Trong số 5 ống dải từ 70/75 tới 300mm, dù đều hai độ mở nhưng Canon EF 70-300mm f/4-5.6L IS USM là ống L duy nhất với mức giá bán khoảng 1.600 USD.
Canon EF 70-300mm f/4-5.6L IS USM. Ảnh: Media.
Cùng với các ống L dải 70-200mm, dải từ 70-300mm được Canon đánh giá là tiêu cự thông dụng nhất với người dùng thông thường. Chẳng thế mà Canon đã sản xuất tới 5 ống trong dải này: 3 ống 75-300mm bình dân (gồm các phiên bản thường, USM và IS USM, chưa kể các phiên bản II và III của ống thường và ống USM) và 2 ống 70-300mm trung cấp (phiên bản IS USM và DO IS USM). Để thỏa mãn người dùng thông thường cũng có thể được hưởng đẳng cấp L, hãng cuối cùng cũng đã ra mắt phiên bản EF 70-300mm f/4-5.6L IS USM với vai trò là ống đầu bảng trong dải tiêu cự này.
Thông thường các ống L đều có một độ mở trên toàn dải. Tuy nhiên, các ống trong dải này, kể cả phiên bản L mới nhất cũng đều 2 độ mở (f/4 - 5.6).
70 - 300mm f/4-5.6 L mới được trang bị 2 thấu kính Ultra Low Dispersion (UD) nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh và giảm quang sai màu. Ống này dùng cơ chế lấy nét thấu kính động nhằm đảm bảo độ nét tối đa khi chụp cận cảnh, cộng thêm với cơ chế chống rung IS mà theo hãng có thể bù tới 4 stops. Cơ chế này hoạt động ngay cả khi được lắp trên chân máy.
Bức ảnh bên trái được chụp với tốc độ 1/6 giây, khá rung. Để có được bức nét như bên phải, tốc độ được đẩy lên 1/20 giây, độ mở f/5.6 và ISO 400. Các ống kính nhẹ hơn cũng có thể đạt kết quả sắc nét tương tự ở tốc độ chậm hơn. Ống kính EF 70-300mm f/4-5.6 L ở tiêu cự tối đa thì tốc độ 1/20 giây cũng đã rất xuất sắc. Ảnh: Joe Farace / Shutterbug.
Mặc dù có trọng lượng tương đối nhưng ống EF 70-300mm f/4-5.6 L khi được lắp trên các thân máy full-frame hay kể cả các thân máy nhân hình cũng khá gọn nhẹ, không tạo cảm giác cồng kềnh của một ống L.
Bức ảnh chụp với chế độ AV, tốc độ 1/640 giây, độ mở f/10, ISO 320, tiêu cự 146mm, được xử lý HDR bằng phần mềm HDR Efex Pro của hãng Nik Software. Ảnh: Joe Farace / Shutterbug. |
Ảnh chụp cầm tay ở tiêu cự 135mm, tốc độ 1/500 giây, độ mở f/9 và ISO 320. Ảnh: Joe Farace / Shuttterbug. |
Để thử nghiệm, ống được dùng để chụp những cảnh đời thực mà một nhiếp ảnh gia thông thường hay chụp với người mẫu nghiệp dư trong studio và ngoài trời, thay vì chụp và đo bằng máy với những biểu đồ so sánh chuyên nghiệp.
Trong studio, tiêu cự 70mm phù hợp chụp chân dung toàn thân (ảnh trái) với phối cảnh tốt hơn so với chụp bằng góc rộng. Nếu muốn chụp cận cảnh, tiêu cự 300mm cũng đủ cho người chụp có thể khuôn sát mặt mẫu mà không phải di chuyển (ảnh phải). Các ảnh này được chụp bằng thân EOS-1D Mark II N, tốc độ 1/100, độ mở f/14 và ISO 100. Ảnh: Joe Farace / Shutterbug. |
<>Tương tự như các ống L khác, EF 70-300mm f/4-5.6 L có một số công tắc điều khiển tích hợp: chế độ AF/MF, bật/tắt chế độ chống rung (Stabilizer), chọn chế độ chống rung kiểu 1 (Mode 1) - chống rung cả dọc và ngang, thích hợp chụp ảnh tĩnh, hoặc kiểu 2 (Mode 2) - chỉ chống rung ngang, thích hợp chụp chuyển động nhanh bằng lia máy. Ngoài ra, còn có nút khóa cứng vào tiêu cự 70mm để tránh bị thòi zoom bất thình lình.
Ống này cũng được trang bị hai vòng cao su lấy nét và zoom. Không giống như những vòng lấy nét nhỏ và thường khó điều chỉnh trên những ống kính hãng thứ 3, vòng lấy nét của phiên bản này chỉnh khá chuẩn, dù chưa được độ mượt như các ống manual thực thụ nhưng cũng khá hơn nhiều các ống zoom khác.
Mặc dù khá nặng nhưng cơ chế IS làm việc khá hiệu quả, giúp người chụp có thể có được những bức ảnh sắc nét, kể cả khi dùng với ống nối extender 2x của hãng. Tuy nhiên, khi lắp ống nối, máy không lấy nét tự động được ở tiêu cự 300m, vì thế tốt nhất khi lắp ống nối, người chụp nên chuyển sang chế độ lấy nét tay.
Ảnh được chụp với thân Canon EOS 5D, chế độ Program, tốc độ 1/800 giây, độ mở f/10 và ISO 320. Ảnh: Joe Farace / Shutterbug. |
Ảnh chụp với ống nối Extender EF 2x III, chế độ Program, tốc độ 1⁄250 giây, độ mở f/5.6 và ISO 320. Ảnh: Joe Farace / Shutterbug. |
So với phiên bản EF 70-300mm f/4-5.6 IS USM, có thể nói ống EF 70-300mm f/4-5.6L IS USM có một bước tiến vượt bậc với thấu kính tốt, hình dáng chắc chắn, chất lượng ảnh xuất sắc và khi lựa chọn, người chụp sẽ không hề cảm thấy hối tiếc.