Tính đến thời điểm viết bài này, tất cả các thiết bị iOS trên thị trường đã có thể jailbreak được, kể cả iPad 2 và iPhone 4S. Bài viết về thủ thuật cho iPhone Jailbreak đã xuất hiện nhiều, nhưng iPad thì chưa có, bởi một phần cũng vì số lượng lớn người dùng iPad 2 chưa được jailbreak mãi đến đầu năm 2012. Nhiều bạn chỉ nghĩ rằng Jailbreak iPad xong thì chỉ để cài đặt ứng dụng "lậu" mà thôi. Nhưng không phải như vậy, bạn còn làm được rất nhiều thứ khác nữa. Mời các bạn tham khảo bài viết sau để biết dc những "thứ" đó là gì và chắc chắn rằng nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc sử dụng tốt chiếc iPad cho cả mục đích giải trí lẫn công việc. Các thủ thuật bên dưới đã được kiểm tra và chạy tốt trên iOS 5, không gây ra lỗi nào cho máy.
Khi đã jailbreak thì máy của bạn sẽ được cài sẵn Cydia. Hãy mở ứng dụng này lên, vào mục Sources (ở cạnh dưới màn hình), rồi chọn Edit, kế tiếp chọn Add. Thêm vào ba nguồn sau: http://cydia.vn http://vnmagic.net/repo http://rpetri.ch/repo Lần lượt thêm từng liên kết trên và chờ cho Cydia làm mới lại danh sách các bộ cài đặt.
Muốn cài một thứ nào đó, bạn hãy nhấn vào nút Search ở cạnh dưới màn hình (cạnh nút Sources) rồi nhập tên của add-on hay ứng dụng muốn cài đặt. Ví dụ, mình muốn cài Multifl0w (số 0 chứ không phải chữ O), nhập vào ô tìm kiếm dòng chữ đó, sau đó nhấn nút Install (Cài đặt) ở góc trên, bên phải của màn hình, chọn tiếp nút Confirm (Xác nhận) là xong.
1. Multifl0w
iPad khi lên iOS 5 đã có tính năng multitask gesture, tức là dùng nhiều ngón tay để duyệt qua lại giữa các ứng dụng hoặc quay trở về màn hình chính. Thế nhưng chúng ta vẫn không thật sự có được trải nghiệm tốt nhất như khi dùng máy tính. Vậy thì addon Multifl0w này sẽ giúp bạn hiện thực hóa điều đó. Multifl0w sẽ liệt kê tất cả các ứng dụng đang chạy nền (lưu ý là chỉ các ứng dụng chạy nền thôi nhé, không phải là toàn bộ ứng dụng mà bạn đã từng mở ra đâu) dưới dạng cửa sổ, y hệt như trên máy tính vậy. Như vậy thì việc chuyển qua lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Có một lỗi nhỏ của add-on này, đó là khi đang liệt kê các ứng dụng thì nếu bạn quay máy, hình ảnh không quay theo.
Bạn có thể lựa chọn cho riêng mình thao tác để có thể kích hoạt Multifl0w. Trước hết, bạn truy cập vào Settings, tìm mục Multifl0w ở bảng bên trái rồi nhấn vào. Chọn tiếp tục Activation Method. Tại đây, có rất nhiều các để bạn kích hoạt add-on này. Hãy chọn theo ý thích, tuy nhiên mình khuyên là nên dùng thao tác trượt ngón tay từ cạnh trái màn hình vào để kích hoạt (mục Slide In Gesture > From Screen Left), vì như vậy nó sẽ không đụng chạm đến những thứ khác của hệ thống như Notification Center, trượt trang,... Nếu cảm thấy không tiện thì bạn có thể đổi, miễn sao cảm thấy tiện và không bị nhầm với các thao tác khác là được.
