Series bài viết này không hề nhằm vào những ai yêu công nghệ chân chính hay thích một hãng sản xuất nào cả. Tất cả những gì bài viết hướng đến là một cái nhìn rộng mở hơn về thế giới công nghệ và những fan cuồng tín của nó. Ngoài ra, thông điệp mình muốn gửi đến cho những ai đọc bài viết này là xin đừng đội bất cứ thứ gì lên làm bàn thờ nhà bạn!
- Điện thoại Nhật - Thú chơi của các fan công nghệ
- Do đâu các người khổng lồ công nghệ Nhật Bản đang dần suy yếu ...
- Diễn đàn gặp họa vì fan cuồng khẩu chiến
Con người chúng ta là một giống loài kì lạ, gọi là tốt đẹp xấu xa, thông minh ngu si thì đều có cả. Cũng bởi vì nền văn minh nhân loại mới tồn tại được hơn chục ngàn năm, nói không ngoa thì chúng ta là giống loài non trẻ, chỉ mới dần bước ra cái ngưỡng cửa của sự tăm tối mà vũ trụ này sinh ra. Và vì còn chưa hiểu hết được mọi thứ, nên con người mới có yêu ghét, thù hận và mâu thuẫn rất nhảm nhí!
Nếu nói đến tình yêu thì không ai có sự phong phú hơn con người, ngoài yêu đực cái ra thì chúng ta còn yêu cha mẹ, gia đình, yêu công việc mình làm, yêu Tổ quốc, và thậm chí yêu cả con iPhone mình mới sắm về chơi Tết. Mà bởi vì đôi khi yêu cái gì quá, thành ra dù xấu dù đẹp, bố con thằng nào dám chê tình yêu mình thì mình phải dìm chết nó.
Nhắc đến cái tình yêu kiểu như thế, có một thứ cũng đôi khi khiến người ta khá mù quáng là sự cuồng tín. Mà sự cuồng tín thì có thể phát biểu nó qua một định nghĩa có lẽ hơi rộng với nó – Tôn Giáo. Những ai theo tín ngưỡng nào đấy thì cho mình xin lỗi từ giờ luôn, vì mình là kẻ vô thần, thấy gì logic thì nói.
Vâng, đến đây thì mọi người hiểu ý so sánh và ví von của mình là gì. Nhưng đầu tiên ta cần hiểu cặn kẽ Tôn giáo là gì?
Theo như Marx đã từng định nghĩa, “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, là tiếng thở dài của quần chúng lao động”. Thực chất thì với mình điều này hoàn toàn chính xác. Trong cái buổi sơ khai mê muội ngu si của loài người, những thứ được gọi là khoa học căn bản bây như hiện tượng thiên nhiên, vật lí, hóa học, địa lí hầu như không thể được giải thích, vì biết quái gì mà giải thích. Tuy thế, tìm hiểu và học hỏi là điều vốn có của một giống loài trí tuệ, con người chúng ta không thể lí giải mọi thứ theo logic học nên dần tự mường tượng ra một thế lực siêu nhiên nào đó để giải thích cho những gì mình thấy. Dần dà họ tin vào đó, suy tôn thế lực siêu nhiên là chúa trời cai quản, và họ là những con chiên ngoan đạo. Tôn giáo ra đời từ đó.
Công nghệ cũng là một tôn giáo!
Giờ chúng hãy bắt đầu nhìn sang thế giới công nghệ ngày nay, không phải là sự cuồng tín mê muội do không lí giải được, mà công nghệ thâu nạp được tín đồ chính bởi sự khai phá khoa học không giới hạn của nó. Còn nhớ những năm đầu 2000, một chiếc điện thoại màu của Nokia làm điên đảo toàn thế giới như một vị thánh sống trong việc đi đầu xu hướng di động, hàng triệu người trở thành tín đồ của nó. Nhưng đó là khi người ta mới chỉ biết đến những thiết bị thao tác bằng nút bấm. Sự khai sáng của kỉ nguyên cảm ứng, di động thông minh bắt đầu với sự xuất hiện của iPhone, và dần dần Apple cũng thâu nạp hàng triệu tín đồ theo mình như Nokia đã từng làm.
Đó là trong lĩnh vực di động, nhưng tôn giáo công nghệ thì gần như bao phủ tất cả mọi mặt trong nó. Nhìn qua máy ảnh, chúng ta thấy nhiều người tôn sùng Canon và Nikon như đấn sáng thế cho dòng máy DSLR. Nhìn qua lĩnh vực phần mềm, Microsoft cũng làm chúa với hơn 90% số người dùng máy tính có chạy hệ điều hành của họ.
Tại sao công nghệ có thể trở thành một thứ tôn giáo? Lí giải cho câu hỏi này có lẽ có khá nhiều phương cách và phương diện. Đầu tiên, công nghệ làm cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, con người ta từ khổ lên sướng thì thích chứ không hề muốn ngược lại. Bởi thế dần dần họ quen với việc ăn sung mặc sướng, và sẽ khổ sở như nếu thiếu nó. Một tình yêu nảy nở từ khi nào, và thế là dần dà người ta bắt đầu tôn sùng nó.
