Nhịp sống số

Tại sao vẫn nên dùng cố định?

Một thực tế phải thừa nhận là giờ đây người dùng điện thoại di động quá phổ biến, không những các cô cậu học sinh, sinh viên mà người nông dân, người giúp việc,… thậm chí cả trẻ con dăm ba tuổi cũng có loại điện thoại dành riêng cho lứa tuổi (mẫu điện thoại Beeline). Lý do đơn giản là tiện dụng  và chi phí cũng rất rẻ, phù hợp với bất cứ đối tượng nào. Vậy tại sao, dù “vật vờ”, điện thoại cố định vẫn không thể thiếu và là thành tố quan trọng của nền tảng công nghệ viễn thông mới?

 

 

Ai cần dùng cố định?

 

Về hưu, cả ngày ở nhà nên nhà bác Nguyễn Thanh Liên ở 195 Lê Trọng Tấn- Thanh Xuân- Hà Nội, không muốn cắt điện thoại cố định (ĐTCĐ). Mặc dù con gái sắm cho cả các cụ đầy đủ “dế” nhưng bác Liên vẫn thích dùng ĐTCĐ vì thói quen và cũng dễ sử dụng.

 


Ảnh: Thanh Hải.

 

Trong khi đó, bạn Gia Khiêm ở Cầu Giấy- Hà Nội thì lại cho rằng giá thuê bao không đáng bao nhiêu (hơn 20.000đồng /tháng), có thể lắp đặt các dịch vụ tiện ích đi kèm như ADSL MegaVNN, MyTV... và những lúc mạng di động chập chờn, hoặc điện thoại di động hết tiền thì dùng cố định là dễ dàng và hiệu quả nhất.

 

Còn với TrầnVăn Huynh, quản lý một doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị y tế ở Phương Mai- HN có quan điểm sử dụng ĐTCĐ là công cụ thiết yếu và bắt buộc phải có. Theo anh Huynh, chi phí sử dụng cố định một tháng khá rẻ, trên dưới 100 nghìn đồng, còn nếu dùng di động anh phải trả không dưới 1 triệu đồng/tháng. Không những vậy, một cửa hàng, một doanh nghiệp cần lắp đặt ĐTCĐ để có thể sử dụng máy fax và quan trọng hơn nữa là đối tác, khách hàng sẽ tin tưởng khi có thể giao dịch qua số ĐTCĐ.

 

Như vậy, người có nhu cầu dùng cố định thường là người lớn tuổi hoặc người không quen dùng điện thoại di động. Họ không có nhu cầu gọi thường xuyên mà đa phần là chủ động gọi gia đình khi cần. Những người ít rành công nghệ, Internet cũng như người dùng ở các tỉnh, vùng quê vẫn rất ưa chuộng cố định. Họ xem cố định là phương tiện liên lạc thuận tiện, gần gũi và tiết kiệm.

 

Thế mạnh của cố định

 


Ảnh mang tính chất minh họa

 

Theo các chuyên gia viễn thông thì việc tích hợp giữa mạng điện thoại với mạng truyền số liệu hiện nay trên một nền tảng chung là mạng thế hệ mới, sử dụng giao thức IP (Internet Protocol) sẽ là xu hướng phát triển của mạng viễn thông. Khi công nghệ này phổ biến thì cả Việt Nam là một kho số chứ không phải phân vùng. Theo đó, ĐTCĐ sẽ được nâng cấp và mang một số IP nên ở bất kỳ đâu cũng có thể gọi được, không phải phụ thuộc vào đường dây. Người dùng cũng sẽ không phải trả phí thoại mà chỉ trả phí đầu số.


 

 

Ổn định, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, chất lượng và tính bảo mật cao là thế mạnh của dịch vụ điện thoại cố định.

 


Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của đường truyền kết nối băng rộng như ADSL hay FTTx (đường truyền bằng cáp quang) có tốc độ kết nối lên đến hàng trăm Gbps, thì việc tận dụng để tăng cường các dịch vụ gia tăng trên nền cố định là vô cùng lớn, hiệu quả mạnh hơn nhiều lần kết nối không dây (vốn chỉ có thể đạt vài Mbps). Ngoài ra, sự ổn định, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, chất lượng và tính bảo mật cao không bị lừa đảo, bom tin rác,… luôn là ưu thế tuyệt đối của viễn thông cố định.


 

Mặc dù hiện nay những chiếc di động bình dân cho đến smartphone liên tục được sản xuất đáp ứng nhưng ĐTCĐ vẫn rất hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp. Trong khi chất lượng đàm thoại của điện thoại di động vẫn đôi lúc phập phù, tình trạng nghẽn mạng ngày lễ, Tết vẫn xảy ra thì ĐTCĐ luôn luôn được đảm bảo thông suốt tối đa.


 

Để hết… vật vờ?

 

 

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thuê bao điện thoại phát triển mới 11 tháng năm 2011 ước đạt 10,4 triệu, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm 45,5 nghìn thuê bao cố định (giảm 77,2%) và 10,4 triệu thuê bao di động (giảm 9,5%).

 

Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 11/2011 ước đạt 131,7 triệu thuê bao, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,1% và 116,2 triệu thuê bao di động, tăng 4,9%.

 

Số người sử dụng Internet tại thời điểm cuối tháng 11/2011 ước đạt 32,3 triệu người, tăng 20,1%; trong khi số thuê bao Internet băng rộng ước đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,3%.


Tuy nhiên, nói gì thì nói, dịch vụ ĐTCĐ “yêng hùng” một thời đang thực sự “vật vờ” khi không những tăng trưởng được thuê bao mà còn suy giảm nghiêm trọng khi người dùng đang dần cắt bỏ đăng ký (giảm 77,2% so với cùng kỳ năm 2010). Điều khẳng định là dịch vụ ĐTCĐ chỉ có thể “sống” khi đi lên bằng chính các nguồn thu của mình, trong đó cần khai thác đa dịch vụ trên một đường dây điện thoại để tăng cường nguồn thu, chứ nếu chỉ đơn thuần dựa vào nguồn thu từ dịch vụ điện thoại truyền thống sẽ tự “chết mòn”.

 

Năm 2010, VNPT TP.HCM chiếm 77,6% thị phần cố định. Con số ấn tượng này cho thấy người dùng cố định vẫn rất lớn. Hiện tại, dịch vụ ĐTCĐ cũng đã trở mình khá mạnh bằng việc  các nhà cung cấp giảm giá thuê bao, lắp đặt, tăng cường các dịch vụ giá trị gia tăng tiện ích trên nền cố định. Theo đó, từ máy cố định có thể gọi đi nước ngoài rẻ tiền, tặng quà âm nhạc, tổng đài tư vấn 1080, tổng đài taxi,….các dịch vụ chọn số điện thoại, dịch vụ thu cước tiện ích hơn.

 

Bên cạnh việc gia tăng thêm nhiều dịch vụ hay trên cố định còn cần quảng bá khuyếch trương khuyến khích người dùng bằng những ưu đãi giảm cước, tặng quà, chăm sóc chu đáo thuê bao, hậu mãi tận tình… mới kéo được người dùng quay lại sử dụng.. Nhất là giảm giá cước gọi quốc tế để người dùng trong nước thoải mái, thuận tiện liên lạc với người thân ở nước ngoài là điều mà nhà cung cấp dịch vụ cần quan tâm hơn nữa.