Điện thoại

Sức sáng tạo đang bị thui chột bởi smartphone?

- iPhone khiến chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian.
- Tâm trí lúc nào cũng hướng vế chiếc smartphone nên khó có thể có ý tưởng mới.

Giống như nhiều người Việt Nam, tôi cũng là một tín đồ của Apple. Là một nhân viên có năng lực tại một công ty truyền thông, tôi hoàn toàn có thể tự sắm cho mình một chiếc iPhone hay là một chiếc smartphone Android nào đó. Tuy nhiên tôi lại có một suy nghĩ khá thâm căn cố đế "Điện thoại chỉ nên thực hiện tốt chức năng nghe gọi và nhắn tin", và vì thế tôi đã quyết định tiếp tục gắn bó với chiếc Nokia "cục gạch" mặc dù bây giờ tôi cũng chẳng còn nhớ nổi tên của nó nữa. 

Chỉ đến khi người bạn thân nhất để lại cho tôi chiếc iPhone 4 để lên đời iPhone 4S với mức giá không thể từ chối, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm những tinh hoa của thế giới công nghệ. Và tôi đã nghĩ đó quả là một trong những điều may mắn nhất mà tôi từng có. 

Tôi không phải là một chuyên gia về công nghệ nhưng cũng lờ mờ hiểu được rằng, vào thời điểm đó, iPhone 4 gần như không có đối thủ trên thị trường. Và quả thật chiếc smartphone đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và làm việc. Mọi thứ đều trơn tru và hiệu quả. Chưa khi nào thiết bị nhỏ bé kia làm tôi thất vọng. Nghe nhạc, xem phim, lướt web, take note, ghi âm, chơi game hay chụp hình đều rất tuyệt. Thậm chí, nó còn cho phép tôi thực hiện những cuộc gọi “free” ở cách xa hàng nghìn km, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ từng mơ tới. Vâng, chỉ có thể nói về chiếc điện thoại này bằng 1 từ duy nhất: tuyệt vời.

Gọi điện "free" đã từng là điều không tưởng đối với tôi.


"Thoát xác" từ một chiếc Nokia "cục gạch", cuộc sống của tôi thay đổi một cách chóng mặt. Nếu trước kia, chiếc feature phone có thể bị tôi “văng vật” khăp nơi thì nay chiếc Táo Khuyết này lại theo tôi như hình với bóng. Steve Jobs quả thực là một người khiến chúng ta khâm phục khi ông có thể chế tạo ra một thiết bị khiến cho người dùng không thể rời mắt được. Tôi giống như một "con nghiện" không thể sống nếu thiếu chiếc iPhone kia. Và rồi, tôi chợt nhận ra, hình như việc sở hữu chiếc smartphone hiện đại này không còn là may mắn đối với tôi nữa?

Theo một nghiên cứu mới đây nhất được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông O2 của Anh, trung bình chúng ta bỏ ra ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để làm bạn với chiếc smartphone. Còn đối với tôi và có thể là rất nhiều người khác, con số này ít nhất là 3 hay 4 tiếng. 2 tiếng một ngày nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu tính trong một khoảng thời gian dài, thì là quá nhiều so với quỹ thời gian ít ỏi của con người trong cuộc sống hiện đại. Hẳn bạn còn nhớ Bác Hồ của chúng ta đã dạy, mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút để học một ngôn ngữ, chỉ mât 1 năm là bạn đã có thể sử dụng được ngôn ngữ đó rồi. 

Thời gian sử dụng smartphone trung bình của người dùng (Nguồn: O2).

Và cái gì cũng có giá của nó. Công việc của tôi vốn đòi hỏi trí tưởng tượng và sức sáng tạo cao nên thường được khuyến khích “think outside the box”. Thế nhưng có vẻ như tôi chẳng còn thời gian để mà think outside the box nữa, bởi hầu hết thời gian của mình tôi đều dành cho “bên trong cái hộp” cả rồi – đó là chiếc smartphone đầy mê hoặc kia. Nhắn tin, nghe nhạc, social network hay chơi game vào bất cứ thời gian rảnh rỗi nào khiến cho tôi chẳng còn thời gian để suy nghĩ, mày mò nữa.

