id="post_message_13138363">
Galaxy Nexus nổi bật không chỉ vì nó là chiếc điện thoại của Google mà bởi vì nó là chiếc điện thoại đầu tiên bán ra trên thị trường sử dụng Android Ice Cream Sandwich, một hệ điều hành có rất nhiều thay đổi cả về mặt giao diễn lẫn tính năng so với các phiên bản trước. Sau một thời gian sử dụng máy, mình có một số kinh nghiệm và thủ thuật muốn chia sẻ với mọi người về việc up ROM, sử dụng Recovery và một vài tinh chỉnh khác giúp chúng ta sử dụng Galaxy Nexus hiệu quả hơn.
Giới thiệu sơ lược về Galaxy Nexus
Cấu hình Galaxy Nexus:
- Vi xử lí: TI OMAP 4460 hai nhân xung nhịp 1,2GHz
- RAM: 1GB
- Màn hình: 4,65" độ phân giải 720p (720 x 1280), có lớp phủ chống vân tay
- Hệ điều hành: Android Ice Cream Sandwich 4.0
- Máy ảnh: 5 megapixel
- Kích thước: 135,5 x 67,9 x 8,9 mm
Galaxy Nexus có thiết kế và phần cứng khá khác biệt so với những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng đang có của Samsung. Cầm trên tay có cảm giác chắc chắn và sang trọng hơn S2 cũng như Galaxy Note mà mình đang sài. Màn hình và thiết kế máy cho cảm giác cong vòng thay vì cong ưỡn như Arc. Mặt trước cong cong uốn uốn giống kiểu của Nexus S (Nexus S cũng do Samsung sản xuất). Phía trước không in bất cứ điểm nào, bạn sẽ thấy một mảng đen tuyền lớn... đen tuyền được là nhờ màn hình Super Amoled.
Máy có thiết kế bo tròn các góc mềm mại, Samsung tiếp tục sử dụng chất liệu nhựa cho Galaxy Nexus. Ưu điểm của nhựa là giúp giảm trọng lượng máy (kích thước ba chiều của máy là 135.5 x 67.9 x 8.9 mm nhưng chỉ nặng 135g), tuy nhiên vật liệu này lại ít nhiều làm giảm sự sang trọng của một sản phẩm cao cấp. Máy không đến mức ọp ẹp, nhưng khi ấn tay vào nắp lưng ta vẫn có cảm giác nó bị lõm vào một chút, giá như Samsung cho nó một cái nắp lưng kim loại thì mình sẽ ứng ý hơn nhiều.
Android trên Galaxy Nexus là phiên bản mới nhất, phiên bản 4.0. Đây là phiên bản hợp nhất máy tính bảng và điện thoại của Android cho năm sau. Có lẽ bạn sẽ thích vì giao diện của 4.0 rất đẹp và rất mượt. Mọi thao tác nhẹ nhàng và rất mượt, không khựng và lắc nhẹ như trên Android cũ. Cảm nhận của mình là cái này thay đổi trong hệ điều hành. Mình cũng cài thử vài phần mềm cũ và tất cả đều chạy tốt trên 4.0 này. Nếu quan tâm sâu hơn, mời bạn xem bài Đánh giá Samsung Galaxy Nexus.
Tổng quan về hệ điều hành Android 4.0
Android 4.0 có rất nhiều điểm mới, chẳng hạn như giao diện mới, tính năng chụp ảnh được bổ sung thêm cách chụp toàn cảnh xoay máy, thanh cảnh báo, tính năng quản lí đa nhiệm mới, mở khóa bằng khuôn mặt, Gmail mới, trình duyệt mới, ứng dụng biên tập video,… Mời các bạn xem thêm chi tiết về hệ điều hành này trong bài viết Tất cả về Android 4.0 Ice Cream Sandwich.
