LG Optimus 3D đang dần được nhiều người quan tâm khi chọn mua cho mình một chiếc smartphone vì tính năng xem ảnh ba chiều không cần kính của mình. Bên cạnh đó, cấu hình mạnh mẽ cũng là một điểm mạnh giúp người dùng có những trải nghiệm giải trí độ nét cao rất tốt khi sử dụng máy. Sau một thời gian sử dụng, mình có được một số kinh nghiệm cá nhân cũng như tổng hợp của các anh chị em trên cộng đồng mạng, vì vậy mình sẽ tóm gọn vào một bài để những ai mới dùng LG Optimus 3D có thể tiện tham khảo. Hi vọng đây cũng là nơi chuyên chia sẻ kinh nghiệm, thủ thuật cho LG Optimus 3D.
Giới thiệu về LG Optimus 3D
LG Optimus 3D được chính thức giới thiệu tại triển lãm về thiết bị di động MWC 2011 diễn ra vào tháng 2/2011. Chiếc điện thoại này là sản phẩm di động hỗ trợ công nghệ 3D thứ hai của LG sau chiếc máy tính bảng LG Optimus Pad 3D. Khi ra mắt, máy đã nhận được sự quan tâm từ giới công nghệ vì những tính năng đặc biệt của mình. Tháng 8/2011, Tinh Tế đã có bài trên tay chiếc LG Optimus 3D, giá khi đó của nó là 12,5 triệu đồng và là phiên bản của châu Âu.
Cấu hình của LG Optimus 3D:
CPU: TI OMAP 4430 (hai nhân) xung nhịp 1GHz
RAM: 512MB DDR2 kênh đôi
Màn hình: 4,3" độ phân giải 480 x 800
Bộ nhớ trong: 8GB, khả dụng khoảng 5GB
Hỗ trợ thẻ nhớ microSD lên đến 32GB
Máy ảnh: 2 máy ảnh chính độ phân giải 5 megapixel, đèn flash LED đơn
Camera trước 1.3 megapixel
Hệ điều hành: Android 2.2.2, nâng cấp được lên 2.3
Dung lượng pin: 1500mAh
Bên trong hộp của LG Optimus 3D
Phụ kiện đi theo máy gồm có cáp USB, xạc và một tai nghe dạng nhét vào lỗ tai (in-ear). Tai nghe này cho chất lượng khá tốt khi chơi với LG Optimus 3D. Ngoài ra, sách hướng dẫn đi kèm cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho những ai mới lần đầu tiếp xúc với thiết bị Android.
Công nghệ nổi bật: Tri-Dual
Điểm nổi bật trong cấu hình của LG Optimus 3D nằm ở Tri-Dual, như trên cái hộp đỏ đỏ có ghi. Tri-Dual là Dual-Core, Dual-Channel và Dual-Memory. Dual-Core là CPU hai nhân TI OMAP 4430 của chúng ta đấy, có xung nhịp 1GHz. Dual-Channel lại nằm ở RAM, mình sẽ nói kĩ hơn ở bên dưới và cuối cùng là Dual-Memory, tức có hai bộ nhớ để bạn chọn lựa trong việc lưu trữ dữ liệu của mình: bộ nhớ trong và thẻ nhớ microSD.
RAM dung lượng 512MB của LG Optimus 3D khác biệt so với những chiếc điện thoại cao cấp khác ở chỗ nó được thiết kế để chạy kênh đôi. Hình dưới đây là so sánh giữa RAM của LG Optimus 3D với RAM của HTC EVO 3D:
Việc hỗ trợ kênh đôi (Dual-Channel) sẽ tăng tốc độ truy cập của dữ liệu từ RAM vào mỗi nhân của vi xử lí, do đó tránh được hiện tượng nghẽn cổ chai khiến máy chậm chạp hẳn đi. Hãy tưởng tượng chúng ta có 512 chiếc xe cùng đi từ hai CPU về hai RAM. Nếu 512 chiếc xe này cũng đi trên một con đường thì việc chậm chạp là điều tất yếu sẽ xảy ra. Trong khi đó, nếu có hai con đường đi từ mỗi CPU về một RAM, mỗi đường cho phép một ít xe chạy thì tất cả sẽ về đích nhanh hơn. Chính công nghệ kênh đôi giúp tận dụng tối đa sức mạnh của CPU hai nhân, kéo theo đó là hoạt động của máy nhanh hơn, mượt mà hơn. Theo thử nghiệm thực tế của mình thì máy chạy cũng rất tốt, cài nhiều ứng dụng không có hiện tượng chậm dần như những chiếc điện thoại Android khác mà mình từng thử qua.