Quay trở lại mục Settings của Multifl0w, bạn có thể chọn được kiểu liệt kê ứng dụng là Expose (sẽ liệt kê giống như trên Mac OS) hoặc Cards (xếp theo hiệu ứng từ trên xuống dưới). Muốn xuất hiện biểu tượng ứng dụng trên hình ảnh xem trước của ứng dụng, hãy bật "Overlay App Icon". Những tùy chọn còn lại đang chờ các bạn khám phá.
2. RetinaPad và FullForce
Add-on RetinaPad sẽ cho phép các ứng dụng được thiết kế cho iPhone hiển thị tốt hơn trên iPad. Thường thì các ứng dụng cho iPhone hay iPod Touch khi nhấn vào nút x2 trên iPad sẽ bị hiện tượng vỡ hạt, nhìn hình ảnh rất xấu. Trong khi đó, nếu dùng RetinaPad, chữ nghĩa, hình ảnh, biểu tượng,... sẽ rõ hơn, nhìn tốt hơn rất nhiều. Nhược điểm của add-on này đó là ứng dụng không thể chạy được toàn màn hình nhưng đảm bảo là ứng dụng nào cũng có thể áp dụng được.
Để kích hoạt một ứng dụng ở chế độ RetinaPad, bạn hãy vào Settings > RetinaPad > Enabled Applications. Muốn kích hoạt ứng dụng nào thì bạn gạt công tác cho nó màu xanh lên là được. Trong trường hợp ứng dụng đó đang còn chạy, bạn phải đóng nó lại ở trong thanh liệt kê Multitask (xuất hiện khi nhấn đôi nút Home) rồi chạy lại.
Trong khi đó, FullForce sẽ "ép" ứng dụng chạy toàn màn hình của iPad. Cảm giác chạy ứng dụng toàn màn hình vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc còn chừa lại khung đen của RetinaPad, tuy nhiên FullForce không đảm bảo áp dụng tốt với mọi ứng dụng. Một số phần mềm không chấp nhận FullForce, một số khác thì bị crash hoàn toàn. Cách kích hoạt và vô hiệu hóa ứng dụng dùng FullForce thì cũng giống như RetinaPad.
3. SplitMail
Bạn cảm thấy thích kiểu giao diện chia đôi của ứng dụng Mail trên iPad, một bên liệt kê danh sách email, một bên để xem nội dung, nhưng lại buồn khi nó chỉ áp dụng với kiểu cầm máy theo phương dọc? Không sao, add-on SplitMail sẽ giúp bạn có thể chia đôi màn hình ngay cả khi dựng máy. Lưu ý là có một số máy sẽ không thể dùng hai ngón tay để zoom nội dung mail được. Nếu gặp tình trạng này thì đành phải gỡ bỏ SplitMail ra mà thôi.
4. Kích hoạt Multitask Gesture và Display Mirroring cho iPad 1 nếu bị lỗi
Trong phiên bản iOS 5.0.1, Apple nói rằng đã cung cấp tính năng Multitask Gesture cho iPad 1, tuy nhiên một số bạn bị lỗi không hiển thị công tắc để kích hoạt tính năng này trong Settings. Bạn cũng có thể up lại firmware, nhưng việc này khá phiền phức. Thay vào đó, bạn hãy dùng phần mềm Redsnow đã chỉnh sửa. Bạn hãy cứ tắt iPad, kết nối iPad với máy tính, chạy Redsnow, thực hiện các thao tác để vào DFU Mode như bình thường. Nhưng khi được hỏi là Jailbreak hay thực hiện thao tác nào khác, bạn bỏ chọn hết tất cả, chỉ chừa lại mục Enable Multitask Gesture. Kế đó nhấn Next rồi chờ cho ứng dụng hoàn tất việc của mình. Một khi iPad đã khởi động lại thì bạn có thể bật Multitask Gesture ở phần Settings > General (hoặc Cài đặt > Chung). Việc làm này cũng kích hoạt khả năng xuất hình ảnh ở mọi ứng dụng ra màn hình ngoài cho iPad 1 với tên gọi "Display Mirroring". Tính năng này mặc định chỉ hỗ trợ cho iPad 2, nhưng với cộng đồng mạng thì chuyện này không có gì là khó khăn.