Thủ thuật với Galaxy Nexus
Đổi tổng đài nhắn tin
Đôi khi, chúng ta có thể nghe, có thể gọi, có thể nhận tin nhắn như bình thường, nhưng lại không thể gửi tin nhắn đi được. Mỗi lần chúng ta nhấn nút Send thì Android lại báo không xem được, thử lại nhiều lần cũng không xong thì đây là lúc chúng ta cần đổi tổng đài nhắn tin. Số tổng đài nhắn tin (SMS Center - SMSC) có thể biết được bằng cách gọi điện trực tiếp hỏi tổng đài, hoặc dạo vòng quanh kiếm trên mạng. Ví dụ của Mobifone là +84900000011 hoặc +8400000066. Nếu dùng tổng đài 66 không được mình thường hay đổi qua 11.
Khi đã có được số SMSC, bạn truy cập vào trang web http://www.smartposition.nl/resources/sms_pdu.html. Cuộn xuống bên dưới, bạn sẽ thấy một khu vực cho phép nhận SMSC. Nhập số tổng đài vào đây, xóa trắng ô Receiver, ô nội dung rồi nhấn nút Convert. Cần phải giải thích chỗ này một chút. Mặc định, Android sẽ nhận số tổng đài dưới dạng Hexadecimal (mã thập lục phân), trong khi dãy số +84xxxxx lả mã thập phân. Do đó, ta cần chuyển đổi nó sang hexadecimal thì Android 4.0 mới chấp nhận. Trong ô bên phải, sau khi convert, bạn nhận được một dãy nhiều chữ số. Đừng quan tâm đến dòng AT+gì gì đó, mã hãy nhớ những con số ở dòng dưới, trước con số 11. Bạn có thể thấy được những gì cần nhớ mình đã bôi xanh trong hình minh họa.
Trên Galaxy Nexus, vào trình gọi điện của máy và quay số *#*#4636#*#* (nhìn trên bàn phím thì bạn sẽ ra được chữ *#*#info#*#*). Một menu sẽ xuất hiện, chọn Phone Information. Bạn kéo xuống bên dưới một chút, sẽ thấy được ô SMSC. Nhập dãy số hexadecimal mà bạn đã có được bên trên vào ô này rồi nhấn Update. Chờ một chút là bạn đã có thể nhắn tin lại được rồi.
Thay đổi file radio để cải thiện sóng
Android có một điểm thú vị đó là bạn có thể thay đổi phần mềm điều khiển việc thu phát sóng di động, gọi là radio hay baseband (dải tần cơ sở). Radio được chia sẻ rộng rãi trên mạng và bạn có thể flash nó dễ dàng như lúc up ROM bằng ClockWork Mod (xem phần bên dưới để biết thêm chi tiết). Tùy theo máy của bạn mua ở đâu hoặc bạn đang ở khu vực nào mà sử dụng tập tin radio tương ứng. Các tập tin radio được chia sẻ tại đây. Mình nhận thấy ở Việt Nam thì dùng bản XXKK1 và XXKK6 (là bản mới hơn của XXKK1) thì ổn định nhất.
Để xem được Baseband của máy, bạn vào Settings > About phone > Baseband. Định dạng của Baseband như sau: I9250abcd#
Trong đó:
- I9250: số hiệu model của Galaxy Nexus, không bao giờ thay đổi
- ab: vùng, miền, tên nhà mạng. Mình chỉ biết được XX là của Châu Âu, nhưng các bản baseband khác nhau đều có thể bắt được sóng GSM ở Việt Nam
- c: năm ra mắt baseband. K là 2011
- d: tháng ra mắt. K là 2011
- #: phiên bản của baseband
Bạn có thể thử flash các baseband khác nhau để thử nghiệm tốc độ và tính ổn định của sóng di động. Một số người dùng báo cáo rằng bản UGKL1 cho tốc độ 3G nhanh hơn hẳn, nhưng đôi khi sóng bị rớt. Một số bản ROM cũng yêu cầu người dùng thay đổi baseband (chỉ một số ít thôi).
Tiếng Việt trên Galaxy Nexus
Muốn có được giao diện tiếng Việt, bạn cần phải sử dụng các ROM phiên bản 4.0.3 trở lên. Mặc định, ROM 4.0.1 của Galaxy Nexus không hỗ trợ tiếng Việt. Mời bạn xem một số ROM mà mình liệt kê bên dưới để biết thêm chi tiết.
