id="post_message_9658440">
Nếu như được hỏi "Bạn thích siêu xe nào nhất?", chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cái tên Ferrari, thương hiệu lâu đời và rất nổi tiếng của Ý. Tuy nhiên, đối với cá nhân mình, hình ảnh con ngựa đỏ của F430 hay F599 không để lại nhiều ấn tượng bằng những chú bò tót vàng dũng mãnh. Vâng, mình đang nói đến hãng siêu xe Lamborghini. Lần đầu tiên nhìn thấy hình chụp chiếc Lamborghini Murciélago vài năm về trước, mình đã mê mẩn ngay lập tức, một thiết kế cực kỳ hầm hố những vẫn đầy tính nghệ thuật! Ferrari có thể có những chiếc xe rất đẹp, nhưng với mình Lamborghini mới chính thương hiệu siêu xe số 1 thế giới.
Giai thoại về sự ra đời của hãng xe Lamborghini
Lamborghini có tên đầy đủ là Automobili Lamborghini S.p.A. (ALSpA), là thương hiệu xe Italia do Ferruccio Lamborghini lập ra vào năm 1963. Ferruccio Lamborghini thời bấy giờ vốn là một triệu phú trong ngành công nghiệp sản xuất đầu máy kéo tại Ý. Ông bắt đầu sự nghiệp tại một gara nhỏ, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh do nhu cầu về đầu máy kéo tăng nhanh. Bên cạnh máy kéo, Ferruccio còn sản xuất đèn đốt tinh dầu và hệ thống điều hòa, và những lĩnh vực này cũng đem về cho ông rất nhiều lợi nhuận.
Trở thành một trong những người giàu có nhất nước Ý, Ferruccio có thể mua cho mình hầu như tất cả những gì ông muốn, bao gồm cả những chiếc siêu xe thời bấy giờ như Mercedes SL300 hay Ferrari và Jaguar. Tuy nhiên, chiếc Ferrari của ông bắt đầu gặp những vấn đề về bộ ly hợp, và vì không thể sửa nó ở những cửa tiệm địa phương, Ferruccio quyết định đến gặp thẳng Enzo Ferrari để khiếu nại. Enzo, với bản tính kiêu hãnh vốn có, đã đuổi "lão nông dân" này về đi. Ferruccio giận lắm, và vào lúc đó ông đã quyết định sẽ cho Enzo Ferrari thấy một chiếc siêu xe thực thụ là như thế nào.
Trên đây là giai thoại về nguyên nhân hình thành thương hiệu Lamborghini. Thực tế có thể khác đôi chút, nhưng rõ ràng vào thời điểm ấy, Ferruccio đang rủng rỉng tiền bạc, và thị trường siêu xe còn rất mới mẻ. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để ông thành lập một hãng xe riêng, chuyên sản xuất những sản phẩm không chỉ có tốc độ nhanh mà còn sở hữu những kiểu dáng độc đáo.
"Siêu xe" khởi nguồn cho thương hiệu Lamborghini
Quá trình thành lập Automobili Lamborghini S.p.A.
Ferruccio thành lập Automobili Lamborghini S.p.A. trên một khuôn viên rộng 90.000 mét vuông gần thành phố Bologna. Toàn bộ nhà máy được xây dựng xong chỉ sau 8 tháng, và là một kiến trúc rất hiện đại thời bấy giờ với nhiều khoảng không gian mở và vật liệu kính ở khắp mọi nơi. Ông đã phải bỏ ra số tiền 500 triệu Lire để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Yếu tố quyết định của một nhà máy sản xuất ô tô không phải là máy móc, mà là con người. Do đó Ferruccio bắt đầu tuyển mộ những nhân sự giỏi nhất trong ngành, như Gio Bizzarrini - sau khi ông này rời bỏ Ferrari, để thiết kế và sản xuất một chiếc xe V-12 cho Lamborghini. Không lâu sau đó, một động cơ đã được chế tạo xong, với 400 mã lực tại tốc độ quay 11.000 vòng/phút. Tuy nhiên, điều Ferruccio mong muốn không phải là một chiếc xe đua đơn thuần, mà là một chiếc xe thể thao hiệu suất cao (Grand Touring), nên động cơ đó đã được giảm xuống ở mức 280 mã lực tại 7.000 vòng/phút. Gio cảm thấy không phù hợp với yêu cầu của Ferruccio nên đã sớm ra đi trước khi quá trình thử nghiệm hoàn tất.