3D trên LG Optimus 3D
Thủ thuật quay phim 3D và chụp ảnh 3D
Trong bài giới thiệu và kinh nghiệm sử dụng 3D của mình, mình đã đề cập nhiều về việc chụp một ảnh 3D sao cho đẹp. Còn bây giờ, mình sẽ nói đến việc quay phim 3D một cách chi tiết hơn.
Phim 3D khi được quay bằng LG Optimus 3D chỉ có độ phân giải HD 720p chứ không phải là HD 1080p như lúc chúng ta quay 2D, vì vậy chất lượng không thể cao bằng, nhưng bù lại, chúng ta có được hiệu ứng ba chiều rất sống động. Một số công cụ mà LG cung cấp sẵn cho chúng ta trong trình quay phim:
Chuyển giữa camera chính và phụ
Chuyển độ sâu của ảnh 3D. Mời bạn đọc lại bài Kinh nghiệm sử dụng 3D để biết thêm chi tiết.
Nút bù sáng (EV) để tăng sáng lên khi môi trường thiếu sáng hoặc giảm bớt đi để bảo toàn những chi tiết trong vùng sáng.
Nút chỉnh độ phân giải của phim.
Các cấu hình khác: Chế độ hội tụ 3D, Cân bằng trắng, Ghi âm, chống rung,…
Nhìn chung, việc quay phim 3D trên LG Optimus 3D không có gì phải quá khó khăn. Chúng ta chỉ việc bật ứng dụng quay phim, chuyển sang chế độ quay rồi nhấn nút là đã có thể bắt đầu tác nghiệp rồi. Có hai điểm mình muốn nói đến. Thứ nhất, hãy bật chế độ chống rung trên LG Optimus 3D lên để quay phim vì theo mình thấy thì sự rung tay nhẹ khi quay được hạn chế tối đã, rất tốt so với khi không sử dụng chế độ chống rung. Thứ hai, trong môi trường ánh sáng hơi phức tạp một chút thì chế độ tự động cân bằng trắng hoạt động không hiệu quả, ví dụ như bước vào nhà thi đấu thể thao, vào một buổi tiệc có nhiều đèn chẳng hạn. Khi đó, bạn hãy nhớ chỉnh lại chế độ cân bằng trắng cho phù hợp với điều kiện môi trường mà mình đang ở. Đối với mình, mình thường chuyển sang chế độ "Nắng" để màu sắc có vẻ đậm và đẹp hơn.
Phim 3D trên LG Optimus 3D
Hiện nay, có nhiều loại nội dung 3D xuất hiện như SBS, Half-SBS, Anaglyph, Red-Cyan (hai màu trên cùng một hình),… Để chơi được trên LG Optimus 3D, bắt buộc nội dung 3D mà bạn tìm được ở đâu đó phải ở SBS/Half-SBS/Over-Under. Đây là kiểu định dạng hai hình ảnh đặt cạnh nhau (hoặc phía trên dưới đối với dạng Over-Under) của cùng một nội dung. Khi mang lên LG Optimus 3D, trình phát có sẵn của máy sẽ ghép hai hình này lại, kết hợp với rào cản thị sai và kết quả là hiệu ứng 3D xuất hiện trước mắt chúng ta. Tập tin SBS này có thể là phim, hình ảnh hoặc game và có thể ở những định dạng mà LG Optimus 3D hỗ trợ sẵn như MKV, AVI, MP4,… Bạn cần lưu ý là LG Optimus 3D phải HỖ TRỢ SẴN thì mới có thể chơi bằng trình phát mặc định của máy. Khi đó bạn mới thấy được hiệu ứng 3D, bằng không thì chúng ta chỉ thấy hai hình ảnh nằm cạnh nhau mà thôi.
