Đánh giá laptop

Thrive 7, nỗi thất vọng mang tên Toshiba

Thật khó để nói là Thrive 7 sẽ hướng đến đối tượng người dùng như thế nào. Nó đắt hơn gần 200$ so với các sản phẩm đang nổi đình nổi đám như Kindle Fire hay Nook Tablet, trong khi hiệu năng, chất lượng và kiểu dáng hầu như không hề nổi bật hơn, nếu như muốn nói có phần còn tồi hơn. Điểm mạnh duy nhất mà Thrive có thể “hi vọng” là khi được tung ra trong thời gian này, thiết bị này “rất có khả năng” sẽ được ưu ái trong việc nâng cấp lên ICS so với các thiết bị cũ hơn. Nhưng kể cả cho dù nếu điều này có xảy ra, thì có lẽ việc bỏ ra thêm khoảng 20$ để sở hữu chiếc Tab 7.0 plus, một thiết bị thực sự nổi bật và mạnh mẽ, sẽ là việc mà nhiều người tiêu dùng làm hơn. Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy “một kết cục chết chóc” đang chờ đợi Thrive 7 ở phía trước.


  •  [Cảm nhận] Toshiba Thrive 7 - Sắc nét, nhẹ nhàng
  • Máy tính bản Thrive 7" chính thức ra mắt
  • Toshiba Thrive 7 inch bất ngờ lên kệ trực tuyến

 

Năm 2011 đã sắp qua, và thật thú vị khi nhìn lại một năm đã qua, khi chúng ta được chứng kiến sự ra đời của hàng loạt những máy tính bảng, càng ngày càng mạnh mẽ, trau chuốt. Trong số chúng có không ít những chiếc máy chỉ đơn giản là bản thu nhỏ của những chiếc máy “original”, từ galaxy Tab 8.9, 7.0, Xoom Media Edition và giờ đây, là Thrive 7, bản thu nhỏ của chiếc Thrive đến từ Toshiba, đã được đưa ra thị trường vài tháng trước.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Toshiba, việc bán ra một phiên bản “co rút” của chiếc Thrive có vẻ là một quyết định mạo hiểm hơn so với việc phát triển một sản phẩm mới hoàn toàn, bởi bản Thrive 10-inch vốn tồn tại khá nhiều vấn đề, như thời lượng pin không tốt như kỳ vọng, thiết kế rẻ tiền và lỗi khi sạc khiến nó trở thành một sản phẩm thất bại. Với Thrive 7, ta gần như có một thiết kế tương tự, sử dụng cùng cấu hình CPU (Tegra 2), bộ nhớ (16GB), cũng dùng Android Honeycomb, đèn Flash LED cho camera, và độ phân giải 1280x800 cũng vẫn giữ nguyên cho dù kích cỡ màn hình giảm bớt, tuy nhiên ở một mức giá thấp hơn (380$ so với 430$ của bản 10 inch). Những sự “cải tiến” này liệu có giúp Thrive 7 thành công? Đó là điều mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Thrive 7 là bản thu gọn của Thrive 