Mất Gio, Ferruccio tuyển mộ được thêm 2 nhân vật nữa cho đội ngũ kỹ thuật của mình là Giampaolo Dallara và Giampaolo Stanzani. Bên cạnh đó, ông còn mời được Bob Wallace, một tay lái lão luyện người New Zealand, giữ chức trưởng nhóm lái thử nghiệm. Có trong tay những cộng sự đắc lực như thế, bản mẫu chiếc Lamborghini 350 GTV lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng tại Triển lãm xe Turin năm 1963. Tương lai của ALSpA rất tươi sáng trong những năm 60 của thế kỷ trước, với 350 GTV và 2 mẫu xe tiếp theo là 400 GT và 400 GT 2+2 đã góp phần giúp thương hiệu Lamborghini được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tên tuổi của Lamborghini chỉ thật sự trở thành huyền thoại, và là ước mơ của nhiều người kể từ khi sản phẩm Lamborghini Miura được trình làng.
Những thăng trầm của một thương hiệu siêu xe
Lamborghini có một khởi đầu rất suôn sẻ, với nhà sáng lập Ferruccio lắm tiền nhiều của lại đầy đam mê, và một đội ngũ công sự đầy tài năng. Trong những năm đầu của thập kỷ 70, ALSpA tập trung sản xuất dòng Miura nổi tiếng, và đã xuất xưởng được 400 chiếc. Đây là mẫu xe đã đem lại dòng lợi nhuận đầu tiên cho Lamborghini sau 10 năm đầu tư, và nó cũng rất được khách hàng tiềm năng quan tâm. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu chuyển biến xấu khi mảng kinh doanh đầu máy kéo của Ferruccio gặp khó khăn, và ông buộc phải bán một phần công ty ALSpA cho một nhà công nghiệp người Thụy Sĩ tên Georges-Henri Rosetti. Mặc dù Ferruccio đã khẳng định ông sẽ vẫn tiếp tục điều hành công ty, nhưng cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã khiến ông kiệt quệ và không lâu sau đó, Ferruccio bán nốt 49% cổ phiếu của công ty cho một người Thụy Sĩ khác là Rene Leimer.
Kể từ lúc này, Lamborghini chính thức không còn liên quan gì đến người sáng lập Ferruccio nữa. Một điều rất may là 2 vị chủ mới, Georges-Henri và Rene quyết định vẫn giữ tên gọi của hãng là Lamborghini. Mặc dù vậy, những người chủ mới vẫn không thể lấy lại ánh hào quang ngày nào cho thương hiệu siêu xe của Ý. Countach, mẫu xe bán khá chạy trong giai đoạn này, vẫn không thể tạo ra dòng tiền đủ để hãng chi trả chi phí nguyên vật liệu. Vì lý do đó, nhiều khách hàng đã phải đợi đến 2 năm mới được giao xe.
Tia sáng hi vọng đến với ALSpA khi hãng giành được hợp đồng sản xuất dòng xe M1 cho BMW. Tuy nhiên, thay vì bắt tay vào sản xuất theo hợp đồng, Lamborghini lại dùng nguồn tiền do BMW cấp để phát triển mẫu Cheetah cho riêng mình. Không lâu sau đó, BMW đã cắt hợp đồng sản xuất M1 với Lamborghini. Hãng xe Italia lâm vào nguy cơ phá sản.
Những năm cuối của thập kỷ 70 chứng kiến một sự lao đao của Lamborghini khi bi tuyên bố phá sản bởi tòa án Italia. Hãng siêu xe trở rơi vào tình trạng "bơ vơ" vì quá trình mua lại công ty gặp nhiều trục trặc. Tình hình chỉ bắt đầu khá hơn từ năm tháng 7/1980, khi hai anh em Mimran người Thụy Sĩ nhảy vào cuộc. Họ mua lại Lamborghini vào năm 1984 với giá khoảng 3 triệu USD và hãng xe được đổi tên thành Nuova Automobili Ferruccio Lamborghini S.p.A. (NAFLSpA). Một số mẫu xe phát triển dưới thời nhà Mimran gồm có Countach, Cheetah và Jalpa.
NAFLSpA bắt đầu làm ăn có lãi trở lại thì đùng một cái, vào tháng 4 năm 1987, chủ tịch tập đoàn Crysler là Lee Iacocca tuyên bố ông đã mua lại công ty Sant'Agata của Patrick Mimran. Crysler đổi tên hãng xe trở lại cái tên cũ, đồng thời giữ nguyên bộ khung nhân sự. Hoạt động dưới sự điều hành của ông chủ Mỹ trong khoảng 5 - 7 năm, Lamborghini tiếp tục bị bán đi vì Crysler nhận ra rằng lối kinh doanh của Lamborghini vẫn là nhỏ lẻ và không phù hợp với phong cách của một hãng lớn như Crysler.