Nguồn phim 3D dồi dào mà bạn có thể tải về là ở http://www.3dsbs.com/
Chia sẻ phim lên YouTube 3D
Sau khi đã có trong tay một đoạn phim 3D ưng ý, bạn hãy tải ngay nó lên YouTube 3D để chia sẻ với mọi người đi nào. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, chỉ cần dùng ứng dụng xem ảnh mặc định và duyệt tới đoạn phim bạn vừa quay, sau đó nhấn nút Menu > Chia sẻ > YouTube. Trong màn hình kế tiếp, đặt tiêu đề cho phim rồi nhấn Upload. Chờ một lát, đoạn phim của bạn sẽ xuất hiện trên YouTube ngay. Lưu ý: Phải xem ngay trong trang web YouTube thì mới thấy hiệu ứng 3D rõ.
Một video mà mình tải lên từ LG Optimus 3D
Chia sẻ hình ảnh 3D, nguồn ảnh 3D
Muốn chia sẻ hình ảnh 3D của mình đến mọi người nhưng việc không tương thích cũng như có nhiều kiểu xem 3D làm bạn và người mà ta cần chia sẻ "rối"? Đừng lo, bạn hãy dùng trang web http://www.3df33d.tv, đăng kí thành viên và sau đó bạn có thể upload hình ảnh cũng như phim lên trang này. Các bước thực hiện để chia sẻ ảnh 3D:
Truy cập vào web http://www.3df33d.tv, đăng kí cho mình một tài khoản, check mail để kích hoạt tài khoản.
Chuẩn bị những tập tin JPS cần chia sẻ. Đổi tên tất cả thành xxx.JPG, lưu ý bạn chỉ đổi phần mở rộng của tập tin chứ không phải chuyển định dạng đâu nhé.
Vào trang http://www.3df33d.tv/Preferences để chỉnh lại cách xem 3D. Nếu có màn hình 3D, bạn hãy chuyển đổi chế độ xem thích hợp, ở đây sẽ là Side By Side. Nếu không có màn hình 3D, mình đề nghị các bạn dùng chế độ xem Anaglyph. Khi đó, ta chỉ cần sắm thôi một cặp kính Đỏ/Xanh ngoài các tiệm bán đồ kĩ thuật số là có thể xem được ảnh ba chiều, tuy chất lượng không cao nhưng cũng chấp nhận được.
Nhấn vào nút Upload của trang, chọn "Upload 3D photos".
Trong trang web upload, bạn chọn Side By Side (non squeezed) ở trường 3D Input Format, tìm và chọn file tải lên ở phần 3D Image Upload. Nhấn nút Upload. Sau đó nhấn Save.
Hình ảnh sẽ được tải lên và hiển thị theo kiểu mà chúng ta đã chọn khi nãy. Thưởng thức và chia sẻ đường link đến trang web này thôi!
Một trang web hữu dụng để xem ảnh 3D đó là http://www.3dpic.net/3d-pictures-gallery/. Có nhiều ảnh về phong cảnh, ảnh macro rất đẹp. Trình duyệt của bạn cần phải có Java để xem ảnh ba chiều theo dạng SBS, dạng Red-Cyan hay bất kì dạng nào mà bạn muốn.
Các thủ thuật và kinh nghiệm sử dụng
Nếu mới sử dụng Android lần đầu tiên, mời bạn đọc qua bài viết này để có cái nhìn sơ lược về những thành phần của một chiếc máy Android, cả phần cứng lẫn phần mềm. Những thao tác cơ bản về cảm ứng, menu,… cũng có trong này. Ngoài ra, tài liệu đi kèm theo chiếc LG Optimus 3D của chúng ta cũng rất hữu ích để bạn tham khảo.
A. Tiết kiệm pin
Thật sự mà nói thì thời gian dùng pin của LG Optimus 3D không tốt lắm, do đó chúng ta cần phải áp dụng những biện pháp tiết kiệm pin cho máy. Tất nhiên, nếu bạn muốn vọc máy thì cứ thoải mái, không phải suy nghĩ nhiều về pin. Những biện pháp này chỉ nên dùng khi chúng ta đã vọc chán chê các tính năng của máy và cần một chiếc điện thoại ổn định, pin lâu. Mình đã dùng những cách sau để kéo dài thời gian dùng pin:
Đặt độ sáng màn hình tự động: truy cập vào phần "Cài đặt" của máy > HIển thị > Độ sáng > chọn vào "Độ sáng tự động".