Phần cứng

Có lý do để Toshiba tiếp tục lấy tên cho sản phẩm này là Thrive: nó thực sự là một bản thu gọn của bản Thrive gốc mà Toshiba đã bán ra vài tháng trước đây. Không cần biết là có hợp lý hay không, nhưng gần như mọi đặc điểm thiết kế, từ nắp lưng bằng nhựa, phần kim loại bao quanh 2 camera của máy và nói chung, một cảm giác ọp ẹp khi cầm máy cũng đều được “bê nguyên xi” từ bản Thrive gốc. Điểm khác biệt duy nhất (mà theo chúng tôi là “cải lùi”) là phần nắp lưng và phần pin không còn có thể tháo ra như bản gốc, và camera chính của nó được trang bị thêm một đèn flash LED.
Lại nói thêm về chất liệu của Thrive 7. Chất liệu tạo nên máy cũng được lấy từ bản gốc, nghĩa là làm bằng nhựa, nhưng không được nhựa cao cấp như ở trên Tab 7.0 plus của Samsung hay thậm chí là Huawei MediaPad. Chất liệu này là tâm điểm của sự phàn nàn khi Thrive ra mắt, nó không chắc chắn, và tạo nên cảm giác rẻ tiền cho một thiết bị không thực sự rẻ - LOL. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khi Thrive 7 ra mắt, điểm yếu này có lẽ còn được mang ra để nói nhiều hơn, vì một thiết bị sử dụng chất liệu tương tự mà tôi tin ai cũng biết, chiếc Kindle Fire của Amazon, đã gặt hái được thành công quá lớn, tạo ra một cảm giác tốt hơn nhiều Thrive, trong khi giá của thiết bị này chỉ là tầm 200$.

Thành thực mà nói, nhìn Thrive 7 trông rất "rẻ tiền"

Ít nhất thì Toshiba cũng đạt được một điều khi “co rút” Thrive, đó là làm cho thiết bị “mi nhon” đi đáng kể. Với cân nặng 377g và độ dày chỉ 11.9mm, thiết bị này mỏng ngang với Kindle Fire trong khi nhẹ hơn một chút, và mỏng hơn tương đối so với Nook Tablet (thiết bị có cân nặng tương đương). Có lẽ hơi khiên cưỡng khi bắt Thrive so sánh với “siêu mẫu” Tab 7.0 Plus, nhưng so với các đối thủ trực tiếp mà nó nhắm tới, thì có thể coi đây là một điểm cộng nho nhỏ cho Thrive 7.

Kể ra thì nhìn Thrive 7 cũng khá "mi nhon"

Mặt khác, đối với chúng tôi (đây là nhận xét chủ quan) thì kích thước tối ưu của một chiếc máy tính bảng có lẽ nên đặt ở xung quanh con số 7 inch. Với kích thước này, cho dù bạn cầm máy theo chiều dọc hay chiều ngang, việc thao tác của bạn trên màn hình cảm ứng đều có thể diễn ra một cách rất trôi chảy, từ việc nhập liệu cho đến các thao tác điều khiển khác, dù bạn có sở hữu một nhỏ hơn kích thước trung bình đi chăng nữa.

Tuy nhiên, việc “co rút” cũng khiến Thrive phải mất đi những cổng giao tiếp với kích thước đầy đủ. Bây giờ những gì còn lại là ít hơn nhiều so với trên phiên bản 10 inch. Bạn sẽ có một cổng dock đặt ở cạnh dưới (khi cầm máy theo chiều dọc), giúp bạn có thể sạc máy thông qua cổng USB hay qua bộ sạc AC riêng. Cũng đặt ở cạnh dưới này là 2 dải loa (ở 2 bên dock) của máy. Ở cạnh trên là 2 camera, 2MP và 5MP, với đèn flash (như đã đề cập ở trên), và một jack cắm tai nghe tiêu chuẩn (3.5mm). Ở cạnh trái là nút nguồn/khóa, tăng giảm âm lượng, một công tắc để bật/tắt chế độ tự xoay màn hình, ngoài ra còn có các cổng kết nối được đặt sau một nắp cover : cổng micro-HDMI, mini-USB và khe cắm thẻ microSD.

Cạnh trên: giắc cắm tai nghe 3.5

Cạnh trái với nút khóa/mở xoay màn hình, volume và nút khóa/nguồn...