Trong tay các ông chủ mới đến từ vùng viễn đông, nhân sự của Lamborghini có nhiều thay đổi. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự ra đời của dòng xe Diablo VT Roadster, một sản phẩm rất thành công tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 90 đã khiến cho những ông chủ Indonesia lâm vào khó khăn. Lamborghini cố gắng bấu víu vào cái bóng của Diablo nhưng vô ích. Giám đốc điều hành của hãng là Di Capua bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng hợp tác với tập đoàn Audi AG để sử dụng động cơ của hãng trên sản phẩm của Audi.
Bất ngờ xảy đến vào năm 1998 khi Ferdinand Piëch, một quan chức cấp cao của Audi AG, tuyên bố muốn mua lại ALSpA. Di Capua thuyết phục các ông chủ Indo đồng ý bán Lamborghini cho Audi AG, và đến ngày 27/8/1998, Audi AG chính thức trở thành chủ nhân duy nhất của hãng siêu xe Ý. Tập đoàn của Đức đã đầu tư khá nhiều tiền của cũng như nhân sự cấp cao vào Lamborghini, để đưa hãng xe từ chỗ bết bát trở lại vị trí đáng tự hào như ngày hôm nay. Những mẫu xe nổi tiếng như Gallardo, Murciélago hay Reventón đều được sáng tạo ra dưới thời của Audi AG.
Một số mẫu xe nổi tiếng của Lamborghini
1. Lamborghini Miura (1966 - 1974)
Khi Lamborghini giới thiệu chiếc 350GT vào năm 1964, khách hàng ngay lập tức bị hấp dẫn và 350GT gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, Ferruccio quả quyết rằng ông còn có thể làm tốt hơn thế. Ông muốn có một chiếc xe với thiết kế và công nghệ hoàn hảo, một chiếc xe gây ấn tượng mạnh và gợi lên sự đam mê. Và kết quả là Miura ra đời.
Miura là tên một trại súc vật ở Tây Ban Nha, nơi có những chú bò tót nổi tiếng với bản năng chiến đấu dũng mãnh. Ở thời điểm đó, có khá nhiều hãng xe sử dụng thiết kế động cơ đặt giữa, như Ford, Porsche và Ferrari, song Ferruccio không hề thích thú với kiểu thiết kế này. Ông sử dụng một nhóm 3 người để thiết kế Miura, sau 3 bản mẫu, Miura chính thức được sản xuất vào tháng 12/1966 và từ đó đến nay vẫn nằm trong tốp 3 chiếc xe đẹp nhất thế giới. Ban đầu Lamborghini dự định chỉ sản xuất 30 chiếc, nhưng sau đó đã thay đổi quyết định do lượng đặt hàng tăng lên chóng mặt. Hãng đã sản xuất cả thảy 764 chiếc Miura, bao gồm các phiên bản như P400, P400S, P400SV hay P400 Jota.
2. Lamborghini Countach (1974 - 1990)
Countach là mẫu xe thể thao động cơ đặt giữa được Lamborghini đưa vào sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến 1990. Đây có thể xem là mẫu xe tiên phong và định hình phong cách hầm hố, góc cạnh của các dòng xe Lamborghini nói riêng và siêu xe nói chung. Thiết kế đẩy cabin lái về phía trước nhằm tăng diện tích cho động cơ, và đặc biệt là cửa ra vào đóng mở kiểu cắt kéo cũng từ chính Countach mà ra.
Cái tên Countach bản thân nó cũng có một "tiểu sử" thú vị riêng. Đây là một từ cảm thán trong ngôn ngữ địa phương tại Ý có tên Piedmontese, thường được sử dụng bởi nam giới mỗi khi nhìn thấy một người phụ nữ tuyệt đẹp. Những lô Countach đầu tiên sử dụng chung động cơ V12 4 lít của Miura, sau này được nâng cấp lần lượt lên 5 lít rồi 5,2 lít. Có cả thảy 5 phiên bản Countach được sản xuất, bao gồm LP400, LP400S, LP500S, LP5000QV và một phiên bản đặc biệt nhân kỷ niệm 25 năm Countach ra đời. Tổng cộng, Lamborghini đã chế tạo được 2.042 chiếc Countach trong vòng đời 16 năm của nó. Cái tên Countach chỉ bị lu mờ phần nào kể từ khi kẻ kế nhiệm nó xuất hiện, Lamborghini Diablo.