Tắt các kết nối không dây như Wifi, Bluetooth, GPS khi không cần dùng đến.
Nếu ít dùng mạng 3G, ta cũng tắt nó đi, chuyển sang chạy 2G cho tiết kiệm: vào phần Cài đặt của máy > Không dây & mạng > Mạng di động > Chỉ sử dụng mạng 2G.
Bỏ các widget của Facebook, Twitter, Thời tiết… khỏi màn hình chính. Nói chung là các widget có khả năng tự động cập nhật thông tin qua mạng.
B. Nâng cao chất lượng quay phim
Mặc định, LG Optimus 3D của chúng ta quay phim đã khá tốt, tuy nhiên khi hình ảnh đôi khi bị mất chi tiết và màu sắc thì không được đẹp cho lắm, nhất là chế độ cân bằng trắng chưa tốt. Thành viên |ErosizeD| của diễn đàn XDA đã phát triển một gói cài đặt cho phép nâng cao chất lượng phim quay bằng trình Chụp ảnh mặc định của LG. Với bản mod này, chúng ta có được bitrate cao hơn khi quay phim HD 720p và ở chế độ 2D cũng như 3D. Vì hạn chế của Android 2.2 nên hiện mức bitrate là 15mbps. Đối với phim HD 1080p 2D, bạn sẽ có được mức bitrate lên đến 20mbps hoặc 25mbps (nếu bạn tắt âm thanh). Ngoài ra, chất lượng hình ảnh sẽ bớt sắc hơn, giúp bảo tồn chi tiết trong video và màu sẽ đẹp hơn. Cách cài đặt là dùng tính năng "install zip from sdcard" của ClockworkMod Recovery. Mời bạn xem thêm cách làm chi tiết ở phần 3, mục Cách up ROM. Tải về bản mod này trước khi "install from sdcard" ở cuối bài.
C. Cải thiện hiệu năng của máy
Có một bộ tăng tốc hiệu suất máy (Performance Pack) được trích xuất từ LG Optimus 2X. Bản nâng cấp này sẽ giúp cho máy của bạn chạy nhanh hơn. Theo thử nghiệm thực tế, máy có vẻ mượt mà hơn, mở ứng dụng nhanh hơn, tốc độ xử lí hình ảnh của ứng dụng Photoshop cũng tốt hơn rất nhiều. Khi đo bằng Quadrant, LG Optimus 3D đạt 2833 điểm, hơn 300 điểm so với trước khi cài Performance Pack. Máy hơi nóng và hao pin hơn một chút, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng của chúng ta. Nếu chưa hài lòng với tốc độ hiện tại của máy, bạn nên thử qua gói nâng cấp này. Cách cài đặt tương tự như bảng mod nâng cao chất lượng phim, tải tập tin performance pack ở cuối bài.
D. Bàn phím tiếng Việt cho LG Optimus 3D
Các bộ gõ tiếng Việt hiện có trên Android Market đều có thể dùng tốt với LG Optimus 3D. Thật đáng tiếc khi bộ gõ mặc định LG_IME không cho phép chúng ta gõ tiếng Việt. Một số bộ gõ tốt mà bạn có thể tham khảo:
GoTiengViet 3: gõ theo kiểu VNI, Telex, tự động sửa lỗi, có nhiều theme
Vietnamese IME: gõ theo kiểu VNI, Telex, có tự động sửa lỗi
Multiling Keyboard kèm Plugin tiếng Việt: chỉ gõ theo kiểu Telex, nhiều tùy chỉnh
Smart Keyboard: chỉ gõ theo kiểu Telex
E. Thay đổi theme cho LG Optimus 3D
Để cài theme cho LG Optimus 3D, bạn cần phải có ClockworkMod Recovery và chạy tính năng "install zip from sdcard" để cài đặt (xem phần 3, mục Cách up ROM để biết thêm chi tiết). Hiện tại nguồn theme cho máy chưa phong phú lắm vì máy chỉ mới bán đại trà trong thời gian gần đây mà thôi. Bạn có thể tham khảo và tải về cho mình theme theo sở thích ở đây. Bạn nhớ đừng bỏ qua các ghi chú chi tiết cho từng theme của tác giả nhé, vì né sẽ giúp bạn sửa lỗi, cài đặt hoặc làm cho máy mình đẹp hơn.