Cùng với các cổng giao tiếp khác: miniHDMI, MicroUSB và khe cắm thẻ nhớ SD

 Cạnh dưới là dock kết nối ra sạc

Màn hình và âm thanh

Nhờ vào độ phân giải 1280x800, Thrive 7 trở thành một trong những thiết bị có mật độ điểm ảnh cao nhất mà chúng tôi từng thấy ở trên kích thước này. Ngoài ra, máy cũng sở hữu công nghệ Resolution+, vốn đã xuất hiện trên bản 10inch cũng như trên máy tính xách tay Z835 của Toshiba. Sự khác biệt này có lẽ không lớn khi bạn xem các clip trên youtube, hay xem các đoạn phim gia đình tự quay, nhưng sẽ là tuyệt vời nếu bạn thử nghiệm với các clip chất lượng HD: màu sắc được tái tạo rất tốt, trung thực, các sắc độ chuyển tương đối mượt mà. Có thể không quá khi nói rằng, đây là một trong những màn hình đẹp nhất trong số các thiết bị 7 inch có mặt trên thị trường, mặc dù với tấm nền IPS của Kindle Fire, bạn sẽ có một màn hình sáng hơn và góc nhìn tốt hơn.
Thực tế là, góc nhìn của Thrive là tương đối hẹp, kể cả khi bạn sử dụng trong nhà hay ngoài trời nắng gắt. Chúng tôi không hài lòng lắm đối với độ tương phản của máy khi cầm dọc máy, và tiến hành chuyển sang chế độ cầm ngang. Có được cải thiện hơn đôi chút, nhưng đến đây lại xuất hiện một vấn đề: khi bạn cầm máy theo chiều này, các ngón tay của bạn sẽ che mất một phần loa. Hơi mỉa mai khi trên một trong những thiết bị hiếm hoi mà chúng tôi đánh giá là chất lượng loa là tương đối tốt, thì lại có vấn đề với việc các ngón tay có thể che bớt một phần loa - LOL.

Màn hình của Thrive 7 có chỉ số ppi cao gần như nhất trong các sản phẩm 7inch

Hai loa cho chất lượng âm thanh tương đối tốt

Góc nhìn màn hình tương đối thấp

Hiệu năng 

 

Toshiba Thrive 7"

T-Mobile Springboard

Acer Iconia Tab A100

Samsung Galaxy Tab 7.0 Plus

Quadrant

N/A

1,871

N/A

2,700

Linpack Single-thread (MFLOPS)

31.37

46.22

28.38

28.98

Linpack Multi-thread (MFLOPS)

57.08

58.81

55.36

69.47

NenaMark 1 (fps)

43.07

43.2

57

59.3

NenaMark 2 (fps)

19.2

27.9

24.5

41.8

Vellamo

1,045

1,161

1,057

1,198

SunSpider 9.1 (ms, lower numbers are better)

2,303

2,471

N/A

1,679

Với chip Tegra 2, hệ điều hành Honeycomb hầu như nguyên bản và 1GB RAM, Thrive không gây nhiều sự bất ngờ trong kết quả thử nghiệm hiệu năng cho chúng tôi. Đáp ứng của màn hình là tương đối nhanh với các thao tác gõ hay lướt của chúng tôi, và các ứng dụng cũng được mở ra nhanh chóng khi có yêu cầu. Khi chúng tôi thử nghiệm với game Need for Speed Shift, đồ họa mượt mà kể cả khi chúng tôi cố tình va quệt nhiều để xuất hiện nhiều hiệu ứng va chạm.
Cho dù vậy, bạn vẫn nên chuẩn bị trước tâm lý đón nhận những lần máy bị “lag”, kể cả trong các tác vụ cơ bản nhất. Trong khi thử nghiệm, chúng tôi nhận ra nhiều khi, sau khi bật, máy phải mất một thời gian mới bắt đầu thực sự có thể chạy các ứng dụng. Nhiều khi khác, máy bị treo khi chúng tôi tiến hành việc search trên android market. Lag cũng xảy ra khi bạn tiến hành thu nhỏ một ứng dụng đang chạy. Các chương trình benchmark cũng cho những kết quả hợp lý, khi, với giá đắt hơn 20$, Tab 7.0 plus đánh bại Thrive trong hầu hết cấc thử nghiệm. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thiết bị này có hiệu năng không đến nỗi tồi và rõ ràng bạn không nên so sánh việc sử dụng chip Tegra 2 trên Android Honeycomb so với Tegra 3 trên nền ICS, điều đó hơi “troll” đấy - LOL.