Bàn phím tiếng Việt cho Galaxy Nexus:
Các bộ gõ tiếng Việt hiện có trên Android Market đều có thể dùng tốt với Android 4.0 trên Galaxy Nexus. Mình muốn giới thiệu một số bộ gõ tốt mà bạn có thể tham khảo:
- GoTiengViet 3: gõ theo kiểu VNI, Telex, tự động sửa lỗi, có nhiều theme
- Vietnamese IME: gõ theo kiểu VNI, Telex, có tự động sửa lỗi. Mặc định HTC đã cài nó lên máy rồi.
- Multiling Keyboard kèm Plugin tiếng Việt: chỉ gõ theo kiểu Telex, nhiều tùy chỉnh
- Smart Keyboard: chỉ gõ theo kiểu Telex
Cá nhân mình thích dùng GoTiengViet vì nó do người Việt viết ra nên phù hợp với cách gõ của chúng ta hơn. Có một lưu ý nhỏ đó là do màn hình độ phân giải cao (chậc, dùng đồ xịn khổ quá các bạn à) nên kích thước phím mặc định của GoTiengViet rất bé. Để chỉnh lại, ở màn hình chính, bạn nhấn nút Menu > Settings > Language & Keyboard > Gõ Tiếng Việt > Bàn phím mềm > Kích thước phím. Chỉnh nó lại 120% là phù hợp. Tất nhiên bạn có thể cho nó to hơn hoặc nhỏ lại tùy sở thích nhưng mình thấy mức này vừa đủ to để gõ phím lại không chiếm quá nhiều không gian màn hình.
Thay đổi hoạt động của đèn LED cảnh báo trên Galaxy Nexus
Galaxy Nexus có một đèn LED cảnh báo rất lớn nằm ở phần dưới của mặt trước máy, và đây là điểm làm mình rất thích thú ở chiếc máy này (đặc biệt là đèn 7 màu khi có cuộc gọi đến, đẹp không tin được ). Tuy nhiên, bản ROM gốc cũng như một vài ROM Cook không thể chỉnh được đèn này theo ý muốn, làm mất hay đi chiếc đèn LED to lớn này. Thay vào đó, các bạn hãy dùng ứng dụng Light Flow Lite để cấu hình LED. Với ứng dụng này, bạn có thể đặt màu đèn khác nhau cho những số liên lạc khác nhau, điều chỉnh màu cho từng tác vụ như nhận tin nhắn, nhận email, khi máy hết pin, khi máy đang sạc, khi máy đang kết nối Bluetooth. Không dừng lại ở đó, bạn còn có thể cấu hình cho máy sẽ phát âm thanh như thế nào, máy sẽ rung ra sao,… Nói chung là điều chỉnh rất nhiều về phần Notification của máy. Lưu ý rằng bạn cần có quyền root để sử dụng Light Flow Lite. Mời xem cách root ở bên dưới.
Nếu bạn có nhã ý muốn đóng góp cho lập trình viên phát triển ứng dụng này, xin mời mua phiên bản có phí của Light Flow (giá 2,30 USD).
Cho phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài
Đây không phải là tùy chọn gì mới cả mà nó đã xuất hiện ngay từ những phiên bản Android đầu tiên, tuy nhiên, vị trí bật tắt tính năng này có vài thay đổi trên Android 4.0. Để có thể cài đặt file APK từ nguồn ngoài (không phải cài từ Android Market), bạn phải kích hoạt tính năng này mở mục Settings > Developer Settings (gần cuối trang của Settings) > Unknow Sources.
Tắt hoàn toàn ứng dụng
Mặc định, khi bạn nhấn nút Home trên máy thì sẽ thoát khỏi phần mềm và quay về màn hình chủ. Tuy nhiên, đây chỉ là thoát tạm thời, nói cho dễ hiểu là giống như bạn thu nhỏ cửa sổ lại vậy. Còn bản thân ứng dụng vẫn đang chạy và truy xuất tất cả mọi dữ liệu. Điều này có thể gây nên việc tốn pin, dù chỉ ít thôi, nhưng nhiều ứng dụng thì nó lại thành một con số lớn. Có thể hiểu được đây là chủ ý của Google vì muốn hệ điều hành Android trở thành một hệ điều hành đa nhiệm thật sự. Tuy nhiên, nếu bạn chơi nhiều game thì nó lại trở nên bất lợi vì phần cứng của máy (RAM, CPU, GPU,…) bị chiếm dụng nhiều quá nên game sẽ bị giật. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta sẽ vào Settings > Developer Settings (gần cuối trang của Settings) > chọn vào Kill app back bun. Bằng cách này, khi muốn tắt hoàn toàn ứng dụng nào đó, bạn hãy nhấn nút Back và giữ lâu. Khi màn hình hiện màu trắng thì nhấn nút Home để thoát.