F. Các mẹo vặt khác
+ Trong bộ nhớ trong đã có sẵn driver của LG Optimus 3D cho máy tính và cả bộ PC Suite nữa. Bạn không cần phải lên mạng để tải về đâu. Tất cả nằm trong thư mục LGE.
+ Chụp màn hình không cần root bằng cách nhấn giữ nút Power rồi chạm nhanh vào nút Home đến khi nghe tiếng "Click" là được. Ảnh sẽ tự động lưu vào thư mục CapturedImage trên bộ nhớ trong. Cảm ơn bạn papyrus86 vì thủ thuật này
+ Khi có cuộc gọi đến, lật điện thoại lại để tắt tiếng chuông. Tương tự, khi ứng dụng báo thức reo, lật điện thoại lại để bắt ứng dụng im lặng. Bạn có thể vô hiệu hóa hay kích hoạt chúng ở Cài đặt > Cử chỉ > Sử dụng những động tác chuyển
+ Bạn có thể cập nhật trạng thái cho Facebook ngay cả khi mạng bị chặn bằng cách dùng Widget Facebook for LG cài sẵn. Ngoài ra, Widget nghe nhạc cũng có thể cập nhật nhanh bài hát bạn đang nghe lên Facebook.
+ Trình nghe nhạc của LG cho phép bạn đặt chế độ cân bằng âm (Equalizer) giúp tăng chất lượng nhạc khi dùng tai nghe. Để sử dụng tính năng này, bạn vào trình nghe nhạc, nhấn nút Menu > Cài đặt > Bộ lọc âm thanh. Bạn có thể thử qua tất cả các chế độ để chọn ra chế độ nào thích hợp nhất với bài hát hay sở thích của mình. Ngoài ra, bạn có thể đặt giờ để nhạc tự tắt, hữu ích khi nghe nhạc đi ngủ. Cách thiết lập cũng tại Cài đặt của ứng dụng nhạc, chọn vào dòng "Hẹn giờ nghỉ".
+ Với ứng dụng "Ghi chú" có sẵn của LG, bạn có thể đính kèm thêm hình ảnh, âm thanh, vị trí của bạn,… Trong lúc soạn thảo, bạn nhấn vào nút "Đính kèm" rồi thêm tập tin như ý muốn. Những tập tin ghi chú bạn đã tạo nằm ở trên thư mục /mnt/sdcard/richnote (tức nằm ở bộ nhớ trong, thư mục richnote). Nếu cần, bạn hãy chép chúng ra ngoài để dành lưu trữ.
+ Các tập tin âm thanh bạn ghi lại bằng trình Ghi âm của LG được lưu trên bộ nhớ trong, thư mục SoundRecorder.
+ Sử dụng phần mềm ASTRO File Manager, truy cập vào phần Preferences của nó và chọn Enable Broswer Download để có thể tải về mọi thứ. Khi cần tải tập tin đính kèm trong Gmail, bạn nhớ bỏ chọn tính năng này.
Hướng dẫn nâng cấp ROM
ROM là gì? ROM là những phiên bản hệ điều hành cho điện thoại LG Optimus 3D của chúng ta. Những bản ROM này có thể đến từ hãng LG hay từ cộng đồng mạng (thường gọi là ROM cook). Hiện nay, LG Optimus 3D của chúng ta đã có khá nhiều bản ROM được "bào chế" và những bản ROM này tốt hơn so với bản ROM gốc (là ROM có sẵn khi chúng ta mới mua máy về) ở một phương diện nào đó. Do chiếc điện thoại của chúng ta khá là "VIP" vì phải có 3D Framework thì những tính năng ba chiều mới có thể hoạt động nên nhiều ROM cook đều dựa theo ROM gốc, vì vậy tính ổn định khá cao, hoạt động mượt mà.