3. Lamborghini Diablo (1990 - 2001)
Nhắc đến siêu xe của Lamborghini, đặc biệt là trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cái tên nổi nhất chắc chắn là Diablo. Đây là mẫu xe kế nhiệm của Countach, và cũng là siêu xe đầu tiên của Lamborghini đạt vận tốc tối đa trên 200 dặm/h (320 km/h). Diablo được phát triển từ Dự án 132 khởi động vào năm 1985, và vẫn như truyền thống của Lamborghini, nó được đặt tên theo một giống bò tót.
Chiếc Diablo đầu tiên ra mắt công chúng vào ngày 21/1/1990 với giá bán 240.000 USD và thuộc thế hệ Diablo thứ I. Xe sử dụng động cơ V12 5,7 lít, cho công suất 492 mã lực. Diablo có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 4,5 giây và đạt vận tốc tối đa 202 dặm/h (325 km/h). Cùng trong thế hệ này có những phiên bản như Diablo VT, Diablo SE30 và SE 30 Jota, Diablo SV và Diablo VT Roadster.
Thế hệ thứ II của Diablo bắt đầu với Diablo SV vào năm 1999. Lúc này Lamborghini đã dừng mẫu Diablo cơ bản, Diablo SV trở thành phiên bản tiêu chuẩn của dòng Diablo. Điểm khác biệt dễ thấy giữa thế hệ này với thế hệ trước là Diablo không còn dùng kiểu đèn pha mắt ếch như trên đời cũ. Nội thất của Diablo SV cũng có một số thay đổi, và đặc biệt là động cơ được tăng lên đến 530 mã lực. Sau Diablo SV, Lamborghini lần lượt sản xuất thêm các phiên bản Giablo VT/VT Roadster, Diablo GT, Diablo VT 6.0/VT 6.0 SE. Ngoài ra, hãng siêu xe Ý còn xuất xưởng một số phiên bản đặc biệt cho đường đua chuyên nghiệp như Diablo SV-R hay Diablo GTR. Lamborghini đã sản xuất cả thảy 2.884 chiếc Diablo trước khi nhường ánh hào quang lại cho dòng xe Lamborghini Murciélago nổi tiếng.
4. Lamborghini Murciélago (2001- 2010)
Kế thừa thành công của 2 bậc tiền bối là Countach và Diablo, Murciélago ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001 với tư cách là mẫu siêu xe 2 chỗ ngồi cao cấp nhất của Lamborghini. Đây cũng là dòng xe đầu tiên xuất xưởng dưới thời ông chủ Đức Audi. Murciélago là tên chú bò tót đã sống sót sau 28 nhát kiếm trong một trận đấu bò ở Tây Ban Nha vào năm 1879. Có lẽ vì sở hữu cái tên "oanh liệt" như vậy mà dòng Murciélago đã thành công rực rỡ trong suốt 9 năm tồn tại, với tổng số lượng xe xuất xưởng lên đến 4.099 chiếc.
Tương tự như Diablo, Murciélago cũng có 2 thế hệ, với thế hệ đầu từ năm 2001 đến 2006. Trong khoảng thời gian này, mẫu xe chủ yếu được gọi với cái tên đơn thuần là Murciélago. Xe sử dụng động cơ V12 6,2 lít, 580 mã lực, tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 3,8 giây.
Tháng 3/2006, Lamborghini ra mắt thế hệ Murciélago mới với cái tên đầu tiên: Murciélago LP640. Hai chữ cái LP viết tắt của Longitudinale Posteriore, với ý nghĩa chỉ vị trí đặt của động cơ, còn 640 chính là công suất mà phiên bản này có thể đạt được, 640 mã lực. Giá đề xuất cho Murciélago LP640 tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó là 318.000 USD cho phiên bản tiêu chuẩn. Một số phiên bản tiếp theo có thể kể đến là LP640 Versace, LP650-4 Roadster và LP670-4 SuperVeloce (ở Việt Nam hiện tại đang có 1 chiếc Murciélago LP670-4 SV).
Năm 2007, tại triễn lãm ô tô Frankfurt ở Đức, Lamborghini đã giới thiệu mẫu xe Reventón, một biến thể của Murciélago. Reventón có thiết kế kỹ thuật và động cơ giống hệt LP640, tuy nhiên ngoại thất được lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ. Chỉ có 21 chiếc được sản xuất ra trên toàn thế giới, với mức giá 1,4 triệu USD/chiếc.
