Trước việc Kaspersky khẳng định Zing Mp3 chứa mã độc, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG (đơn vị chủ quản Zing Mp3) cho rằng, thông tin này chưa chính xác, bởi vì mới chỉ mang tính chất "nghi ngờ" và cần điều tra kĩ hơn chứ không phải kết luận cuối cùng như cách Kaspersky đưa ra.
Cụ thể, theo ông Khải, thông tin phần mềm Kaspersky đưa ra chỉ có tính "cảnh báo" và theo những thông tin trên mạng thì không ít lần Kaspersky "cảnh báo" sai như Yahoo hay phần mềm Bkav là virus. Do đó, kết luận trước đó của Kaspersky ở Việt Nam "xếp Zing Mp3 trong top 20 website chứa nội dung độc hại " khi chưa nghiên cứu kĩ mà đã công bố thông tin ra bên ngoài là hơi vội vàng và không hiểu bản chất vấn đề giữa "thông tin cảnh báo có thể chứa mã độc" và "kết luận chứa mã độc".
"Bản thân Kaspersky Global cũng khẳng định những trường hợp cảnh báo chứa mã độc đều phải được nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi công bố kết luận", ông Khải cho biết thêm.
Hiện, VNG đang làm việc với Kaspersky để Kaspersky có giải thích về chuyện này và có sự cải chính nếu thông tin đưa ra không chính xác.
Báo cáo tình hình virus tại Việt Nam tháng 2/2012 của hãng Kaspersky chỉ rõ, 2 website thuộc Top 100 website của Alexa bao gồm Zing Mp3 và bongdaso.com đều năm trong Top 20 website lưu trữ nội dung độc hại.
Thống kê này của Kaspersky dựa trên những phát hiện loại malware (mã độc) được ghi lại bởi module trang web diệt virus trên máy tính của những người dùng Kaspersky.
Thống kê Bkav cho thấy, trong năm 2011 có đến 64,2 triệu máy tính tại Việt Nam bị nhiễm vius (trung bình một ngày có hơn 175 nghìn máy tính bị nhiễm virus), 2.245 website của cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công (trung bình mỗi tháng có đến 187 website bị tấn công).
Theo ICTnews