Bên cạnh đó, còn có một nguy hiểm “tiềm ẩn” nữa đó là khả năng kết nối Internet mọi lúc mọi nơi với thiết bị này. Khi mà truy cập Internet trở nên dễ dàng, dường như tôi lại bị phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ tìm kiếm. Khi được giao cho một nhiệm vụ mới, có lẽ việc đầu tiên của tôi không phải là mày mò, suy nghĩ xem hướng giải quyết vấn đề đó ra sao. Thay vào đó, tìm kiếm trên Google mới là ưu tiên hàng đầu của tôi. Và Google sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề nhanh hơn, nhưng khoảng thời gian bạn tiết kiệm được lại được tôi dùng để giải trí với chiếc iPhone. Và cứ như vậy, dường như tôi đã đánh mất đi khả năng suy nghĩ của mình lúc nào không hay.

Chiếc smartphone đã lấy đi sự sáng tạo của tôi.

Và kết quả đem lại thật tai hại: sau 4 tháng kể từ khi sở hữu chiếc điện thoại quỷ quái kia, công việc của tôi vẫn giậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là tệ hơn cả trước đó. Công việc thường xuyên bị dồn đống, chậm deadline hay đơn giản hơn là những cái “nhíu mày” và “lắc đầu” từ sếp. Đó là còn chưa kể tới việc thường xuyên bị nhắc nhở thiếu tập trung trong giờ làm việc, lý do là gì thì chắc là bạn cũng biết rồi đấy.
Đã đến lúc tôi phải nhìn lại mình. Tôi nên trách bản thân mình hay trách cái điện thoại nguy hiểm kia đây?

Buồn chán đâu phải lúc nào cũng xấu.
Gần đây, tôi được đọc một bài viết trên tạp chí New York Times của Peter Toohey nói về sự buồn chán. Tác giả của bài báo cho rằng sự buồn chán không hề xấu, mà trái lại đó là một yếu tố quan trọng, là chìa khóa đưa con người tới những ý tưởng mới. Con người chúng ta luôn tìm mọi cách để thoát khỏi sự buồn chán, và lúc đó, não bộ con người sẽ làm việc tích cực hơn, ý tưởng mới cũng sẽ xuất hiện dễ dàng hơn.

Nhưng sự có mặt của chiếc smartphone đầy ma lực đã khiến cho nỗi buồn chán cũng tiêu tan nhanh hơn. Buồn chán ư, đã có cả tá game di động giúp bạn thư giãn. Uể oải ư, đã có smartphone để than thở trên facebook. Rảnh rỗi một chút ư, check email xem có thông tin gì mới không nào. Đấy, bạn thấy đó, smartphone khiến chúng ta chẳng còn thừa lấy một giây phút nào trong ngày cả. Và cái vòng quay đó cứ thế tiếp tục.

Như thế, chúng ta đã tự giới hạn trí tưởng tượng và sức sáng tạo của mình lúc nào mà không hay. Chiếc smartphone đã lấp đầy mọi thời gian trống, cuốn chúng ta theo những trò chơi hay các mạng xã hội mà đúng ra, đó là thời gian dành cho những ý tưởng.  Và rồi sự sáng tạo cũng vì thế mà bị "tắt" đi lúc nào không hay.

Tất nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng, chiếc iPhone đang giải phóng con người khỏi sự nhàm chán, khiến cuộc sống thú vị hơn, năng suất lao động vì thế cũng cao hơn. Nhưng có lẽ nó chỉ thực sự có ích khi được người ta sử dụng đúng cách, mà điều này tôi lại chẳng thể nào tìm thấy ở trong sách hướng dẫn của nhà sản xuất. Giá mà nó cũng được ghi cụ thể như thuốc lá thì có phải tốt hơn không. Ước gì Steve Jobs cũng ghi cảnh báo “Sử dụng iPhone nhiều là có hại cho cuộc sống” trên vỏ chiếc iPhone thì có lẽ tôi đã không khổ sở như bây giờ.

Đã đến lúc tạm nói lời chia tay với smartphone.

Bài viết này tôi không hề có ý muốn đả kích một hãng di động nào, bởi suy cho cùng, sai lầm cũng bắt nguồn từ ý thức của chính người dùng mà thôi. Công nghệ không có lỗi, do sử dụng không đúng cách nên tôi phải gánh chịu lấy hậu quả là điều không phải bàn cãi. Có lẽ cách duy nhất đối với tôi lúc này đó là tạm thời xa lánh chiếc smartphone kia một thời gian, để tôi có thể trở lại chính mình như ngày trước. Qua đây, tôi cũng hy vọng rằng sẽ không còn ai dẫm phải "vết xe đổ" của tôi nữa. Hãy là người dùng smartphone thông thái bạn nhé. 

Theo GenK