Thời lượng pin

Nếu bạn còn chưa biết, thì thời lượng pin ngắn chính là một trong những điểm yếu góp phần tạo nên thất bại cho bản Thrive đầu tiên. Với Thrive 7, có vẻ Toshiba vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách nào để khắc phục điểm yếu này. Cho dù được giới thiệu là có thể chạy 9 giờ liên tục, nhưng Thrive 7 chỉ “sống sót” được 4h42ph trong thử nghiệm của chúng tôi (chạy liên tục video, wifi bật nhưng không kết nối), kết quả tồi nhất mà chúng tôi từng nhận được trong thử nghiệm này. Chúng tôi nhận thấy mức pin của máy sụt nhanh chưa từng thấy: chỉ sau vài phút chơi game, máy giảm đến 8% pin, và sau 15 phút xem youtube ở chế độ toàn màn hình, máy giảm mất thêm 8% nữa. Nếu bạn định sử dụng thiết bị này ngoài phòng khách nhà bạn, có lẽ bạn nên có một “chiến lược” sử dụng khôn ngoan, nếu không muốn chiếc máy cục cưng đờ ra đúng vào lúc quan trọng nhất - LOL.
Và bạn nên nhớ thêm điều này, kết quả này là quá tồi kể cả khi so với các máy tính bảng 7inch, các thiết bị có pin nhỏ hơn đáng kể so với thiết bị 10inch có cấu hình tương tự. Tab 7.0 plus có thể cầm cự đến 8h, Kindle Fire và Nook Tablet cũng gần đạt được mức đó. Và thậm chí, ngay cả một thiết bị có thể coi là “quá đát” như Playbook của Blackberry hay thậm chí là Galaxy Tab bản đầu tiên cũng có thể vượt qua con số nghèo nàn của Thrive 7.

Camera

Thật khó để đánh giá cao đèn LED flash mới của Thrive 7, đơn giản vì việc chụp ảnh trên thiết bị này thực sự là một trải nghiệm không lấy gì làm vui vẻ. Bất kể điều kiện sáng có như thế nào, camera cũng lấy tiêu cự rất chậm, và bạn cứ chuẩn bị tinh thần chụp xong và đợi một lúc, trước khi máy xử lý ảnh xong, và hi vọng là không có bất cứ gì chuyển động trong lúc máy đang xử lý, nếu không e rằng trong bức ảnh của bạn sẽ xuất hiện vài “bóng ma” không mời mà đến - LOL. Nếu bạn chịu đựng được những sự khó chịu trên, thì ít ra kết quả thu được cũng không tồi : ảnh có chất lượng khá tốt, màu sắc tương đối cân bằng. Dưới đây là một vài hình ảnh chụp bằng camera của Thrive 7. Dưới đây là một vài hình ảnh chụp từ camera của Thrive