Tải về Redsnow đã chỉnh sửa cho Windows Tải về Redsnow đã chỉnh sửa cho Mac
5. Fullscreen For Safari, duyệt web toàn màn hình và thêm nhiều cử chỉ điều khiển
Với Fullscreen For Safari, bạn có thể trải nghiệm cảm giác duyệt web toàn màn hình đúng nghĩa. Không có thanh trạng thái báo giờ, pin, không có ổ địa chỉ, không có phần liệt kê các thẻ,... Ngoài ra, chúng ta còn có thể áp dụng nhiều thao tác đa chạm khác cho Safari để việc duyệt web trở nên thuận tiện hơn mà mặc định Apple không cho phép.
Để cài đặt các thao tác cho Fullscreen For iPad, bạn vào Settings > Fullscreen For Safari > Gestures. Bạn có thể áp dụng những gì sẽ làm nếu dùng hai ngón trượt qua trái, phải, trên, dưới (mục Two Finger Swipes), ba ngón tay (Three Finger Swipes), thao tác cho nhấn một ngón, nhấn giữ,... Mình đã thiết lập sẵn một danh sách thao tác để có thể tận dụng tối đa tính năng cảm ứng đa chạm trên Safari, mời các bạn tham khảo. Tất nhiên, bạn vẫn có thể gán thao tác tùy ý.
Mục Two Finger Swipes và Three Finger Swipes: để như mặc định.
Mục One Finger Tap and short Hold: chọn None, nếu không nó đụng với thao tác chạm để zoom của Safari.
Mục One Finger Doubletap and short Hold: cũng chọn None, thao tác này rất khó thực hiện, có khi còn làm bạn thêm bực mình.
Mục One Finger Tap: cũng chọn None vì nó rất hay bị xung đột với thao tác nhấn đường link.
Mục Two Finger Double Tap (dùng hai ngón tay để nhấn hai lần vào màn hình): Show ActionPopup. Đây là một hộp thoại nhỏ chứa rất nhiều công cụ thường như quay lại trang vừa xem, đến trang phía sau, mở tab mới, đóng tab, xem Bookmarks,... để dùng trong chế độ toàn màn hình của Safari. Nếu không thích bạn có thể gán là View Tabs để xem các thẻ đang mở cũng được.
Three Finger Tap: Toogle FullScreen Mode: nhấn ba ngón tay (một lần) vào màn hình để kích hoạt hoặc bỏ chọn chế độ toàn màn hình. Có lẽ đây sẽ là thao tác thường dùng nhất đấy.
Shake: lắc để kích hoạt thao tác, nhưng mình không chọn kích hoạt thao tác nào cả vì nó rất dễ nhầm lẫn khi mình xoay máy ngang dọc.
6. Barrel và Barrel 2: Hiệu ứng chuyển homescreen 3D
Hai hiệu ứng này có thể dựng nên hình ảnh ba chiều trên HomeScreen mỗi khi chúng ta chuyển giữa các trang ở màn hình chủ. Barrel sẽ liệt kê các ứng dụng của trang mà ta định chuyển sang rồi hiển thị nó giống như là đang bay ra khỏi màn hình vậy. Barrel 2 thì bổ sung một chút hiệu ứng nhẹ nhẹ khác khi chuyển, nhưng lại bớt đi số icon hiển thị lúc "bay khỏi màn hình". Tùy theo ý thích mà bạn có thể chọn cho thích hợp. Tuy nhiên chỉ được cài một trong hai lên máy mà thôi. Muốn cài thử cái còn lại phải gỡ bỏ phiên bản Barrel đang có sẵn trên máy.