Những điều cần biết trước khi up ROM:
Up ROM không đúng, máy có thể bị chết (brick), khi đó ta phải mang ra cửa hàng bảo hành của LG để sửa chữa, việc này khá phiền phức.
Máy cần được xạc đầy pin trước khi up ROM, nếu không đầy thì cũng nên là trên 50%.
Một bản ROM có thể không ổn định lúc đầy, nhưng dần dần những lỗi đó có thể được lập trình viên khắc phục.
Nên thử qua nhiều ROM để lựa chọn ROM mình thích nhất.
Không ai chịu trách nhiệm (cả mình, lập trình viên viết ra ROM,…) nếu máy của bạn có vấn đề gi trong khi up ROM.
Những thứ cần thiết để up ROM:
Root máy, làm theo hướng dẫn sau:
1. Tải SuperOneClick tại đây: http://www.mediafire.com/?0fd6wr6llyidu1u 2. Cài LG PC Suite ở trong thẻ nhớ kèm máy 3. Trên điện thoại vào cài đặt => Ứng dụng => Phát triển => Tích chọn gỡ rối USB 4. Kết nối ĐT với máy tính, cứ để nguyên ko làm gì cả chờ cho PC nhận xong ĐT 4. Giải nén chạy SuperOneClick --> chọn Root --> pha cafe ngồi đợi 5. Xong => Khởi động lại ĐT
Vào Market và tìm ứng dụng Clockwork ROM Manager. Chạy ứng dụng này lên và chọn "Flash ClockworkMod Recovery". Chờ một lát để ứng dụng tìm và tải về bản recovery thích hợp với máy của chúng ta. Nếu bị lỗi, bạn thử đi thử lại vài lần là sẽ được.
Một bản ROM mà bạn thích, có thể tìm hiểu về các bản ROM tại http://forum.xda-developers.com/forumdisplay.php?f=1073. Tải về và chép nó vào thẻ nhớ.
Cách up ROM:
+ Sau khi đã tải ROM về, bạn chép ROM vào thẻ nhớ của mình. Nên để trong thẻ nhớ ngoài (tức thư mục _ExternalSD) để chúng ta có thể dễ dàng up lại ROM, nếu bạn chép vào bộ nhớ trong thì khi up ROM là sẽ mất dữ liệu đấy. + Chạy ClockworkMod ROM Manager rồi chọn "Reboot into Recovery" để vào chế độ phục hồi máy.
+ Sau khi máy đã truy cập vào Recovery, bạn sẽ dùng hai phím mũi tên để di chuyển lên xuống, phím nguồn để chọn.
+ Duyệt đến mục "install zip from SD card".
+ Chọn "choose zip in sdcard" rồi tìm đến tập tin ROM mà ta đã tải để bắt đầu cài đặt. Cài xong rồi thì ta quay trở lại menu ban đầu bằng dòng chữ "+++++Go Back+++++" và chọn "reboot system now". Nếu máy không tự khởi động, bạn hãy tháo pin và chạy lại máy.
Lưu ý: khi up một bản ROM mới hoàn toàn (không phải bản nâng cấp của ROM cũ), chúng ta nên format máy thật sạch, nếu không ROM mới chạy sẽ gặp lỗi. Để xóa xạch máy, bạn chọn và cho chạy tùy chọn "wipe data/factory reset" và "wipe cache partition" có trong Clockwork Recovery. Hãy sao lưu dữ liệu của bạn thật cẩn thận trước khi thực hiện nhé.
Tạo một bản sao lưu toàn diện cho máy bằng ClockworkMod Recovery
Ngoài tính năng chính dùng để up ROM, Clockwork (CWM) còn có thể giúp ta thực hiện thêm rất nhiều thứ hay ho nữa, trong đó có việc tạo một bản sao lưu toàn diện chiếc LG Optimus 3D của mình. Nên thực hiện sao lưu định kì hoặc trước khi up ROM mới để lỡ có chuyện gì chúng ta vẫn có thể quay trở lại trạng thái ổn định nhất của LG Optimus 3D.
