Nhịp sống số

Thị trường mua theo nhóm chờ đợi đột phá mới

 Sau khi Công ty VNG chính thức tuyên bố đóng cửa dịch vụ mua theo nhóm Zing Deal vào ngày 8-2-2012, nhiều lo ngại về sự sụp đổ hàng loạt của các website khác đang hoạt động theo loại hình mua theo nhóm. Cánh cửa thị trường tuy hẹp nhưng vẫn mở và chờ đợi những cú đột phá mới.

 

Mua theo nhóm vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh minh họa: Internet

"Zing Deal không thất bại"

Theo một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhận định, việc Zing Deal tuyên bố đóng cửa là một động tác cho thấy Zing (thuộc Công ty cổ phần VNG) có chiến lược đúng đắn. Dù nhìn chung Zing Deal không thất bại, nhưng đối với riêng Zing, họ có những mục tiêu và kỳ vọng cao hơn mà Zing Deal không thuộc nhóm này - nên Zing quyết định không tiếp tục với Zing Deal nữa.

"Đối với các công ty mua theo nhóm khác ở nhóm dưới, việc mảng kinh doanh theo nhóm này có tầm quan trọng như thế nào đến sự sinh tồn của những công ty đó sẽ quyết định họ sẽ làm gì. Nếu vẫn có lãi và lãi này quan trọng cho họ thì họ vẫn tiếp tục. Nhưng khả năng một công ty ở nhóm dưới có thể bứt phá để lọt vào nhóm bốn công ty mạnh nhất là rất thấp - vì thị phần quá chênh lệch giữa nhóm bốn công ty này với nhóm còn lại".

Dịch vụ Zing Deal chính thức ra mắt từ tháng 11-2010, giai đoạn thị trường mua theo nhóm đang rất sôi động với hàng loạt các website, dịch vụ có mô hình hoạt động giống với Groupon (càng nhiều người mua giá sản phẩm/dịch vụ càng rẻ) cùng ra mắt. Trong số đó có các "ông lớn" như Nhommua (thành lập từ liên doanh giữa Công ty Địa Điểm và quỹ đầu tư Đức Rebate Networks), HotDeal (một dịch vụ của Vinabook.com, thuộc Công ty MeKongCom), Muachung (VC Corp), CucRe (thuộc VatGia), CungMua (Công ty CP Cùng Mua).

Sau hơn một năm thăng trầm với thị trường mua theo nhóm, Zing Deal chỉ tạo được một số cú đột phá nhỏ với những chương trình như "phiếu mua 32 lít xăng giá 100.000 đồng", tuy vậy cơn sóng dần tan nhanh.

Thị trường nhóm mua: tồn tại và chuyển dịch

Tại Việt Nam, mô hình mua theo nhóm chỉ mới ra đời vào năm 2010 trên cơ bản sao chép nguyên bản mô hình Groupon nhưng đã phát triển rầm rộ trong giai đoạn từ cuối năm 2010 - 2011. Số lượng các website hoạt động kinh doanh theo mô hình này tại Việt Nam đạt đến con số gần 100. Tuy nhiên, số website hoạt động hiệu quả và có chỗ đứng trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, cụ thể vẫn là nhóm website hàng đầu như Hotdeal, MuaChung, NhomMua, CungMua.

Mua theo nhóm đã từng là phong trào mua sắm trực tuyến của giới trẻ và giới nhân viên văn phòng - Ảnh minh họa: Internet

Do số lượng website mua theo nhóm tăng quá nhanh trong giai đoạn đầu vì mô hình quá dễ để sao chép nhưng nhiều website lại được đầu tư theo kiểu "ăn xổi ở thì", chất lượng dịch vụ kém đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người tiêu dùng trước mô hình kinh doanh mới này. Hơn nữa, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ tạo ra nhiều khó khăn cho các công ty nhỏ vốn thiếu hụt nguồn vốn đầu tư để duy trì hoạt động kinh doanh, thêm vào đó bảo đảm chất lượng dịch vụ là một thách thức lớn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Phần lớn các website đã "lẳng lặng ra đi" sau một thời gian dài thua lỗ.

Tuy Zing Deal chỉ chiếm khoảng 1% thị phần nhưng sự ra đi của Zing Deal cũng là tín hiệu mở đầu cho một cuộc sàng lọc trong năm 2012. Dự đoán sẽ có thêm nhiều công ty ra đi vì không có những đột phá khác biệt. Các công ty còn lại phải vật lộn với những chính sách mới hấp dẫn hơn, nâng cao trình độ lẫn tăng cường đội ngũ phục vụ, chất lượng của sản phẩm - dịch vụ cung cấp để lấy lại niềm tin và kéo khách hàng quay trở lại.

Ngoài ra, nhiều dấu hiệu cho thấy một số công ty có sự chuyển dịch từ mô hình cung cấp sản phẩm sang cung cấp dịch vụ vì hình thức này đạt lợi nhuận cao hơn, trong đó vai trò của các công ty sẽ là môi giới trung gian.

Trả lời Nhịp Sống Số, anh H., một chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư của một quỹ đầu tư mạo hiểm có tiếng, cho biết: "Nhóm 4 công ty hàng đầu không bị ảnh hưởng gì bởi những tình hình này. Nếu có thì đó là cơ hội để họ thu hút đội ngũ kinh doanh và chăm sóc khách hàng của các công ty đóng cửa dễ dàng hơn. Tuy vậy, nhìn chung mua theo nhóm sẽ giảm dần sự hấp dẫn, cũng như vẫn còn khả năng một vài công ty mới sẽ tiếp tục tham gia thị trường, không loại trừ cả những công ty có tiềm lực rất mạnh. Các công ty hiện tại chắc chắn phải sáng tạo những mô hình mới dựa trên cơ sở thông tin khách hàng mà họ đã thu thập được, để tránh bị cạnh tranh cũng như tạo ra nguồn doanh thu mới. Khả năng rất lớn là họ phát triển theo hướng thương mại điện tử".