7. Display Recorder
Ứng dụng này sẽ cho phép bạn quay lại những gì đang diễn ra trên màn hình iPad và tương thích với iOS 5. Khi quay xong có thể xuất ra định dạng MOV hay AVI tùy ý muốn. Bạn cũng có thể kích hoạt ứng dụng này một thao tác bất kì (tự gán) nên không cần phải chạy ứng dụng rồi mới nhấn nút quay phim. Khi đã quay xong, bạn có thể dùng một trình quản lí tập tin nào đó để chép phim ra hoặc dùng web server của ứng dụng rồi sử dụng trình duyệt trên máy tính để tải nó về. Bạn cũng có thể upload trực tiếp video lên tài khoản YouTube của riêng mình nữa. Display Recorder thích hợp để chia sẻ phim hoặc làm các bài hướng dẫn trên iPad.
8. Belfry
Belfry sẽ mang các ứng dụng vốn xuất hiện trên iPhone nhưng bị loại bỏ trên iPad, gồm có: (mình sẽ ghi theo tiếng Việt, do Apple hiển thị)
Ghi âm
Thời tiết
La bàn
Đồng hồ
Máy tính
Các ứng dụng này sẽ giúp bạn không cần cài thêm từ bên ngoài để có được các chức năng như trên. Ứng dụng Ghi âm tuy bị lỗi về hiển thị (không đầy màn hình) nhưng về phần ghi âm và đồng bộ hóa với iTunes vẫn hoạt động rất tốt. Ứng dụng thời tiết và máy tính không bị lỗi gì. Ứng dụng La Bàn bị lỗi hiển thị giống Ghi âm nhưng một lần nữa, tính năng thì không chê vào đâu được. Cuối cùng là Đồng hồ, cũng là ứng dụng bổ ích nhất vì bây giờ bạn có thể đặt giờ báo thức, đếm lùi,... và hơn nữa là hẹn giờ để ứng dụng Music tự động tắt nhạc đang chơi, hữu dụng khi chuẩn bị... đi ngủ. Điều này trước đây chưa có ứng dụng nào cho iPad thật sự làm tốt. Một người bạn của mình đã thử Belfry trên iPad 1 firmware 4.3.5 nhưng nó không chạy, còn iPad 2 thì chỉ có iOS 5.0 mới chạy được.
9. iFile
iFile là một trình quản lí tập tin dành cho thiết bị iOS đã Jailbreak. Khi kết hợp với bộ Camera Connection Kit của Apple thì iPad của bạn có thể sao chép tập tin sang ổ đĩa USB gắn rời hay thẻ nhớ nữa kìa. Bạn có thể quản lí tập tin y như trên máy tính với các thao tác sao chép, cắt dán, gửi mail, can thiệp vào file, chỉnh sửa file text,... Bạn nên cài sẵn iFile vì nhiều thủ thuật cho iPad rất cần đến ứng dụng này. Để có thể hiện tên của ứng dụng thay cho dãy kí tự dài ngoằn lúc xem folder Applications, bạn vào iFiles, nhấn vào biểu tượng hình bánh răng ở cạnh dưới màn hình, chọn "Application Names". Nếu muốn xuất hiện tiêu đề bài hát thì chọn "Song Titles", rất tiện khi cần email nhạc ngay trên iPad. Bạn còn có thể liên kết với tài khoản Dropbox, chép file qua trình duyệt nữa.
10. VLC Media Player
VLC là một ứng dụng chơi tập tin đa phương tiện khá nổi tiếng trên máy tính, và ứng dụng này cũng đã từng xuất hiện miễn phí trên App Store. Thế nhưng vì một lí do nào đó mà Apple đã gỡ bỏ nó và cấm bán. Không đầu hàng, lập trình viên của ứng dụng này tiếp tục phân phối nó trên Cydia, và tất nhiên, cũng là miễn phí. VLC có thể chơi hầu hết định dạng phim ảnh hiện nay chứ không bị giới hạn như ứng dụng Video mặc định của iPad, cũng không phải bỏ ra số tiền lớn để có thể xem chúng, và không tốn công chuyển đổi. VLC có thể chơi được phim HD 720p trên iPad 1 và HD 1080p trên iPad 2 nhưng đôi khi hơi giật.
