Ứng dụng

Sự khác biệt giữa Android, iOS và Windows Phone

Tổng hợp các điểm khác biệt giữa Android, iOS và Windows Phone về: số sản phẩm bán ra, số ứng dụng, hỗ trợ 4G, NFC, công nghệ giọng nói, dịch vụ đám mây...

Thế giới di động đang biến đối không ngừng cùng với sự phát triển của các nền tảng lớn. Để cung cấp một cái nhìn tổng quan, dưới đây chúng tôi xin đưa ra một số điểm khác biệt lớn nhất giữa 3 nền tảng lớn của thị trường di động: iOS, Android và Windows Phone.

Tổng số thiết bị

Trước khi đi sâu vào các đặc điểm cụ thể của mỗi hệ điều hành, một trong những điểm quan trọng nhất là số thiết bị chạy hệ điều hành đó. Nền tảng Android vốn được phân phối tự do nên có số lượng thiết bị lớn nhất, trong thực tế khó thống kê được chính xác con số này. Hiện tại, có hàng trăm thiết bị Android của các hãng sản xuất lớn như: Samsung, Motorola, HTC, LG, Sony Ericsson, Acer, Asus, Amazon, Barnes & Noble, Toshiba. .

Tổng số ứng dụng

iOS dẫn đầu về số lượng ứng dụng. Điều này không chỉ có nghĩa số lượng ứng dụng tại App Store nhiều hơn trên Android Market, mà iOS còn có nhiều ứng dụng chất lượng hơn, và ít ứng dụng “rác” hơn Android Market. Điều này có thể sẽ thay đổi khi một lượng lớn các thiết bị Android đang trên đà chiếm đa số thị phần.

Marketplace của Windows Phone là “non trẻ” nhất và chưa được sử dụng rộng rãi như iOS và Android. Số lượng hơn 50.000 của Windows Phone vẫn còn rất “khiêm tốn”.

Ứng dụng tối ưu hóa cho máy tính bảng

Không phải điều ngẫu nhiên khi iPad có nhiều ứng dụng được tối ưu hóa cho máy tính bảng nhất. Máy tính bảng Android đạt doanh số không mấy khả quan một phần vì có ít ứng dụng. Điều đó sẽ có thể thay đổi nếu thị phần của tablet Android gia tăng (một phần nhỏ nhờ Kindle Fire) và thu hút các nhà phát triển. Nhưng hiện tại thư viện ứng dụng của iPad hoàn toàn chiếm ưu thế.

Điều đáng lưu ý là cả iPad và máy tính bảng Android đều có thể chạy các ứng dụng của smartphone. Tuy nhiên, các ứng dụng smartphone Android chạy trên tablet Android đem lại hình ảnh tốt hơn các ứng dụng iPhone chạy trên iPad, một phần vì màn hình iPad có số lượng pixel lớn hơn rất nhiều so với iPhone.

Hiện chưa có máy tính bảng chạy Windows Phone. Microsoft đang chuẩn bị Windows 8 cho các thế hệ máy tính bảng tương lai.

Hỗ trợ ứng dụng chưa phê duyệt của hãng thứ ba

 

Người dùng bình thường có thể không lo lắng về vấn đề này, nhưng nếu bạn chú ý đến quyền tự do cài đặt phần mềm, đây sẽ là điểm đáng lưu ý.

Apple và Microsoft đều áp dụng chiến lược “walled garden” (bức tường bảo mật), theo đó các ứng dụng cần trải qua một quy trình phê duyệt trước khi được hoạt động trên các thiết bị iOS hoặc Windows Phone. Trong khi đó, Android Market mở cửa cho hầu hết các ứng dụng (tất nhiên trừ những nội dung bị phát hiện chứa mã độc), bạn có thể cài đặt các ứng dụng thứ ba bằng cách tải về từ mạng Internet.

Để tải các ứng dụng chưa kiểm duyệt về iOS hoặc Windows Phone, bạn phải tiến hành jailbreak (bẻ khóa thiết bị). Một số ứng dụng Android cũng cần “root” (chiếm quyền quản trị gốc) thiết bị trước khi cài đặt.

4G

Hiện tại Android đang là "ông vua" 4G với chiếc điện thoại 4G đầu tiên là HTC EVO 4G, và điện thoại LTE đầu tiên là HTC Thunderbolt. Ngoài ra còn rất nhiều các sản phẩm khác.

Windows Phone có 3 thiết bị 4G, đó là Samsung Focus S 4G, Samsung Focus Flash 4G, và HTC Radar 4G.

Phiên bản iPhone tiếp theo (thường được gọi là iPhone 5) có khả năng sẽ hỗ trợ LTE, và các dòng sản phẩm Windows Phone cũng sẽ theo xu hướng này. Một nhược điểm rất lớn của các thiết bị LTE hiện tại là chúng ngốn pin kinh khủng.

Dịch vụ đám mây

Một trong những bước đột phá của năm 2011 là “đám mây” cho phép chúng ta lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ từ xa. Việc này giúp tiết kiệm dung lượng ổ đĩa và dễ dàng đồng bộ nhiều thiết bị.