Một bản độ toàn đen của chiếc Murciélago LP640
Lamborghini Reventón, biến thể đắt tiền nhất của Murciélago, có giá khoảng 1,4 triệu USD
5. Lamborghini Aventador (2011 đến nay)
Được giới thiệu tại triễn lãm ô tô Geneva Thụy Sĩ hồi đầu năm, Aventador là thành viên mới nhất trong gia tộc Lamborghini, và là mẫu xe thay thế cho dòng Murciélago nổi tiếng. Ngay sau khi ra mắt, Aventador đã được đặt hàng hết cho năm 2011, và việc giao xe sẽ bắt đầu trong 6 tháng cuối năm. Giá bán đề xuất cho một chiếc Aventador tiêu chuẩn tại Mỹ là 379.700 USD.
Aventador LP700-4 sử dụng động cơ V12 6,5 lít, cho công suất 690 mã lực. Với "trái tim" mạnh mẽ như vậy, siêu xe chỉ mất 2,9 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h, và đạt vận tốc tối đa ở mức 214 dặm/h (345 km/h). Aventador có mức tiêu thụ nhiêu liệu khoảng 17 lít xăng/100 km.
6. Lamborghini Gallardo (2003 đến nay)
5 mẫu xe đầu trên đầu là "hàng khủng" của Lamborghini tại thời điểm nó ra mắt, nhưng nếu nói đến chiếc xe được bán nhiều nhất thì không ai khác hơn chính là Gallardo. Mẫu xe được xếp vào dòng "bò con" (baby Lambor) đã xuất xưởng được hơn 10.000 chiếc. Vì là "bò con" nên Gallardo có thiết kế hiền lành nhất trong gia đình Lamborghini. Xe có 2 chỗ ngồi, kiểu dáng gọn, ít các chi tiết hầm hố hơn Murciélago hay Aventador. Kiểu cửa xe cắt kéo nổi tiếng cũng không được sử dụng trên Gallardo, khiến cho những ai muốn thưởng thức trải nghiệm đó buộc phải độ chú Gallardo của mình lên.
Một chiếc Gallardo tiêu chuẩn sở hữu động cơ V10 5 lít, cho công suất 493 mã lực, với thời gian tăng tốc tứ 0 đến 100 km/h trong khoảng 4,2 giây và đạt vận tốc tối đa 192 dặm/h (309 km/h). Qua 7 năm tồn tại, Lamborghini đã cho ra mắt khá nhiều những phiên bản Gallardo khác nhau, điển hình có thể kể đến như Gallardo SE, Gallardo Spyder, Gallardo Superleggera, LP560-4, LP570-4 Superleggera, LP570-4 Spyder Performante và mới đây nhất là Gallardo Super Trofeo Stradale. Gallardo cũng là mẫu xe thường được Lamborghini tặng cho lực lượng cảnh sát Ý làm phương tiện sử dụng.
Cảnh sát Việt Nam mà cũng có một chiếc như thế này thì thích nhỉ
7. Lamborghini Estoque
Estoque là một cái tên đặc biệt trong danh sách các mẫu xe đáng chú ý của thương hiệu Lamborghini. Được giới thiệu tại triển lãm ô tô Paris 2008 với tư cách là một bản mẫu, Estoque là siêu xe Lamborghini đầu tiên thuộc dòng sedan 4 cửa (những mẫu xe trước đây của hãng đều là 2 cửa, 2 chỗ ngồi). Ngay từ giây phút giới thiệu, giới mê xe đã bị ấn tượng mạnh bởi kiểu dáng sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên phong cách hầm hố, mạnh mẽ của Lamborghini.
Trong khi khách hàng đang háo hức chờ đợi ngày bán ra chính thức thì đùng một cái, Lamborghini tuyên bố hủy kế hoạch sản xuất Estoque vào tháng 3/2009. Điều này khiến cho những đối thủ như Porsche rất vui mừng, vì với tầm giá trên 200.000 USD, nếu được sản xuất, Estoque sẽ là đối thủ đáng gờm của Porsche Panamera. Vào thời điểm đó, chủ tịch kiêm CEO của Lamborghini là Stephan Winkelmann đã khẳng định hãng có nhiều cơ hội với những dòng xe khác ngoài siêu xe, song Lamborghini không có ý định đưa bản mẫu Estoque vào sản xuất.
Tuy nhiên, những người yêu thích mẫu xe này cũng có lý do để hi vọng, khi thời gian gần đây có nhiều tin đồn cho biết có thể Lamborghini sẽ cân nhắc lại quyết định sử dụng mẫu xe Estoque.
Chiếc sedan đẹp nhất mà mình từng thấy từ trước đến nay
Nguồn: Tổng hợp