11. KillBackGround
Bạn có mệt mỏi khi phải đóng hàng loạt ứng dụng ở Multitask Bar sau một thời gian dài dùng máy? Mình thì rất mệt, vì có khi phải xóa cả chục ứng dụng. Add-on KillBackGround sẽ thêm vào một biểu tượng đầu lâu nhỏ trên Multitask Bar, nhấn một phát là toàn bộ ứng dụng trong đó sẽ được đóng lại, giải phóng toàn bộ tài nguyên cho hệ thống, hết sức tiện lợi.
12. Widget cho Notification Center
Trung tâm thông báo (Notification Center) là một trong những tính năng hấp dẫn nhất của hệ điều hành iOS 5. Trước đây, mọi thông báo của các ứng dụng đều hiển thị bằng một hộp thoại trên màn hình nên gây khó chịu trong quá trình làm việc với máy cũng như thao tác chuyển giữa các ứng dụng khá khó khăn. Trung tâm thông báo đã giải quyết được vấn đề này bằng cách tập trung tất cả mọi cảnh báo vào một menu trượt xuống. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cộng đồng mạng đã tìm được cách thêm vào trung tâm thông báo những widget nhỏ giúp công việc hằng ngày của chúng ta trên trở nên dễ dàng hơn. Mời các bạn xem một số widget hay, đẹp và hữu ích cho Notification của iOS 5.
13. Mang Siri lên iPad
Siri là một cô trợ lý có thể thực hiện nhiều thao tác bằng giọng nói, nhưng mặc định chỉ mới xuất hiện trên iPhone 4S mà thôi. Do đó, nếu muốn chạy được Siri trên iPad dùng iOS 5, bạn phải nhờ đến Cydia. Chúng ta sẽ dùng ứng dụng Spire kết hợp với Proxy Server để Siri hoạt động được. Còn gì tuyệt vời hơn việc ngồi một chỗ, nhấn nút, kêu Siri đặt lịch hẹn trên iPad, hoặc tạo nhanh ghi chú cho bạn? Mời tham khảo hướng dẫn về việc vài đặt ở bài viết Hướng dẫn dùng Siri trên iPad.
14. MusicBanners, xem thông tin về việc chuyển nhạc thông qua hệ thống cảnh báo
Giả sử như iPad của chúng ta bị khóa và bạn đang nghe nhạc bằng ứng dụng Music trên máy. Bài hát mới được phát lên, đột nhiên bạn lại muốn xem thông tin về ca sĩ, tên bài hát, tên album,... thì sao? Thay vì phải mở khóa máy, chạy ứng dụng Music lên, bạn có thể dùng add-on MusicBanners miễn phí từ Cydia. Nó sẽ hiển thị thông tin về bài nhạc mới thông qua hệ thống cảnh báo của iOS, tức là có thể hiển thị lên màn hình khóa, Notification Center hay thậm chí là hiện lên ở giữa màn hình.
15. Chuyển màu thanh gạt để mở khóa bằng ColoredKnob
Nếu cảm thấy nhàm chán với màu xám của thanh trượt để mở khóa máy (Slide to Unlock), bạn hãy thử qua ColoredKnob. ColoredKnob giúp bạn chuyển màu xám đó thành xanh, hồng, tím, đỏ, vàng,... và tất cả đều giữ được vẻ sang trọng cho iPad. Bạn có thể chỉnh màu thông qua Settings > ColoredKnob > Colors.
16. NoLockScreen, không còn màn hình khóa nữa
Add-on NoLockScreen sẽ vô hiệu hóa màn hình khóa, tức là bạn chỉ cần lấy máy ra là có thể sử dụng được. Không cần phải gạt để mở khóa hay gì gì nữa. Tuy nhiên, hãy cẩn thận là mọi người đều có thể xâm nhập vào máy của bạn đấy, không bảo đảm an toàn thông tin đâu.