Google không xa lạ gì với đám mây, với Gmail và rất nhiều các dịch vụ trên nền tảng web (Google Music, Google Docs, Google Voice). Bên cạnh đồng bộ địa chỉ liên lạc và cho phép sao lưu số một số ứng dụng, Android vẫn chưa có dịch vụ đám mây tích hợp. Tuy nhiên, người dùng Android có thể sử dụng các ứng dụng của hãng thứ ba như Dropbox hoặc Box.net.

Trong buổi ra mắt iOS 5 vừa qua, dịch vụ lưu trữ trực tuyến iCloud cũng được giới thiệu, cho phép đồng bộ dữ liệu - ảnh, nhạc, địa chỉ liên lạc, bản ghi nhớ, đánh dấu trình duyệt (bookmark), tài liệu, lịch làm việc và nội dung một số ứng dụng thứ ba - giữa các thiết bị iOS và máy tính Mac. Ngoài ra, bạn cũng có thể sao lưu toàn bộ thiết bị thông qua iCloud. Với tính chất đơn giản và dễ sử dụng, iCloud là dịch vụ đám mây tiên tiến nhất hiện nay.

SkyDrive là dịch vụ đám mây của Microsoft, nhưng không được liền mạch và tự động như iCloud. Thậm chí SkyDrive còn không được cài đặt sẵn trên Windows Phone, mà phải được tải về từ Marketplace. Giống như các dịch vụ của hãng thứ ba như Dropbox, SkyDrive, SkyDrive là dịch vụ lưu trữ hơn là dịch vụ đồng bộ hóa tự động. Nó yêu cầu việc các thao tác thủ công bằng tay.

Điều khiển bằng giọng nói

Từ lâu, Android và Windows Phone đã bước chân vào công nghệ điều khiển bằng giọng nói, nhưng chính Apple mới là người tạo ra tiếng vang với Siri.

Nhiều thông tin cho rằng Google đang chuẩn bị đưa ra “câu trả lời” dành cho Siri, nhưng hiện tại, “trợ lí ảo” Siri của Apple vẫn thuộc “đẳng cấp” cao hơn so với Voice Commands của Android hoặc Tellme của Microsoft. Siri cho phép bạn đưa ra câu lệnh bằng ngôn ngữ tự nhiên.

Siri dĩ nhiên chưa hoàn hảo và cần tiếp tục được cải tiến trong vài năm tới. Tuy nhiên, điểm nổi bật của Siri là ứng dụng này tạo cho người dùng cảm giác về một cuộc đối thoại, khiến bạn không phải nhớ một lô những câu lệnh cứng nhắc cụ thể.

Đa nhiệm

Trong khi sử dụng phương pháp khác nhau, tất cả ba nền tảng đều hỗ trợ đa nhiệm. Nhiều người cho rằng chỉ Android mới cung cấp đa nhiệm, nhưng trong thực tế, trải nghiệm chuyển giữa các ứng dụng trên iOS và Windows Phone cũng tương tự.

Điều hướng

Cả ba nền tảng đều cung cấp nhiều lựa chọn điều hướng GPS, nhưng Android có lợi thế lớn nhất. Google Maps Navigation rất tuyệt vời, tích hợp với Voice Commands của Android và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều ứng dụng điều hướng giá rẻ hoặc miễn phí cho cả 3 nền tảng, nhưng ít ứng dụng nào sánh được với dịch vụ của Google.

Tìm kiếm

Là nền tảng của Google, Android đi liền với Google Search. Tương tự, Windows Phone đi kèm với Bing của Microsoft.

Riêng iOS yêu cầu bạn mở trình duyệt để tìm kiếm. Công cụ tìm kiếm mặc định của iOS là Google, nhưng bạn vẫn có thể thay đổi bằng Yahoo hoặc Bing.

Thiết bị lõi kép

Ngoài LTE và đám mây, 2011 còn là năm chứng kiến sự ra đời của thiết bị di động lõi kép. Giống như 4G, Android có rất nhiều thiết bị dẫn đầu xu hướng này. Chúng ta có thể đếm số lượng chính xác các thiết bị lõi kép chạy Android, nhưng chỉ sau 2 tuần con số đó sẽ trở nên lỗi thời.

iPad 2 và iPhone 4S của Apple đều có chip A5 lõi kép. Windows Phone hiện vẫn chưa có thiết bị lõi kép nào.

Ứng dụng bàn phím của hãng thứ ba

 

 

Đối với nhiều người, việc soạn thảo với bàn phím ảo quả là rắc rối. Hiện nay, Android là nền tảng duy nhất cho phép bạn tùy chỉnh bàn phím ảo trên màn hình. Ngoài bàn phím Android mặc định (hoặc bàn phím mặc định của nhà sản xuất thiết bị), bạn có thể lựa chọn cài đặt các loại bàn phím khác như Swype, SlideIt, Swiftkey, hoặc 8pen.

NFC

Trong khi NFC – giao tiếp trường gần (thường được dùng cho thanh toán di động) chưa được hỗ trợ bởi nhiều hãng bán lẻ, đây vẫn là một tính năng hấp dẫn của các loại smartphone tương lai.

Hiện tại, Android đã có một số điện thoại gắn chip NFC (như Galaxy Nexus và Nexus S). Hai nền tảng còn lại chưa có thiết bị nào.