Blog công nghệ

"Sống ảo - Chết thật!"

Chỉ trong thời gian ngắn, những trò đùa trên mạng xã hội Facebook đã trực tiếp gây nên 2 vụ tự tử của các nữ sinh.


 

FAcebook harmful

Mạng xã hội ảo đang đem đến nhiều phiền toái và hiểm họa cho cuộc sống thật


Gần ngày thi tốt nghiệp, mẹ của U.N thấy bạn nằm ngất lịm trên giường, gia đình đã khẩn cấp đưa đi cấp cứu. N. may mắn khi gia đình phát hiện sớm và qua khỏi cơn nguy hiểm. N. cho biết mình uống thuốc an thần tự mua ở quầy thuốc tây để quyên sinh sau khi bị trang Facebook này liên tục đăng bài liên tục xuyên tạc, hù dọa, dựng chuyện, xúc phạm danh dự. N. bị dựng chuyện có con khi đang học, đi học kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng.

 

FAcebook harmful

Nội dung xuyên tạc của FanPage


“Bài viết vừa lên mấy ngày thì con tôi nhận được nhiều tin nhắn bạn bè thông báo. Cháu bị suy sụp tinh thần sinh ra nghĩ quẩn. May mà gia đình kịp thời phát hiện, nếu không đến giờ tính mạng khó giữ”, bà Ch. nói.

Kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học vừa rồi, N. bị ảnh hưởng tâm lý nặng. Bà Ch. cho biết gia đình động viên, khuyên cháu giảm áp lực, nhưng liên tục những ngày sau đó, những thành viên trên trang FB này viết bài hù dọa khiến N. chưa thể bình tâm.

Trong thư, bà Ch. tha thiết “hi vọng PV vào cuộc, tìm ra ai là người lập ra trang này để xử lý theo pháp luật. Bởi vì không riêng con gái tôi, mà còn rất nhiều các em học sinh khác bị lên án, nói xấu, lăng mạ… Những trang như thế này còn cướp đi tính mạng của bao nhiêu em học sinh nữa đây”.

Trò đùa mạng ảo - Hiểm họa thực

Truy cập địa chỉ FB “Bộ Mặt Thật Của Các Hot teen Đà Thành”, lượng thành viên nhấn like lên đến gần 17.000 người. Tất cả các bài viết của người viết ẩn danh đều có nội dung thóa mạ, lời lẽ tục tĩu nhằm vào một nhân vật nhất định để thu hút lượng “like”, bình luận.

Nguyễn Thị Phương Tr. (21 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) – nạn nhân bị thóa mạ trên FB này, kể vài ngày trước, em được bạn bè nhắn tin bảo đang bị trang FB này nói xấu. Lúc vào, em mới biết nội dung không chính xác, có ý đồ xấu.

 

 

Theo nội dung status này, Tr. bị “vạch trần” là Hotgirl Thái Phiên (trường THPT Thái Phiên), đi Vespa nhưng thực ra chỉ “là dạng bu đít bám mông, từng có lúc buôn bán tóc nối, thiếu tiền và mang xe điện mình đi cầm cố nhưng về nói dối “bị mất cắp”; bỏ nhà theo trai “là em trai của 1 chị mình quen.

Chị ấy kể lại là bạn PT này lì hơn đĩa (đỉa), không thích mà cứ bu bám mãi, bị người ta chửi… rồi về nhà doạ tự tử nhảy lầu”. Ngay khi đăng, lượng truy cập và các bình luận status trên Facebook này có đến hơn 250 người “like” và hàng chục câu bình luận kiểu “đánh hội đồng”. Tr. bức xúc: sự việc em bị mất xe, có công an trên địa bàn lập biên bản, xử lý đối tượng ăn trộm. Em không ngờ lại có người ác ý, xuyên tạc để bêu xấu, sỉ nhục.

Tr. hiện là sinh viên và chủ một shop quần áo, đồ lưu niệm như FB nêu. Theo bà Đỗ Thị Phương T.- mẹ Tr., mấy ngày nay con bà suy sụp nặng nề. Rõ ràng đây không phải là một trò đùa, mà có ý đồ hẳn hoi.

Cần điều tra làm rõ

Gia đình Phương Tr. và U.N. đã gửi đơn đến Phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an TP Đà Nẵng) nhờ xác minh, làm rõ “bộ mặt thật” của những “kẻ giấu mặt” trên trên trang Facebook  biến thái này. Theo bà Ch., qua tìm hiểu, trang Facebook này do một đám thanh niên lập ra, hoạt động bằng cách hễ cứ có các em thiếu niên ghét nhau, đánh nhau ngoài đời thì sẽ lên trang này gửi tin nhắn vào cho các admin.

Những admin giấu mặt sẽ đăng lên trên tường để mọi người hùa vào “ném đá”, lăng mạ. Phần lớn đối tượng được dựng chuyện trên status là học sinh, thậm chí có cả giáo viên. Các bài viết đến nội dung bình luận phần lời đều có từ ngữ tục tĩu, chửi bới xúc phạm.

Những dòng trạng thái "khó nuốt" được đăng tải trên FanPage

 

Theo Thượng tá Trần Đình Mười, Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ (CATP Đà Nẵng), cơ quan chức năng đang tiến hành vào cuộc làm rõ vấn đề. Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ pháp Đà Nẵng cho hay, để đăng ký, truy cập FB không có nhiều điện kiện bắt buộc nên dễ sinh ra những biến tướng nguy hại và lợi dụng vì những mục đích khác nhau.

Lãnh đạo Công an phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho hay, đơn vị đã tiếp nhận một số trường hợp gia đình báo tin con cái mất tích do bị bạn bè trên các trang mạng, Facebook  rủ rê. Mới đây, cuối tháng 5/2013, cháu N. (15 tuổi, Hòa Hiệp Bắc) bị bạn trai quen biết trên FB tên là Đ. (1993, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, tạm trú tổ 101, Hòa Hiệp Bắc), rủ trốn nhà lên ở phòng trọ cùng Đ. Tiêu hết tiền, ngày 31/5, N. điện thoại cho chị gái đem tiền đến tại một địa điểm ở cùng phường để đưa cho mình, và được “giải cứu” kịp thời.

 

FAcebook

 

Trước đó một sự việc đau lòng khác đã xảy ra khiến cư dân mạng sững sờ và đau lòng khi nữ sinh Nguyễn Thị Chầm Linh (sinh năm 1995), vừa tốt nghiệp lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook làm trò đùa, Linh đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vào rạng sáng ngày 27/6 vừa qua. Sau mấy ngày điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, dù được các y bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng do lượng thuốc mà Linh đã uống khá nhiều, nên mọi hi vọng đã không còn. Đến ngày 30/6, gia đình đón Linh về. Đến 6h sáng ngày 1/7 thì Linh trút hơi thở cuối cùng.

Bức thư của nạn nhân uống thuốc sâu tự tử sau khi bị đem ra chế ảnh trên Facebook

 

Sự nở rộ của mạng xã hội đem đến nhiều tiện ích không thể chối bỏ, giúp con người tiếp cận thông tin nhanh hơn, xóa nhòa khoảng cách địa lý. Nhưng bên cạnh đó còn tồn tại những hệ lụy, những tác động tiêu cực đến cuộc sống thực từ chính những trò đùa tưởng như vô hại trên mạng ảo. 

 

Mời bạn đọc thêm: Facebook bị chặn – Nên mừng nhiều hơn lo