Một cách lí giải khác, có lẽ vì quá thích thú và cảm thấy mình trở nên khác biệt, họ thấy cần phải yêu quí và tôn sùng nó. Không giống như cái loại tôn giáo khác, công nghệ là một đạo giáo từng ngày thay đổi, và chỉ có những kẻ nhiều tiền của nhất, chịu chơi nhất mới theo kịp được những “lời truyền đạo” của nó. Và những kẻ chạy theo công nghệ luôn khác biệt so với những người bình thường. Họ cảm thấy thật tuyệt vời khi mình luôn được khác biệt, có cái nhìn kiêng nể và tôn trọng của những người xung quanh. Họ bắt đầu yêu và tôn sùng thứ đạo giáo đã mang lại cho họ điều đó.
Có lẽ khi đọc xong những lời này, bạn sẽ thấy mình cũng đang là một tín đồ của công nghệ. Dân HD chúng ta thì say mê và yêu thích những chiếc TV, dàn âm thanh khủng và những bộ phim hay. Chúng ta đều thích thú khi ngày mới thức dậy được trông thấy một sản phẩm mới được xuất hiện, đặc biệt là khi chúng là hãng sản xuất chúng ta thích. Và cũng đúng phải không, khi nếu như trong nhà có một chiếc TV 4K OLED mà không ai có, chắc lúc đó phải phát điên vì sung sướng mất!
Thứ tôn giáo kì lạ
Có lẽ điều này ít ai nhận ra, nhưng nếu nói Công nghệ là một thứ tôn giáo, thì cũng phải nói thêm rằng nó là một thứ tôn giáo kì lạ. Hầu hết các đạo giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo thì những tín đồ của họ đều một mực trung thành cho đến chết với tôn giáo mà mình đã chọn. Họ hiếm khi nào bỏ nó để chạy sang một tôn giáo khác. Điều này có thể được lí giải vì những giá trị truyền giảng trong những tôn giáo này là những thứ cốt lõi, không thay đổi trong suốt lịch sử, và tính đúng đắn của nó cũng đã được kiểm nghiệm.
Nhưng Công nghệ thì hoàn toàn khác, những kẻ cuồng tín nó tuy có một tình yêu mãnh liệt với “Chúa trời” của mình, nhưng chúng cũng là những kẻ phản bội phũ phàng chưa từng có. Nếu như cách đây khoảng 6-7 năm thì hầu như ai cũng dùng Nokia, cũng thích Nokia và khao khát có được một siêu phẩm đầu bảng của Nokia, ví dụ tương tự cho Blackberry. Nhưng giờ thì sao? Thứ khao khát của một tín đồ công nghệ hiện tại là iPhone, là iPad, là Galaxy S III hay Xperia Z, không còn là những món đồ của Nokia hay BB làm điên đảo toàn bộ làng công nghệ, chỉ trừ lại những kẻ trung thành nhất.
Bỏ mới nới cũ là một điều mà hầu như bất kể những ai yêu công nghệ đều có. Chính vì giá trị chính trong món tôn giáo này là đổi mới và đổi mới liên tục, nên hầu như những con chiên đi theo nó cũng phải đuổi theo.
Những vị thánh sống
Từ đầu bài viết đến giờ, có lẽ mình có nhắc nhiều đến những ông lớn của làng công nghệ. Trong bài viết này, mình sẽ gọi họ là “những vị thánh sống”. Nhưng đừng tưởng thánh thì bất tử nhé!
Suy cho cùng, với cái bản chất luôn thay đổi, có lẽ không có cái gì là bất biến trong tôn giáo Công nghệ. Trải qua lịch sử hàng chục năm, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy, vinh quang tột đỉnh rồi lụi tắt của rất nhiều nhiều vị thánh sống đây. Kodak từng là ông lớn ngành nhiếp ảnh, bây giờ đâm đơn bảo hộ phá sản. RIM từng bá chủ nước Mỹ khi ai cũng dùng sản phẩm của hãng, giờ vật vờ tìm đường trở thành. Sony từng làm mưa làm gió trong nền công nghiệp hình ảnh, giờ phải bán trụ sở ở Mỹ để kiếm tiền làm ăn.
Có thể thấy một điều được rút ra rằng, trong Công nghệ thì vị thánh nào cũng đều có cái thời của họ cả. Không hẳn là do họ yếu kém, mà chỉ vì quy luật phát triển là như thế. Không ai thành công mãi được, chỉ trừ khi họ luôn biết thay đổi, đi đầu chứ không phải là suốt ngày ra rả sự thành công, tiến bộ của mình và không chịu thay đổi. Apple bây giờ có lẽ là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, nhưng liệu có chắc rằng hãng không đi vào vết xe mà RIM và Nokia từng để lại?
Còn những tín đồ tôn sùng các vị thánh thì sao? Xin đừng quá cuồng tín họ cũng như những gì mà họ đã ban phát, vì đâu biết được liệu ngày mai bạn có bỏ chạy khỏi chúng và quay trở lại phê phán chúng như những món đồ vớ vẩn trong khi chính bạn trước kia đã từng đội chúng để lên bàn thờ. Và cũng xin đừng quá nguy hiểm bảo vệ những giá trị mà chỉ mai kia là chúng sẽ trở thành dĩ vãng và lạc hậu. Không ai là người có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống này.
Bài viết đầu tiên trong series này chỉ là một góc nhìn về công nghệ xét trên phương diện tôn giáo và phân tích vì đâu chúng ta lại có những tín đồ công nghệ, những fan cuồng tín và những vị thánh sống được tôn sùng. Chắc chắn sẽ có nhiều gạch đá, nhưng hãy cứ thoải mái phang, vì bài viết này mở ra là để mọi người hiểu rõ và bàn luận về công nghệ cùng những thứ xoay quanh nó.
Đón chờ phần 2: Con chiên và những kẻ Vô thần