Phần mềm

Giống như bản Thrive gốc, Thrive 7 được Toshiba cài đặt một bản Honeycomb 3.2.1 “sạch sẽ”. Thứ duy nhất bạn thấy mang “bản sắc” Toshiba trên màn hình chính là một widget khá hữu ích : liệt kê hình thumbnail của các ứng dụng hay các website vừa truy nhập, ngoài ra còn có 1 shortcut chuyển hướng đến trang download Toshiba’s App Place. Cũng như các widget khác trên nền Honeycomb 3.1 trở lên, widget này có thể thay đổi kích thước (nên phóng to để có thể thấy được nhiều ứng dụng hơn) và tất nhiên, có thể xóa khỏi màn hình được.
Bạn sẽ không phải thất vọng khi thấy các ứng dụng được cài đặt sẵn trên chiếc máy này. Số ứng dụng được rút gọn tới mức tối đa, chỉ dừng lại ở các ứng dụng thiết yếu nhất. Đó là một trình quản lý file của Toshiba, thứ mà chúng ta đã được trải nghiệm trên bản Thrive gốc. Ngoài ra còn có ứng dụng Swype, Toshiba Media Player, Netflix, Quickoffice, Kapersky Tablet Security, NFS Shift và ứng dụng PrinterShare để in email, ảnh, web thông qua wifi tới một máy in mạng.
Một phiên bản HĐH “thơm tho sạch sẽ” với rất ít những thứ phần mềm rác như trong một số máy tính bảng khác, là một điểm cộng cho Toshiba. Nhưng điều này thậm chí sẽ còn tốt hơn nữa nếu như Toshiba thực hiện lời hứa update lên ICS cho Thrive 7. Nhưng thật không may, Toshiba không hề hé lộ bất kỳ một thông tin nào liên quan đến việc nâng cấp này, và điều này có lẽ sẽ gây đôi chút thất vọng cho những người dùng yêu thích android.

Tùy chọn cấu hình và các đối thủ cạnh tranh

Thrive 7” có giá khởi điểm là 380$ cho bản 16GB, 430$ cho bản 32GB và 40$ cho dock sạc bán riêng (không đi kèm sản phẩm). Mức giá này là thấp hơn một chút so với các đối thủ trực tiếp, tuy nhiên có lẽ là “xa xỉ” khi một sản phẩm như Kindle Fire cũng chỉ có giá 200$ (hãy suy nghĩ về điều này). Khi đối đầu với Fire hay Nook Tablet, những sản phẩm giá rẻ hơn nhiều, có lẽ hiệu năng không mấy ấn tượng sẽ khiến Thrive 7 dễ dàng bị đánh bại. Đó là chưa kể việc 2 sản phẩm trên cũng có các thông số về độ dày cũng như cân nặng không hề thua kém Thrive 7, với một chất lượng thành phẩm khi người tiêu dùng sử dụng cao hơn nhiều. Còn nếu bạn định lôi chuyện thời lượng pin vào đây để so sánh thì e rằng chúng ta nên dành một ánh mắt ái ngại cho sản phẩm mới này của Toshiba - LOL.
Quay trở lại với tầm giá quanh mốc 400$, tiêu chuẩn đánh giá sẽ phải cao lên. Tab 7.0 plus là một thiết bị mỏng hơn, nhẹ hơn, nhanh hơn và thời lượng pin sẽ hơn đến 40%, màn hình cũng xuất sắc hơn (mặc dù số điểm ảnh/inch có thể thấp hơn Thrive). Các sản phẩm khác ở tầm gái này nhìn chung cũng tỏ ra nhanh hơn, đẹp hơn, pin lâu hơn và chất lượng hiển thị tốt hơn trên Thrive 7.

Tổng kết

Thật khó để nói là Thrive 7 sẽ hướng đến đối tượng người dùng như thế nào. Nó đắt hơn gần 200$ so với các sản phẩm đang nổi đình nổi đám như Kindle Fire hay Nook Tablet, trong khi hiệu năng, chất lượng và kiểu dáng hầu như không hề nổi bật hơn, nếu như muốn nói có phần còn tồi hơn. Điểm mạnh duy nhất mà Thrive có thể “hi vọng” là khi được tung ra trong thời gian này, thiết bị này “rất có khả năng” sẽ được ưu ái trong việc nâng cấp lên ICS so với các thiết bị cũ hơn. Nhưng kể cả cho dù nếu điều này có xảy ra, thì có lẽ việc bỏ ra thêm khoảng 20$ để sở hữu chiếc Tab 7.0 plus, một thiết bị thực sự nổi bật và mạnh mẽ, sẽ là việc mà nhiều người tiêu dùng làm hơn. Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy “một kết cục chết chóc” đang chờ đợi Thrive 7 ở phía trước.