Máy tính để bàn

Tay “độ” case số một VN từng bỏ học giữa chừng

Người đoạt giải nhì thế giới về "độ" case không có được tấm bằng tốt nghiệp vì nợ tiền học phí. Anh bắt đầu đến với thú chơi này từ công việc bán linh kiện máy tính.

Sinh năm 1983 tại Long An, Nguyễn Đình Bản một mình lên TP HCM với sự yêu thích và mong được học về máy tính. Ban đầu, anh theo học lập trình, nhưng trong quá trình học thì mẹ bị bệnh. Không thể tự lo được chi phí cuộc sống tại Sài Gòn, anh Bản nợ tiền học phí và không thể có được tấm bằng tốt nghiệp.

Nguyễn Đình Bản đang độ case tại nơi làm việc của mình. Ảnh: Nguyễn Đình Bản.

Sau đó, Bản cùng vài người bạn cùng nhau mở tiệm kinh doanh linh kiện máy tính. Đây là một ước mơ từ nhỏ của anh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bạn bè rút hết vốn, anh phải một mình tiếp tục công việc. Bản mở một salon máy tính. Khoảng thời gian này, anh bắt đầu tìm hiểu về "độ" case và đến với công việc mà sau này được nhiều người biết.

Lúc đầu, anh chỉ mới tìm hiểu "độ" lại tản nhiệt nước. Nhưng sau một thời gian thì anh chuyển qua "độ" case và các vật dụng khác như xe máy, máy chơi game, laptop. Tất cả những kinh nghiệm đều là do anh tự tìm tòi, học hỏi thông qua các tạp chí hay các diễn đàn công nghệ. Ngoài ra, Bản cũng phải học thêm các kỹ thuật như cưa cắt, đo đạc.

Bản cho biết, một case "độ" thường mất cả tháng trời. Trong đó, ngoài một số công đoạn anh có thuê người phụ thì phần lớn là tự mình làm. Vì vậy, anh không làm quảng cáo cho các sản phẩm của mình vì sợ nhiều đơn đặt hàng không làm kịp.

Nhiều người khi đến đặt hàng thường muốn có case liền, nhưng với sản mặt hàng này thì nhiều khi đang làm, nhưng mình có ý tưởng mới độc đáo hơn thì lại phải phá đi làm lại và việc kiếm nguyên liệu cho phù hợp.

Bộ case "độ" nổi tiếng giành giải nhì năm 2011 trưng bày trong một triển lãm tại Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất của việc "độ" case theo anh Bản không phải là ý tưởng hay nguyên vật liệu mà chính là các phương tiện để làm. Có nhiều chi tiết do không có máy để làm anh phải đi đặt hàng ở các xưởng gia công khác. Nhưng vì mình đặt làm ít và nhỏ nên phải đợi người ta làm xong hàng mới làm cho mình, rất tốn thời gian. Case "độ" của anh được nhiều người ở nước ngoài ưa thích và đặt hàng, nhưng do chi phí vận chuyển quá cao nên việc đưa bán case ra nước ngoài còn nhiều khó khăn.

“Phong trào 'độ' case của Việt Nam không thua kém thế giới về ý tưởng, nhưng mình bị hạn chế về công cụ thực hiện. Người ta có xưởng riêng tại nhà với đầy đủ máy móc trong khi mình còn phải đi đặt ở ngoài”, Bản nói.

Nguyên tắc khi làm case của anh là chỉ làm một mẫu duy nhất để đảm bảo độ "độc" cho khách hàng. Làm được case nào, anh lại bán để thu hồi vốn để cho sản phẩm mới. Tay "độ" này nói, nhiều khi làm xong tính toán tiền công tiền vật liệu mình còn bị lỗ, nhưng vì đam mê nên vẫn tiếp tục. "Kiếm sống bằng 'độ' case còn khó lắm, bởi chi phí thiết kế không cao mà tiền chi cho các linh kiện lắp ráp thường chiếm phần lớn".

Sắp tới, anh Bản đang dự định mở rộng quy mô cửa hàng. Ngoài những mẫu case "độ" riêng thì anh còn làm thêm những mẫu có thể sản xuất hàng loạt. Hiện anh vẫn làm thêm nhiều việc để duy trì niềm đam mê của mình.