Sửa lỗi tự đồng điều chỉnh độ sáng và hiện nhiều tùy chọn hơn khi nhấn nút nguồn
Mặc định, độ sáng màn hình của Galaxy Nexus khi thiết lập Auto Brightness rất tốt, nhìn khá khó chịu. Thật may mắn khi chúng ta có được một bản fix cho việc này. Bạn còn có thể điều chỉnh được mức độ sáng của màn hình khi bật Auto Brightness nữa. Mời tham khảo tại đây để tải về bản vá phù hợp với phiên bản ROM mà bạn đang chạy. Sau khi tải về, bạn sẽ có được một tập tin zip. Để nguyên đó, chép vào bộ nhớ máy và flash bằng ClockworkMod Recovery. Bạn hãy xem bên dưới để biết chi tiết các dùng ClockworkMod nhé. Cũng với bản vá này, bạn có thể chọn cho máy khởi động lại, truy cập nhanh vào recovery,... khi nhấn giữ nút nguồn và hiện menu.
Ghi chú: để biết mình đang sử dụng phiên bản phần mềm nào, bạn truy cập vào Settings > About phone > Build Number (thông tin ở hàng cuối cùng của trang about phone).
Chép tập tin từ Mac vào Galaxy Nexus
Để chép tập tin từ một chiếc máy tính Windows vào thiết bị, bạn chỉ việc cắm cáp USB từ Galaxy Nexus vào máy tính thì máy sẽ tự động nhận Nexus như một ổ lưu trữ gắn ngoài. Tuy nhiên, người dùng Mac thì không được sung sướng như vậy. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải sử dụng phần mềm Android File Transfer. Tuy không được tiện lợi như khi dùng Finder nhưng ít ra chúng ta cũng có thể chép file một cách nhanh chóng hơn là sử dụng Bluetooth. Tải Android File Transfer tại http://www.android.com/filetransfer/.
Tải nhạc từ Google Music về máy để nghe offline
Trình chơi nhạc Music mặc định của Google có khả năng liên kết với dịch vụ Google Music để phát những tập tin mà bạn lưu trữ trên máy chủ của Google, tuy nhiên chúng ta cần có mạng mới nghe được. Việc này không được tiện lợi cho lắm. May mắn là chúng ta có thể tải về và lưu offline những tập tin nhạc bằng cách vào ứng dụng Music, nhấn phím Menu, chọn Available Offline. Lưu ý rằng bạn không thể chọn được từng bài nhạc một mà chỉ có thể chọn cả album, cả ca sĩ hoặc toàn bộ nhạc của các thể loại. Những tập tin chọn tải về sẽ được đánh dấu đinh ghim màu xanh lá, và chúng có thể nghe được nếu như bạn không có mạng.
Cài đặt recovery cho Galaxy Nexus
Recovery là một thành phần của mọi điện thoại Android, có tác dụng giúp khôi phục, cập nhật máy. Các thành viên của nhóm ClockWork Mod (CWM) đã "bào chế" lại thành phần này để bạn có thể up ROM, sao lưu dữ liệu, xóa dữ liệu trong máy,… một cách thật đơn giản và dễ dàng. CWM cũng là một phương tiện phải có để chúng ta có thể thực hiện việc up ROM về sau. Galaxy Nexus mạnh bởi vì nó nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Google và cộng đồng mạng, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ rất nhiều bản ROM khác nhau. Nếu dùng Galaxy Nexus mà không up ROM thì thật uổng phí.
Cần chuẩn bị những thứ sau:
- Tải về adb và fastboot.exe mình đã tổng hợp sẵn, bạn sẽ được một tập tin nén, giải nén nó ra được một thư mục.
