Chụp ảnh thể thao chuyên nghiệp là một thể loại nhiếp ảnh đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ người chụp cho đến máy móc. Ngoài việc phải có những thiết bị cao cấp bậc nhất, người chụp phải tìm hiểu các kiến thức về nhiếp ảnh thể thao, cũng như về môn thể thao muốn chụp. Kinh nghiệm cũng là một yếu tố rất quan trọng góp phần giúp người chụp có những bức ảnh đẹp nhất. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản trong chụp ảnh thể thao, cùng với đó là những bức ảnh đẹp ở giải vô địch bóng bầu dục Mỹ (NFL) 2011.
Trước tiên chúng ta cùng xem qua những kỹ thuật cơ bản trong nhiếp ảnh thể thao.
1. Thiết bị cần có
Về cơ bản, thể thao có thể chia thành 2 loại chính là trong nhà (indoors) và ngoài trời (outdoors). Khi đi chụp thể thao, bạn nên mang theo ít nhất 2 thân máy, một gắn ống kính tele và một gắn sẵn ống kính góc rộng. Tùy theo từng môn thể thao mà bạn cần mang các loại ống kính dài ngắn khác nhau. Bạn nên có một chiếc monopod để dùng với những ống kính dài, nặng. Hãy mang theo đèn flash để dùng khi cần thiết, nhưng cần lưu ý trong chụp ảnh thể thao việc sử dụng đèn flash là không thường xuyên. Nếu bạn cần sử dụng thì bạn phải hỏi BTC trước để biết liệu có thể dùng đèn hay không, nếu được thì vào lúc nào. Bạn cũng nên mang theo một thiết bị điều khiển chụp ảnh từ xa để phòng khi bạn cần phải chụp ảnh ở những nơi mà con người không được phép vào.
2. Kiến thức về môn thể thao muốn chụp
Trong nhiếp ảnh thể thao, ngoài kỹ năng chụp ảnh thuần thục, người chụp còn cần phải dành thời gian để nghiên cứu về môn thể thao sẽ chụp và kể cả những con người liên quan trực tiếp đến môn đó. Sự hiểu biết về môn thể thao sẽ chụp giúp người cầm máy có thể bắt được các động tác đẹp, những hành động đặc thù của môn thể thao đó và những pha hành động đặc sắc. Ngoài ra, sự hiểu biết về môn thể thao sẽ chụp giúp người chụp chọn đúng tốc độ màn trập để tránh hiện tượng ảnh bị thiếu hoặc dư sáng.
Một số lưu ý:
- Cố gắng chọn vị trí hợp lý để có được khung ảnh tốt nhất. - Dự đoán những pha nào có thể cho ra những tấm ảnh đặc biệt nhất. - Có một số môn thể thao chỉ cho chụp vào những khoảnh khắc nào đó trong khi thi đấu. - Nên làm quen với nơi diễn ra sự kiện để khi cần phải di chuyển bạn sẽ không bị mất nhiều thời gian. - Quan sát thật kỹ điều kiện ánh sáng ở nơi diễn ra sự kiện.
3. Kiến thức về con người muốn chụp
Trong nhiếp ảnh thể thao, người chụp không chỉ chú trọng vào những diễn biến khi thi đấu mà còn phải để ý những biểu hiện cảm xúc của vận động viên sau khi xảy ra một pha nào đó. Vì vậy, ngoài việc hiểu biết về bộ môn thể thao sẽ chụp, cần phải tìm hiểu thêm về những cảm xúc của vận động viên. Ba thành phần cơ bản của yếu tố con người trong chụp ảnh thể thao là: - Vận động viên thi đấu (nhân vật chính) - Huấn luận viên của họ - Người thân của vận động viên, cổ động viên
4. Kỹ thuật làm mờ chuyển động
Trong nhiếp ảnh thể thao có 2 thể loại chính là bắt chết hành động (freeze action) và làm mờ chuyển động (motion blur). Làm mờ là một kỹ thuật dùng để tạo cảm giác cho người xem ảnh là chủ thể đang chuyển động. Để có thể làm mờ chuyển động, bạn cần phải thiết lập tốc độ màn trập chậm hơn tốc độ một phần (hoặc toàn thể) chủ thể chính. Tùy theo môn thể thao mà bạn có thể quyết định tốc độ chụp phù hợp.
Ngoài việc quyết định về tốc độ, yếu tố quan trọng thứ hai mà bạn phải nghĩ đến là ánh sáng. Việc giảm tốc độ chụp sẽ kéo theo việc điều chỉnh khẩu độ cho phù hợp, hãy quan sát điều kiện ánh sáng để đảm bảo ảnh của bạn không bị “cháy”. Chính vì yếu tố này nên kỹ thuật làm mờ chuyển động thường được sử dụng trong điều kiện phông nền tối.
Việc giảm tốc độ cũng dễ khiến máy bị rung, ảnh bị nhòe, vì thế hãy tận dụng chế động chống rung của ống kính, dùng monopod hoặc tripod khi có thể.
5. An toàn khi chụp
Một vấn đề quan trọng khác đó là an toàn khi chụp thể thao. Có một số lĩnh vực thể thao không gây nguy hiểm cho bạn khi bạn chụp (ví dụ như bơi lội) nhưng có những lĩnh vực khác (ví dụ đua xe tốc độ cao) nó rất nguy hiểm. Vận động viên đang tranh tài họ rất tập trung thi đấu và họ xem việc giữ gìn an toàn cho bạn là điều cuối cùng mà họ nghĩ đến. Bản thân bạn cũng vậy, bạn yêu nghề và bạn sẽ tập trung chụp ảnh. Vì vậy, khi chọn lựa một vị trí chụp, phải suy nghĩ đến sự an toàn cho bản thân của mình tránh bị thương tích. Tất cả các nơi tổ chức thi đấu đều có quy định là họ không chịu bồi thường cho bạn nếu như thương tích hoặc thiệt hại gây ra không phải lỗi trực tiếp của họ.
Tiếp theo là những hình ảnh đẹp tại giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) 2011. Hãy cùng xem ra và suy ngẫm thêm về nhiếp ảnh thể thao.