
GTX 550 Ti mạnh hơn HD 6770 khoảng 5%, yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin, bộ nguồn công suất thực 400W, chơi tốt các game mới với thiết lập “cao” ở độ phân giải 1600 x 900.
HIS HD 6790 IceQ X Turbo 1GB GDDR5 (xung nhịp 900/1100 MHz) – 3.700.000 VNĐ.
HD 6790 được AMD tạo ra để điền vào khoảng hiệu năng khá lớn giữa HD 6770 và HD 6850. Tuy nhiên do giá chỉ kém HD 6850 một chút mà hiệu năng lại thua tới 15% nên các đại lý tại Việt Nam đều không nhập VGA này về, ngoại trừ chiếc HIS HD 6790 IceQ X Turbo này. Bản thân tôi cũng cho rằng bỏ thêm 300.000 VNĐ để lên HD 6850 là quyết định sáng suốt hơn. Đối với những bạn đã “cố” hết cỡ tới tầm này, đây cũng là một chiếc card tốt có hiệu năng xứng đáng hơn GTX 550 Ti nhiều.
HD 6790 mạnh hơn GTX 550 Ti khoảng 10%, yêu cầu 2 nguồn phụ 6-pin (tôi rất thắc mắc điều này bởi HD 6790 ăn điện không nhiều), chơi tốt các game ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập từ “cao” tới “cao nhất”.
HIS HD 6850 IceQ X 1GB GDDR5 (xung nhịp 775/1000 MHz) – 4.000.000 VNĐ.
MSI HD 6850 Cyclone Power Edition 1GB GDDR5 (xung nhịp 860/1100 MHz) – 3.950.000 VNĐ.
Asus HD 6850 DC 1GB GDDR5 (xung nhịp 790/1000 MHz) – 4.050.000 VNĐ.
Đây là một trong những card đồ họa có hiệu năng/giá thành thuộc loại tốt nhất hiện nay. HD 6850 hội tụ khá nhiều ưu điểm: hiệu năng tốt, ép xung khá, tốn ít điện, mát. Đây chính là nguyên nhân “dìm chết” GTX 460 đình đám một thời. Trong những chiếc HD 6850 tôi vừa nêu ra ở trên không có mặt sản phẩm của Gigabyte. Lý do bởi nó có giá chát hơn hẳn, tới 4.400.000 VNĐ.
HD 6850 mạnh hơn HD 6790 khoảng 15%, mạnh hơn GTX 550 Ti khoảng 27%. Chiếc card yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin, bộ nguồn công suất 400W, chơi tốt các game ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập từ “cao” tới “cao nhất”, chơi tốt các game ở độ phân giải 1920 x 1080 với thiết lập “cao”.
Tầm giá từ 4.000.000 đến 4.500.000 VNĐ
Đề cử: không có.
Trong tầm này nên tránh GTX 460.
Trong tầm này nên tránh GTX 460.
Ở tầm giá này không có sự góp mặt của bất kì card đồ họa nào ngoại trừ chiếc Asus GTX 460 DirectCu giá 4.460.000 VNĐ. GTX 460 đã từng là một VGA rất hot, nhưng sau này bị HD 6850 với hiệu năng và khả năng OC tương đương xuất hiện lấn sân. Do vậy nếu bạn đang muốn đầu tư VGA ở tầm tiền này, hãy giảm xuống mức dưới hoặc “cố” lên tầm giá trên. Tất nhiên nếu yêu thích Nvidia và muốn một chút PhysX, bạn cũng có thể để mắt đến chiếc card này.
(Còn tiếp..)