- Tải về tập tin ClockworkMod Recovery 5.5.0.2, sao chép nó vào thư mục Adb_fastboot_Android_Windows mà bạn vừa giải nén ra khi nãy. Nhớ đổi tên tập tin img của CWM thành boot.img cho dễ thao tác.
- Sao lưu tất cả dữ liệu trên máy của bạn, danh bạ, tin nhắn, bookmark, nói chung là tất cả mọi thứ. Nếu chưa biết phải sao lưu như thế nào, mời xem bài viết Sao lưu các loại dữ liệu trên điện thoại Android.
Duyệt tới thư mục mà bạn đã giải nén. Nhấp chuột phải vào đó, sau đó nhấn Shift. Trên menu chuột phải sẽ xuất hiện dòng chữ "Open Command Windows Here", nhấp vào đó. Cửa sổ dòng lệnh sẽ mở ra.
Kế đó, chúng ta sẽ đưa Galaxy Nexus vào chế độ fastboot. Bạn tắt máy (nhấn nút nguồn, chọn Power Off). Đến khi máy rung một cái báo hiệu đã tắt hẳn thì ta sẽ thực hiện. Nhấn CÙNG LÚC BA PHÍM VOLUME UP, VOLUME DOWN VÀ NÚT NGUỒN (lưu ý là cả ba cùng lúc nhé) đến khi máy hiện lên giao diện chữ như hình bên dưới là được.
Trước khi cài CWM, ta phải mở khóa bootloader của máy trước. Bootloader là gì? Đó là một đoạn mã lập trình dùng để khởi chạy hệ điều hành. Bootloader sẽ hướng dẫn hệ điều hành trong những bước đầu tiên của việc khởi động thiết bị. Bootloader phụ thuộc vào từng dòng máy, từng loại mainboard khác nhau. Có thể nói Bootloader là phần mềm đầu tiên chạy kể từ khi ta nhấn nút nguồn. Mặc dù Android là một hệ điều hành mã nguồn mở nhưng Bootloader vẫn thường bị các nhà sản xuất khóa để đảm bảo tính tương thích giữa thiết bị với hệ điều hành. Chính vì thế, bootloader bị khóa đồng nghĩa với việc ta không thể đưa các bản ROM cook (rom đã tùy biến) vào máy được. Thật may mắn khi Google cho phép ta mở khóa Galaxy Nexus một cách đơn giản.
Kết nối Galaxy Nexus với máy tính bằng cáp USB, sau đó, trong cửa sổ cmd, bạn nhập lệnh sau:
Code:
fastboot oem unlock
Mai mốt muốn khóa lại bootloader để đi bảo hành chẳng hạn, bạn nhập lệnh:
Trên máy sẽ hiện ra cảnh báo về việc xóa hết dữ liệu trong máy. Bạn nhận nút âm lượng để di chuyển vạch sáng đến chữ Yes rồi nhấn nút nguồn. Vậy là ta đã mở khóa bootloader xong.
Ta sẽ tiếp tục đưa CWM vào. Khi máy đã khởi động lên xong, bạn tắt máy, rồi vào lại Recovery mode như hướng dẫn bên trên. Trong cửa sổ cmd, bạn nhập tiếp các lệnh sau:
Code:
fastboot flash boot boot.imgfastboot reboot
để thay thế vùng recovery mặc định của Galaxy Nexus bằng CWM. Tiếp tục khởi động lại máy một lần nữa. Vậy là xong.
Từ nay, khi cần vào CWM, ta cũng bật máy ở chế độ Recovery (nhấn kết hợp 3 phím), sau đó dùng phím âm lượng di chuyển đến khi dòng chữ to nhấn trên màn hình đổi thành Recovery thì nhấn nút nguồn.
Nếu bạn bị tình trạng máy tự trả lại recovery gốc thay vì CWM sau mỗi lần khởi động máy thì đó là do cơ chế tự động phục hồi recovery của Android. Bạn có thể xoá tập tin ở đường dẫn /system/recovery-from-boot.p của Android bằng phần mềm Root Explorer, sau đó flash lại CWM boot.img là xong. Lời khuyên của mình đó là nên sao chép nó ra thẻ nhớ, rồi lưu ở một nơi nào đó (máy tính chẳng hạn) để lỡ sau này cần dùng thì có cái mà chép vào lại.
