Tin tức công nghệ

Tiếp tục bài ca lỗ và lỗ, nhà mạng sắp tăng cước 3G

Tiếp tục bài ca lỗ và lỗ, nhà mạng sắp tăng cước 3G

Đổ lỗi cho các ứng dụng nhắn tin trực tuyến đang gây lỗ hàng ngàn tỉ đồng, các nhà mạng đồng loạt đòi nâng giá cước 3G.


 

Tiếp tục "trường ca" lỗ, lỗ và lỗ

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, nói dịch vụ OTT qua mạng WiFi, 3G (như Viber, Zalo, Line…) đang là nguy cơ đối với các doanh nghiệp viễn thông. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng OTT thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đến 40%-50%. Một lãnh đạo khác của Viettel - ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, còn nói nhà mạng không thể kiểm soát được tất cả những gì doanh nghiệp OTT đang cung cấp và điều này đặt ra mối lo ngại về vấn đề an ninh cho người dùng khi bị kẻ xấu lợi dụng...

Đại diện VinaPhone và MobiFone cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng không kiểm soát được dịch vụ OTT bởi dịch vụ này chủ yếu được cung cấp bởi các công ty nước ngoài, không đặt máy chủ tại Việt Nam. Nhiều đối tượng đang sử dụng dịch vụ OTT để nhắn tin quảng cáo rác đến hàng loạt thuê bao khác

Lãnh đạo các nhà mạng úp mở chuyện đề xuất tăng cước 3G với lý do giá dịch vụ này thấp. Viettel đã “đánh tiếng” với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cước 3G vào đầu tháng 7, trong khi đó MobiFone và VinaPhone đã “thông báo đến từng thuê bao” tăng giá gói cước 3G không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng và điều chỉnh một loạt gói cước dịch vụ 3G khác vào tháng 4-2013...

Người dùng và nhà mạng, ai chịu thiệt?

Trên thực tế, dịch vụ OTT như Viber đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, đó còn là một xu hướng mới của mạng Internet, đem lại lợi ích rất lớn cho đông đảo người dùng. Thậm chí Viber còn cho ra đời phiên bản mới cài trên máy tính bàn, giúp người dùng gọi và nhắn tin miễn phí liên thông giữa máy tính với máy tính hay máy tính với điện thoại di động.

Một chuyên gia viễn thông bình luận: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam phải thắt lưng buộc bụng mà viễn thông cũng là một hàng hóa dịch vụ thiết yếuthì việc tăng giá 3G là rất nhạy cảm. Do đó việc các nhà mạng tìm ra nhân tố thứ ba để đánh lạc hướng là cần thiết nhằm tạo lý do hợp lý cho việc tăng giá. OTT chính là cái cớ đó”. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng nếu người tiêu dùng Việt Nam nhận rõ ràng cái cớ đó thì nhà mạng sẽ phải cân nhắc kỹ khi đưa ra lý do.

Về phía người dùng, anh Thanh Dũng (nevin…@gmail.com) cho rằng “nếu mức cước 3G tăng cùng chất lượng và hợp lý thì còn chấp nhận. Nhưng đề xuất tăng giá các gói cước 3G của các nhà mạng hầu như không có lý do minh bạch khiến tâm lý tiêu dùng không thoải mái, nhất là khi đổ lỗi cho các ứng dụng OTT chiếm nhiều băng thông, làm tổn thất doanh thu hay các vấn đề an ninh mạng...

“Tôi nghĩ người dùng hiện nay hoàn toàn có thể quyết định nên sử dụng ứng dụng nào để đảm bảo an toàn thông tin cho mình. Cho nên việc đổ lỗi cho vấn đề bảo mật mà hạn chế tiện ích của người dùng là không hợp lý. Ngoài ra, tại sao các nhà mạng và dịch vụ OTT không phối hợp với nhau để có chính sách kinh doanh phù hợp, đảm bảo lợi nhuận mà lại bắt người dùng chịu thiệt khi tăng giá cước 3G?” - chị Bích Loan (loan…@yahoo.com) nêu ý kiến.

Một số chuyên gia cho biết các nhà mạng “than thở” thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng do OTT gây ra, thế nhưng doanh thu của họ lại tăng theo từng năm. Như năm 2012, Viettel đạt lợi nhuận 27.000 tỉ đồng, VNPT là 8.500 tỉ đồng. Năm 2013, Viettel dự kiến đạt lợi nhuận 34.000 tỉ đồng còn VNPT là gần 10.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy OTT không thể gây thiệt hại trầm trọng như họ nói. Mà trên thực tế, việc tăng cước 3G thì chỉ có người dùng bị thiệt hại bởi họ phải gánh mức phí thuê bao cao hơn dù chưa chắc có dùng dịch vụ OTT.

Nguồn thu lớn từ lượng người dùng đông đảo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6-2012, cả nước có 16 triệu thuê bao 3G. Đến hết năm 2012, lượng thuê bao 3G đạt xấp xỉ 20 triệu. Trong đó số lượng thuê bao chủ chốt là của Viettel, MobiFone và VinaPhone, Vietnamobile chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Ngoài VinaPhone có công bố đạt 6 triệu thuê bao 3G, mặc dù chưa thấy MobiFone và Viettel công bố con số cụ thể nhưng có thể ước tính gần 14 triệu thuê bao còn lại là của hai nhà mạng này.

Lo ngại về an ninh


Vấn đề an ninh của dịch vụ OTT chẳng nghiêm trọng đến mức đặt thành một nguy cơ để nhà mạng phải đồng loạt lên tiếng. Bởi những dịch vụ tương tự của chính họ cũng ẩn chứa rủi ro như thế. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng của Bkav, từng khẳng định bất cứ một dịch vụ, ứng dụng nào trên nền web hay Internet như Yahoo! Messenger, Skype, Facebook và cả các ứng dụng OTT đều tồn tại nguy cơ để lộ thông tin cá nhân.

Mời bạn xem thêm: Liệu cước 3G có “leo” theo giá xăng

Công Thành

 

 

Theo Pháp luật TP