Các bước để thực hiện việc sao lưu bằng CWM:
Khởi động vào chế độ ClockWorkMod Recovery bằng cách dùng ứng dụng ROM Manager hoặc tắt máy, mở máy lại bằng cách dùng phím nguồn + phím giảm âm lượng.
Dùng phím âm lượng để di chuyện vệt sáng đến dòng "Backup and restore", chọn vào mục này.
Chọn tiếp chữ "Backup". Ngồi chờ đến khi máy thực hiện xong.
Để phục hồi từ một bạn backup, bạn cũng truy cập vào mục "backup and restore" như trên, nhưng chọn chữ "restore". Tìm kiếm bản backup mà bạn mong muốn (trong trường hợp bạn đã sao lưu nhiều lần), ngời đợi. Việc phục hồi có thể trải qua một thời gian khá lâu, bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi nhé.
Chơi game của NVIDIA Tegra 2 trên LG Optimus 3D
Tegra 2 là tên một nền tảng, hiểu nôm na là CPU do NVIDIA phát triển. Vì vậy, những trò chơi hay ứng dụng được viết riêng cho nền tảng sẽ không chạy được trên LG Optimus 3D của chúng ta. Lí do: LG Optimus 3D sử dụng CPU TI OMAP 4430. Để có thể chơi được game Tegra 2 trên máy, ta cần một công cụ mang tên Chainfire3D. Đây thật ra là một driver OpenGL. Máy bạn sẽ cần phải root trước. Tải về hai công cụ này:
ChainFire 3D
Plug-ins.zip, giải nén nó ra.
Các bước tiến hành:
Kết nối điện LG Optimus 3D vào máy tính, chép tập tin libGLEMU_NVIDIA.zip vào bộ nhớ (thẻ nhớ hay bộ nhớ trong đều được) mà ta đã giải nén từ tập tin Plug-ins.zip khi nãy.
Chạy ứng dụng ChainFire3D mà ta đã cài khi nãy.
Chạm vào ChainFire3D Driver. Ứng dụng sẽ chạy hàng loạt thứ và máy sẽ khởi động lại.
Sau khi máy đã mở lên, chạy lại ChainFire3D và chọn Install Plugins and shaders.
Trong danh sách hiện ra, chọn NVIDIA. ChainFire3D sẽ tự cài đặt.
Sau khi đã cài xong driver, chúng ta quay trở ra giao diện chính của ChainFire3D một lần nữa và chọn vào "Default OpenGL Settings".
Chọn tiếp "Use Plugin" rồi chọn NVIDIA.
Từ bây giờ, bạn đã có thể chơi được những game viết cho Tegra 2 rồi đấy. Một số game hay của Tegra 2:
Galaxy on Fire 2
Trainz Simulator
Fruit Ninja THD
Dungeon Defender THD
Bang Bang Racing THD
BackBreaker THD
Bạn có thể tham khảo thêm tại http://www.tegrazone.com/games. Một số game có thể không chơi được vì cần Android 2.3, chúng ta hãy đợi đến tháaacute;ng 10 khi LG cập nhật cho Optimus 3D nhé. Nếu không nào lần đầu không chơi được, bạn tắt máy khởi động lại là có thể chơi được ngay.
Phụ kiện cho LG Optimus 3D
Để phát huy hết thế mạnh của chiếc điện thoại của chúng ta, nhất định phải có một bộ phụ kiện thật tốt. Những phụ kiện đó gồm có:
Bộ pin mở rộng cho LG Optimus 3D
Như đã nói ở trên, pin không phải là một thế mạnh của chiếc điện thoại này. Cho dù ta có áp dụn các biện pháp tiết kiệm pin như thế nào đi nữa thì máy cũng khó sống sót qua khỏi một ngày. Vì lí do đó, một viên pin phụ là rất cần thiết. Sau khi đảo qua vài trang mạng, mình thấy có một số giải pháp sau:
Dùng pin FL-53HN chính hãng. Viên pin 1540 mAh này có thể nhân đôi thời gian chúng ta sử dụng máy, tiện dụng khi đi xa, lại đảm bảo tính tương thích tối đa với LG Optimus 3D. Bạn có thể tìm thấy viên pin này tại các cửa hàng bán điện thoại đi động lớn với giá khoảng 500.000 đồng.