Root máy
Root máy để làm gì? Root để chúng ta có quyền truy cập vào các tập tin hệ thống của Android, và để cho một vài ứng dụng đặc biệt (ví dụ như giả lập quốc gia để tải ứng dụng trên Android Market, chặn quảng cáo trong các phần mềm miễn phí,…) có thể chạy được. Nói chung, root có rất nhiều lợi ích. Để root Galaxy Nexus, trước hết, bạn tải về tập tin su.zip. Sau khi tải về xong thì chép nó vào bộ nhớ trong của Galaxy Nexus. Thư mục nào cũng được. Mình thì hay chọn thư mục Download cho dễ quản lí.
Chép xong, ta đưa máy về chế độ CWM. Dùng phím âm lượng di chuyển đến mục "install zip from sdcard", nhấn nút nguồn để chọn. Tiếp tục chọn "choose zip from sdcard" rồi chọn lấy tập tin su.zip mà bạn vừa chép vào. Khi được hỏi, chọn Yes để flash. Chỉ như vậy là ta đã root được máy. Bạn hãy nhớ cách làm này nhé vì nó cũng là cách để up ROM cho máy sau này đấy.
Up ROM cho Galaxy Nexus
Up ROM luôn là một trải nghiệm thú vị cho người dùng Android, và nó lại càng thú vị hơn nữa khi đây là chiếc Galaxy Nexus với rất nhiều bản ROM cook ổn định với các tính năng khác nhau. Xin mời bạn truy cập vào trang web XDA chuyên về Galaxy Nexus để tìm cho mình bản ROM phù hợp. Mình xin liệt kê một số ROM đã dùng thử mà mình cảm thấy tốt và tóm tắt về chúng:
AOSP IML74K: Bản rom này chạy mượt, đã kích hoạt tính năng đồng bộ hóa với Facebook, có khả năng hiện % pin ngay trên màn hình khóa.
Android Open Kang Project: ROM này chạy tốt, đôi khi máy bị nóng ở mặt sau khi chạy cùng lúc nhiều ứng dụng hay khi xem video. Tuy nhiên, ROM này có khá nhiều tùy chỉnh tích hợp sẵn, có cả việc tích hợp khả năng mod các nút ảo cơ bản của Android.
Android Revolution HD: Đây có thể xem là ROM ổn định nhất dành cho Galaxy Nexus bởi nó được xây dựng lại từ ROM chính hãng của Samsung và Google phát hành, chứ không phải xây dựng trên mã nguồn mở của Android AOSP. Tuy nhiên, hạn chế của nó là phiên bản chỉ 4.0.2 chứ không phải 4.0.3 như AOSP. Bản ROM này hoạt động rất tốt, không nóng, mức độ hao pin chấp nhận được. Nếu bạn yêu thích tính ổn định, hãy dùng ROM này.
EaglesBlood: ROM này thì có việc tinh chỉnh màn hình khóa với 4 icon nên bạn có thể truy xuất ứng dụng khá nhanh chóng. EaglesBlood cũng được xây dựng dựa trên AOSP nên chạy vẫn mượt nhưng chưa tốt bằng Android Revolution HD. ROM nhẹ nhàng, chạy không nóng máy, và rất ít hao pin.
Để up ROM, bạn phải tải về tập tin zip của ROM đó. Thường thì nó lên đến cả trăm MB lận. Sau đó, bạn chép vào một nơi nào đó trên thẻ nhớ tùy bạn, nhớ vị trí đó nhé. Hãy nhớ sao lưu tất cả dữ liệu quan trọng nhé. Kế tiếp, bạn đưa máy về chế độ recovery (tắt máy, rồi nhấn Power + hai nút âm lượng, cùng lúc), truy cập vào Clockwork Recovery Mod, rồi lần lượt thực hiện các bước sau:
- Chọn wipe data/factory reset, sau đó chọn Yes và chờ máy xóa dữ liệu
- Chọn wipe cache partition
- Chọn install zip from sdcard > choose zip from sdcard rồi chọn lấy tập tin zip của ROM, chờ máy flash
- Reboot lại máy