Bài viết giải thích cho các bạn hiểu về cơ chế hiển thị, thứ tự ưu tiên những thông tin người dùng nhận được trên Facebook.
- Bức xúc trước nạn "bôi nhọ" nhau trên Facebook
- Xôn xao chuyện cấm Facebook cá nhân tổng hợp thông tin
- Facebook trước nguy cơ “ngập ngụa” trong quảng cáo
Không ít thành viên nghĩ khi họ kết bạn với một người thì mọi status, ảnh, video... mới của người đó sẽ được Facebook cập nhật ngay lên trang. Nhưng thực tế là khi truy cập vào Wall (trang cá nhân) của người này, họ mới biết đã bỏ sót nhiều thông tin trước đó.
Ngày 6/8, Facebook quyết định lý giải cách thức hoạt động của hệ thống xếp hạng dữ liệu trên News Feed, trong đó các thuật toán có nhiệm vụ phân tích và dự đoán người dùng có thể muốn xem status này hơn tấm ảnh kia, từ đó chọn lọc thông tin nào sẽ được hiển thị.
Các nội dung trên Facebook được chấm điểm khác nhau tùy thuộc vào sự tương tác của người dùng với tác giả của những nội dung đó.
Lars Backstrom, kỹ sư phụ trách hệ thống xếp hạng News Feed, cho biết mỗi ngày có "hàng chục nghìn" thông tin người dùng đưa lên Facebook. Khi mở Facebook, trung bình có khoảng 1.500 post chờ sẵn để người dùng theo dõi từ ảnh cưới của bạn thân, lời than thở ngày đầu tháng cho đến các thông tin tẻ nhạt như anh A vừa kết bạn với chị B...
Do hiếm có ai có đủ thời gian để duyệt hết ngần đó thông tin, Facebook sẽ chấm điểm và xếp hạng các post. Công thức cụ thể tất nhiên sẽ không được Facebook tiết lộ, nhưng trong số đó bao gồm việc bạn có thường xuyên like hay comment nội dung của ai đó hay không, mối quan hệ của bạn với người đó, có khi nào bạn ẩn một thông tin mà người kia đăng không. Nói cách khác, cách một thành viên cụ thể tương tác với "bạn bè" (friends) của họ sẽ quyết định tần suất xuất hiện các post của những người đó trên News Feed.
Facebook cũng sẽ thống kê 50 lần tương tác gần nhất của người dùng để xếp hạng các post trong lần tiếp theo. Mục tiêu của hệ thống xếp hạng này là để thành viên tiếp cận được với những thông tin mà họ muốn nhiều hơn, thúc đẩy tương tác cao hơn, dành nhiều thời gian hơn trên Facebook.
Thi thoảng, Facebook có thể lại lôi những status cũ lên News Feed bởi mạng xã hội này biết trước đó bạn đã bỏ sót. "Rất khó cho người dùng tìm lại thông tin cũ vì họ phải cuộn thanh cuốn liên tục, liên tục cho đến khi thấy thứ họ muốn", Backstrom cho hay. Trong thử nghiệm của Facebook, việc hiển thị lại những post cũ giúp tăng số lượt like, comment và share lên 5-8%.
Các nội dung cũng sẽ không được hiển thị theo trình tự thời gian mà xếp theo mỗi quan tâm của người dùng.
Tuy nhiên, hệ thống này không thể làm hài lòng mọi người dùng vì khiến họ lỡ nhiều thông tin, trong khi họ không thể lần lượt mở Wall của từng người để biết người đó có cập nhật gì không.
"Đúng là hệ thống xếp hạng của chúng tôi không hoàn hảo. Nhưng chúng tôi từng ngừng việc chấm điểm này và thay vào đó là hiển thị post theo trình tự thời gian. Kết quả là số lượng like, comment giảm đáng kể", Facebook lý giải nguyên nhân họ tiếp tục triển khai thuật toán xếp hạng.
Theo New York Times, cách tốt nhất để có được nhiều nhất thông tin mong muốn là thường xuyên bấm like, bình luận các nội dung của những người bạn quan tâm và bấm ẩn các post bạn không thích.
Mời bạn đọc thêm: Cười ra nước mắt với 12 ảnh hưởng của Công nghệ