Pin SCUD FL-53HN: pin này do hãng thứ ba sản xuất, lợi thế so với pin chính hãng đó là giá rẻ hơn một nửa, chỉ khoảng 250.000 đồng mà thôi.
Pin dung lượng cao của Mugen Power: HLI-P920XL. Bộ pin này có lợi ở chỗ chúng ta không phải mang vác lỉnh kỉnh. Viên pin 3200 mAh cung cấp thời lượng pin gấp hai lần so với pin tiêu chuẩn của máy. Tuy nhiên, để sử dụng nó thì ta buộc phải thay nắp sau chính hãng bằng một nắp sau do Mugen Power cung cấp vì pin to hơn, nhô cao hơn. Khi đã lắp vào rồi thì máy dày khoảng 19mm. Hi sinh một chút về độ mỏng của máy cũng rất đáng đồng tiền trong những chuyến công tác dài ngày chứ nhỉ? HLI-P920XL có giá 99 USD và đang có bán trên mạng.
Pin của Netimes phân phối P920-EXRBY: tương tự như pin của Mugen Power, chúng ta phải sử dụng nắp sau của hãng làm pin chứ không thể dùng nắp chính hãng do dung lượng cao nên pin lớn hơn. Dung luọing của viên pin này là 3500 mAh, cao hơn một chút so với pin của Mugen. Pin có giá 12,09 đô la Canada.
Cáp HDMI
Trên LG Optimus 3D có một cổng xuất hình ảnh và âm thanh từ điện thoại sang màn hình lớn, đó là cổng HDMI. Để kết nối, chúng ta cần một sợi cáp hoặc một adapter đổi microHDMI sang HDMI. Bạn có thể tìm mua loại dây này ở những cửa hàng chuyên bán đồ chơi số, các tiệm bán HD Player hay mua trên mạng. Giá của chúng trải dài từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng tuỳ theo chất lượng.
Vỏ
Đây có lẽ là phụ kiện phổ biến nhất và được anh chị em quan tâm nhiều nhất. Vỏ cho LG Optimus 3D có rất nhiều loại, từ case ốp lưng cho đến vỏ cao su. Giá cũng chấp nhận được, khoảng 300.00 đồng cho một vỏ ốp lưng của hãng Rock. Ốp lưng này cũng khá mỏng, giữ lại vẻ thẩm mĩ cho máy khi sử dụng. Ngoài ra còn có một số loại case trong suốt bằng cao su hoặc nhựa. Bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng. Muốn sang trọng và bảo vệ tốt hơn, bạn hãy tìm đến các bao da dạng lật, giá khoảng 150.000 đồng. Khi có cuộc gọi đến hoặc khi cần dùng mày, bao da lật ra tạo nên cảm giác thú vị, hơingioongs những chiếc điện thoại di đồng đầu tiên trên thế giới.
Phụ kiện chính hãng
Dù không công bố rộng rãi nhưng LG có hai phụ kiện chính thức cho Optimus 3D. Thứ nhất là ốp lưng sau có chân chống (mã LG CCH-140), giúp dựng máy lên để dễ dàng xem phim. Chân chống này càng hữu dụng hơn khi chúng ta thưởng thức nội dung 3D độ nét cao. Ốp lưng này có giá 16 Bảng Anh. thứ hai là đế giải trí đa phương tiện cho máy (mã SDT-190). Bạn có thể gắn máy theo chiều dọc hoặc ngang và chuyển thiết bị thành một trung tâm giải trí số. Cổng USB và HDMI trên đế giúp chúng ta đồng bộ và xuất hình ảnh từ thiết bị sang màn hình ngoài một cách thoải mái. Phụ kiện chính hãn vẫn luôn tốt hơn mà! Đế SDT-190 có giá 20 Bảng Anh. Tuy nhiên, hiện thời chúng ta chỉ mới có thể đặt hàng trước mà thôi.
Trên đây là một số kinh nghiệm mình có được sau một thời gian dùng máy. Nếu bạn còn kinh nghiệm nào nữa, hãy post tại đây hoặc pm với mình để mình cập nhật thêm cho những anh chị em mới dùng máy nhé. Xin cảm ơn và chúc mọi người sức khỏe.