Khởi nghiệp

Thương hiệu công nghệ Việt: Chúng ta có quyền hy vọng

Hội chợ Triển lãm điện tử tiêu dùng quốc tế (CES) 2013 vừa kết thúc thành công Dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng ngành công nghệ này vẫn phát triển choáng ngợp. Những cái tên được nhắc đến trong tuần lễ CES vừa qua là những thương hiệu mà danh tiếng không xa lạ.

Dù có tính đa quốc gia nhưng vẫn là đại diện đáng tự hào cho quốc gia mà chúng bắt nguồn. Mỹ có Apple, Google, Microsoft, Facebook; Nhật có Sony, Nintendo; Samsung đến từ Hàn Quốc; Nokia từ Phần Lan; RIM đến từ Canada; Huawei từ Trung Quốc...Và thấp thoáng đâu đấy là một vài tên tuổi gắn với người Việt như thiết bị theo dõi sức khỏe Misfit Shine - một sản phẩm từ công ty hợp tác đa quốc gia Mỹ - Việt.

 

Việt Nam, quốc gia có dân số trẻ, tốc độ phát triển internet rất cao, được sống trong môi trường mang ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa đại chúng (pop culture), có nhiều chuyên gia sống và làm việc ở các nước phát triển. Đó là những điều kiện thuận lợi nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu công nghệ mang tầm quốc gia, chưa nói ảnh hưởng đến thế giới. Trong khi đó công nhân của chúng ta vẫn làm công cho những đại gia như Samsung, Intel, Sony...

Nguyên nhân bắt nguồn chính từ giáo dục và văn hóa. Việc dạy và học về công nghệ ở nước ta vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, chú trọng lý thuyết và coi nhẹ thực hành. Khi Intel bắt đầu đặt nhà máy ở Việt Nam, họ từng phỏng vấn tuyển dụng hàng trăm kỹ sư công nghệ nhưng chỉ chọn được vài chục người để đào tạo lại. Đó là một trong những tiếng chuông khác báo động về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta.

Với phong trào startup (những ý tưởng kinh doanh nhỏ) đang nổi lên khắp nơi trên thế giới, hằng hà sa số những ý tưởng mới, những cá nhân độc lập và nhóm phát triển có cơ hội tìm kiếm vốn đầu tư và cho ra đời nhiều sản phẩm thương mại. Tại Mỹ, thung lũng Silicon đã chứng kiến sự ra đời của những công ty như thế, khởi đầu chỉ là một vài ý tưởng rất đơn giản nhưng đã biến chúng thành những cái tên như Facebook, Pinterest, Groupon... 

Những nhân vật công nghệ nổi tiếng như Steve Jobs, Mark Zuckerberg… được tạo dựng nên từ đó. Bây giờ thành hay bại của một công ty công nghệ không còn xác định trong hằng năm mà là hằng tuần. Một công ty có thể đạt được danh tiếng chỉ trong một đêm và cũng có thể bị soán ngôi chỉ trong nửa ngày. Forbes thống kê người giàu lên nhanh nhất trong năm 2012 là một nhân vật công nghệ (Jeff Bezos - CEO của Amazon) và kẻ nghèo đi nhiều nhất cũng là một nhân vật công nghệ (Mark Zuckerberg - CEO của Facebook). Tất cả lệ thuộc vào khả năng sáng tạo.

Việt Nam muốn trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2020, phải ưu tiên phát triển ngành công nghệ. Muốn vậy phải thay đổi triệt để triết lý giáo dục, ưu tiên dạy cho sinh viên phương pháp sáng tạo.

Bao giờ Việt Nam có một thương hiệu công nghệ quốc gia? Câu hỏi đó rất khó trả lời nhưng cái tên đầu tiên của thương hiệu Việt như Misfit Shine đã bắt đầu tạo ra các tiếng vang, cho phép chúng ta có quyền hy vọng…